Quyết định đã được thống nhất nhanh chóng tại Hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo châu Âu ở Brussels sau khi người đứng đầu Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen bước vào hội nghị sau một cuộc họp thống nhất ý kiến với 27 quốc gia thành viên. Khối EU cho rằng các chuỗi cung ứng hóa chất cho pin xe điện, chất bán dẫn và nhiều sản phẩm quan trọng khác đặc biệt dễ bị tổn thương nếu “cắt đứt” quan hệ với Bắc Kinh. “EU sẽ tiếp tục giảm bớt các yếu tố phụ thuộc và lỗ hổng nghiêm trọng, bao gồm cả chuỗi cung ứng, đồng thời sẽ loại bỏ rủi ro và đa dạng hóa khi cần thiết và phù hợp,” EC cho biết trong một thông cáo chính thức được toàn khối thông qua.
Văn bản gồm sáu đoạn của EU về Trung Quốc được thiết kế để bảo vệ các lợi ích kinh tế, nhưng đồng thời cũng tạo cho EU một không gian rộng rãi trong các vấn đề ngoại giao. Văn bản này kêu gọi Trung Quốc “gây áp lực buộc Nga ngừng chiến tranh và rút quân ngay lập tức, hoàn toàn và vô điều kiện khỏi Ukraine”. Bên cạnh đó, văn bản cũng đưa ra lời lẽ mạnh mẽ về Đài Loan, bày tỏ lo ngại về “căng thẳng gia tăng ở eo biển Đài Loan” và phản đối “bất kỳ nỗ lực đơn phương nào nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực hoặc ép buộc”.
Phát biểu với các phóng viên báo chí, bà Von der Leyen nói rằng “giảm thiểu rủi ro ngoại giao” là trọng tâm. Nó cho phép EU cứng rắn với Trung Quốc về các vấn đề như Nga nhưng đồng thời để mở các kênh thương mại và đối thoại về các mối quan ngại như sự nóng lên toàn cầu. Bà nói: “Việc giảm thiểu rủi ro ngoại giao cũng rất quan trọng vì chúng tôi muốn giữ các đường dây liên lạc cởi mở với Trung Quốc về các vấn đề mà chúng tôi đồng ý”.
Nhưng EU cũng mong muốn giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc đối với một số nguyên liệu thô quan trọng, bao gồm cả hóa chất cho pin ô tô điện; đặt ra các rào cản để thay đổi cán cân thương mại. Bà Leyen nói rằng thâm hụt thương mại của EU với Trung Quốc đã tăng hơn gấp ba lần trong 10 năm qua, lên gần 400 tỷ euro. Khối này sẽ theo đuổi các rào cản mới bao gồm các biện pháp bảo vệ chống lại cái mà một nhà ngoại giao gọi là “rò rỉ công nghệ” và giảm sự phụ thuộc vào nguyên liệu cho các sản phẩm, bao gồm cả xe điện.
Lập trường của EU trong chính sách nêu trên được cho là “mềm mỏng” hơn đáng kể so với lập trường của Mỹ, quốc gia đang cố gắng hàn gắn quan hệ với Bắc Kinh. Những báo cáo mâu thuẫn nhau trong những ngày gần đây về việc liệu một khinh khí cầu của Trung Quốc có thu thập dữ liệu trên lãnh thổ Mỹ trước khi nó bị bắn hạ trên không phận Mỹ vào tháng 2/2023 hay không đã làm nổi rõ những vấn đề đó.
Hôm 29/6, Lầu Năm Góc cho biết khinh khí cầu mà chính quyền Mỹ cho là được thiết kế cho hoạt động gián điệp đã không thu thập dữ liệu từ không phận Mỹ trong hành trình từ Hải Nam đến Nam Carolina. Nhưng tờ Wall Street Journal trích dẫn các nguồn tin am hiểu cuộc điều tra về khinh khí cầu đưa tin rằng “vật thể bay trên không” đó đã thu thập dữ liệu nhưng đã không gửi về trung tâm điều hành ở Trung Quốc. Bắc Kinh cho rằng đó là một khinh khí cầu theo dõi thời tiết dân sự nhưng đã bị phía Mỹ bắn nổ tung.
Trong chuyến đi của Ngoại trưởng Antony Blinken tới Bắc Kinh, các quan chức Trung Quốc được cho là đã yêu cầu ông không được công khai chi tiết cuộc điều tra do các cơ quan tình báo quốc phòng Mỹ tiến hành. Chưa có xác nhận chính thức về nội dung của cuộc điều tra, nhưng một số phát hiện nhất định dường như đã bị rò rỉ, bao gồm cả việc khinh khí cầu chứa công nghệ của Mỹ.
Khác với Mỹ, từ nhiều tháng qua EU đã có nhiều động thái hướng đến sự chuyển biến trong chính sách đối với Trung Quốc. Hồi tháng 5/2023, các Bộ trưởng Ngoại giao của 27 nước thành viên EU đã họp tại Stockholm để thảo luận về cách khối này nên “điều chỉnh lại” chính sách đối với Bắc Kinh.
Tại hội nghị, người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell đã gửi một thông điệp đến các Bộ trưởng Ngoại giao, trong đó ông Borrell nhấn mạnh ít nhất ba lý do để điều chỉnh cách tiếp cận của EU: Những thay đổi nội bộ của Trung Quốc “với chủ nghĩa dân tộc và hệ tư tưởng đang gia tăng”; sự “cạnh tranh gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc” trong mọi lĩnh vực và vị thế của Trung Quốc với tư cách là một bên tham gia chính trong khu vực và toàn cầu. Ông nói: “Vấn đề Trung Quốc phức tạp hơn nhiều so với vấn đề Nga, bởi vì Trung Quốc là một tác nhân có hệ thống thực sự”.
Tháng 4/2023, ông Macron cũng đã có chuyến công du Trung Quốc và đưa ra ý tưởng đổi mới quan hệ EU-Trung Quốc theo hướng gần gũi, hợp tác nhiều hơn nhằm thoát khỏi “vòng tay” của Mỹ. Ông Macron thậm chí còn tỏ ra xoa dịu Trung Quốc, nói Đài Loan không đáng để tranh giành.
Một nhóm người theo quan điểm của ông Macron cho rằng một cuộc Chiến tranh Lạnh thứ hai không có lợi cho bất kỳ ai. Với việc chống Trung Quốc đang gia tăng ở Washington và chủ nghĩa dân tộc quá khích ở Trung Quốc, bất kỳ nhà lãnh đạo nào có thể bắc cầu qua vực thẳm Đông-Tây đang mở rộng một cách nguy hiểm đều thực hiện một nghĩa vụ thiết yếu. Qua điểm này chỉ ra rằng châu Âu rất quan tâm đến việc làm suy yếu trục Trung - Nga đang phát triển và thuyết phục Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tránh xa Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Mục tiêu của EU qua chuyến đi của ông Macron dường như đã không đạt được. Vì vậy, khối cần phải điều chỉnh chính sách tiếp cận mới.
Nguồn: cand.com.vn
-
Untitled Document -
-
-
Đang online: 1 Hôm nay: 3818 Trong tuần: 131980 Trong tháng 483759 Tất cả: 17040100