Các nhân chứng, bao gồm luật sư đại diện của một số người bị bắt, cho biết nhiều xe buýt chở đầy người đã rời nhà tù Insein ở Yangon vào buổi sáng 24/3.
“Tất cả những người được thả đều là những người bị bắt trong các cuộc biểu tình, cũng như bị bắt vào ban đêm hoặc những người ra ngoài mua đồ (vi phạm thiết quân luật)”, một thành viên của nhóm cố vấn pháp lý cho biết, nói thêm rằng anh ta đã thấy khoảng 15 xe buýt rời đi.
Đài truyền hình nhà nước cho biết tổng cộng 628 người đã được trả tự do. Chính quyền quân sự hiện chưa bình luận gì về thông tin này.
Những người được trả tự do xuất hiện trên các chuyến xe buýt rời nhà tù. Ảnh: AP |
Thein Zaw, một nhà báo của hãng tin AP, người đã bị bắt hồi tháng trước khi đang đưa tin về biểu tình Myanmar, nói với gia đình rằng anh ta đã được thông báo sẽ được thả ra khỏi nơi giam giữ ngày 24/3.
Trước đó, theo AP, nhà báo này cho biết, anh ta đã bị buộc tội vi phạm luật trật tự công cộng với hình phạt lên đến ba năm tù.
Nhóm hoạt động của Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị (AAPP) thông tin thêm, ít nhất 2.000 người đã bị bắt trong cuộc đàn áp của quân đội nhằm vào các cuộc biểu tình hậu chính biến ngày 1/2, và khoảng 275 người đã thiệt mạng.
Đường phố Yangon bất ngờ vắng lặng lạ thường. Ảnh: Reuters |
Nhiều doanh nghiệp đã đóng cửa ở Yangon và ít xe cộ được nhìn thấy trên đường phố ở thành phố lớn nhất Myanmar, các nhân chứng cho biết, sau khi các nhà hoạt động ủng hộ dân chủ kêu gọi một cuộc đình công im lặng.
Một người dân ở quận Mayangone chia sẻ: "Những người bán thịt và rau thông thường vẫn bán trên đường phố giờ không xuất hiện nữa. Không có tiếng động xe hơi, chỉ có tiếng chim".
Cuộc đình công diễn ra một ngày sau khi nhân viên phục vụ tang lễ ở Mandalay chia sẻ với Reuters rằng một bé gái 7 tuổi đã bị lực lượng an ninh bắn chết. Đây là nạn nhân nhỏ tuổi nhất thiệt mạng trong cuộc khủng hoảng ở Myanmar hiện nay.
Sau khi bắt giữ và Aung San Suu Kyi cùng các quan chức đảng NLD hôm 1/2 với cáo buộc kết quả bầu cử hồi tháng 11 năm ngoái là gian lận, quân đội Myanmar đã lên nắm quyền và cam kết sẽ tổ chức một cuộc bầu cử mới.
Chính quyền quân sự Myanmar sau đó đối mặt với sự lên án mạnh mẽ của quốc tế do các hành vi trấn áp bạo lực nhằm vào những cuộc biểu tình phản đối quân đội nước này. Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ cũng đã áp đặt biện pháp trừng phạt lên các nhóm hoặc cá nhân có liên quan đến quân đội Myanmar.
Nguồn: cand.com.vn
-
Untitled Document -
-
-
Đang online: 1 Hôm nay: 3289 Trong tuần: 36 Trong tháng 144045 Tất cả: 17237608