Japan Times hôm 30/9 dẫn lời Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi cho biết, "Đối thoại an ninh bốn bên" hay còn gọi là "Tứ giác kim cương" giữa Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ sẽ nhóm họp trực tiếp vào ngày 6/10 tới tại Tokyo. Cuộc họp có sự góp mặt của Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi với người đồng cấp Mike Pompeo của Mỹ, Marise Payne của Australia và Subrahmanyam Jaishankar của Ấn Độ.
Sự kiện bốn nền dân chủ lớn ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đối thoại sẽ là hội nghị đa phương cấp bộ trưởng đầu tiên do Tokyo tổ chức kể từ khi bắt đầu bùng phát đại dịch COVID-19 và sau hội nghị bốn bên ở New York hồi tháng 9 năm ngoái, bên lề kỳ họp Đại hội đồng Liên Hợp quốc.
Ngoại trưởng Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ sẽ nhóm họp tại Tokyo vào ngày 6/10 tới. Ảnh: Shubhangi Chavan. |
Người đứng đầu ngành ngoại giao Nhật Bản thông tin: "Cuộc họp là dịp để ngoại trưởng bốn nước có cùng tham vọng và tư duy về các vấn đề khu vực trao đổi quan điểm đối phó với các thách thức hiện hữu, đồng thời tái khẳng định cam kết của các bên đối với một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở, nhất là trong thời kỳ hậu COVID-19".
Đối thoại của tứ cường diễn ra trong bối cảnh chính sách đối ngoại của Mỹ với Trung Quốc là tâm điểm của cuộc tranh cử tổng thống Mỹ. Bên cạnh đó, cuộc họp này rơi vào thời điểm quan hệ Ấn Độ và Trung Quốc đang căng thẳng về vấn đề tranh chấp biên giới trên dãy Himalaya, Nhật Bản lo ngại về yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc trên biển Hoa Đông, cũng như Australia mạnh mẽ kêu gọi điều tra nguồn gốc COVID-19 từ Trung Quốc.
Theo đài truyền hình quốc gia Nhật Bản NHK, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị từng cho rằng "Tứ giác kim cương” chỉ là một “ý tưởng giật tít”. Tuy nhiên, ngay sau thông báo của Nhật Bản vào cuối tháng 9, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân đã bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về cuộc hội ngộ của tứ cường.
"Chúng tôi tin rằng, xu hướng chủ yếu của thế giới hiện nay là hòa bình, phát triển và hợp tác cùng có lợi. Thay vì hình thành các nhóm độc quyền, cần có sự hợp tác đa phương và đa dạng rộng mở, toàn diện và minh bạch", ông Uông Văn Bân nói.
"Tứ giác kim cương" nhóm họp lần đầu hồi tháng 9/2019 tại New York. Ảnh: Stade Department/Ron Przysucha. |
The Diplomat dẫn lời giới quan sát đánh giá, việc "Tứ giác kim cương" quy tụ trong thời điểm này là một phản ứng có thể đoán được nhằm củng cố một mặt trận thống nhất về các vấn đề an ninh khu vực, bởi thực tế cho thấy sức ảnh hưởng về quân sự và kinh tế của Trung Quốc trong khu vực và trên thế giới đang ngày một gia tăng.
Steve Tsang, Giám đốc Viện SOAS về Trung Quốc ở London nói rằng, Ấn Độ, Australia và Nhật Bản đều có lý do để trông đợi ở "Tứ giác kim cương", đặc biệt trong bối cảnh ảnh hưởng của Mỹ tại khu vực đang phai nhạt, còn chính sách đối ngoại của ông Tập Cận Bình ngày càng quyết đoán hơn.
Dự kiến, tại Nhật Bản, bốn ngoại trưởng sẽ bàn thảo về hỗ trợ lẫn nhau đối phó dịch bệnh COVID-19, vấn đề an ninh công nghệ, an ninh kinh tế, tái cấu trúc chuỗi cung ứng và giảm thiểu tác động lên kinh tế toàn cầu, cũng như thống nhất quan điểm và phối hợp hành động để đối trọng lại việc Bắc Kinh ngày càng đẩy mạnh tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với các nước trong khu vực.
Các chuyên gia cho hay, với tầm quan trọng đặc biệt về mặt chính trị, kinh tế và chiến lược, khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đã và đang là trọng tâm chính sách của nhiều quốc gia và thể chế khu vực. Tứ cường cần phải cụ thể hóa hơn nữa ý tưởng và chiến lược của họ về triển vọng của Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nếu như không muốn để lỡ thiên thời và đánh mất nhân hoà.
"Tứ giác kim cương" là một sáng kiến được cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo đưa ra vào năm 2007, nhằm mục đích chính là đối trọng với sức ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực, với sự tham gia của các thành viên gồm Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ. Sau hơn 10 năm với những bước đi không quá nổi bật và trước những gì COVID-19 gây ra, "Tứ giác kim cương" lại được "hâm nóng" với hy vọng tạo ra cú hích vực dậy nền kinh tế toàn cầu cũng như củng cố an ninh khu vực.
Trong một diễn biến có liên quan, Ngoại trưởng Nhật Bản cho hay, chính phủ nước này sẽ tổ chức các cuộc hội đàm song phương với từng người đồng cấp Mỹ, Australia và Ấn Độ. Theo đó, đây sẽ trở thành những sự kiện ngoại giao cấp cao nhất đối với nội các của tân Thủ tướng Suga Yoshihide.
Trang The Hindu nhận định, các cuộc gặp này là cơ hội, nhưng cũng đồng thời là thách thức đối với ông Suga trong việc tìm kiếm một sự cân bằng "tinh tế" giữa đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản là Trung Quốc và đồng minh quân sự duy nhất là Mỹ.
Trước đó, trong thư mừng ông Suga Yoshihide nhậm chức, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định, Bắc Kinh và Tokyo nên thúc đẩy việc xây dựng một mối quan hệ phù hợp trong thời đại mới bằng cách tăng cường trao đổi và hợp tác trong nhiều lĩnh vực.
Về phía Mỹ, Tổng thống Trump khẳng định, mối quan hệ giữa Mỹ và Nhật Bản chưa bao giờ mạnh mẽ đến thế và ông mong muốn làm việc với Thủ tướng Suga để phát triển hơn nữa mối quan hệ này.
Nguồn cand.com.vn
-
Untitled Document -
-
-
Đang online: 1 Hôm nay: 1516 Trong tuần: 25493 Trong tháng 276993 Tất cả: 17370549