Liên minh tiền điện tử
Nga dường như đang coi tiền điện tử là một công cụ để tham gia vào thương mại song phương với Iran và là một cách để thanh toán cho những máy bay không người lái do Iran sản xuất. Tháng 1/2023, hãng thông tấn Vedmosti của Nga bắt đầu đưa tin rằng “Ngân hàng Trung ương Iran (CBI) đang hợp tác với chính phủ Nga để cùng phát hành một loại tiền điện tử được đảm bảo bởi vàng, để phục vụ như một phương thức thanh toán trong ngoại thương”. Đồng tiền tiềm năng này được mô tả là một “đồng tiền ổn định được hỗ trợ bởi vàng" sẽ "cho phép các giao dịch xuyên biên giới thay vì các loại tiền tệ như USD, đồng rúp của Nga hoặc đồng rial của Iran”.
Hãng Vedomosti đã lưu ý rằng tiền điện tử sẽ được sử dụng trong một đặc khu kinh tế ở thành phố Astrakhan, nơi Nga đã bắt đầu chấp nhận các lô hàng của Iran. Về sự tham gia của một đặc khu kinh tế, Alex Zerden, nhà sáng lập của công ty tư vấn rủi ro Capitol Peak Strategies, giải thích: "Như Lực lượng Đặc nhiệm hành động tài chính liên chính phủ đã xác định, các đặc khu kinh tế có thể bị lạm dụng để rửa tiền và tài trợ cho khủng bố. Đề xuất này có thể sẽ làm giàu cho những kẻ tham nhũng và khủng bố nhưng sẽ tạo ra rất ít lợi ích cho những công dân sống trong các chế độ độc tài này”.
Trong khi cả Iran và Nga đã cấm người dân của họ sử dụng tiền điện tử để thanh toán, hai chính phủ này đã nỗ lực thiết lập các khoản thanh toán bằng tiền điện tử cho ngoại thương. Iran đã công bố đơn đặt hàng nhập khẩu chính thức đầu tiên - trị giá 10 triệu USD - vào tháng 8/2022. Theo Forbes, các tuyên bố từ bộ phận chính sách tài chính của Bộ Tài chính Nga đã xác nhận rằng Nga đang tìm hiểu cách sử dụng tiền điện tử để thanh toán quốc tế.
Không có tính thanh khoản
Mặc dù Nga có thể giao dịch với Iran bằng cách sử dụng đồng tiền kỹ thuật số mới để tránh sử dụng hệ thống tài chính toàn cầu và các giao dịch bằng USD, nhưng hiện chưa có dấu hiệu nào cho thấy các đối tác khác muốn chấp nhận một đồng tiền, thậm chí được đảm bảo bởi vàng, do Iran hoặc Nga phát hành. Dù một số quốc gia có thể sẵn sàng tham gia, nhưng các quốc gia muốn làm ăn với Mỹ và châu Âu có thể sẽ nhìn nhận hoạt động này từ lăng kính tài chính bất hợp pháp.
Alex Zerden, cựu quan chức Bộ Tài chính Mỹ, nhận định: “Đề xuất mới nhằm sử dụng các công nghệ mới nổi dường như là một biện pháp tuyệt vọng của hai chế độ vốn đang hứng chịu nhiều lệnh trừng phạt quốc tế. Tuy nhiên, nó còn có khả năng tạo điều kiện thuận lợi cho rửa tiền, tham nhũng và làm suy yếu hệ thống tài chính toàn cầu”.
Ví dụ, vào năm 2018, khi chính phủ Venezuela ra mắt đồng petro, một loại tiền điện tử được tạo ra để giải quyết việc nhập khẩu dầu khi đối mặt với các lệnh trừng phạt, Mỹ đã cấm người dân của họ sử dụng đồng tiền này. Các đối tác nước ngoài cũng không quan tâm đến đồng petro, vì vậy kế hoạch này đã nhanh chóng “bốc hơi”.
Mặc dù chúng ta đã chứng kiến những nỗ lực của Trung Quốc, Iran và Nga - các nước đang chịu sự trừng phạt của Mỹ - nhằm mở rộng thương mại song phương bằng các loại tiền tệ không phải là đồng USD và tăng cường các hệ thống thanh toán trong nước, nhưng thực tế là chúng ta vẫn đang sống trong một thế giới “USD hóa”. Trước khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, 80% giao dịch ngoại hối hàng ngày và một nửa thương mại quốc tế được thực hiện bằng USD.
Mặc dù việc tạo ra đồng tiền kỹ thuật số mới là một nỗ lực để giải quyết vấn đề, nhưng thực tế là không có đủ thanh khoản - khoảng 1 nghìn tỷ USD - trong toàn bộ thị trường tiền điện tử để chống đỡ cho một chính phủ đã phải chịu các lệnh trừng phạt kinh tế chưa từng có, với các tài khoản ngân hàng trung ương của họ bị đóng băng và tổn thất gia tăng trong cuộc chiến tranh tốn kém. Mặc dù đồng tiền này có thể cho phép Nga và Iran tham gia vào thương mại song phương quy mô nhỏ để trốn tránh các lệnh trừng phạt bên lề, nhưng nó sẽ chỉ là “muối bỏ bể” so với tác động tổng thể của các lệnh trừng phạt đối với cả hai chính phủ. Tiền điện tử sẽ không giúp khắc phục điều đó.
Các vấn đề khác
Trên thực tế, dự án tiền điện tử của Nga và Iran đóng vai trò rất quan trọng. Mặc dù chúng ta đã chứng kiến các quốc gia khác thử nghiệm các hệ thống thanh toán thay thế - ví dụ như đồng nhân dân tệ kỹ thuật số của Trung Quốc - để tránh sự thống trị của đồng USD và các lệnh trừng phạt của Mỹ, nhưng dự án đồng tiền kỹ thuật số Nga-Iran là dự án phối hợp đầu tiên giữa hai chính phủ đang bị phương Tây cô lập.
Tiền điện tử, với những hứa hẹn về khả năng chuyển khoản xuyên biên giới gần như ngay lập tức, có vẻ như là một giải pháp cho các chính phủ ngày càng bị cô lập. Tuy nhiên, nó sẽ phản tác dụng nếu họ cố gắng hưởng lợi từ tính bảo mật phi tập trung của các chuỗi khối công khai, cho phép cơ quan thực thi pháp luật và cơ quan quản lý xác định các nỗ lực trốn tránh lệnh trừng phạt. Nếu họ tạo ra một đồng tiền kỹ thuật số không có chuỗi khối công khai, thì nó sẽ không an toàn và bị hạn chế như bất kỳ phương pháp nào đã có từ trước. Không một lựa chọn nào có hiệu quả lớn về mặt thanh khoản.
Dù bằng cách nào đi chăng nữa, có một điều chắc chắn là chừng nào phương Tây còn duy trì các lệnh trừng phạt chống lại các quốc gia như Nga và Iran, chúng ta cũng sẽ thấy những quốc gia đó khám phá các công cụ công nghệ nhằm né tránh các lệnh trừng phạt.
Nguồn: cand.com.vn
-
Untitled Document -
-
-
Đang online: 1 Hôm nay: 11850 Trong tuần: 64413 Trong tháng 126547 Tất cả: 17220099