Giới chuyên gia nhận định, sự trở lại của nhà lãnh đạo cánh tả này mang tới hy vọng mới cho Brazil bởi ông đã làm được nhiều điều cho đất nước giai đoạn cầm quyền 2003-2010. Song trước mắt, ông sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức khi nhậm chức trong bối cảnh nền kinh tế trì trệ, ngân sách eo hẹp hơn và phe đối lập mạnh hơn.
Hôm 1/1 (giờ địa phương), lãnh đạo phe cánh tả Luiz Inacio Lula da Silva đã chính thức tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Brazil sau khi giành chiến thắng trước đối thủ Jair Bolsonaro trong cuộc bầu cử Tổng thống căng thẳng nhất nhiều thập kỷ tại quốc gia lớn nhất khu vực Mỹ Latinh, hồi tháng 10/2022.
Theo truyền thông Brazil, khoảng 300.000 người ủng hộ ông Lula da Silva đã tập trung ở Thủ đô Brasilia để chia vui với tân Tổng thống khiến chính quyền phải triển khai 10.000 cảnh sát và quân đội để đảm bảo an ninh. Tuyên thệ nhậm chức trước Quốc hội, tân Tổng thống thề sẽ duy trì, bảo vệ và tuân thủ hiến pháp.
Bài phát biểu của ông Lula da Silva đã vạch ra nhiều vấn đề và ưu tiên chính trị mà ông cam kết làm tới cùng để vực dậy, đưa đất nước Brazil trở nên đoàn kết và “xanh” hơn. Cụ thể, Tổng thống Lula da Silva khẳng định sẽ đầu tư mạnh vào giáo dục và hệ thống y tế phổ quát, khôi phục lại dự án hỗ trợ nhà ở cộng đồng giá rẻ - những lĩnh vực được cho là hết sức quan trọng đối với đời sống của đại đa số người dân Brazil. Nhà lãnh đạo cánh tả này cũng nhấn mạnh ưu tiên hàng đầu sau khi nhậm chức là tiếp tục cuộc đấu tranh chống đói nghèo và bất bình đẳng xã hội, cam kết giải cứu 33 triệu người khỏi nạn đói và 100 triệu người khỏi nghèo đói - tương đương khoảng một nửa dân số 215 triệu người của đất nước.
Khác với cựu Tổng thống Jair Bolsonaro, ông Lula da Silva còn chú trọng tới việc phát triển bền vững và bảo vệ môi trường, đặc biệt là quyết tâm chấm dứt tình trạng tàn phá rừng rậm nhiệt đới Amazon, vốn được coi là “lá phổi xanh” của hành tinh. “Từ những tàn tích, cùng với người dân Brazil, tôi nhận trách nhiệm xây dựng lại đất nước và biến Brazil trở thành một quốc gia của tất cả và vì tất cả người dân. Tôi chắc chắn rằng chúng ta không cần phải phá rừng Amazon mới có thể làm được nông nghiệp", ông Lula đã khóc sau tuyên bố này. Ngoài ra, tân Tổng thống cho biết sẽ thu hồi các chính sách nới lỏng kiểm soát súng đạn mà chính quyền tiền nhiệm đã ban hành nhằm đảm bảo hòa bình và an ninh vì lợi ích của người dân.
Được biết, ông Lula da Silva từng giữ cương vị Tổng thống hai nhiệm kỳ liên tiếp giai đoạn 2003 – 2010 và tạo ra sự bùng nổ kinh tế hàng hóa khiến ông vô cùng được yêu mến. Tuy nhiên, chờ đợi ông trong nhiệm kỳ thứ ba này là rất nhiều thử thách, vì tình hình kinh tế - xã hội của Brazil hiện giờ đã khác xa với lúc ông dẫn dắt đất nước những năm 2000, đặc biệt trong bối cảnh thế giới đối mặt với tình trạng lạm phát tăng cao cũng như vấn đề về địa chính trị.
Theo giới chuyên gia phân tích chính trị, Chính phủ mới của ông Lula da Silva sẽ phải ưu tiên các lĩnh vực xã hội nhưng vẫn cần duy trì sự lành mạnh về tài khóa, thực hiện cải cách thuế và đạt được tiến triển trong chương trình nghị sự về môi trường.
Giám đốc phụ trách châu Mỹ của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) Ryan Berg nhận định, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Brazil đã chậm lại đáng kể trong những năm gần đây, trong khi xuất khẩu được dự báo sẽ giảm trong năm 2023. Nếu không có sự bùng nổ về giá nguyên liệu thì Chính phủ mới ở Brazil sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện những cải cách đã hoạch định cũng như những cam kết về chi tiêu xã hội.
Một khó khăn nữa cho Chính phủ mới của Tổng thống Lula da Silva là việc đảng Tự do cực hữu của ông Jair Bolsonaro đang là lực lượng chiếm ưu thế lớn nhất tại Quốc hội. Thượng nghị sỹ Eduardo Girão thuộc đảng Podemos ủng hộ ông Bolsonaro tại Quốc hội từng thẳng thừng tuyên bố: “Chúng tôi sẽ trở thành một lực lượng đối lập cứng rắn với chính quyền mới trong những năm tới đây”. Vì vậy, nhiều khả năng ông Lula da Silva sẽ phải thương lượng với các lực lượng trung hữu trong cơ quan lập pháp, nếu muốn được thông qua các chính sách và đạo luật mới phục vụ cho công cuộc phát triển đất nước.
Về đối ngoại, việc ông Lula da Silva quay trở lại nắm quyền cũng đem tới luồng gió lạc quan hơn cho phong trào cánh tả ở Mỹ Latinh bởi chính ông là một trong những đầu tàu thúc đẩy hội nhập khu vực khi nắm quyền trong hai nhiệm kỳ trước. Với vị thế và vai trò của mình, dư luận kỳ vọng nhà lãnh đạo cánh tả này sẽ cùng với các nước khác trong khu vực thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa các chương trình hợp tác và hội nhập tại Mỹ Latinh thông qua các cơ chế như Cộng đồng các quốc gia Mỹ Latinh và Caribe (CELAC), hồi sinh tổ chức Cộng đồng các quốc gia Nam Mỹ (UNASUR) và tạo ra sự đồng thuận trong các chính sách chung của khối Thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR).
Chuyên gia nghiên cứu chính trị Mauricio Santoro, trường Đại học Rio de Janeiro, đánh giá ông Lula da Silva sẽ có nhiều lợi thế trong thúc đẩy các mối quan hệ quốc tế nhờ những dấu ấn từ các nhiệm kỳ trước và Brazil sẽ dần lấy lại được vị thế của mình trên các diễn đàn quốc tế, cũng như thể hiện được vai trò quan trọng tại Liên hợp quốc cùng một số cơ chế hợp tác khác như Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS).
Nguồn: cand.com.vn
-
Untitled Document -
-
-
Đang online: 1 Hôm nay: 1347 Trong tuần: 719 Trong tháng 130110 Tất cả: 17223665