Với hành vi phạm tội đã gây ra, họ đã bị pháp luật xử lý bằng những bản án nghiêm khắc. Tuy nhiên, còn một thực tế là quá trình thi hành phần dân sự trong các bản án tham nhũng lại rất khó khăn, thậm chí có những vụ án không thi hành án được, hoặc có thi hành được thì số tiền thu về cho Nhà nước lại không đáng kể.
Một trong những vụ án điển hình là đường dây đánh bạc online nghìn tỷ liên quan đến Phan Sào Nam (cựu Chủ tịch HĐQT Công ty VTC online) và Nguyễn Văn Dương (cựu Chủ tịch HĐQT Công ty Đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao - CNC) và đồng phạm thưc hiện. Trong vụ án này, tòa tuyên buộc Phan Sào Nam phải thi hành án số tiền lên tới 1.475 tỷ đồng. Đến thời điểm này, Phan Sào Nam đã thi hành án hơn 1.384 tỷ đồng. Còn đồng phạm với Phan Sào Nam là Nguyễn Văn Dương bị tuyên phải thi hành án số tiền 1.655 tỷ đồng, nhưng việc giải quyết thi hành án với Dương còn gặp nhiều khó khăn. Cho đến nay, số tiền thi hành án mới thu hồi được của Dương là 315 tỷ đồng.
Người từng giữ chức vụ cao sau khi "ngã ngựa" phải hầu toà nhiều nhất là ông Đinh La Thăng (cựu Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, cựu Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PVN). Ở vụ án thứ nhất, ông Thăng bị tuyên phạt 13 năm tù về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", và bị buộc phải bồi thường 30 tỷ đồng. Ở vụ án thứ hai, ông Thăng bị tuyên 18 năm tù về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", buộc phải bồi thường 600 tỷ đồng.
Ở vụ án thứ ba, ông Thăng bị tuyên phạt 10 năm tù về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí". Ở vụ án thứ tư, ông Thăng bị tuyên phạt 11 năm tù về tội "Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng", buộc bồi thường hơn 200 tỷ đồng.
Như vậy, từ khi bị bắt vào tháng 7/2017, sau 4 bản án đã tuyên, ông Thăng phải thi hành tổng hình phạt 30 năm tù (mức án tù cao nhất có thời hạn), và bị buộc bồi thường tổng cộng 830 tỷ đồng. Nhưng đến nay, việc thi hành án số tiền 830 tỷ đồng với ông Thăng là rất khó khăn.
Cựu Tổng Giám đốc Ngân hàng Oceanbank Nguyễn Xuân Sơn từng được chú ý trong việc bồi thường khắc phục hậu quả vụ án. Năm 2017, ông Sơn bị Toà án cấp sơ thẩm tuyên án tử hình vì tham ô số tiền 49 tỷ đồng của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). Số tiền trên được trích từ 20% của 246 tỷ đồng mà cựu Chủ tịch HĐQT Oceanbank Hà Văn Thắm đã chi lãi ngoài cho PVN thông qua ông Sơn, theo tỷ lệ 20% nắm giữ cổ phần của PVN.
Tại phiên tòa phúc thẩm diễn ra vào tháng 5/2018, một người bạn doanh nhân của ông Sơn đã bỏ ra 32 tỷ đồng để mong cứu ông Sơn thoát án tử hình. Trước đó, vợ ông Sơn đã giúp chồng nộp số tiền 5 tỷ đồng. Như vậy, ông Sơn có 37 tỷ để khắc phục hậu quả.
Chiều 4/5/2018, Toà án cấp phúc thẩm đã tuyên y án sơ thẩm đối với ông Sơn. HĐXX cấp phúc thẩm nhận thấy, ông Sơn còn rất nhiều tài sản nhưng đang bị kê biên, do ông Sơn có ý thức khắc phục hậu quả nên HĐXX phúc thẩm kiến nghị cơ quan thi hành án hướng dẫn, phân định để gia đình ông Sơn có điều kiện khắc phục hậu quả. Đồng thời HĐXX phúc thẩm kiến nghị Chánh án TAND tối cao xem xét, giảm án cho ông Sơn từ tử hình xuống chung thân.
Lý giải vì sao có căn cứ chuyển hình phạt nhưng HĐXX cấp phúc thẩm không quyết định mà phải kiến nghị Chánh án TAND Tối cao xem xét, Trung tướng Trần Văn Độ, nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao, nguyên Chánh án Toà án Quân sự Trung ương chỉ ra rằng, tại khoản c, Điều 40 BLHS năm 2015 về hình phạt tử hình quy định: Người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn thì không thi hành án tử hình với họ. Khi đó, Chánh án TAND Tối cao chuyển hình phạt tử hình sang hình phạt tù chung thân.
Trường hợp thoát án tử hình từng nhiều lần được nhắc đến là ông Dương Chí Dũng (cựu Chủ tịch HĐQT Vinalines). Năm 2014, ông Dũng bị Tòa án cấp phúc thẩm tuyên y án tử hình vì tham ô tài sản, buộc phải bồi thường 110 tỷ đồng. Bản án xác định, tài sản của ông Dũng được kê biên để bảo đảm thi hành án gồm 1/2 giá trị căn nhà tại phố Nguyên Hồng, là tài sản chung của vợ chồng ông Dũng; căn chung cư cao cấp tại dự án Sky City 88 Nguyễn Chí Thanh và căn chung cư Pacific trên phố Lý Thường Kiệt.
Trong cuộc họp báo diễn ra năm 2017, Cục trưởng Thi hành án dân sự TP Hà Nội khi đó cho biết, ngoài số tiền mà gia đình ông Dương Chí Dũng đã nộp, Cục Thi hành án thành phố đã xử lý xong toàn bộ số tài sản mà bản án đã kê biên. Được biết sau đó, do khắc phục hậu quả nên ông Dương Chí Dũng đã được giảm án từ tử hình xuống chung thân.
Trong các vụ án tham nhũng, số tiền phải bồi thường khắc phục hậu quả thường rất lớn, nhiều trường hợp phải đến phút chót mới chịu đền tiền khắc phục hậu quả để được giảm án. Gần đây nhất là trường hợp ông Nguyễn Đức Chung (cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội). Tại phiên tòa phúc thẩm vụ mua bán chế phẩm Redoxy-3C diễn ra tháng 6/2022, trước và trong phiên tòa, ông Chung một mực kêu oan, đồng thời không thừa nhận nghĩa vụ bồi thường thiệt hại 25 tỷ đồng như nội dung bản án sơ thẩm đã tuyên.
Đại diện Viện Kiểm sát đề nghị HĐXX phúc thẩm tuyên y án 8 năm tù đối với ông Chung về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ". Tuy nhiên, trước khi HĐXX nghị án, ông Chung đột ngột thay đổi thái độ, từ kêu oan sang nhận trách nhiệm về phía mình. Cùng với đó, chị gái ông Chung đã thay ông Chung bồi thường thiệt hại 10 tỷ đồng. Vợ ông Chung sau đó cũng giúp ông nộp khắc phục hậu quả 15 tỷ đồng.
Trước thái độ tích cực của ông Chung, đại diện Viện Kiểm sát đã thay đổi quan điểm khi đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho ông Chung. Xác định ông Chung có thái độ thành khẩn, khắc phục hoàn toàn hậu quả, HĐXX cấp phúc thẩm giảm án cho ông Chung từ 8 năm tù xuống còn 5 năm tù. Quyết định đúng đắn vào phút chót đã giúp ông Chung được giảm 3 năm tù, đồng thời được Toà tuyên hủy kê biên 3 bất động sản.
Trong vụ án xảy ra ở Công ty AVG của Phạm Nhật Vũ, cơ quan tố tụng xác định, cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son đã nhận hối lộ số tiền 3 triệu USD của Vũ trong thương vụ MobiFone mua cổ phần AVG. Nhưng quá trình xét xử, ông Son không nhận tội. Đại diện Viện Kiểm sát đã đề nghị HĐXX tuyên phạt ông Son tử hình về tội nhận hối lộ. Sau đó, ông Son đã nhận tội, nhận trách nhiệm và vận động gia đình khắc phục toàn bộ hậu quả nên Toà tuyên án chung thân với ông Son. Vụ án MobiFone mua cổ phần AVG gây thiệt hại trực tiếp cho MobiFone số tiền hơn 6.590 tỷ đồng cũng là vụ án điển hình về số tiền được khắc phục hoàn toàn.
Nguồn: cand.com.vn
-
Untitled Document -
-
-
Đang online: 1 Hôm nay: 2870 Trong tuần: 12335 Trong tháng 163244 Tất cả: 17256808