Thuật ngữ “Làn sóng xanh” lần đầu tiên xuất hiện sau cuộc tổng tuyển cử Malaysia tháng 11/2022. Trong đó, đảng Hồi giáo Malaysia (PAS), với biểu tượng mặt trăng xanh và trắng đặc trưng, đã giành được 43 trong số 222 ghế để trở thành đảng lớn nhất trong Quốc hội. Đảng tôn giáo này là thành phần quan trọng trong Liên minh Quốc dân, nhận được sự ủng hộ rộng rãi ở vùng nông thôn phía Đông và phía Bắc bán đảo Malaysia.
Giới tinh hoa thành thị cũng như các chính trị gia thuộc liên minh cầm quyền lo ngại rằng chủ nghĩa bảo thủ gia tăng được các đảng như PAS thúc đẩy sẽ không chỉ khiến các đảng đa sắc tộc như trong Liên minh Hy vọng đánh mất hơn nữa sự ủng hộ của đa số người Mã Lai - Hồi giáo, mà có thể còn gạt bỏ cả lợi ích của nhóm thiểu số, gây căng thẳng sắc tộc và khiến các nhà đầu tư lo sợ.
Chủ tịch đảng Hành động Dân chủ (DAP), cựu Bộ trưởng Tài chính Lim Guan Eng - đảng lớn nhất trong Liên minh Hy vọng - là một trong những tên tuổi lớn thúc giục cử tri ủng hộ liên minh tại các cuộc bầu cử cấp bang nhằm ngăn chặn quá trình Hồi giáo hóa đang len lỏi xâm phạm lối sống của họ.
Các cuộc bỏ phiếu trong ngày 12/8 sẽ diễn ra ở 6 trong số 13 bang của đất nước - bao gồm các bang Selangor, Penang và Negeri Sembilan do Liên minh Hy vọng nắm giữ và các bang Kelantan, Terengganu, Kedah do PAS kiểm soát. PAS được dự đoán sẽ giữ được các thành trì bảo thủ truyền thống của mình. Trong khi đó, mối lo ngại về sự tiến bộ của Liên minh Quốc dân (cùng với chương trình nghị sự Hồi giáo của liên minh này) đang gia tăng do liên minh đối lập này được đón nhận nồng nhiệt tại các cuộc tuần hành công khai. Các cuộc thăm dò dư luận cũng cho thấy sự ngờ vực, đặc biệt là của người Mã Lai về cách mà Liên minh Hy vọng và Liên minh Mặt trận Quốc gia (BN) do Tổ chức Dân tộc Mã Lai Thống nhất (UMNO) lãnh đạo chuyển từ kẻ thù truyền kiếp thành đồng minh trong một chính phủ đoàn kết một cách miễn cưỡng.
Ở Kelantan - bang do PAS điều hành trong 33 năm - các báo cáo gần đây về khoản tiền phạt được áp dụng đối với một người không theo đạo Hồi vì ông này mặc quần đùi trong cơ sở kinh doanh của chính mình và đối với một phụ nữ cắt tóc cho một người đàn ông tại tiệm, đã được giới tinh hoa thành thị, những người tiến bộ và các chính trị gia đưa ra như là ví dụ điển hình về điều có thể xảy ra với các nhóm thiểu số nếu phe đối lập tiến xa hơn về mặt chính trị. Cựu Bộ trưởng Tài chính Lim cũng gây tranh cãi khi tuyên bố Liên minh Quốc dân sẽ phá hủy các ngôi đền Hindu nếu tiếp quản bang Penang do DAP đang nắm giữ.
Tuy nhiên, không ít người chỉ trích ông Anwar cho rằng bàn luận về “làn sóng xanh” của phe đối lập là ngây thơ và đơn giản. Nhiều người đã bỏ qua thực tế rằng chính phủ liên bang, vốn hành động phù hợp với khái niệm Malaysia Madani của ông Anwar (Madani là thuật ngữ Arab thể hiện nền văn minh hiện đại vừa biết quan tâm), đã đưa ra các chính sách và thực hiện nhiều biện pháp để xoa dịu quyền tôn giáo. Nói cách khác, chính quyền ông Anwar đang giơ “thẻ xanh” của riêng mình để tăng sức hấp dẫn đối với các cử tri Mã Lai.
Vốn có những chính sách ủng hộ tôn giáo mạnh, một số người lại tin rằng chính quyền ông Anwar sẽ nới lỏng các chính sách thân người Mã Lai - Hồi giáo sau cuộc bỏ phiếu ngày 12/8, đặc biệt là nếu liên minh các đảng cầm quyền giành được sự ủng hộ của người Mã Lai.
Các nguồn tin ngoại giao cho biết trong thời gian chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử trước đó, lãnh đạo phe đối lập (khi đó là ông Anwar) đã yêu cầu các phái viên cấp tiến hỗ trợ khi ông lên nắm quyền, vì trước hết ông cần nghiêng về cánh hữu để xoa dịu sự lo lắng của người Mã Lai và ổn định vị trí của mình.
Kết quả của các cuộc thăm dò vào ngày 12/8 sẽ chứng minh liệu các quyết sách của ông Anwar có mang lại lợi nhuận hay không - và đặt ra tình thế tiến thoái lưỡng nan mới về cách Malaysia bước tiếp trên mặt trận chủng tộc và tôn giáo.
Nếu chiến lược này mang lại thành công và làm gia tăng sự ủng hộ của người Mã Lai - Hồi giáo đối với Liên minh Hy vọng - một số nhà phân tích ước tính ở mức thấp 11% trong cuộc tổng tuyển cử tháng 11/2022 - liệu chính phủ của ông Anwar có đảm bảo được việc nới lỏng các biện pháp bảo thủ hay không?
Nếu các quyết sách không mang lại thành công mạnh mẽ nơi thùng phiếu, liệu điều này có khiến ông Anwar từ bỏ toàn bộ chiến lược hay sẽ đẩy mạnh chiến lược với hy vọng duy trì sự ủng hộ của một số người Mã Lai đối với chính phủ đoàn kết?
Những chính sách thay đổi gần đây cho thấy dường như chính quyền của ông Anwar sẽ không thể đẩy lùi làn sóng bảo thủ tôn giáo, mà có nguy cơ đánh mất sự ủng hộ của cộng đồng đa số người Mã Lai - Hồi giáo. Sự nghiệp chính trị của Thủ tướng Anwar bắt nguồn từ hoạt động thanh niên Hồi giáo năm 1982. Ông được Thủ tướng Mahathir tuyển dụng để chống lại PAS và nâng cao uy tín Hồi giáo UMNO. Kết quả của cá cuộc bầu cử sắp tới dù có thế nào đi nữa, “làn sóng xanh” của Malysia dường như sẽ tiếp tục tồn tại dưới mọi chính quyền.
Nguồn: cand.com.vn
-
Untitled Document -
-
-
Đang online: 1 Hôm nay: 9501 Trong tuần: 282 Trong tháng 339909 Tất cả: 17433470