Tuy nhiên, đây không phải là hội nghị thượng đỉnh NATO hay EU, mà là của một "lính mới" trong lĩnh vực an ninh châu Âu: Lực lượng viễn chinh hỗn hợp (JEF). Vậy JEF là gì? Nó có vai trò gì và phù hợp với cấu trúc an ninh châu Âu như thế nào?
Thoạt nhìn - và như tên gọi của nó - JEF là một lực lương đa quốc gia hỗn hợp. Tuy nhiên, có vẻ như lực lượng này đang nhanh chóng mang nhiều ý nghĩa hơn thế. JEF được thành lập tại Hội nghị thượng đỉnh NATO năm 2014 ở Wales, nơi các đồng minh nhất trí phát triển "các quốc gia khung" hay các nhóm nước nhỏ hơn (bao gồm các đối tác không thuộc NATO) có thể được sử dụng linh hoạt, với một quốc gia dẫn đầu cung cấp một khuôn khổ chỉ huy và kiểm soát.
Mục đích của khái niệm quốc gia khung là sử dụng các nhóm quốc gia đã hợp tác với nhau hiện có - có thể vì họ là các nước láng giềng hoặc có quan hệ quân sự chặt chẽ trong lịch sử - để phát triển năng lực, học thuyết, khả năng tương tác, huấn luyện và tập trận trong lĩnh vực quân sự. Điều này sẽ cải thiện khả năng hoạt động cùng nhau của họ và giúp giải quyết vấn đề chia sẻ gánh nặng thông qua sự hợp tác từ dưới lên giữa các đồng minh cùng chí hướng. Điều này được cho là sẽ thúc đẩy quốc phòng và an ninh tập thể ở châu Âu.
JEF là kết cấu có quốc gia khung do Anh dẫn đầu. Mặc dù không có lực lượng thường trực chung chuyên trách nhưng Anh có vai trò chỉ huy và kiểm soát thông qua Bộ chỉ huy Lực lượng thường trực có năng lực triển khai (SJFHQ). Bộ chỉ huy này đặt trụ sở tại Northwood, Anh. JEF dựa trên một thỏa thuận chính trị - quân sự được 7 thành viên ban đầu ký kết vào năm 2015 và được cập nhật vào năm 2021 giữa 10 nước Bắc Âu: Đan Mạch, Estonia, Phần Lan, Iceland, Latvia, Litva, Hà Lan, Na Uy, Thụy Điển và Anh. Theo một thỏa thuận "tự nguyện", mọi quốc gia có thể cung cấp năng lực và chuyên môn khi họ thấy phù hợp, tùy thuộc vào bản chất của nhiệm vụ và các đối tác tham gia.
Hoạt động chính thức kể từ năm 2018, các triển khai ban đầu của JEF chủ yếu tập trung vào an ninh vùng Baltic. Các lực lượng dưới ngọn cờ JEF đã nhiều lần triển khai để hỗ trợ BALTOPS, cuộc tập trận do NATO dẫn đầu được tổ chức thường niên kể từ năm 1972. Năm 2021, JEF đã tiến hành triển khai nhóm đặc nhiệm hàng hải đầu tiên trong nhiệm vụ tuần tra an ninh ở biển Baltic nhằm mục đích trấn an các đồng minh trong khu vực, bên cạnh việc tiến hành chương trình tập trận chung có tên gọi "người bảo vệ" ở Thụy Điển.
JEF đã thực hiện các nhiệm vụ quân sự kể từ năm 2018. Gần đây, JEF đã có hành động trong một vai trò rộng lớn hơn trước khi châu Âu đưa ra phản ứng đối với cuộc chiến của Nga ở Ukraine. Lực lượng này đã cung cấp một diễn đàn đa phương linh hoạt để giúp các nước Bắc Âu phối hợp và nhấn mạnh ủng hộ "hỗ trợ kinh tế và nhân đạo đáng kể để đối phó với tình hình xấu đi ở Ukraine và khu vực", các biện pháp đã được thực hiện "trực tiếp và thông qua các tổ chức đa phương".
Do xuất phát từ mục đích quân sự, các lực lượng vũ trang của JEF cũng đã cùng nhau trấn an các đồng minh và đối tác. Việc này được thực hiện thông qua "một loạt hoạt động quân sự phối hợp trên khắp khu vực Bắc Âu - trên biển, trên bộ và trên không". Đó như là cuộc tuần tra chung với sự tham gia của khinh hạm lớp Type 23 của Anh là HMS Richmond và các tàu của Litva, Latvia, Estonia và Đan Mạch, cũng như các cuộc tập trận của máy bay chiến đấu của Thụy Điển và Đan Mạch.
Thực ra, JEF không phải là nhóm nhỏ đầu tiên trong lĩnh vực an ninh của châu Âu nằm ngoài các cấu trúc của NATO và EU. Trước đó đã có cấu trúc Hợp tác quốc phòng Bắc Âu (NORDEFCO), Hợp tác quốc phòng và hải quân giữa các nước BENELUX (gồm Bỉ, Hà Lan, Luxembourg), Lực lượng viễn chinh phối hợp Anh - Pháp (CJEF) và nhóm Visegrad gồm Cộng hòa Séc, Hungary, Ba Lan và Slovakia. Những nhóm như vậy đã gia tăng trong những năm gần đây khi các quốc gia phòng ngừa và đa dạng hóa để chống lại sự thay đổi trong cán cân sức mạnh khu vực và toàn cầu. Xu hướng này cũng có thể xuất hiện ở các khu vực xa hơn, chẳng hạn như hiệp ước AUKUS gồm Australia, Anh và Mỹ công bố hồi tháng 9-2021 và Liên minh Bộ tứ (Quad) gồm Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Australia.
Ngoài JEF, ở châu Âu còn có các lực lượng phản ứng nhanh đa quốc gia khác trong đó nổi bật là lực lượng phản ứng của NATO, hay sáng kiến La bàn chiến lược có khả năng triển khai tới 5.000 quân. Tuy nhiên, JEF khác với các nhóm châu Âu hiện có và các lực lượng ứng phó với khủng hoảng, theo ít nhất 3 cách.
Thứ nhất, JEF bao gồm các thành viên ngoài cấu trúc phòng thủ của NATO (Phần Lan và Thụy Điển) và EU (Anh, Đan Mạch, Na Uy, Iceland). Trong bối cảnh mô hình lựa chọn tham gia linh hoạt, điều này có nghĩa là JEF cso thể đóng góp vào một loạt hoạt động của cả hai thể chế (hoặc bổ sung cho chúng) dưới sự bảo trợ của Liên Hợp quốc hoặc đơn giản với tư cách là liên minh của các quốc gia sẵn sàng tham gia JEF.
Thứ hai, không giống như NATO và EU, JEF không phải là một nhóm đòi hỏi sự đồng thuận thì mới có thể tiến hành các hoạt động và triển khai lực lượng; lực lượng này được thiết kế để tăng thêm đáng kể khả năng phản ứng. Điều này có nghĩa là JEF có thể đóng vai trò "phản ứng đầu tiên" trước các cuộc khủng hoảng. Sự linh hoạt này cũng có nghĩa là JEF có thể hành động chống lại các mối đe dọa hỗn hợp mơ hồ dưới ngưỡng đảm bảo bảo vệ theo Điều 5 của Hiến chương NATO hoặc Điều 42 (7) của Hiệp ước về EU.
Thứ ba, JEF đặc biệt tập trung vào Bắc Âu - một khu vực địa lý ngày càng quan trọng và có nhiều cạnh tranh của khu vực và toàn cầu. Theo định hướng chính sách của JEF, khu vực địa lý chính mà khối này quan tâm là High North, Bắc Đại Tây Dương và Biển Baltic. Mặc dù các thành viên NATO và EU đều là những nước có lợi ích trong khu vực nhưng lợi ích đa dạng của các đồng minh chắc chắn sẽ làm xao lãng bất kỳ sự tập trung nào vào các khu vực cụ thể.
Nguồn: cand.com.vn
-
Untitled Document -
-
-
Đang online: 1 Hôm nay: 126 Trong tuần: 330 Trong tháng 151229 Tất cả: 17244790