Ngày 2-5, theo trang Ukrinform, Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba đã tuyên bố như vậy, như một cách xác nhận với thế giới rằng Transnistria hoàn toàn có thể trở thành “điểm nóng” bùng lên tiếp theo, khi lò lửa xung đột tiếp tục lan rộng.
Vùng biên địa
Có lẽ, đối với rất nhiều người trong chúng ta, phải đến những ngày gần đây khi một số vụ pháo kích cũng như những vụ nổ xảy ra, cái tên Transnistria mới lần đầu tiên được vang lên.Vậy thì, Transnistria nằm ở đâu trên bản đồ thế giới?Đó là một dải đất nhỏ hẹp, diện tích khoảng hơn 3.000 km2, nằm giữa bờ Đông sông Dniester tại Moldova với biên giới Ukraine.Ở đây, có khoảng 470.000-500.000 cư dân, phần lớn nói tiếng Nga.
Transnistria từng là nơi đóng quân của Liên Xô trong những năm cuối Chiến tranh Lạnh. Phong trào ly khai ở Transnistria nhen nhóm từ năm 1989, khi Moldova còn là nước cộng hòa thuộc Liên Xô và quyết định chọn tiếng Moldova là ngôn ngữ chính. Khi Moldova tuyên bố độc lập vào năm 1990, phong trào ly khai leo thang thành xung đột vũ trang (tháng 3-1992), khiến hơn 700 người thiệt mạng, trước khi hiệp định ngừng bắn được ký vào tháng 7 năm đó.
Giới lãnh đạo ly khai ở Tiraspol tuyên bố độc lập vào năm 1993 và cho phép lực lượng gìn giữ hòa bình gồm khoảng 1.500 lính Nga đến đồn trú tại Transnistria, chủ yếu bảo vệ các kho đạn khoảng 20.000 tấn có từ thời Liên Xô. Tuy vậy, cộng đồng quốc tế, kể cả Nga, chưa từng chính thức thừa nhận nền độc lập đó.Song, chính phủ trung ương của Moldova cũng không có cách nào áp đặt quyền kiểm soát của mình tại Transnistria và trên thực tế, nó vẫn luôn là một vùng ly khai.
Vùng lãnh thổ ấy tự gọi mình là “Cộng hòa Moldova Pridnestrovian” với cờ riêng, hiến pháp riêng và cả một “ngân hàng quốc gia”, cũng như kỷ niệm ngày độc lập của riêng mình. Trong khi đó, Moldova gọi vùng đất này với tên chính thức là “Đơn vị hành chính - lãnh thổ tả ngạn Dniester”. Nói cách khác, trong suốt chừng ấy năm, vị trí của Transnistria trên bản đồ địa chính trị thế giới cũng tương tự như các vùng lãnh thổ ly khai Abkhazia, Nam Ossetia, Donbass hay Lugansk ở quá khứ gần.
Vấn đề là, đến lúc này, dường như các biến động thời cuộc đang hé mở cho Transnistria những cơ hội thay đổi quy chế.
Trong vùng xoáy
Kể từ hạ tuần tháng 4, tình hình Transnistria bắt đầu trở nên bất ổn, với những vụ pháo kích và những vụ nổ nhắm vào các cơ sở hạ tầng của vùng lãnh thổ này.
Tuyên bố độc lập nhưng thiết chế kinh tế - xã hội của Transnistria phụ thuộc rất nhiều vào sự hỗ trợ của Liên bang Nga. Tuy nhiên, khi chiến dịch quân sự đặc biệt bắt đầu vào cuối tháng 2 vừa qua, giới lãnh đạo Transnistria cũng cố gắng để không bị cuốn vào guồng quay chiến sự. Họ không công khai ủng hộ quyết định của Moscow, đồng thời liên tục trấn an người dân và cộng đồng quốc tế rằng chính quyền ở Tiraspol không có ý định can dự vào tình hình nước láng giềng.
Thế nhưng, như rất nhiều tiền lệ đã từng có trong lịch sử quan hệ quốc tế, quyền tự quyết (có “được trung lập” hay không) hiếm khi phụ thuộc vào ý chí của phía yếu thế.Transnistria không có tiếng nói được thừa nhận trên trường quốc tế và bởi vậy, những vấn đề liên quan đến họ đang càng lúc càng trở nên phức tạp.
Trên bề mặt, đã và đang diễn ra tiến trình đổ lỗi cho nhau từ cả Nga lẫn phương Tây - Ukraine, về những vụ nổ ở Transnistria.Một cách ngắn gọn, Nga cho rằng phía Ukraine đã gây ra những vụ nổ này nhằm gây bất ổn tại khu vực ly khai thân Moscow.Trong khi đó, Kiyv lại cho rằng lực lượng Nga đang dàn dựng những sự cố như vậy để lấy cớ tăng cường hiện diện quân sự tại đây.
Transnistria thì cáo buộc các phần tử phá hoại đến từ Ukraine tổ chức những cuộc tấn công trên nhưng không quy trách nhiệm trực tiếp cho chính quyền Kiev.Thay vào đó, Tiraspol nhận định các phần tử “dân tộc chủ nghĩa” đã xâm nhập biên giới và gây hấn. Cơ quan an ninh Transnistria và giới chức địa phương cho biết đã vài lần phát hiện máy bay không người lái từ Ukraine bay sang khu vực. Trong khi đó, Tổng thống Moldova - bà Maia Sandu lại cho rằng các vụ nổ là hệ quả từ đấu đá phe phái nội bộ Transnistria.
“Chân tướng” sự việc thế nào, vẫn sẽ còn là một bí mật chưa có lời giải đáp cuối cùng, đặc biệt là trong bối cảnh chiến tranh truyền thông đang diễn ra “khốc liệt” như ở cuộc xung đột Nga - Ukraine này. Có điều, những vận động thực địa dường như còn đáng quan tâm hơn gấp bội và quan trọng hơn gấp bội so với những giả thuyết (về các sự vụ bất ổn).
Tương lai vô định
Thực tế, cũng trong phát biểu ngày 2-5, Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba nhấn mạnh lại một lần nữa, rằng “Chúng tôi (Ukraine) chờ đợi những phản ứng tích cực hơn từ phía Moldova, về những đề nghị hỗ trợ dành cho chúng tôi, kể từ khi cuộc xâm lược của Nga bắt đầu”. Có một thông điệp kín đáo nhưng lại rất rõ ràng ở đây, rằng Ukraine muốn Moldova chính thức “chọn phe”. Thậm chí, theo hãng RIA Novosti đưa tin ngày 27-4, Ukraine còn thẳng thừng đề cập đến chuyện giúp đỡ Moldova “bình định” Transnistria bằng vũ lực.
Lời gợi ý này đã bị từ chối, bởi Moldova xác định: “Việc giải quyết vấn đề Transnistria có thể đạt được bằng các biện pháp chính trị và chỉ trên cơ sở một giải pháp hòa bình, loại trừ quân sự và các hành động cưỡng bức khác, cũng như trên cơ sở các nguyên tắc dân chủ hóa, phi quân sự hóa khu vực và tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Moldova”. Thực ra, trước đó, Moldova đã làm mọi cách để bảo vệ “quyền được trung lập” của mình, kể cả lựa chọn không tham gia các biện pháp trừng phạt Nga mà phương Tây áp đặt - điều khiến Kiyv phật lòng.
Tuy vậy, cũng có những mệnh đề mà Ukraine đưa vào lập luận của mình thực sự đáng chú ý và đáng để Moldova cân nhắc, mà đặc biệt là sự lặp lại kịch bản chính thức công nhận nền độc lập của những vùng lãnh thổ ly khai, với lý do bảo vệ cộng đồng nói tiếng Nga.
Hơn thế, Transnistria cũng có một vị trí địa quân sự quan trọng, nhất là khi chiến dịch quân sự của Nga đã bước sang giai đoạn thứ hai - vị trí có thể giúp quân Nga nối liền “hậu phương” với “tiền tuyến” ở miền Đông Ukraine. Có thể nhắc đến chuyện ngày 22-4, hãng TASS dẫn lời thiếu tướng Rustam Minnekaev, quyền Tư lệnh Quân khu Trung tâm của Nga, cho biết mục đích của Moscow là tạo ra một hành lang trên bộ giữa khu vực Donbass và Crimea. Đồng thời, ông cũng cho biết thêm, việc kiểm soát phía Nam Ukraine sẽ cho phép lực lượng Nga tiếp cận Transnistria - điều hiển nhiên là tạo nên những cảm giác bất an cho Moldova, cho dù đây không thể xem là quan điểm chính thức của Điện Kremlin.
Cho đến hiện tại, phải thừa nhận là Moldova đã tiếp cận với tình hình theo cách tương đối khéo léo, thậm chí là khéo léo nhất có thể, để không mở cửa đất nước mình cho chiến tranh và biến lãnh thổ mình thành chiến trường. Bằng những phương tiện ngoại giao, Moldova dù sao cũng đang nhận được cam kết từ Nga, về “sự toàn vẹn lãnh thổ của Moldova”. Nga “cực lực lên án những âm mưu nhằm đẩy Transnistria rơi vào những gì đang diễn ra ở Ukraine”, đồng thời bác bỏ khả năng chiến sự lan đến vùng ly khai này. Ngày 2-5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết, nước này quan ngại về sự leo thang căng thẳng ở khu vực Transnistria và coi các sự cố xảy ra ở đó là hành động khủng bố nhằm gây mất ổn định tình hình trong khu vực.
Trong khi đó, ngày 29-4, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU, ông Josep Borrell, đã hoan nghênh các phản ứng kiềm chế của các cơ quan chức năng Moldova giúp ổn định tình hình ở nước này. EU nhắc lại sự ủng hộ vững chắc đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Moldova theo các đường biên giới được cộng đồng quốc tế công nhận.
Song, khi chính đương kim Tổng thống Moldova thừa nhận cách đây ít lâu, rằng “Chúng tôi là một đất nước mong manh giữa một khu vực mong manh”, những diễn tiến trước mắt vẫn chẳng có gì là chắc chắn. Trong các mối quan hệ quốc tế phức tạp và rối rắm (nhưng lại đồng nhất ở điểm cốt lõi: Lợi ích, đặc biệt là lợi ích cốt lõi của các cường quốc), nguy cơ bị cuốn vào các “vùng lửa cháy” vẫn luôn hiện hữu trước mặt các nước nhỏ.
Transnistria vẫn có nguy cơ trở thành quân domino kế tiếp, khi những quân domino trước đó đã bị xô đổ. Moldova, quốc gia chỉ có 3 triệu dân, với tiềm lực quốc phòng hạn chế, thực ra, cũng chẳng có quá nhiều lựa chọn. Nếu muốn trở thành một “Thụy Sĩ mới”, họ sẽ phải chuẩn bị cho mình những phương án “đắp lũy xây thành” thật kỹ lưỡng và chi tiết, khi lửa đang cháy đến từ cả hai phía.
Nguồn: cand.com.vn
-
Untitled Document -
-
-
Đang online: 1 Hôm nay: 7363 Trong tuần: 134 Trong tháng 148129 Tất cả: 17241689