Phát biểu tại cuộc đàm phán với người đồng cấp Ukraine Dmytro Kuleba tại Thổ Nhĩ Kỳ hôm 10/3, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tái khẳng định quan điểm của Nga về lập trường trung lập của Ukraine và nêu rõ Moscow sẵn sàng thảo luận việc đảm bảo an ninh cho Kiev. Ngoại trưởng Nga nói thêm rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ không từ chối một cuộc gặp với người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky, song mọi cuộc gặp cần có nội dung cụ thể.
Ông nhấn mạnh quan điểm của Nga là “hòa bình lạnh vẫn tốt hơn chiến tranh lạnh” và Moscow “muốn giải quyết vấn đề bằng con đường ngoại giao đến cùng”. Trước đó, Điện Kremlin tuyên bố Tổng thống Vladimir Putin không quan tâm đến việc thay đổi chính quyền Kiev mà mục tiêu chính là “phi quân sự hóa” Ukraine và bảo đảm sự “trung lập” của nước này. Chuyên gia Ivan Timofeev thuộc Hội đồng các vấn đề quốc tế (Nga) bình luận: “Những thay đổi là rất đáng chú ý. Lập trường của Nga đã dần trở về thực tế hơn”. Ở chiều ngược lại, Ukraine cũng phát đi những tín hiệu sẵn sàng đàm phán và thỏa hiệp với Nga về những vấn đề nhạy cảm. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố sẵn sàng xem xét lại việc gia nhập NATO, miễn là phải có những đảm bảo an ninh ràng buộc pháp lý từ Nga lẫn phương Tây và tình trạng của những vùng lãnh thổ do Nga và phe ly khai thân Nga kiểm soát như Crimea, Donetsk và Lugansk. Theo ông, cách duy nhất để thoát khỏi cuộc xung đột là lãnh đạo cao nhất của hai bên phải cùng ngồi đàm phán. Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba thậm chí còn cho biết Ukraine sẵn sàng thảo luận về cách kết thúc cuộc xung đột.
Về phía châu Âu, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) kiêm đại diện cấp cao về chính sách Đối ngoại và An ninh của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell bày tỏ: “Có những khoảnh khắc mà chúng tôi lẽ ra nên phản ứng một cách tốt hơn. Ví dụ, chúng tôi đã đề xuất những thứ mà chúng tôi không chắc chắn có thể thực hiện được, cụ thể là việc đưa Ukraine trở thành thành viên NATO. Điều này khó thành hiện thực và tôi nghĩ đó là một sai lầm khi đi hứa hẹn những điều mà chúng tôi không thể thực hiện được”. Ông cũng thừa nhận: “Chúng tôi đã mắc một số sai lầm và chúng tôi đã đánh mất cơ hội nối lại mối quan hệ hữu nghị giữa Nga và phương Tây...”. Và dù tiếp tục tăng cường các biện pháp cấm vận kinh tế với Nga nhưng nhiều nước châu Âu như Đức, Pháp đều nhấn mạnh đến sự cần thiết giải quyết cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine thông qua đàm phán. Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin, cả Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đều kêu gọi ngừng bắn khẩn cấp tại Ukraine và nhất trí giữ liên lạc chặt chẽ với Nga trong những ngày tới.
Bên cạnh đó, khác với sự nóng vội lúc đầu, châu Âu nay tỏ ra bình tĩnh hơn trong việc kết nạp Ukraine vào EU. Tại hội nghị thượng đỉnh không chính thức ở Versailles (Pháp) diễn ra từ ngày 10-11/3, 27 nhà lãnh đạo EU chỉ thừa nhận nguyện vọng của Kiev và lưu ý đến lá đơn đề nghị gia nhập EU mà Tổng thống Ukraine đã ký vào ngày 28/2. Các nhà lãnh đạo EU đã giao cho EC chuẩn bị báo cáo liên quan đến yêu cầu này. Tài liệu dự kiến sẽ được công bố trong vài tuần tới, nhưng không có thời hạn cụ thể. Tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo EU nêu rõ: “Trong khi chờ đợi báo cáo này, chúng tôi sẽ tăng cường hơn nữa mối quan hệ đối tác để hỗ trợ Ukraine theo đuổi con đường châu Âu của mình. Ukraine thuộc về gia đình châu Âu”. Khi EC đưa ra báo cáo, các nhà lãnh đạo EU sẽ bỏ phiếu về việc trao tư cách ứng viên cho Ukraine. Sau đó, các bên liên quan sẽ đàm phán và Ukraine phải thực hiện các cải cách cần thiết. Đầu tháng này, một nhóm quốc gia thành viên phía Đông đã viết thư kêu gọi EU ngay lập tức trao tư cách ứng cử viên cho Ukraine. Nhưng các nước Tây Âu dường như ít quan tâm hơn. “Hiện nay liệu chúng ta có thể mở thủ tục gia nhập với một quốc gia đang có xung đột hay không? Tôi không nghĩ vậy”, Tổng thống Pháp phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh ở Versailles. Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sánchez trước đó đã nói trong một cuộc phỏng vấn rằng gia nhập EU là quá trình lâu dài và có những yêu cầu, cải cách mà Ukraine phải đáp ứng. Về phần mình, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte thậm chí còn tỏ thái độ rõ ràng hơn khi nói rằng: “Chắc chắn rằng Hà Lan và Ukraine đang kề vai sát cánh, nhưng không thể cấp thủ tục để gia nhập EU nhanh. Không có thủ tục kiểu này”.
Các hoạt động ngoại giao xung quanh cuộc chiến ở Ukraine cũng diễn ra dồn dập. Trong cuộc họp trực tuyến với người đồng cấp Pháp Jean-Yves Le Drian, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nêu rõ, Bắc Kinh hy vọng sẽ chứng kiến giao tranh và xung đột chấm dứt sớm nhất có thể, đồng thời kêu gọi tất cả các bên bình tĩnh và tăng cường hành động ngăn chặn leo thang ở Ukraine. Trên cương vị Chủ tịch Liên minh châu Phi (AU), Tổng thống Senegal Macky Sall đã có cuộc trao đổi với Tổng thống Vladimir Putin để kêu gọi thúc đẩy một lệnh ngừng bắn lâu dài ở Ukraine. Qua mạng xã hội Twitter, ông Macky Sall cho biết: “Tôi hoan nghênh Tổng thống Vladimir Putin đã lắng nghe và sẵn sàng duy trì đối thoại để đàm phán đạt kết quả giải quyết cuộc xung đột hiện nay”. AU đã ra tuyên bố hối thúc Nga và Ukraine thực hiện lệnh ngừng bắn ngay lập tức và mở các cuộc đàm phán dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc.
Mỹ và châu Âu gia tăng sức ép đối với Nga
Trong bối cảnh Washington tăng cường sức ép với Moscow liên quan tới chiến dịch quân sự tại Ukraine, ngày 11/3 (giờ địa phương), Mỹ đã công bố lệnh cấm xuất khẩu các mặt hàng xa xỉ sang Nga và Belarus, trong đó có đồ trang sức, quần áo và xe cộ. Trong một tuyên bố, Bộ Thương mại Mỹ lưu ý lệnh cấm này mở rộng đối với “một số nhà tài phiệt nhất định của Nga và Belarus và các nhân tố xấu trên toàn thế giới”. Theo bộ trên, các biện pháp kiểm soát như vậy trước đây chỉ áp dụng với Triều Tiên. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng ngày cũng tuyên bố nước này và các đồng minh sẽ chấm dứt quan hệ thương mại bình thường với Nga. Ông cũng công bố lệnh cấm nhập khẩu rượu vodka, kim cương và hải sản của Nga. Cùng ngày, đài RT (Nga) đưa tin Mỹ đã cấm xuất khẩu, xuất khẩu lại, bán hoặc cung cấp dù là trực tiếp hay gián tiếp tiền USD từ Mỹ cho chính phủ Nga hoặc người ở Nga. Đây là một động thái nữa mà Mỹ thực hiện để tăng cường sức ép kinh tế với Nga.
Cũng trong ngày 11/3, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen tuyên bố EU sẽ đình chỉ quy chế đối xử kinh tế và thương mại đặc quyền đối với Nga, cấm việc sử dụng tiền điện tử, xuất khẩu các mặt hàng xa xỉ của EU sang Nga và nhập khẩu các sản phẩm thép. Bà Von der Leyen tuyên bố gói biện pháp trừng phạt này được áp dụng kể từ ngày 12/3. Cùng với các đồng minh phương Tây khác, trong đó có Mỹ, EU sẽ bãi bỏ quy chế thương mại tối huệ quốc đối với Nga. Điều này sẽ tạo điều kiện cho EU cấm hoặc áp đặt thuế quan trừng phạt đối với các sản phẩm của Nga. Trước mắt, EU sẽ cấm nhập khẩu các sản phẩm sắt, thép. EU cũng sẽ đặc biệt cấm xuất khẩu hàng hóa xa xỉ sang Nga - được coi là một đòn giáng mạnh vào giới tinh hoa Nga. Cuối cùng, khối sẽ cấm các khoản đầu tư mới của châu Âu vào lĩnh vực năng lượng của Nga.
Chủ tịch Von der Leyen cho biết EU cũng đang xúc tiến việc đình chỉ các tư cách thành viên của Nga ở các tổ chức đa phương lớn, như Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB). Cũng trong phát biểu của mình, Chủ tịch Von der Leyen cho biết EC đang chuẩn bị các phương án hạn chế tác động của tăng giá khí đốt đối với giá điện ở châu Âu đồng thời giảm dần sự phụ thuộc nhiên liệu vào Nga. (Mai Anh)
Nguồn: cand.com.vn
-
Untitled Document -
-
-
Đang online: 1 Hôm nay: 5487 Trong tuần: 58043 Trong tháng 120174 Tất cả: 17213731