Sau khi đưa quân vào Ukraine, Nga đã phải đối mặt một loạt biện pháp trừng phạt đánh vào kinh tế của phương Tây. Đặc biệt, các biện pháp trừng phạt đó đã đóng băng và ngăn Moscow tiếp cận 50% trong tổng kho dự trữ ngoại hối trị giá 630 tỷ USD của Nga. Nếu không được tiếp cận các quỹ này, khả năng Nga có thể bị buộc phải vỡ nợ ngày càng tăng. Nếu Nga vỡ nợ, đây sẽ là vụ vỡ nợ đầu tiên của nước này kể từ năm 1998. Đó cũng sẽ là vụ vỡ nợ đầu tiên với các khoản nợ bằng ngoại tệ kể từ cuộc cách mạng năm 1917 khi chính quyền mới của Bolshevik từ chối công nhận các khoản nợ của Sa hoàng cuối cùng.
Nga đã hoàn thành nghĩa vụ trả nợ?
Moscow cho biết họ đã yêu cầu một ngân hàng Mỹ xử lý các khoản thanh toán lãi cho hai lô trái phiếu được phát hành bằng đồng USD, tuy nhiên không rõ liệu các lệnh thanh toán này có được thực hiện hay không. Ngân sách được Nga sử dụng để trả nợ là các tài sản ở nước ngoài đã bị đóng băng theo các lệnh trừng phạt của phương Tây, do đó không chắc các nhà đầu tư có nhận được tiền thanh toán hay không.
Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov nói với giới truyền thông hôm 16-3 rằng, việc Nga có vỡ nợ hay không phụ thuộc vào Mỹ. Ông phát biểu với kênh RT: “Câu hỏi về việc chúng tôi có thể thực hiện nghĩa vụ thanh toán trái phiếu bằng ngoại tệ hay không không phụ thuộc vào nước Nga. Chúng tôi có tiền, chúng tôi đã trả tiền. Nhưng giờ quả bóng trách nhiệm đang nằm trên sân của giới chức Mỹ”.
Ông nhấn mạnh ngân hàng được Nga yêu cầu xử lý khoản thanh toán đang đàm phán với Văn phòng Kiểm soát tài sản nước ngoài của Bộ Tài chính Mỹ. Hồi đầu tuần, ông Siluanov đã cáo buộc phương Tây đang đẩy Nga tới một “vụ vỡ nợ giả” và cảnh báo rằng nếu các khoản thanh toán không thể thực hiện được, Nga “sẵn sàng thực hiện thanh toán bằng đồng rub” theo tỷ giá hối đoái của Ngân hàng Trung ương Nga vào ngày thanh toán, bao gồm cả trái phiếu bằng euro được phát hành từ năm 2018.
Theo hãng tin Reuters, tiếp sau khoản thanh toán lãi Nga phải thực hiện vào ngày 16-3 là các khoản lãi 615 triệu USD phải thanh toán trong tháng 3 này. Đặc biệt, khoản thanh toán nợ gốc lên tới 2 tỷ USD của Nga sẽ đến hạn vào ngày 4-4.
Các giải pháp Nga có thể lựa chọn
Chính phủ Nga có thể quyết định sử dụng số USD mà nước này đang giữ ở trong nước để chi trả. Trên thực tế, mặc dù Nga không thể tiếp cận số USD của nước này ở nước ngoài, song họ vẫn có một số nguồn dữ trự ngoại hối bằng đồng USD ở trong nước. Nếu điều đó xảy ra thì nỗi lo vỡ nợ sẽ biến mất ngay.
Một khả năng khác là Nga không thanh toán khoản nợ 117 triệu USD dù đã đến hạn thanh toán, bởi về mặt kỹ thuật khoản nợ này vẫn có thể được ân hạn 30 ngày, đến ngày 15-4.
Lựa chọn thứ ba là Nga thanh toán bằng đồng rub. Bộ Ngoại giao Nga nói rằng họ sẽ trả các nhà đầu tư nước ngoài bằng đồng rub nếu bị chặn thanh toán bằng đồng USD hay euro. Bản thân các loại trái phiếu đã được phát hành với các hợp đồng và điều khoản khác nhau. Trái phiếu được bán sau khi Nga bị trừng phạt vì sáp nhập Crimea năm 2014 có điều khoản thanh toán bằng các loại tiền tệ thay thế. Đối với các trái phiếu được phát hành sau năm 2018, đồng rub được liệt kê là một lựa chọn thanh toán thay thế. Tuy nhiên, hai lô trái phiếu phải thanh toán lãi suất vào ngày 16-3 đã được phát hành từ năm 2013 và phải được thanh toán bằng USD và Citibank sẽ là ngân hàng chịu trách nhiệm thực hiện giao dịch này.
Ngay cả đối với trái phiếu cho phép thanh toán bằng đồng rub, mọi chuyện sẽ vẫn rất phức tạp. Các cơ quan xếp hạng tín dụng có thể sẽ coi Nga là một quốc gia vỡ nợ nếu Moscow không thanh toán hoặc trả các khoản nợ các trái phiếu đồng USD hoặc euro bằng các loại tiền tệ khác như đồng rub hoặc nhân dân tệ của Trung Quốc. Một vụ vỡ nợ có thể khiến số ít các nhà đầu tư nước ngoài còn lại rời khỏi Nga và cô lập thêm nền kinh tế đang sụp đổ của đất nước. Cơ quan xếp hạng Moodys cho rằng “tất cả đều bình đẳng, thanh toán bằng đồng rub cũng có thể bị vỡ nợ theo định nghĩa của chúng tôi... Tuy nhiên, chúng tôi cần phải hiểu sự kiện và hoàn cảnh của các giao dịch cụ thể trước khi đưa ra quyết định (đánh giá) vỡ nợ”. Tổ chức xếp hạng tín nhiệm FitchRatings cũng có quan điểm tương tự, hôm 15-3 cơ quan này nói rằng nếu Nga thanh toán bằng đồng rub, Nga vẫn bị coi là vỡ nợ nếu không giải quyết được vấn đề này trong thời gian ân hạn 30 ngày.
Điều gì xảy ra nếu Nga vỡ nợ?
Bất kỳ vụ vỡ nợ nào cũng có khả năng làm trầm trọng thêm các vấn đề kinh tế và tài chính mà Nga đang phải đối mặt. Trước khi phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine, Nga được coi là một trong những quốc gia đáng tin tưởng nhất trên thế giới, với mức nợ thấp. Nhưng mọi thứ giờ đây đã thay đổi đáng kể. Các công ty nước ngoài đã bỏ đi hàng loạt và Moscow đã áp dụng các biện pháp kiểm soát tín dụng nghiêm ngặt để hạn chế dòng tiền chảy ra nhằm bảo vệ nền kinh tế và đồng rub. Mặc dù vậy, nền kinh tế Nga có thể sẽ giảm 7% trong năm nay do các lệnh trừng phạt.
Trước khi khủng hoảng Ukraine xảy ra, lạm phát trong tháng 2 tại Nga đã là 9,15%. Hiện lạm phát ở nước này được dự báo sẽ tăng đáng kể trong năm nay, bất chấp việc Ngân hàng Trung ương Nga tăng lãi suất từ 9,5% lên 20%.
Còn đối với nền kinh tế toàn cầu thì sao? Lần cuối Nga vỡ nợ là năm 1998, điều đó đã gây ra cú sốc trên khắp các thị trường tài chính. Tuy nhiên, theo nhà kinh tế trưởng William Jackson của Capital Economics, một vụ vỡ nợ ngày nay sẽ mang tính biểu tượng lớn nhưng dường như “không gây ra tác động đáng kể”.
Người đứng đầu Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cũng đã loại bỏ ý tưởng sẽ xảy ra một cú sốc lớn hơn đối với hệ thống tài chính toàn cầu từ vụ vỡ nợ của Nga. Dù vậy, bà cảnh báo rằng các lệnh trừng phạt áp đặt lên Nga sẽ dẫn đến “suy thoái kinh tế sâu” và rằng chiến tranh sẽ làm tăng giá thực phẩm và năng lượng toàn cầu.
Tác động đối với châu Âu - các quốc gia có quan hệ kinh tế chặt chẽ với Nga - cũng được cho là có giới hạn. Theo Reuters, ngày 15-3, Chủ tịch Ban Giám sát ngân hàng của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Andrea Enria đã nhận định: "Ảnh hưởng trực tiếp của kinh tế Nga đối với các ngân hàng trong Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) chỉ có giới hạn". Tuy nhiên, khi xét riêng từng quốc gia, từng tổ chức tài chính riêng biệt, sẽ xuất hiện trường hợp chịu ảnh hưởng lớn, do đó, cũng có những lo lắng về làn sóng bất an lan rộng trên thị trường tín dụng.
Trên thực tế, các nhà đầu tư tài chính phương Tây không còn nắm nhiều tài sản của Nga như trước kia. Lệnh trừng phạt nhằm vào Nga sau khi nước này sáp nhập Crimea vào năm 2014 đã khiến giới đầu tư phương Tây giảm tài sản Nga trong danh mục đầu tư của mình. Dù vậy, theo dữ liệu của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS), các thực thể Nga đang nợ các ngân hàng phương Tây khoảng 121 tỷ USD.
Liệu Nga có thể sử dụng kho vàng của mình?
Nga đã dày công dành nhiều năm để xây dựng một kho dự trữ vàng khổng lồ, một tài sản mà các ngân hàng trung ương có thể sử dụng trong thời kỳ khủng hoảng. Vậy liệu Nga có thể sử dụng số vàng này trong thời điểm hiện nay để giúp nước này thoát khỏi tình thế khó khăn trước mắt? Tuy nhiên, Bloomberg cho rằng ngay tại thời điểm vàng đang quan trọng với Nga hơn bao giờ hết, bất kỳ nỗ lực nào nhằm bán vàng vào lúc này cũng sẽ rất khó khăn.
Ngân hàng Trung ương Nga đã mở rộng dự trữ vàng lên gấp gần 6 lần kể từ giữa thập niên 2000, tạo ra kho dự trữ vàng lớn thứ 5 thế giới với trị giá khoảng 140 tỷ USD. Đây là loại tài sản mà Nga có thể bán để nâng giá đồng rub, vốn đã lao dốc khi Nga bị các nền kinh tế cô lập sau khi triển khai chiến dịch quân sự tại Ukraine.
Việc bán vàng để giúp đồng rub tăng giá được đánh giá là sẽ rất khó khăn. Các lệnh trừng phạt cấm các tổ chức của Mỹ, Anh và Liên minh châu Âu (EU) làm ăn với Ngân hàng Trung ương Nga. Các thương nhân và ngân hàng rất cảnh giác với việc mua vàng thỏi của Nga hay sử dụng các loại tiền tệ khác, do lo ngại bị tổn hại danh tiếng hoặc vi phạm các lệnh trừng phạt. Trong khi đó, các thượng nghị sĩ ở Washington muốn có các biện pháp trừng phạt thứ cấp đối với bất kỳ ai mua hoặc bán vàng của Nga. Fergal O’Connor, giảng viên tại Trường Kinh doanh thuộc Đại học Cork, phát biểu: “Đó là lý do tại sao họ mua vàng, là để sử dụng trong những tình huống như thế nào. Nhưng nếu không ai mua bán vàng với bạn thì điều đó không còn ý nghĩa nữa”.
Chiến sự tăng khó khăn cho chuỗi cung ứng toàn cầu
Chiến sự tại Ukraine đang chất thêm gánh nặng lên các chuỗi cung ứng toàn cầu mà các công ty phương Tây đã xây dựng nên sau khi Bức tường Berlin sụp đổ hơn 30 năm trước.
Trên thực tế, Nga chiếm chưa đến 2% tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu, trong khi Ukraine chỉ chiếm 0,14%. Do đó, hai quốc gia này ít tác động trực tiếp đến chuỗi cung ứng toàn cầu - ngoại trừ một số lĩnh vực rất quan trọng. Tác động rõ ràng nhất là trong lĩnh vực năng lượng. Châu Âu nhập khẩu 40% lượng khí đốt từ Nga và Nga là nước xuất khẩu dầu lớn thứ ba trên thế giới. Sau khi chính quyền ông Biden phát đi tín hiệu ngừng nhập khẩu dầu của Nga, giá dầu thô lần đầu tiên đạt mức 130 USD/thùng sau 13 năm và người tiêu dùng ở một số vùng của Mỹ đã thấy giá xăng trung bình tăng trên 5 USD/gallon.
Một tác động dễ nhận thấy khác là vấn đề an ninh lương thực. Nga là nước sản xuất lương thực lớn của thế giới, đồng thời cũng là nước xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất toàn cầu. Trong khi đó, diện tích đất đen (loại đất rất màu mỡ và có thể tạo ra năng suất nông nghiệp vượt trội) của Ukraine chiếm 23% diện tích đất đen toàn thế giới. Dựa vào tài nguyên đất đai phì nhiêu, Ukraine trở thành một trong những nước xuất khẩu nông nghiệp quan trọng trên toàn cầu, được mệnh danh là "vựa lương thực của châu Âu".
Nhiều nước phụ thuộc rất nhiều vào nông sản từ Ukraine và Nga. Chẳng hạn, trên 50% nhu cầu ngũ cốc, cũng như hầu hết nhu cầu lúa mỳ và đại mạch của Bắc Phi và Trung Đông đều phải nhập khẩu từ Ukraine và Nga để đáp ứng. Ngoài ra, Ukraine còn là nước cung ứng ngô chủ yếu cho EU, Trung Quốc và nhiều quốc gia Bắc Phi, bao gồm Ai Cập và Libya. Hoạt động quân sự hiện nay của Nga tại Ukraine có thể sẽ cắt đứt phần xuất khẩu lương thực này, dẫn đến thiếu hụt nguồn cung, từ đó đẩy giá thực phẩm tăng mạnh. Kể từ khi bùng phát xung đột giữa Nga và Ukraine vào ngày 24-2 đến nay, giá lúa mỳ trên sàn giao dịch hàng hóa Chicago đã tăng 40%.
An ninh lương thực là vấn đề mang tính cơ bản liên quan đến sự sinh tồn của nhân loại, vận mệnh các nước gắn liền với nhau. Do đó, đây là vấn đề cấp bách nhất hiện nay và đòi hỏi cần có sự hợp tác chung tay của tất cả các nước trên thế giới để duy trì an ninh lương thực thế giới.
Nguồn: cand.com.vn
-
Untitled Document -
-
-
Đang online: 1 Hôm nay: 9113 Trong tuần: 30259 Trong tháng 181179 Tất cả: 17274743