AlJazeera chiều 28/9 dẫn tin từ lực lượng quân sự ly khai tại vùng Nagorno-Karabakh xác nhận 28 binh sĩ thiệt mạng trong các cuộc giao tranh với Azerbaijan, nâng tổng số quân nhân chết vì bom đạn trong ngày lên 43 người. Hôm 27/9, lực lượng này xác nhận 16 binh sĩ thiệt mạng.
Azerbaijan đến nay chưa công bố thiệt hại về người trong lực lượng vũ trang, nhưng thông báo 6 dân thường qua đời vì pháo kích của Armenia, gồm 5 người trong cùng một gia đình.
Một nhà dân vỡ nát vì trúng pháo trong đợt giao tranh giữa Armenia và Azerbaijan. Ảnh: Sputnik |
Theo Sputnik, Armenia tuyên bố đã bắn hạ ít nhất 10 xe tăng, 4 trực thăng và 15 máy bay không người lái (UAV) của Azerbaijan, song Azerbaijan chỉ xác nhận mất một trực thăng. Azerbaijan cũng khẳng định đã tiêu diệt 12 hệ thống phòng không của Armenia, đồng thời giành quyền kiểm soát 6 ngôi làng, một đồi chiến lược ở Nagorno-Karabakh.
Chiến sự giữa hai bên nổ ra từ sáng 27/9 và đang diễn ra ngày càng ác liệt. Cả Azerbaijan và Armenia cùng cáo buộc phe kia tấn công bằng pháo hạng nặng cùng nhiều vũ khí tấn công khác, bất chấp yêu cầu ngừng bắn của cộng đồng quốc tế.
Interfax dẫn lời Đại sứ Armenia tại Nga cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ đã điều khoảng 4.000 tay súng từ miền Bắc Syria tới giúp Azerbaijan chiến đấu ở Nargorno-Karabakh.
Thổ Nhĩ Kỳ là đồng minh thân cận của Azerbaijan. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan và các quan chức ở Ankara hai ngày qua liên tiếp lên án Armenia và hối thúc lực lượng Armenia rút khỏi Nargorno-Karabakh.
Tuy nhiên, một quan chức thân cận với Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev bác bỏ thông tin các tay súng Thổ Nhĩ Kỳ được triển khai tới khu vực. "Tin đồn về việc các chiến binh từ Syria được đưa sang Azerbaijan hoàn toàn ngớ ngẩn", ông này nói.
Nagorno-Karabakh, có diện tích khoảng 4.400km2, là vùng lãnh thổ đồi núi nằm sâu trong biên giới Tây Nam của Azerbaijan và được công nhận rộng rãi thuộc chủ quyền Azerbaijan - quốc gia có đa số người dân theo đạo Hồi. Tuy nhiên, phần lớn dân cư ở Nagorno-Karabakh lại là người gốc Armenia theo đạo Cơ đốc và muốn ly khai để sáp nhập vào Armenia.
Tranh cãi về vùng đất này khiến Armenia và Azerbaijan căng thẳng nhiều thập kỷ, đỉnh điểm là cuộc chiến tranh kéo dài từ tháng 2/1988 đến tháng 5/1994, khi chính quyền tự trị ở Nagorno-Karabakh đòi ly khai để sáp nhập vào Armenia.
Nagorno-Karabakh nằm trong lãnh thổ Azerbaijan nhưng có phần lớn người gốc Armenia sinh sống. Ảnh: AlJazeera |
Sau cuộc chiến, Azerbaijan mất quyền kiểm soát với Nagorno-Karabakh vào tay lực lượng địa phương do Armenia hậu thuẫn. Chính quyền ở Nagorno-Karabakh thành lập nước Cộng hòa Artsakh tự xưng, theo Sputnik, nhưng không được quốc tế công nhận.
Những năm gần đây, các đợt xung đột nhỏ vẫn tiếp diễn ở Nagorno-Karabakh, mới nhất là vụ đụng độ khiến hàng chục người chết hồi tháng 7/2020, mà cả hai cùng tuyên bố chiến thắng. Một số nguồn tin cho rằng Armenia có thể sắp ra tuyên bố công nhận chủ quyền của Artsakh.
Các chuyên gia nhìn nhận tình hình ở Nagorno-Karabakh có thể leo thang thành xung đột quân sự tổng lực giữa Armenia và Azerbaijan. Chúng ta chỉ cách một cuộc chiến tranh quy mô lớn một bước nữa thôi. Một trong những lí do dẫn đến tình huống này là cộng đồng quốc tế đã chưa có bước đi hòa giải chủ động nào trong nhiều tuần", bà Olesya Vartanyan thuộc Tổ chức Khủng hoảng Quốc tế (ICG) cảnh báo.
Nguồn cand.com.vn
-
Untitled Document -
-
-
Đang online: 1 Hôm nay: 4579 Trong tuần: 28560 Trong tháng 280057 Tất cả: 17373614