Hãng tin AP ngày 30/10 ghi nhận 33 xe tải chở theo nước sạch, thực phẩm và thuốc men đã tiến qua cửa khẩu Rafah ở biên giới Ai Cập đi vào Dải Gaza, trở thành đoàn xe cứu trợ quốc tế quy mô lớn nhất được phép tiếp cận khu vực này kể từ thời điểm xung đột giữa Israel và lực lượng quân sự Hamas nổ ra cách đây hơn 3 tuần.
Sau khi hoạt động cứu trợ khởi động hôm 21/10, đã có tổng cộng 117 xe tải chở nhu yếu phẩm thiết yếu đi vào Dải Gaza, theo New York Times. Tuy nhiên, các tổ chức cứu trợ quốc tế cảnh báo chừng đó hàng hóa là không thể đủ để phục vụ hàng trăm ngàn người Palestine đang sinh sống trong tình cảnh vô cùng khó khăn, đồng thời ước tính cần ít nhất 100 chuyến xe tải mỗi ngày để đáp ứng nhu cầu tối thiểu nhất ở Dải Gaza.
Israel phong tỏa toàn diện Dải Gaza từ ngày 9/10. Cách đây hai hôm, Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ), với 193 quốc gia thành viên, đã thông qua nghị quyết kêu gọi một thoả thuận ngừng bắn nhân đạo ngay lập tức, lâu dài và bền vững nhằm chấm dứt xung đột, hối thúc tất cả các bên ngay lập tức tuân thủ nghĩa vụ của mình theo luật nhân đạo và nhân quyền quốc tế ở Dải Gaza; đồng thời yêu cầu đảm bảo việc cung cấp nhu yếu phẩm “liên tục, đầy đủ và không bị cản trở” tới tận tay dân thường.
Tuy nhiên, bất chấp lời kêu gọi của cộng đồng quốc tế, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) ngày 27/10 phát động cuộc tấn công trên bộ quy mô lớn vào Gaza, song song với chiến dịch không kích không ngừng nghỉ. Tính đến chiều 30/10, 8.005 người đã thiệt mạng ở Dải Gaza, chủ yếu là dân thường, hơn 22.000 người bị thương. Về phía Israel, nước này ghi nhận hơn 1.400 người thiệt mạng và khoảng 220 người khác bị bắt cóc.
Dù Israel “bật đèn xanh” để hàng viện trợ nhân đạo đi vào Dải Gaza nhưng không cho phép đưa nhiên liệu vào khu vực với lí do lo ngại chúng bị Hamas sử dụng. Thiếu thuốc, thiếu điện và không được bổ sung nhiên liệu, hệ thống y tế ở Dải Gaza tê liệt. Cuối tuần qua, mạng viễn thông và internet trên khắp Dải Gaza gián đoạn 34 giờ liên tục, khiến 2,3 triệu người Palestine sinh sống ở đó không có cách nào liên lạc hoặc kết nối với thế giới bên ngoài. New York Times mô tả các nhân viên y tế buộc phải lái xe lao về hướng tiếng nổ để tìm người bị thương, bởi nạn nhân không thể gọi cấp cứu.
Các tổ chức cứu trợ quốc tế khẳng định ngừng bắn là cách thức duy nhất lúc này để phân phối viện trợ an toàn và trợ giúp dân thường ở Gaza. Reuters ngày 29/10 dẫn tuyên bố của Cơ quan Cứu trợ người tị nạn Palestine LHQ (UNRWA) mô tả tình hình ở Dải Gaza đang tiến đến hỗn loạn khi hàng ngàn người dân đột nhập nhà kho, trung tâm phân phối để giành ngũ cốc, bột mì và “những vật phẩm sinh tồn cơ bản”. UNRWA đang vận hành 150 cơ sở lưu trú cho khoảng 613.000 người Palestine bị buộc phải rời bỏ nhà cửa do xung đột. Tổ chức trực thuộc LHQ này cũng bày tỏ lo ngại năng lực giúp đỡ người dân Palestine của họ đang suy giảm do hơn 50 thành viên UNRWA đã thiệt mạng trong các cuộc không kích.
Cùng ngày, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres phát thông điệp: “Thế giới đang chứng kiến một thảm họa nhân đạo. Hơn hai triệu người không có nơi nào an toàn để đi, bị khước từ những nhu cầu thiết yếu từ thực phẩm, nước uống, chỗ ở và chăm sóc y tế, đồng thời bị ném bom không ngừng. Tôi kêu gọi tất cả những bên có trách nhiệm hãy lùi bước khỏi bờ vực”. “Chúng ta phải hợp lực để chấm dứt cơn ác mộng này đối với người dân Gaza, người dân Israel và tất cả những người bị ảnh hưởng trên toàn thế giới”, Tổng thư ký Guterres nói thêm.
Từ phía các cường quốc, dù còn “vênh” nhau quan điểm về khả năng ngừng bắn ở Dải Gaza song hầu hết các nước đều đang nỗ lực thúc đẩy hoạt động viện trợ, bảo vệ người Palestine. Khi điện đàm với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngày 29/10, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nhắc lại đề nghị Tel Aviv phải hành động “phù hợp với luật nhân đạo quốc tế và ưu tiên bảo vệ dân thường”.
Tổng thống Biden cùng ngày có cuộc trao đổi khác với Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi, quốc gia có cửa khẩu duy nhất trên bộ đang hoạt động kết nối với Dải Gaza, trong đó nhất trí cần tăng cường viện trợ hơn nữa cho người dân Palestine theo các nguyên tắc rõ ràng, hiệu quả, có thể được xác nhận. Hai nhà lãnh đạo cũng đề cập tới những triển vọng cùng hợp tác trong việc huy động nỗ lực của cộng đồng quốc tế hướng tới khôi phục tiến trình hòa bình Trung Đông giữa Israel-Palestine với mục tiêu thực hiện giải pháp hai nhà nước.
Nguồn: cand.com.vn
-
Untitled Document -
-
-
Đang online: 1 Hôm nay: 4941 Trong tuần: 133107 Trong tháng 484887 Tất cả: 17041227