Tổng thống Mỹ Joe Biden trong cuộc họp báo. Ảnh Reuters. |
Phát biểu sau cuộc gặp kéo dài đến 3 tiếng đồng hồ, ông Biden cho biết đã thúc giục Tổng thống Nga Vladimir Putin về một loạt vấn đề mà Mỹ quan tâm, như đảm bảo nhân quyền và tự do, mở lại hành lang nhân đạo tại Syria để cho phép những nguồn cung lương thực vào nước này cũng như hợp tác để ngăn cản Iran có được vũ khí hạt nhân. Ngoài ra, Tổng thống Mỹ cũng đề cập đến vụ cáo buộc đầu độc nhân vật đối lập ở Nga, Alexei Navalny hay Ukraine.
“Tôi đã nói với Tổng thống Putin rằng hai bên cần phải có một số quy tắc cơ bản. Tôi cũng nói rằng có những lĩnh vực mà hai nước cùng có lợi ích chung để hợp tác vì người dân Nga và Mỹ, nhưng cũng vì lợi ích của thế giới và an ninh của thế giới”, ông Biden nhấn mạnh, đồng thời nói thêm rằng còn nhiều điều phải làm và 6 tháng đến 1 năm tới là khoảng thời gian cho thấy Mỹ và Nga có thể tham gia vào các mối quan hệ hợp tác hơn hay không.
Tổng thống Mỹ và Nga đã đồng ý nối lại các cuộc đàm phán về kiểm soát vũ khí và đưa các đại sứ trở lại làm việc tại thủ đô của nhau sau khi hai bên triệu hồi đại sứ vào đầu năm nay.
Ông Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gặp nhau trong khoảng 3 tiếng tại hội nghị thượng đỉnh diễn ra tại Geneva, Thụy Sĩ, ngày 16/6, ít hơn thời gian dự tính ban đầu.
Trước cuộc gặp ở Geneva, các quan chức Nhà Trắng đã vạch ra 3 mục tiêu lớn cho cuộc gặp thượng đỉnh. Đầu tiên, họ hy vọng sẽ tìm ra những lĩnh vực rõ ràng mà hai quốc gia có thể hợp tác cùng nhau nhằm bảo đảm thế giới an toàn hơn và ông Putin đã đưa ra một thỏa thuận tại hội nghị về việc tham gia các cuộc đàm phán nhằm hạn chế vũ khí hạt nhân.
Ông Biden đã lên kế hoạch chuyển tới ông Putin một tuyên bố rõ ràng về lợi ích quốc gia của Mỹ trong các vấn đề chính và cảnh báo rằng các hành động của Nga đi ngược lại với những lợi ích đó sẽ bị Mỹ đáp trả. Về phía Nga, ông Putin đang tìm kiếm sự thay đổi quan điểm từ Washington.
Trả lời các câu hỏi của giới truyền thông Mỹ, ông Biden cho rằng Nga sẽ được các quốc gia khác xem xét nhiều hơn về đầu tư và thương mại nếu Moscow tôn trọng các quyền chính trị trong nước và hoạt động theo các chuẩn mực quốc tế.
Trong khi đó, ông Putin đã thúc ép ông Biden về việc liệu Mỹ có thể duy trì an ninh và ổn định ở Afghanistan sau khi quân đội Mỹ và NATO rút đi hay không. Đáp lại, ông Biden cho rằng điều này phụ thuộc phần nào ào hành động của Nga và ông Putin đã đề nghị giúp đỡ. Ông Putin cũng nhấn mạnh đến vấn đề lý do tại sao Mỹ tiếp tục phản đối chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad ở Syria.
Ông Biden hầu như tránh mâu thuẫn với người đồng cấp Nga về các vấn đề nổi cộm như tấn công mạng và cáo buộc can thiệp vào bầu cử Mỹ và không bày tỏ sự tin tưởng rằng hội nghị thượng đỉnh sẽ mang lại sự thay đổi trong cách ứng xử của Nga.
Trong một cuộc họp báo riêng sau cuộc gặp, ông Putin mô tả cuộc đối thoại với người đồng cấp Mỹ là “thực dụng” và “không có thái độ thù địch”. Ông Putin cho biết, điều đó cho thấy mong muốn hiểu nhau của các nhà lãnh đạo và nói thêm rằng ông coi ông Biden là người “có kinh nghiệm” và “cân bằng”.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đánh giá ông Biden là người "có kinh nghiệm" và "cân bằng". Ảnh Reuters. |
Ông Putin cho biết Nga và Mỹ cùng có trách nhiệm về ổn định hạt nhân và sẽ tổ chức các cuộc đàm phán về những thay đổi có thể xảy ra đối với hiệp ước START Mới đã được gia hạn thêm 5 năm hồi tháng 1 vừa qua.
Tổng thống Nga bác bỏ quan ngại của Washington về vụ bắt giữ nhân vật chính trị đối lập Alexey Navalny, sự hiện diện quân sự của Nga ở miền đông Ukraine và cáo buộc của Mỹ rằng tin tặc Nga chịu trách nhiệm cho một loạt vụ tấn công mạng ở Mỹ.
Quan hệ ngoại giao giữa Moscow và Washington xấu đi hồi tháng 3 sau nhận định gây tranh cãi của ông Biden về người đồng cấp Nga, dẫn đến việc hai bên triệu hồi đại sứ về nước và quan hệ song phương tiếp tục rơi vào mức thấp chưa từng có.
Nguồn: cand.com.vn
-
Untitled Document -
-
-
Đang online: 1 Hôm nay: 7772 Trong tuần: 48939 Trong tháng 111067 Tất cả: 17204622