Hãng tin Blomberg cho hay, các công tố viên Đức đã buộc tội cựu CEO Markus Braun của Wirecard và hai quản lý cấp cao khác về tội gian lận thương mại khổng lồ dẫn đến sự sụp đổ khả năng thanh toán của công ty. Bản cáo trạng dài 474 trang ghi rõ, cả ba bị cáo buộc thao túng thị trường, tham nhũng và gian lận có tổ chức về quy mô thương mại. Chẳng hạn, Markus Braun nhận được ít nhất 5,5 triệu Euro (tương đương 6 triệu USD) cổ tức tiền lừa đảo.
Ông này bị bắt vào ngày 23-6-2020 và bị điều tra từ đó đến nay vì đã sử dụng hàng triệu USD tiền riêng và vay mượn khoảng 150 triệu USD từ Ngân hàng Deutsche để đầu tư vào Wirecard nhưng lại thực hiện khai khống cho Wirecard 2,5 tỷ Euro. Một ngày sau, Markus Braun được tại ngoại với mức tiền bảo lãnh là 5 triệu Euro nhưng lại bị bắt sau đó một tháng (22-7-2020). Chưa hết, Markus Braun còn thổi phồng tài sản và doanh thu của công ty thông qua các giao dịch giả để tạo vỏ bọc tài chính cho Wirecard nhằm thu hút thêm nhiều nhà đầu tư. Nếu bị kết tội về tất cả các tội danh này, Markus Braun có thể phải đối mặt với 15 năm tù giam.
Năm nay 53 tuổi, Markus Braun từng được đánh giá là một người có năng lực. Ông từng tốt nghiệp Đại học Kỹ thuật Vienna (Áo), chuyên ngành khoa học máy tính thương mại. Sau đó, ông tiếp tục lấy bằng Tiến sĩ về Khoa học Kinh tế & Xã hội tại Đại học Vienna vào năm 2000. Trước khi trở thành CEO của Wirecard, Markus Braun từng làm cố vấn tại Contrast Management Consulting GmbH và KPMG Consulting AG ở Munich (Đức). Nhưng khi tham gia Hội đồng quản trị Wirecard, nhận thấy những lợi nhuận kếch sù từ thương mại điện tử, nhất là khi Wirecard trở thành một trong 30 công ty có giá trị nhất trên thị trường chứng khoán Đức, Markus Braun đã không kiềm chế nổi lòng tham. Ông là người thúc đẩy số hóa các quy trình thanh toán của Wirecard và cũng lợi dụng nó để gian lận thương mại. Theo nghiên cứu của Ernst&Young, với vị trí CEO tại Wirecard, Markus Braun được trả khoảng 3 triệu USD mỗi năm và “ông trùm tài chính” này đã thường xuyên khai khống, thổi phồng tài sản và doanh thu của công ty thông qua các giao dịch giả với cái gọi là bên “mua thứ ba” để tạo nên vỏ bọc một công ty vững mạnh về tài chính. “Bên mua thứ ba” mà Wirecard khai khống chính là hai ngân hàng ở Philippines.
Theo các tài liệu điều tra, trước đó, Markus Braun từng bị cáo buộc tổ chức thực hiện 25 vụ thao túng thị trường chuyên nghiệp và vi phạm ủy thác các khoản vay hàng trăm triệu USD mà công ty cho các đối tác kinh doanh châu Á của mình. Các công tố viên cũng tuyên bố Braun và các đồng phạm đã biết từ năm 2015 công ty làm ăn thua lỗ và cố ý nhận các khoản vay từ các ngân hàng và các nhà đầu tư trái phiếu để bù lỗ. Cựu phó giám đốc tài chính kiêm trưởng phòng kế toán Stephan von Erffa của Wirecard và một cựu quản lý tại Dubai phụ trách một công ty con của Wirecard cũng đã bị buộc tội. Jan Marsalek - người được cho là trung tâm của vụ gian lận, đã lẩn trốn kể từ tháng 6-2020 và do đó không thể bị buộc tội theo luật của Đức. Ông này được phát hiện lần cuối ở Minsk, Belarus.
Một số nguồn tin khác từ báo chí Đức cho hay, những bằng chứng rõ nhất dẫn đến những cáo buộc nhằm vào Markus Braun trong bê bối này là Wirecard được cho là đã không tạo ra thêm doanh thu trong hoạt động kinh doanh tại châu Á của mình sau năm 2016. Nhưng các công tố viên đã phát hiện rằng Markus Braun đã đặt nền móng ở Liechtenstein vào năm 2016, nhận được 6 triệu Euro. Nhiều khả năng nguồn vốn thành lập này đến từ Al Alam Solutions, một công ty có trụ sở tại quần đảo Virgin thuộc Anh. Tiền thu được từ hoạt động kinh doanh của bên thứ ba ở châu Á đã được chuyển hướng tới công ty này và chảy vào quỹ của Markus Braun. Năm 2015, Wirecard được cho là vẫn tạo ra doanh thu châu Á là 375 triệu Euro nhưng một năm sau thì Markus Braun doanh thu giảm xuống 0. Làm thế nào điều này có thể xảy ra nếu 6 triệu euro từ hoạt động kinh doanh của bên thứ ba ở châu Á được chuyển đến quỹ của Markus Braun vào năm 2016? Câu trả lời rõ ràng nhất là, vẫn có doanh số bán hàng của người châu Á, chỉ có điều chúng đã bị tham ô.
Trên thực tế, bê bối Wirecard là một loạt vụ bê bối tài chính dẫn đến mất khả năng thanh toán Wirecard - công ty xử lý thanh toán có trụ sở chính tại Munich, nước Đức. Công ty này được thành lập vào năm 1999 và chuyên cung cấp cho khách hàng dịch vụ thanh toán giao dịch điện tử, quản lý rủi ro, quản lý thẻ…
Công ty con Wirecard Bank còn nắm giữ giấy phép ngân hàng và có hợp đồng với nhiều công ty dịch vụ tài chính quốc tế. Wirecard Card Solutions Ltd (WDCS) - một công ty con khác thuộc Wirecard có trụ sở chính tại Newcastle (Anh), với giấy phép giao dịch tiền điện tử và phát hành thẻ ảo… Một số tài liệu điều tra cho thấy, từ năm 2007, một số nhà đầu tư đã bày tỏ lo ngại về tiềm lực tài chính của công ty sau một cuộc kiểm toán. Nhưng tất cả lại được che lấp khi CEO Markus Braun thực hiện việc mở rộng hoạt động quốc tế, thu mua lại các doanh nghiệp địa phương. Năm 2018, cổ phiếu của Wirecard đạt mức cao nhất với định giá công ty ở mức 24 tỷ Euro. Nhưng đến ngày 25-6-2020, Wirecard đã nộp đơn vỡ nợ sau khi tiết lộ rằng 1,9 tỷ Euro đã "mất tích”.
Nguồn: cand.com.vn
-
Untitled Document -
-
-
Đang online: 1 Hôm nay: 3421 Trong tuần: 24560 Trong tháng 175482 Tất cả: 17269044