Sau hơn 1 năm rưỡi thành lập, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (ANM-PCTPCNC) Công an TP Hồ Chí Minh đã chủ động tập trung phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả loại tội phạm sử dụng công nghệ cao, thực hiện tốt nhiệm vụ đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội (TTATXH) tại Việt Nam nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng.
Triệt phá các vụ án lớn phải kể đến vụ án do đơn vị phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự và các phòng liên quan điều tra, triệt phá đường dây tổ chức đánh bạc và đánh bạc trên không gian mạng có số lượng tiền giao dịch “khủng” - hơn 87.600 tỷ đồng, tương đương khoảng 3,8 tỷ USD (chỉ tính tiền con bạc tham gia, chưa tính tiền đối ứng của nhà cái) do các đối tượng Huỳnh Long Bạch, Huỳnh Long Nhu, Phạm Thị Mai Ngân và Nguyễn Đắc Quý cầm đầu, điều hành.
Trong vụ án này, cơ quan Công an đã đề nghị truy tố 43 bị can. Đường dây đánh bạc qua mạng này được đánh giá là lớn nhất từ trước tới nay do Công an thành phố triệt phá. Đường dây tội phạm này hình thành nhiều nhánh, phân cấp nhiều tầng, nhiều đại lý, tổ chức đánh bạc chặt chẽ với quy mô lớn, phát triển ở khắp các tỉnh, thành trong cả nước giống như hoạt động kinh doanh đa cấp, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình ANTT, đời sống kinh tế - xã hội của người dân trên địa bàn TP Hồ Chí Minh cũng như cả nước.
Đại tá Nguyễn Thế Lâm, Trưởng phòng ANM-PCTPCNC cho biết, dưới sự chỉ đạo trực tiếp và sát sao của Ban Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh, Ban chuyên án đã tìm hiểu, thu thập chứng cứ và lên phương án bắt giữ các đối tượng... Yếu tố quan trọng nhất để có thể triệt phá được đường dây đánh bạc này là cơ quan Công an phải thu thập được các chứng cứ điện tử từ các trang web mà các đối tượng dùng để đánh bạc.
Theo Đại tá Nguyễn Thế Lâm, trong quá trình điều tra, phá án, Ban chuyên án đã gặp không ít khó khăn về phương tiện, thiết bị và cả những vấn đề tuân thủ pháp luật về an ninh mạng của các nhà cung cấp mạng cũng như các ngân hàng.
Phương thức hoạt động của các đối tượng này rất tinh vi, bí mật, thay đổi thủ đoạn đặt cược thông qua việc sử dụng tiền Việt để mua các loại tiền điện tử (Etherum, USDT, TRON...), liên kết với các sàn tài chính để quy đổi, nạp/rút tiền cũng gây khó khăn cho công tác đấu tranh, xử lý…
Không chỉ vụ án này mà với các vụ án thuộc lĩnh vực an ninh mạng khác, hầu hết việc lần tìm đối tượng đều thông qua việc áp dụng công nghệ. Từ công tác thu thập hình ảnh, dữ liệu đến công tác phân tích hình ảnh, dữ liệu và những thông tin liên quan đều được thực hiện một cách tỉ mỉ, cẩn trọng. Bên cạnh công việc truy tìm đối tượng gây án, công tác điều tra, trinh sát trên không gian mạng đòi hỏi cán bộ phải thuần thục kỹ năng, thành thạo công nghệ để thu thập chứng cứ số. Đáng nói việc thu thập chứng cứ trên không gian số nếu không được thực hiện một cách kịp thời, bài bản, đúng với quy định thì khi bắt giữ đối tượng sẽ gặp khó trong việc củng cố hồ sơ phục vụ công tác điều tra.
Trong hơn một năm rưỡi hoạt động, Phòng ANM-PCTPCNC đã phát hiện, xác minh làm rõ, tổ chức truy xét, phối hợp với các đơn vị và các địa phương khởi tố hình sự 159 vụ (139 bị can), xử lý vi phạm hành chính 16 vụ. Trong đó, đáng chú ý đã xác lập, đấu tranh và triệt phá thành công một số chuyên án nổi bật, như: Đường dây tổ chức đánh bạc trực tuyến “khủng” và đường dây lợi dụng chức vụ, quyền hạn để cung cấp dịch vụ tiêm vaccine COVID-19 trái phép, trục lợi bất chính. Phát hiện, phối hợp xử lý hàng trăm trường hợp có hoạt động đăng tải thông tin bịa đặt, sai sự thật, xuyên tạc chủ trương, chính sách phòng, chống dịch COVID-19; đặc biệt khởi tố 1 vụ án, 1 bị can có hành vi đăng tải thông tin sai sự thật về tình hình dịch bệnh COVID-19…
Phòng ANM-PCTPCNC cũng đã phát hiện, tổ chức xác minh làm rõ, mời làm việc, đấu tranh răn đe 46 đối tượng có hoạt động đăng tải thông tin xấu độc trên không gian mạng. Điển hình là khởi tố bị can Nguyễn Phương Hằng và xử phạt hành chính, lập hồ sơ răn đe hàng chục đối tượng liên quan trong việc hỗ trợ truyền thông, tham gia các buổi livestream, youtuber ủng hộ Nguyễn Phương Hằng đăng tải thông tin xấu độc); đã xác minh làm rõ, trao đổi đề nghị Công an các đơn vị, địa phương tiến hành xử lý 8 đối tượng theo chức năng, thẩm quyền…
Phòng ANM-PCTPCNC cũng đã tổ chức phối hợp, hỗ trợ Công an các đơn vị, địa phương, cung cấp thông tin, tài liệu, dữ liệu, chứng cứ điện tử... có giá trị phục vụ công tác nắm tình hình, điều tra, xử lý đối tượng của các đơn vị nghiệp vụ, cơ quan điều tra các cấp trong Công an thành phố…
Nhằm tăng cường công tác phòng ngừa, kịp thời ngăn chặn, đấu tranh, xử lý các đối tượng xâm phạm an ninh, an toàn thông tin, Phòng ANM-PCTPCNC đã tham mưu Ban Giám đốc Công an thành phố báo cáo và trình UBND thành phố quyết định thành lập Tiểu ban An toàn, An ninh mạng thành phố. Trong đó, Phòng ANM-PCTPCNC đóng vai trò thường trực, trực tiếp tham mưu các vấn đề liên quan để xây dựng, kiện toàn, thực hiện các công tác để đảm bảo hiệu quả hoạt động, phát huy vai trò của Tiểu ban trong đảm bảo an ninh, an toàn thông tin trên địa bàn thành phố.
Bên cạnh triển khai các mặt công tác Công an, ngày 15/12/2021, Phòng ANM-PCTPCNC chính thức công khai trang mạng xã hội trên ứng dụng Facebook với tên gọi: “Phòng ANM-PCTPCNC - Công an TP Hồ Chí Minh” và kênh Youtube “Phòng ANM&PCTPSDCNC - CATPHCM” nhằm mục đích tuyên truyền pháp luật và các quy định, kiến thức có liên quan đến an ninh mạng, bảo vệ an toàn, an ninh thông tin, bảo mật dữ liệu cá nhân, dữ liệu số trong quá trình tham gia mạng Internet đến quần chúng nhân dân; cảnh báo, phòng ngừa những phương thức, thủ đoạn của tội phạm sử dụng công nghệ cao...
Dù là đơn vị trực tiếp chiến đấu, nhưng Phòng ANM-PCTPCNC cũng phục vụ các đơn vị khác khi có yêu cầu tấn công trấn áp tội phạm, xử lý các hành vi vi phạm liên quan trên mạng và hỗ trợ các đơn vị khác ở trong và ngoài ngành…
Theo Đại tá Nguyễn Thế Lâm, trong thời gian tới, tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao sẽ ngày càng gia tăng cả về số lượng và phương thức hoạt động ngày càng tinh vi, nguy hiểm hơn. Do đó, Phòng sẽ tiếp tục tổ chức nắm chắc, phân tích và dự báo sát tình hình trên không gian mạng theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Đồng thời, tiếp tục tổ chức đấu tranh quyết liệt, trấn áp mạnh các loại tội phạm sử dụng công nghệ cao xâm phạm an ninh quốc gia, TTATXH. Trong đó, tập trung một số loại tội phạm gây bức xúc trong quần chúng nhân dân, như: Tội phạm tổ chức đánh bạc, đánh bạc qua mạng, hoạt động “tín dụng đen” trên mạng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản lợi dụng đầu tư theo mô hình đa cấp, hoạt động của các sàn giao dịch tiền ảo, vàng, ngoại hối trái phép; hoạt động quảng cáo trực tuyến liên quan đến cờ bạc, vũ khí, vật liệu nổ, mua bán thực phẩm chức năng giả...
Nguồn: cand.com.vn
-
Untitled Document -
-
-
Đang online: 1 Hôm nay: 5116 Trong tuần: 50826 Trong tháng 399809 Tất cả: 16549101