Cuộc tập trận mang tên Steadfast Defender 21 nhằm mô phỏng khả năng phản ứng của NATO đối với cuộc tấn công nhắm vào bất kỳ thành viên nào trong 30 quốc gia thành viên của khối. Cuộc tập trận cũng sẽ kiểm tra khả năng của NATO triển khai binh sĩ từ Mỹ và giữ các tuyến tiếp tế luôn mở.
Thông điệp từ NATO
Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg nhấn mạnh cuộc tập trận mới gửi một thông điệp tới bất kỳ kẻ thù tiềm ẩn: “NATO sẵn sàng”. “NATO có mặt để bảo vệ tất cả đồng minh và cuộc tập trận này gửi thông điệp về khả năng điều số lượng lớn binh sĩ, thiết bị xuyên Đại Tây Dương, châu Âu và cũng nhằm thể hiện sức mạnh trên biển”.
Hoạt động quân sự của Nga tại biển Đen cũng rất tích cực sau khi nước này sáp nhập Krym. |
Thực tế, trong thời gian qua, NATO đã tổ chức những cuộc tập trận quy mô lớn trên khắp châu Âu. Các thành viên của Nhóm triển khai chiến tranh đặc biệt Hải quân Mỹ (SEAL) từ Virginia Beach đã hoạt động ở Romania từ như một phần thuộc các lực lượng đặc biệt của Mỹ tham gia vào cuộc tập trận quân sự Trojan Footprint ở 5 nước Đông Âu cùng 600 binh lính thuộc NATO và không thuộc NATO, trong đó có cả các binh lính từ Ukraine và Georgia. Cuộc tập trận diễn ra trong tháng này có quy mô lớn hơn nhiều so với cuộc tập trận chung Defender-Europe 21 của NATO với khoảng 28.000 quân từ 26 quốc gia khác nhau.
Cuộc tập trận thường niên này bị hủy bỏ vào năm ngoái do sự bùng phát của đại dịch COVID-19 và sau hơn 1 năm, không phải ngẫu nhiên, hoạt động này được tiến hành giữa lúc căng thẳng Nga - phương Tây leo thang nghiêm trọng. Tuy nhiên, cả 2 cuộc tập trận, vốn được lên kế hoạch trong thời gian dài, đều diễn ra sau một loạt động thái của Nga mà Mỹ và NATO cho là gây hấn ở khắp châu Âu.
Giới lãnh đạo NATO khẳng định rằng cuộc tập trận mới nhất nói trên, với sự tham gia của khoảng 9.000 binh sĩ từ 20 quốc gia, không nhắm vào Nga nhưng tập trung vào khu vực biển Đen, nơi Moscow bị cáo buộc ngăn chặn các tàu tự do đi lại, theo AP.
Trong Thông điệp Liên bang 2021, ông Putin nhắc nhở phương Tây về “lằn ranh đỏ” của Nga. |
“Chúng ta phải mạnh mẽ và ủng hộ các đồng minh của chúng ta khi xuất hiện mối đe dọa. Khi chúng ta mạnh mẽ, khi chúng ta đoàn kết, chúng ta sẽ thấy hiệu quả thực sự trước những vấn đề có thể xảy ra”, David Muniz, nhà ngoại giao cấp cao của Mỹ ở Romania cho hay. “Bằng cách này, chúng ta có thể chấm dứt những rắc rối”, nhà ngoại giao này đánh giá.
Trong khi một số lực lượng của Nga gần đây đã rút khỏi biên giới Ukraine thì hải quân nước này vẫn tiến hành các cuộc tập trận ở biển Đen. Người đứng đầu lực lượng đặc biệt của Romania cho biết những cuộc diễn tập của Nga ở không xa bờ biển nước này. “Đây là mối lo ngại của chúng tôi. Nhiệm vụ của chúng tôi là luyện tập ngày càng chăm chỉ hơn và chuẩn bị cho mọi thứ”, Trung tướng Daniel Petrescu cho hay.
Tháng trước, Lầu Năm Góc đưa ra kế hoạch điều 2 tàu khu trục tới biển Đen nhưng lực lượng tuần duyên Mỹ đã điều tàu tuần duyên Hamilton tới đây để “hỗ trợ các đồng minh và đối tác NATO”. “Đây là dịp để chúng ta xây dựng hiểu biết về nhau. Điều đó cho thấy chúng ta sẵn sàng học hỏi từ nhau. Việc này rất quan trọng và có ý nghĩa cho dù bất kỳ điều gì xảy ra trên thế giới”, một thành viên trong lực lượng lính mũ nồi xanh NATO cho hay.
Quân nhân thuộc lực lượng vũ trang Ukraine quan sát vị trí ở khu vực Donetsk, Ukraine. |
NATO và quá trình “đông tiến” áp sát Nga
Thực tế, kể từ khi thành lập và trong quá trình mở rộng, NATO đã không ngừng “Đông tiến” áp sát biên giới nước Nga, nhất là sau thời kì Chiến tranh Lạnh.
Năm 1955 Cộng hòa Liên bang Đức (lúc đó chỉ có phần Tây Đức) gia nhập, năm 1990 nước Đức thống nhất mở rộng tư cách thành viên cho vùng lãnh thổ Đông Đức tức Cộng hòa dân chủ Đức cũ. Tây Ban Nha gia nhập ngày 30-5-1992. Năm 1999, 3 nước thành viên khối Warszawa cũ (vốn được thành lập để làm đối trọng với NATO) gia nhập NATO là Ba Lan, Cộng hòa Séc và Hungary.
Ngày 29-3-2004, Slovenia, Slovakia, các nước khối Warszawa cũ gồm Bulgaria, Romania, các nước vùng Baltic thuộc Liên Xô trước đây là Estonia, Latvia và Litva chính thức gia nhập NATO. Tháng 4 cùng năm, các nước này lần đầu tiên dự họp Hội đồng NATO.
Ngày 1-4-2009, Croatia và Albania chính thức được kết nạp vào NATO sau 1 năm nộp đơn xin gia nhập. Montenegro trở thành thành viên thứ 29 của tổ chức vào năm 2017. Ngày 27-3-2020, Bắc Macedonia trở thành thành viên thứ 30 của tổ chức.
Ngoài ra, NATO còn có Chương trình hành động thành viên (MAP). Hiện tại MAP gồm Gruzia, Ukraine và Bosnia-Herzegovina.
Lấy lý do bảo vệ đồng minh trong khối, những năm gần đây, Mỹ và đồng minh đã triển khai binh sĩ và khí tài quân sự ở Estonia, Latvia, Lithuania và Ba Lan để trấn an các quốc gia thành viên giáp với Nga rằng họ sẽ được bảo vệ nếu bị tấn công. Tháng trước, việc Nga quyết định điều hàng ngàn binh sĩ đến khu vực biên giới giáp với Ukraine đã gây quan ngại trong NATO.
Một phần trang thiết bị của NATO trong cuộc tập trận. |
Ukraine giữa hai thế lực
Mâu thuẫn của Nga và NATO được thể hiện rõ nhất qua vấn đề tại Ukraine. Ukraine được chú ý đến bởi tình trạng bất ổn kể từ khi Tổng thống Viktor Yanukovych từ chối ký thỏa thuận liên kết với Liên minh châu Âu vào ngày 21-11-2013. Một phong trào chính trị được gọi là Euromaidan đòi quan hệ ngoại giao gần gũi hơn với Liên minh châu Âu và đòi ông Yanukovych từ chức. Phong trào này cuối cùng đã thành công, mà đỉnh cao là đảo chính Ukraina năm 2014, loại bỏ ông Yanukovych và chính phủ của ông.
Tuy nhiên, một số người trong các vùng phần lớn nói tiếng Nga tại miền Đông và Nam Ukraine, các cơ sở nền tảng hỗ trợ của ông Yanukovych và đảng của ông không tán thành đảo chính và ủng hộ mối quan hệ gần gũi hơn với Nga. Các cuộc biểu tình khác nhau đã được tổ chức tại Krym ủng hộ tách rời Ukraine và để gia nhập Liên bang Nga, dẫn đến cuộc khủng hoảng Krym năm 2014 và thành lập Cộng hòa Krym.
Ukraine là “đất nước anh em” của Nga và Moscow luôn sẵn sàng cứu Kiev khỏi vỡ nợ. Nga coi việc Mỹ và phương Tây can thiệp vào Ukraine là điều không thể chấp nhận được vì Nga và Ukraine có mối quan hệ đặc biệt, mang tính lịch sử.
Cuộc đối đầu giữa các phe phái tại Ukraine còn là cuộc đối đầu Nga-phương Tây. Hành động của phương Tây tại Ukraine là một phần trong những bước đi nhằm thay đổi trật tự hậu Chiến tranh Lạnh do Liên Xô - Mỹ hình thành từ cuối những năm 1980.
Bản đồ mô tả cuộc tập trận của NATO. |
Theo tác giả John J. Mearsheimer, Mỹ và các đồng minh phương Tây phải chịu hầu hết trách nhiệm trong cuộc khủng hoảng này. Gốc rễ của vấn đề nằm ở sự mở rộng của NATO, nhân tố trung tâm của một chiến lược bao trùm hơn nhằm đưa Ukraine gia nhập phương Tây.
Trong khi đó, sự mở rộng của EU về hướng Đông và việc phương Tây chống lưng cho phong trào biểu tình ở Ukraine - bắt đầu với cuộc cách mạng Cam năm 2004 - cũng là những nhân tố then chốt. Kể từ giữa thập niên 1990, giới lãnh đạo Nga đã phản đối mạnh mẽ sự mở rộng của NATO và trong những năm gần đây họ cũng nêu rõ quan điểm rằng Nga sẽ không đứng nhìn quốc gia láng giềng có tầm quan trọng chiến lược bị biến thành thành trì của phương Tây.
Đối với Tổng thống Nga Putin, cuộc lật đổ bất hợp pháp vị tổng thống đắc cử một cách dân chủ và thân Nga của Ukraine - cái mà ông gọi một cách chính xác là cuộc “đảo chính” - là giọt nước làm tràn ly. Nga coi Ukraine là “lằn ranh đỏ” mà NATO không được phép chạm tới.
Trong khi đó, chính quyền mới tại Ukraine từ đó đến nay luôn cáo buộc Nga phải chịu trách nhiệm cho bất ổn tại miền Đông nước này cũng như sự ly khai của Krym. Cùng với việc Nga gia tăng các hoạt động quân sự quanh khu vực biên giới Ukraine và biển Đen, Ukraine và các nước lân cận lo sợ và quyết định cầu viện NATO nhằm thống nhất với các chủ trương, chính sách ngoại giao.
Không dễ tháo gỡ
Mới đây, Tổng thống Volodymyr Zelensky đã kêu gọi NATO tạo điều kiện để Ukraine gia nhập khối liên minh quân sự này, vài ngày sau khi Nga tăng cường lực lượng gần biên giới 2 nước.
Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Andrey Taran cũng nhận định, Kiev là một tiền đồn mạnh mẽ trên sườn phía Đông của NATO. “Trong 7 năm qua, Ukraine đã không chỉ bảo vệ mạnh mẽ sự độc lập của mình mà còn cả an ninh và sự ổn định của châu Âu. Các nước thành viên NATO rõ ràng cho thấy họ coi Ukraine là một đối tác bình đẳng”.
Theo các chuyên gia, chấp nhận rủi ro khi NATO tham gia xung đột vì Ukraine là điều mà gần như tất cả các nước thành viên đều không muốn. Nga từ lâu đã phản đối bất kỳ sự mở rộng nào của NATO dù là ở khu vực Kavkaz với các quốc gia như Georgia hay các quốc gia châu Âu có biên giới tiếp giáp với nước này.
Nhà quan sát Alex Marquardt nhận định, nếu Nga tấn công Ukraine, Mỹ và phần còn lại của NATO không nhất thiết phải can thiệp bởi nước này không nằm trong liên minh. NATO không phản ứng quân sự trước việc Nga sáp nhập Krym nhưng không công nhận phần lãnh thổ này thuộc Nga.
Trước mắt, mối quan hệ ngoại giao giữa Nga và NATO dù đang rất căng thẳng nhưng cũng chưa dễ gì tháo gỡ được ngay. Tuy vậy, hai bên đều hiểu rõ giới hạn không nên chạm tới giới hạn của đối phương để tránh mọi việc đi quá xa ngoài tầm kiểm soát.
Nguồn cand.com.vn
-
Untitled Document -
-
-
Đang online: 1 Hôm nay: 2984 Trong tuần: 55530 Trong tháng 117660 Tất cả: 17211217