Không khiến mọi thứ dễ dàng hơn nhưng không bất ngờ
Hôm 26/2, chính quyền Tổng thống Joe Biden công bố báo cáo tình báo về vụ sát hại ông Jamal Khashoggi, trong đó khẳng định Thái tử Mohammed bin Salman đã cho phép tiến hành vụ bắt cóc và sát hại nhà báo Jamal Khashoggi hồi năm 2018 ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo Tình báo Mỹ, đánh giá dựa trên những thông tin về quyền lực thực tế của Thái tử Mohammed Bin Salman ở Saudi Arabia, cũng như sự tham gia trực tiếp của các cận vệ Thái tử trong vụ việc này. Giám đốc Tình báo Quốc gia Avril Haines đánh giá báo cáo có thể gây ảnh hưởng đến quan hệ Mỹ-Saudi Arabia. Bà nói: “Tôi chắc chắn điều này sẽ không khiến mọi thứ dễ dàng hơn nhưng cũng có thể nói rằng đây không phải điều bất ngờ”.
Cố nhà báo Jamal Khashoggi. Ảnh: AP. |
Chỉ vài giờ sau đó, chính quyền Tổng thống Joe Biden cũng thông qua một loạt biện pháp trừng phạt từ cấm nhập cảnh đến đóng băng tài sản đối với hàng chục quan chức Saudi Arabia được cho là có liên quan. Đặc biệt trong số này có Tướng Ahmed Al-Assiri, nhân vật số 2 của cơ quan tình báo Saudi Arabia. Tuy nhiên, việc Mỹ công bố báo cáo, cũng như không đưa Thái tử Mohammed Ben Salman vào danh sách trừng phạt đã phần nào cho thấy sự khác biệt trong chính sách của Mỹ đối với đồng minh truyền thống Saudi Arabia.
Điều này được thể hiện khá rõ trong phát biểu hôm 26/2 của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken rằng, chính quyền Tổng thống Joe Biden muốn “cân chỉnh lại” quan hệ với Saudi Arabia nhưng không muốn “rạn nứt”: “Mối quan hệ với Saudi Arabia là một mối quan hệ quan trọng. Chúng tôi có những lợi ích liên tục đáng kể và Mỹ vẫn cam kết bảo vệ Saudi Arabia. Nhưng chúng tôi cũng muốn đảm bảo rằng, đây là điều mà tổng thống đã nói ngay từ đầu, rằng mối quan hệ này phản ánh tốt hơn lợi ích và giá trị của chúng ta. Và vì vậy những gì chúng tôi làm không phải là phá vỡ, mà là để điều chỉnh lại các mối quan hệ để chúng trở nên phù hợp hơn với các mối quan tâm và giá trị cốt lõi”.
Trong chiến dịch tranh cử năm 2020, ông Joe Biden đã tấn công gay gắt nhằm vào Thái tử Saudi Arabia và dự kiến sẽ tìm cách hạn chế bán vũ khí cho Saudi Arabia cũng như sử dụng biện pháp trừng phạt tài chính. Tuy nhiên, mức độ ra sao là điều mà chính quyền Tổng thống Joe Biden sẽ phải cân nhắc bởi Saudi Arabia vẫn là một trụ cột trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Tại cuộc điện đàm đầu tiên với Quốc vương Saudi Arabia Salman ngày 25/1, Tổng thống Joe Biden cũng cam kết về một mối quan hệ vững chắc hơn và minh bạch hơn với Saudi Arabia.
Về phía Saudi Arabia, nước này đã ngay lập tức ra tuyên bố “hoàn toàn bác bỏ” báo cáo của Mỹ. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Saudi Arabia nêu rõ: “Chính phủ của Vương quốc Saudi Arabia hoàn toàn bác bỏ đánh giá tiêu cực, sai lầm và không thể chấp nhận được trong báo cáo liên quan đến lãnh đạo của vương quốc này, đồng thời lưu ý rằng, báo cáo này chứa đựng những kết luận và thông tin không đúng”.
Một loạt các nước vùng Vịnh cũng đã lên tiếng ủng hộ lập trường của Saudi Arabia trong vụ việc. Thông cáo của Bộ Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) bày tỏ tin tưởng và ủng hộ các phán quyết của tòa án Saudi Arabia, trong đó khẳng định cam kết của nước này trong việc thực thi pháp luật và trừng phạt “một cách minh bạch và công bằng” bất cứ kẻ nào dính líu vào vụ giết hại nhà báo Khashoggi. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Kuwait thể hiện “quan điểm của quốc gia phản đối mạnh mẽ mọi hành động có thể làm xói mòn chủ quyền của Saudi Arabia”.
Bộ Ngoại giao Bahrain cũng ủng hộ Riyadh và đánh giá “vai trò to lớn của Saudi Arabia dưới sự lãnh đạo của Quốc vương Salman bin Abdulaziz Al Saud và Thái tử trong các nỗ lực tăng cường an ninh và ổn định tại khu vực”. Các nước Oman, Yemen cũng như các quan chức của Liên đoàn Arab, Tổ chức Hợp tác Hồi giáo và Nghị viện Arab cũng bày tỏ quan điểm tương tự.
Tại sao Mỹ “ngại” trừng phạt Thái tử Saudi Arabia?
Tổng thống Joe Biden hôm 28/2 nói rằng, sẽ có tuyên bố đưa ra vào ngày 1/3 về “điều chúng tôi sẽ thực hiện với Saudi Arabia”. Nhà lãnh đạo Mỹ cũng đề cập “các quy định đang thay đổi” và thay đổi đặc biệt có thể diễn ra vào ngày 1/3, nhưng ông không nêu chi tiết liệu có kế hoạch áp dụng lệnh trừng phạt với Thái tử Saudi Arabia hay không. Và trong danh sách trừng phạt đối với các quan chức Saudi Arabia được công bố hôm 26/2 cũng không có tên của Thái tử.
Trước đó, mặc dù trong quá trình vận động tranh cử, ông Joe Biden cũng cam kết sẽ trừng trị lãnh đạo cấp cao Saudi Arabia liên quan đến cái chết của nhà báo Khashoggi nhưng đến nay người đứng đầu Nhà Trắng vẫn “né” tránh áp đặt lệnh trừng phạt lên Thái tử Mohammed bin Salman. CNN dẫn lời hai quan chức Nhà Trắng giấu tên cho biết, việc trừng phạt Thái tử Saudi Arabia chưa bao giờ là một giải pháp bởi điều này khá phức tạp và mang rủi ro gây tổn hại đến lợi ích quân sự Mỹ tại Saudi Arabia.
Các quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, chính quyền Tổng thống Joe Biden chủ trương không đảo ngược bất cứ cuộc thảo luận cấp cao nào giữa hai quốc gia bởi mối quan hệ an ninh là vô cùng quan trọng. Nhà Trắng dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump và ông Joe Biden đều nhận thức rằng Saudi Arabia là đối tác chiến lược trong phòng chống khủng bố và mang tầm đối trọng với Iran, do vậy, việc tách rời Riyadh gần như là bất khả thi.
Ông Gerald Feierstein tại Viện Trung Đông nhận định rằng, chính quyền Tổng thống Biden đang cân bằng phản ứng về vụ việc nhà báo Jamal Khashoggi với các ưu tiên khác của Washington trong quan hệ với Riyadh như chấm dứt xung đột tại Yemen, giảm căng thẳng ở Vùng Vịnh và chống khủng bố. Tất cả những diễn biến này đều đòi hỏi một mối quan hệ Mỹ-Saudi Arabia ổn định.
Ông Ayham Kamel, tại công ty tư vấn rủi ro chính trị toàn cầu Eurasia Group bổ sung: “Điều quan trọng là đàm phán Mỹ-Iran nhiều khả năng sẽ tái khởi động vào năm 2021 này, Tổng thống Joe Biden cần ưng thuận từ Saudi Arabia để đạt được thỏa thuận trong khu vực”.
Nguồn cand.com.vn
-
Untitled Document -
-
-
Đang online: 1 Hôm nay: 5689 Trong tuần: 15154 Trong tháng 166068 Tất cả: 17259633