Trong hai ngày 24 và 25/10 vừa qua, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã lặp đi lặp lại một phát biểu trên truyền hình, rằng Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cần phải đi kiểm tra sức khỏe và điều trị tâm thần. "Vấn đề của ông Macron với đạo Hồi và những người theo đạo Hồi là gì? Macron cần điều trị tâm thần", ông Erdogan nói và còn cho rằng Tổng thống Pháp đương nhiệm sẽ không thể thắng trong cuộc bầu cử vào năm 2022.
Phát ngôn này được đưa ra sau khi Tổng thống Macron tuyên bố nước Pháp sẽ không từ bỏ các bức tranh biếm họa trong lễ tưởng niệm cấp quốc gia dành cho thầy giáo Samuel Paty, người bị khủng bố Hồi giáo hành quyết dã man hôm 16/10 vì sử dụng hình ảnh biếm họa nhà tiên tri Mohammed của người Hồi giáo trong một buổi học. Đáp trả lại phía Ankara, văn phòng của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chỉ trích gay gắt những phát ngôn này: “Các bình luận của Tổng thống Erdogan là không thể chấp nhận được.
Những lời xúc phạm và làm tổn thương không phải là điều nên làm”. Tờ La Repubblica dẫn lời một quan chức phủ Tổng thống Pháp giấu tên miêu tả, bài phát biểu đả kích của Tổng thống Erdogan là “thô lỗ và đi quá giới hạn”, nói thêm rằng Paris đã yêu cầu Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ thay đổi chính sách vì nó rất nguy hiểm ở mọi khía cạnh”.
Hai nhà lãnh đạo Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ liên tục đưa ra các phát ngôn nhằm vào quan điểm của đối phương về vấn đề Hồi giáo. Nguồn: Getty. |
Nhà ngoại giao hàng đầu Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell cũng đã lên tiếng phản đối: "Bình luận của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan về Tổng thống Emmanuel Macron là không thể chấp nhận được. Tôi kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ chấm dứt vòng xoáy đối đầu nguy hiểm này".
Cũng trong ngày 25/10, nước Pháp đã triệu hồi đại sứ tại Thổ Nhĩ Kỳ “để tham vấn” như một động thái phản ứng quyết liệt nhất đối với các phát ngôn của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử ngoại giao song phương, Pháp phải triệu Đại sứ tại Thổ Nhĩ Kỳ về nước.
Tờ The Guardian nhận định, cả hai tổng thống đều có những lý do chính trị riêng để bảo vệ quan điểm về Hồi giáo của họ theo những cách khác nhau. Theo đó, ông Macron cần chứng tỏ rằng dưới sự điều hành của mình thì nước Pháp hoàn toàn có thể đối phó với những thách thức từ chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan.
Trong khi đó, ông Erdogan cũng đang phải chịu áp lực từ các cuộc biểu tình dữ dội bảo vệ nhà tiên tri Mohammed trên khắp cả nước. Giám đốc truyền thông của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ là Fahrettin Altun nhấn mạnh, việc công khai chỉ trích và biếm họa người Hồi giáo "quen thuộc một cách kỳ lạ và nó giống như sự tàn ác mà người Do Thái phải gánh chịu ở châu Âu trong những năm 1920".
The Guardian cho biết thêm, Tổng thống Pháp gần đây luôn cho rằng Hồi giáo là một tôn giáo đang gặp khủng hoảng trên thế giới. Do đó, Chính phủ nước này sẽ đưa ra một dự luật vào tháng 12 tới để củng cố đạo luật năm 1905 về việc tách biệt giữa "nhà thờ Hồi giáo" và "nhà nước Hồi giáo" tại Pháp. Đồng thời, ông Macron cũng tuyên bố sẽ giám sát chặt chẽ hơn việc giáo dục và kiểm soát tốt hơn các nguồn tài trợ của nước ngoài đối với các nhà thờ Hồi giáo.
Tuy nhiên, căng thẳng về vấn đề này giữa Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ đã lan rộng sang cả các quốc gia Hồi giáo khác. Tuyên bố có phần "đụng chạm" của ông Macron đã thổi bùng cơn giận dữ của người Hồi giáo tại nhiều quốc gia như Qatar, Koweit, Iran, Algeria, Tunisia, Lybia hay Israel.
Các cuộc biểu tình phản đối phát ngôn của Tổng thống Pháp, phản đối các bức tranh biếm họa nhà tiên tri Mohammed diễn ra ở nhiều nơi, bên cạnh đó là những lời kêu gọi tẩy chay hàng hóa xuất xứ từ Pháp hay người biểu tình đốt ảnh chân dung của Tổng thống Macron. Giới chức Pháp hiện cũng bày tỏ sự quan ngại sâu sắc trước những diễn biến khó lường này. Một lễ hội văn hóa Pháp đã bị hoãn lại ở Qatar - một đồng minh thân cận của Thổ Nhĩ Kỳ, do hai chuỗi phân phối lớn đang rút hàng hóa Pháp khỏi các mặt hàng nhập khẩu.
Tại Kuwait, ông Macron bị quốc hội nước này lên án và các công ty du lịch đã đình chỉ các chuyến bay đến đây. Tại Tehran, phát ngôn viên chính phủ Iran Saeed Khatibzadeh nêu rõ: “Không có lý do gì để xúc phạm và không tôn trọng một nhân vật trí tôn được 1,8 tỷ người Hồi giáo trên thế giới kính trọng như nhà tiên tri Mohammed”.
Ngoài ra, Thủ tướng Pakistan Imran Khan hôm 25-10 nhấn mạnh: "Tiêu chí của một nhà lãnh đạo là việc tạo ra sự đoàn kết giữa người với người chứ không phải là chia rẽ họ". Giới chuyên gia phân tích chính trị thế giới đánh giá, trong bối cảnh nước Pháp hiện đang chật vật đối phó với đại dịch COVID-19, điều cần làm chính là xoa dịu chứ không phải là thổi bùng "lửa giận dữ".
Đây là thời điểm mà Tổng thống Pháp Macron có thể coi việc hàn gắn là bài toán khó khăn. Nhưng ông Macron không nên tạo ra sự phân cực, bởi chắc chắn điều này sẽ chỉ dẫn đến làn sóng cực đoan hóa lớn hơn trong cộng đồng và cuộc khủng hoảng thực sự khi đó mới chính thức bắt đầu.
Nguồn: cand.com.vn
-
Untitled Document -
-
-
Đang online: 1 Hôm nay: 6746 Trong tuần: 6978 Trong tháng 258469 Tất cả: 17352034