Sự lựa chọn bất ngờ
Trong thông báo mới nhất được đưa ra sáng 18/2, ông William Easton, Giám đốc điều hành Facebook Australia và New Zealand tuyên bố, gã khổng lồ công nghệ Facebook sẽ chặn mọi nội dung tin tức liên quan đến Australia và không cho người dùng tại Australia đọc tin tức trong nước lẫn quốc tế.
Đây là phản ứng của Facebook trước việc quốc hội Australia chuẩn bị thông qua dự luật yêu cầu Google và Facebook phải trả tiền cho các cơ quan báo chí Australia.Dự luật này yêu cầu hai gã khổng lồ công nghệ phải thương lượng trả phí cho các hãng báo chí để sử dụng nội dung tin tức trên các nền tảng của mình, kể cả trong phần kết quả tìm kiếm. Nếu hai bên không thể đạt được thỏa thuận, Canberra sẽ chỉ định cơ quan quyết định mức phí, khi đó Google và Facebook sẽ không còn quyền lựa chọn.
Động thái “hủy kết bạn” của Facebook bị chính phủ Australia phản ứng gay gắt. Ảnh: Getty |
“Dự luật về cơ bản hiểu sai mối quan hệ giữa nền tảng của chúng tôi với các đơn vị xuất bản, vốn sử dụng Facebook để chia sẻ những nội dung tin tức. Điều này buộc chúng tôi đối mặt với lựa chọn khó khăn. Một là cố gắng tuân thủ luật và bỏ qua thực tế về mối quan hệ vừa đề cập, hoặc hai là dừng cho phép chia sẻ các nội dung thông tin trên những dịch vụ của chúng tôi ở Australia. Dù không muốn nhưng chúng tôi đang lựa chọn phương án thứ hai”, đại diện Facebook nhấn mạnh.
Facebook đồng thời tái khẳng định, những lợi ích mà công ty thu được từ việc các cơ quan báo chí chia sẻ tin tức là rất ít, với số tin tức chỉ chiếm khoảng 4% so với những gì người dùng nhìn thấy trên bảng tin (Newsfeed). Facebook cho rằng, việc trao đổi giữa nền tảng này với các cơ quan báo chí đang thiên về hướng có lợi nhiều hơn cho các cơ quan báo chí.
Hành động mới nhất của Facebook trái ngược với Google - tập đoàn trước đó thông báo đã dàn xếp được các thỏa thuận với những tập đoàn truyền thông lớn của Australia như News Corp.
Tác động ngay lập tức
Trên thực tế, theo Reuters, đối với người dân Australia, vai trò của Facebook trong việc cung cấp tin tức ngày càng gia tăng. Một nghiên cứu của Đại học Canberra năm 2020 cho thấy, 21% dân số Australia sử dụng mạng xã hội làm nguồn tin tức chính, tăng 3% so với năm trước, trong khi 39% dân số sử dụng Facebook để nhận tin tức. Nghiên cứu tương tự cho biết 29% nội dung video tin tức của Australia được sử dụng trên Facebook.
Vì lẽ đó, những thay đổi mà Facebook thực hiện, chỉ trong một đêm, đã tác động nhiều đến người dùng Australia. Các bài đăng trên trang tin Facebook do các hãng tin tức điều hành, cũng như các bài đăng do người dùng chia sẻ đều đã bị xóa sạch, vào đúng thời điểm chương trình tiêm chủng vaccine quốc gia của Australia nhằm đối phó với COVID-19 sẽ diễn ra trong ba ngày tới.
Nhiều trang thông tin của các tổ chức phi chính phủ và từ thiện tại Australia đã bị Facebook xóa sạch tin bài. Ảnh: TG |
Các trang Facebook của Nine và News Corp, vốn cùng thống trị thị trường báo tàu điện ngầm của Australia, cũng như hãng Australian Broadcasting Corp do chính phủ tài trợ, vốn đóng vai trò là nguồn thông tin trung tâm trong các thảm họa thiên nhiên, đã bị xóa bài đăng. Một số tài khoản chính của chính quyền các tiểu bang cũng bị ảnh hưởng, bao gồm cả những tài khoản cung cấp lời khuyên về đại dịch COVID-19, cháy rừng, lốc xoáy cũng như tài khoản tổ chức từ thiện và phi chính phủ.
“Nhu cầu cứu trợ thực phẩm chưa bao giờ cao hơn thế trong thời kỳ đại dịch này, và một trong những công cụ kết nối chính của chúng tôi để giúp kết nối mọi người với thông tin và lời khuyên về hỗ trợ lương thực hiện không khả dụng”, Brianna Casey, giám đốc điều hành của tổ chức từ thiện cứu đói Foodbank cho biết trong một tuyên bố trên Twitter.
Phản ứng từ chính phủ Australia
Cũng trong ngày 18/2, phản ứng trước động thái bất ngờ từ phía Facebook, Thủ tướng Australia Scott Morrison cho rằng: “Những hành động của Facebook nhằm chấm dứt tình bạn với Australia ngày hôm nay, bao gồm việc cắt đứt các dịch vụ thông tin thiết yếu về y tế và dịch vụ khẩn cấp, là vừa kiêu ngạo, vừa đáng thất vọng”.
Thủ tướng Australia Scott Morrison cùng nhiều quan chức nước này đã lên tiếng về động thái của Facebook. Ảnh: TG |
Ông cũng nhấn mạnh rằng, những hành động tương tự sẽ chỉ chứng minh rõ ràng hơn những lo ngại mà nhiều quốc gia đang đặt ra về hành vi của các gã khổng lồ công nghệ, “những người cho rằng họ lớn hơn các chính phủ và các quy tắc không nên áp dụng cho họ”. Ông khẳng định Australia sẽ không bị đe dọa bởi sự bắt nạt của gã khổng lồ công nghệ truyền thông này và coi đây là hành động gây áp lực với quốc hội khi các nghị sỹ bỏ phiếu về bộ luật truyền thông quan trọng. Ông kêu gọi Facebook làm việc một cách tích cực với chính phủ Australia, giống như Google gần đây đã thể hiện một cách thiện chí.
Trong khi đó, chính phủ Australia tuyên bố Facebook đã xử lý “quá mạnh tay” và “không cần thiết”. Bộ trưởng Tài chính Josh Frydenberg chỉ trích Facebook đã "sai lầm" khi ngăn chặn chia sẻ tin tức trên các trang thông tin, còn Bộ trưởng truyền thông Australia Paul Fletcher cho rằng, hành động này đã gửi thông điệp mạnh mẽ về độ tin cậy của các thông tin được đăng tải trên Facebook.
“Đã có những câu hỏi về độ tin cậy của thông tin từ Facebook. Facebook như muốn ám chỉ rằng, nếu bạn muốn tìm kiếm tin tức đáng tin cậy, đây không phải là nơi bạn nên tìm”, ông Fletcher bày tỏ. Ông cũng chia sẻ, Australia mong muốn giữ chân Google và Facebook, nhưng “nếu bạn kinh doanh ở Australia, bạn cần tuân thủ các đạo luật đã được quốc hội Australia thông qua”.
Theo: cand.com.vn
-
Untitled Document -
-
-
Đang online: 1 Hôm nay: 608 Trong tuần: 21745 Trong tháng 172667 Tất cả: 17266227