Muôn trùng áp lực
Người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov thừa nhận: Nền kinh tế Nga "đang hứng chịu một cú sốc với những hậu quả tiêu cực" bởi những lệnh trừng phạt "chưa từng có tiền lệ".
Chỉ trong vài ngày đầu của cuộc xung đột, thị trường chứng khoán Nga sụt giảm 45%. Sau 3 tuần, đồng rúp (rouble) mất giá 30%, trong đó có thời điểm xuống thấp nhất lịch sử vào ngày 7-3: 151 rouble đổi 1 USD. Đồng tiền mất giá, hàng hóa trở nên đắt đỏ, đẩy lạm phát tăng cao, ảnh hưởng đến cuộc sống của mọi người dân Nga nói chung. Về lâu dài, việc đồng tiền mất giá cũng sẽ làm gia tăng gánh nặng của nền kinh tế, khi nước Nga phải thanh toán những khoản nợ nước ngoài bằng ngoại tệ.
Trong khi đó, những hạn chế đi lại khiến việc làm ăn với Nga trở nên khó khăn hơn. Một số mặt hàng nhập khẩu quan trọng như đường, sữa đã bắt đầu trở nên khan hiếm.Việc xuất khẩu ra nước ngoài cũng bị ngưng trệ. Viễn cảnh một cuộc suy thoái đã hiện rõ đối với nền kinh tế đứng thứ 11 thế giới (theo báo cáo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế năm 2021). Dự đoán, ngay trong năm 2022 này, kinh tế Nga có thể chịu mức suy giảm lên đến 12,5%, con số làm người ta liên tưởng đến giai đoạn "khủng hoảng" sau khi Liên Xô tan rã ở những năm 90 của thế kỷ trước.
Dẫu vậy, Điện Kremlin vẫn khẳng định: "Sẽ tìm mọi cách giảm thiểu tác động".
Đương đầu với khó khăn
Sau những thiệt hại vì phải nhận những đòn trừng phạt của phương Tây vào năm 2014, kinh tế Nga đã có nhiều thay đổi để thích ứng tốt hơn với hoàn cảnh.
Đối với mặt hàng năng lượng, một mặt Nga vẫn tăng cường xuất khẩu sang Liên minh châu Âu (EU), qua đó khiến cho khu vực này ngày càng phụ thuộc vào mình. Từ năm 2015 đến 2019, sản lượng khí đốt của Nga sang EU tăng đều đặn 8%/năm. Thay thế cho sự bất ổn của đường ống đi qua Ukraine, Nga đã chủ động triển khai dự án Dòng chảy phương Bắc để mang khí đốt tới tận tay người tiêu dùng châu Âu. Sự ổn định và giá rẻ của khí đốt Nga đã khiến EU không thể cưỡng lại được sức hút, dù vẫn phải tính toán đến việc giảm phụ thuộc.Ngay trong những ngày vừa qua, EU vẫn phải nhập khẩu khí đốt của Nga để đảm bảo tiêu dùng bất chấp những quan điểm trái chiều.
Song song, Nga cũng đa dạng hóa các “bạn hàng”, với Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ và Trung Quốc. Và, 8 năm qua, sản lượng xuất khẩu dầu khí của Nga vẫn tăng và ngày càng chiếm phần quan trọng trên thị trường thế giới.
Theo những số liệu mới nhất, với việc chiếm từ 12-14% lượng dầu xuất khẩu thế giới, Nga đã vượt qua Saudi Arabia, vươn lên trở thành nhà xuất khẩu lớn thứ hai, sau Mỹ. Do đó, không nhà xuất khẩu nào có thể thay thế được thị phần của họ.
Tiếng nói của nước Nga trên thị trường dầu mỏ ngày càng giàu sức nặng, khiến cho các đồng minh của Mỹ ở trong khối Arab cũng “dao động”. Sự ủng hộ của các nước “bạn bè” như Iran hay Venezuela cũng giúp đảm bảo vị thế của Nga trên thị trường năng lượng. Có thể nói, nước Nga có đủ khả năng điều tiết được giá dầu thế giới ở thời điểm hiện nay. Điều này đã được thực tế chứng minh: Chỉ vài tiếng sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo lệnh cấm nhập khẩu dầu của Nga, giá dầu thế giới đã vọt lên mức 139 USD/thùng (ngày 8-3). Đến ngày 18-3, sau một quãng “đổ dốc”, giá dầu thế giới lại vọt lên, qua mốc 100 USD/thùng.
Ngoài năng lượng, Nga cũng nỗ lực đa dạng hóa các mặt hàng xuất khẩu khác.Hiện, Nga giữ vị trí hàng đầu trên thị trường xuất khẩu lúa mì, niken, vàng, crôm, than đá, phân bón... của thế giới. Bằng cách gia tăng giá trị trong chuỗi sản xuất toàn cầu, Nga buộc tất cả các quốc gia khác phải cân nhắc khi muốn "gây sự" với mình.
Để chuẩn bị cho những cuộc tấn công vào hệ thống tài chính, kể từ năm 2019, Nga đã dừng phát hành trái phiếu bằng đồng USD, đồng thời gia tăng dự trữ ngoại hối.Từ năm 2010 tới nay, dự trữ ngoại hối của nước Nga đã tăng gấp đôi, hiện ở mức hơn 600 tỷ USD.Từ năm 2015, Nga đã xây dựng hệ thống Giải pháp tài chính có cấu trúc (SFMS) riêng của mình. Các ngân hàng Nga cũng đồng thời tăng cường sử dụng Hệ thống thanh toán liên ngân hàng xuyên biên giới (CIPS) do Trung Quốc phát triển. Một quá trình liên kết SFMS với CIPS cũng đang được thực hiện.Đây là cách để Nga đối phó với việc Mỹ và EU cấm các ngân hàng Nga truy cập vào hệ thống của Hiệp hội Viễn thông tài chính liên ngân hàng toàn cầu (SWIFT).
Cho đến lúc này, những biện pháp trừng phạt của phương Tây dành cho Nga tuy mạnh mẽ nhưng cũng có các biểu hiện phản tác dụng. Khi Tổng thống Mỹ Joe Biden ký lệnh đưa lĩnh vực năng lượng của Nga vào danh sách các mặt hàng bị trừng phạt, ông buộc phải làm rõ thêm: Những quốc gia phụ thuộc nhiều vào năng lượng của Nga không bắt buộc phải tuân theo lệnh cấm. Do đó, danh sách trừng phạt của EU cũng loại trừ lĩnh vực năng lượng. Dù rất cứng rắn, đến lúc này, EU mới chỉ cấm bán công nghệ cho các công ty Nga.Khi EU tiếp tục mua năng lượng của Nga thì dòng ngoại tệ vẫn chảy về nước Nga, bất chấp lệnh phong tỏa tài sản của phương Tây. Như vậy, 2 trong số những đòn mạnh nhất mà phương Tây nhằm vào Nga đã bị giảm “sức sát thương” khá nhiều.
Một phương án nữa để giải quyết khó khăn của Nga là tăng cường hợp tác với Trung Quốc. Từ năm 2014, Trung Quốc đã mua lượng khí đốt trị giá hàng tỷ USD từ Nga để cung cấp cho nền kinh tế luôn "đói năng lượng” của mình.Trong vài năm qua, hai quốc gia đã mở rộng đáng kể hợp tác thương mại trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Trong năm 2021, kim ngạch thương mại song phương lên tới 147 tỷ USD. Công nghệ và các sản phẩm của Trung Quốc đủ sức thay thế nguồn hàng thiếu hụt từ phương Tây.Cùng với việc mở rộng thương mại, Trung Quốc và Nga ngày càng sử dụng đồng nội tệ để giao dịch nhiều hơn.Điều này đang giúp họ giảm bớt sự phụ thuộc vào đồng USD cũng như hệ thống tài chính phương Tây. Truyền thông Trung Quốc mới đây đưa tin: Nước này đã sử dụng đồng nhân dân tệ để thanh toán 17% tổng giao dịch thương mại với Nga trong năm 2021.
Cửa thoát hiểm cuối cùng
Dẫu vậy, mối quan hệ này vẫn không đủ sức "cứu" kinh tế Nga một cách triệt để.Trung Quốc cũng đã bị cuốn vào chiến tranh thương mại với Mỹ từ năm 2018 khiến nền kinh tế nước này cũng bị ảnh hưởng nặng nề.Ngay lúc này, Trung Quốc đang gặp khó trong việc tiếp cận các thị trường của phương Tây. So sánh với con số 750 tỷ USD thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc năm ngoái, thị trường của Nga còn khá “khiêm tốn”. Trong khi đó, việc giúp Nga né tránh các lệnh trừng phạt cũng có thể gây thêm căng thẳng trong mối quan hệ của Trung Quốc với phương Tây.
Cuộc xung đột ở Ukraine càng kéo dài thì những tác động xấu từ các lệnh trừng phạt của phương Tây tới nền kinh tế Nga càng lớn. Phương Tây có nguồn lực “dày dặn” hơn và cho đến lúc này họ tỏ rõ thái độ sẵn sàng "trả giá”. Những kẽ hở trong các lệnh trừng phạt hiện nay làm giảm bớt áp lực đối với Nga trong ngắn hạn nhưng chỉ khi cuộc xung đột lắng xuống thì tình thế mới có thể thực sự được cứu vãn.
Tuyên bố kết thúc chiến dịch quân sự, vì vậy, có lẽ vẫn là lựa chọn tốt nhất cho nền kinh tế Nga nói riêng và thế giới nói chung...
Nguồn: cand.com.vn
-
Untitled Document -
-
-
Đang online: 1 Hôm nay: 6661 Trong tuần: 6889 Trong tháng 157793 Tất cả: 17251358