Miền “trọng địa”
Ngay từ sau khi đắc cử, tháng 2-2021, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã hé lộ ý định cố gắng chuyển trọng tâm của chính sách đối ngoại Mỹ ra khỏi Trung Đông, nơi thu hút sự chú ý của Washington trong hơn 20 năm qua, để tập trung vào châu Á - Thái Bình Dương (tờ Politico dẫn lời một cố vấn quốc phòng thân cận).
Song, thực ra, từ 10 năm trước, “Xoay trục về châu Á - Thái Bình Dương” đã được chính quyền đảng Dân chủ khi ấy - với chủ nhân Nhà Trắng là Barack Obama và người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ là Hillary Clinton - xác lập như một tiến trình then chốt và tất yếu, nhằm bảo vệ các lợi ích cốt lõi của nước Mỹ. Hay nói cách khác, thẳng thắn và ngắn gọn hơn: “xoay trục” sang châu Á - Thái Bình Dương “là để đảm bảo và duy trì vai trò lãnh đạo thế giới của nước Mỹ”.
Trước những chuyển biến mau lẹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương về kinh tế, chính trị, quân sự, tháng 10-2011, cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố rằng ông “đã đưa ra những quyết định chiến lược và có tính toán - với tư cách là một quốc gia Thái Bình Dương, nước Mỹ sẽ đảm nhận một vai trò lớn hơn và lâu dài trong việc định hình khu vực này và tương lai của nó”.
Như vậy, “xoay trục” sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương là nhằm tìm cách tiếp sức cho sự hiện diện về kinh tế, ngoại giao và quân sự của Mỹ ở khu vực này - nhất là tại Đông Á. Đặc biệt, nỗ lực tái cân bằng chiến lược đó cũng đã giúp nước Mỹ phát triển các mối quan hệ đối tác rộng rãi và sâu sắc hơn ở Đông Nam Á, với vai trò trung tâm của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) - một trong những động lực mới quan trọng hàng đầu của guồng máy kinh tế thế giới, cũng là nơi có eo biển huyết mạch Malacca nối liền Ấn Độ Dương với Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, sau 5 năm thực hiện, khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đánh bại ứng viên đảng Dân chủ Hillary Clinton trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, chiến lược “Xoay trục” ấy bị để ngỏ, thậm chí là bị tổn thương - với việc ông Donald Trump gián tiếp “bức tử” Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Vào thời điểm đó, nói một cách công bằng, “Xoay trục về châu Á - Thái Bình Dương” mới chỉ được xây dựng các “phần thô” và nước Mỹ cũng chưa thực sự thể hiện được tầm ảnh hưởng cần thiết của mình ở Đông Nam Á. Thí dụ, dù Thái Lan là quốc gia thân hữu với Mỹ, là trụ cột trong chiến lược của Mỹ đối với khu vực, song tiếng nói của nước Mỹ không có nhiều sức nặng trong hai vụ đảo chính quân sự diễn ra liên tiếp ở Bangkok. Trong khi đó, chuyện TPP - dù được xem là một trong những thành tựu ngoại giao sáng chói nhất ở nhiệm kỳ thứ hai của cựu Tổng thống Barack Obama - không thể ra đời (và đã buộc phải chuyển hóa thành Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương - CPTPP, sau khi nước Mỹ rút lui) rõ ràng là một bước lùi.
“Mỹ sẽ vẫn là cường quốc vượt trội của thế giới trong thế kỷ 21 nhưng chỉ khi họ là cường quốc chiếm ưu thế tại châu Á - Thái Bình Dương”, năm 2015, tờ Washington Post dẫn lời cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu. Và cũng trong bài báo “Chuyện gì đã xảy ra với chính sách xoay trục của Obama?” ấy, nhà phân tích, bình luận thời sự quốc tế Fareed Zakaria nhận xét: “Châu Á là tương lai của Mỹ. Nếu so sánh về sức mua tương đương thì 3 trên bốn 4 kinh tế lớn nhất thế giới đều ở châu Á” và “Thế nhưng, một lần nữa nước Mỹ lại sa lầy ở Trung Đông. Tổng thống Obama và Ngoại trưởng John Kerry dành rất ít thời gian tại khu vực châu Á”.
Để rồi, 4 năm nhiệm kỳ tổng thống của ông Donald Trump, nước Mỹ xa rời châu Á - Thái Bình Dương thêm, trên nền tảng là một kiểu chủ nghĩa biệt lập hiện đại được áp dụng và thực hiện mạnh mẽ trong thực tế hoạt động đối ngoại của Nhà Trắng, đối với mọi khu vực.
Tìm lại một con đường
Ngày 8-12, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực Đông Á - Thái Bình Dương Daniel Kritenbrink cho biết: Tổng thống Mỹ Joe Biden cam kết nâng quan hệ giữa Washington với ASEAN lên mức “chưa từng có”. Và sau đó, Bộ trưởng Ngoại giao Antony Blinken lên đường công du - chuyến thăm khẳng định ưu tiên trong chính sách ngoại giao của Mỹ đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đạc biệt là với khu vực Đông Nam Á.
Vì sao Indonesia được chọn mở đầu chuyến công du của ông Blinken? Ngày 12-12, theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ, điều đó là bởi quốc gia này (quốc gia “dân chủ lớn thứ ba trên thế giới”) là một ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Mỹ, cũng như “vai trò của Indonesia trong khối ASEAN và vai trò Chủ tịch (luân phiên) của G20”.
Ngoài tăng cường hợp tác đối phó với đại dịch COVID-19, chống biến đổi khí hậu và thúc đẩy dân chủ, “Mỹ và Indonesia cùng chia sẻ tầm nhìn về vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở”. Washington cam kết ủng hộ những nỗ lực trong lĩnh vực năng lượng của Jakarta, trong bối cảnh thực tế khá phức tạp. Thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ cũng khẳng định: Hợp tác về mặt an ninh là trụ cột trong mối quan hệ đối tác chiến lược song phương. “Mỹ tự hào là đối tác quốc phòng lớn nhất của Indonesia về số lần tập trận và sự kiện hằng năm”. Hay nói cách khác, một cách kín đáo, mối quan hệ quốc phòng với Indonesia là một cánh cửa mở cho sự hiện diện thực tế của Mỹ quanh eo biển Malacca. Thương mại và kết nối con người là những chủ đề khác được hai bên cùng nhất trí tiếp tục thúc đẩy.
Sau 2 ngày ở Indonesia, Ngoại trưởng Blinken sẽ đến Malaysia và Thái Lan để tiếp tục thúc đẩy quan hệ về thương mại và an ninh. Theo dự kiến, Ngoại trưởng Mỹ sẽ đề cập với Malaysia về những thách thức chung, như đại dịch COVID-19, chuỗi cung ứng toàn cầu, cũng như tự do lưu thông hàng hải và hàng không ở Ấn Độ-Thái Bình Dương.
Còn tại Thái Lan, Ngoại trưởng Mỹ sẽ tái khẳng định cam kết của Washington về liên minh với Bangkok và hợp tác để tái thúc đẩy tăng trưởng do đại dịch và biến đổi khí hậu gây nên.
Và đây cũng chỉ là những bước khởi đầu, hay đúng hơn, những sự bắt đầu lại một tiến trình. Sau Hội nghị Thượng đỉnh trực tuyến Mỹ - ASEAN hồi tháng 10, khi cam kết dành 102 triệu USD để hỗ trợ các nước ASEAN trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 và các vấn đề khác, đương kim Tổng thống Mỹ Joe Biden đã bày tỏ mong muốn có một cuộc gặp gỡ trực tiếp với các nhà lãnh đạo ASEAN.
Các nguồn tin trong ASEAN cho biết: Phía Mỹ đề xuất tổ chức hội nghị vào tuần thứ ba của tháng 1-2022 tới và đang thảo luận với các nước ASEAN về thời điểm cụ thể. Tuy nhiên, trong thời gian đó, chuyến công du này của Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken cũng chính là bước đi cần thiết, nhằm chuẩn bị sẵn sàng cho sự thành công của hội nghị quan trọng đó.
Nhìn lại, sau khởi đầu chậm chạp trong những tháng đầu tiếp nhiệm của chính quyền Tổng thống Biden, trong vòng nửa năm qua, một loạt nhân vật cấp cao của Mỹ như Phó Tổng thống Kamala Harris, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin hay Thứ trưởng Ngoại giao Wendy Sherman đã trực tiếp tới Đông Nam Á. Không chỉ dừng lại ở các chuyến thăm, chính quyền Mỹ gần đây đưa ra nhiều sáng kiến, thỏa thuận đa phương với các quốc gia đồng minh và đối tác. Về khía cạnh thương mại, Mỹ đang thảo luận với các quốc gia trong khu vực về Khung kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Indo-Pacific Economic Framework).
Như hãng tin Reuters dẫn lời một nhà ngoại giao châu Á nhận xét: Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thể hiện sự nghiêm túc trong việc tăng cường gắn kết với Đông Nam Á. Và, rõ ràng, đầu tiên, điều đó phục vụ lợi ích cốt lõi của chính nước Mỹ, trên mọi bình diện từ kinh tế tới quân sự, an ninh quốc phòng, địa chính trị. Bởi hiển nhiên, cuộc cạnh tranh ảnh hưởng cũng như vị thế giữa nước Mỹ với các trung tâm quyền lực toàn cầu khác tại khu vực tâm điểm thế giới này đã bắt đầu diễn ra từ cả thập kỷ trước.
Sau 5 năm ngưng trệ và dang dở, cuối cùng, chiến lược “Xoay trục” đã thực sự trở lại trên thực tế. Một “bản nâng cấp” với nhiều “tính năng” hứa hẹn hơn. Nhưng, dĩ nhiên, cũng sẽ tiềm ẩn nhiều bất ngờ hơn, nhất là với ASEAN.
Nguồn cand.com.vn
-
Untitled Document -
-
-
Đang online: 1 Hôm nay: 1691 Trong tuần: 1169 Trong tháng 52073 Tất cả: 17145577