Đổi tên thành Luật Điều ước quốc tế
Báo cáo tiếp thu, giải trình dự thảo Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị sửa tên thành "Luật Điều ước quốc tế" để bảo đảm tính khái quát, ngắn gọn, phù hợp với thực tiễn tên gọi các luật trong nước và pháp luật quốc tế về điều ước quốc tế (ĐƯQT).
Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho hay, về cơ bản, phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật không thay đổi so với Luật hiện hành. Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã sắp xếp lại phạm vi điều chỉnh như tại Điều 1.
Về một số ý kiến cho rằng các thỏa thuận vay nợ nước ngoài nhân danh Nhà nước và Chính phủ thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này vì có giá trị ràng buộc pháp lý quốc tế nên cần quy định cụ thể về mức độ, tiêu chuẩn khoản vay, mục đích và thẩm quyền phê duyệt đối với từng trường hợp, UBTVQH giải trình: Định nghĩa “ĐƯQT” trong dự thảo Luật phù hợp với quy định tại Công ước Viên về Luật Điều ước năm 1969 và thực tiễn pháp luật về ĐƯQT của các nước. Theo đó, có hai điều kiện cơ bản để một văn kiện được thừa nhận là ĐƯQT: một là, văn kiện đó phải được ký kết giữa quốc gia với một chủ thể của luật quốc tế, bao gồm quốc gia, tổ chức quốc tế liên chính phủ hoặc chủ thể khác (như vùng lãnh thổ Hồng Công, Ma Cao…); hai là, văn kiện đó phải tạo ra quyền và nghĩa vụ của quốc gia theo công pháp quốc tế.
Theo định nghĩa “ĐƯQT” tại dự thảo Luật, nếu thỏa thuận vay đáp ứng được các tiêu chí của ĐƯQT (được ký kết với chủ thể của luật quốc tế và được điều chỉnh theo luật quốc tế như trường hợp các hiệp định vay Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)…thì do Luật ĐƯQT điều chỉnh; nếu được ký với các ngân hàng thương mại không nhân danh Nhà nước hay Chính phủ nước họ thì không phải là ĐƯQT. Thỏa thuận vay khi không được coi là ĐƯQT sẽ có bản chất là hợp đồng kinh tế, các quyền và nghĩa vụ của các bên trong thỏa thuận vay vẫn được tôn trọng và thực hiện đầy đủ. Điểm khác so với ĐƯQT là trách nhiệm đó không xác định theo luật quốc tế mà theo luật quốc gia hoặc chế tài cụ thể quy định trong hợp đồng. Quy trình ký kết thỏa thuận vay không là ĐƯQT do Luật Quản lý nợ công điều chỉnh. Do đó, đề nghị Quốc hội cho giữ định nghĩa về ĐƯQT như dự thảo Luật.
Về ngôn ngữ của ĐƯQT, thực tiễn ký kết ĐƯQT cho thấy, trong một số trường hợp, hai bên chỉ đàm phán, ký ĐƯQT bằng một ngôn ngữ trung gian và thông dụng (như tiếng Anh, tiếng Pháp). Việc ký ĐƯQT là do thỏa thuận của hai bên, trong trường hợp phía nước ngoài không có nhu cầu ký bằng ngôn ngữ nước họ thì ta không thể buộc họ phải ký cả bằng tiếng Việt. Một số nước (nhất là những nước nhỏ) không có cán bộ giỏi tiếng Việt nên không yên tâm khi ký ĐƯQT bằng tiếng Việt. Bên cạnh đó, khi ký ĐƯQT với một tổ chức quốc tế thường phải tuân thủ quy định của tổ chức quốc tế đó về ngôn ngữ của điều ước (thí dụ: Thỏa thuận vay với WB, IMF, ADB...chỉ ký bằng tiếng Anh). Dự thảo Luật quy định nếu ĐƯQT chỉ được ký bằng tiếng nước ngoài thì hồ sơ trình ký ĐƯQT (cả ĐƯQT song phương và đa phương) phải có bản dịch tiếng Việt (khoản 3 Điều 5). Do đó, đề nghị Quốc hội cho giữ quy định như tại dự thảo Luật.
Về mối quan hệ giữa ĐƯQT với pháp luật trong nước, theo UBTVQH, quy định như tại dự thảo Luật phù hợp với luật pháp quốc tế, Hiến pháp, các luật trong nước (trong đó có Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015) và cơ bản phù hợp với thực tiễn ký kết, áp dụng, thực hiện ĐƯQT.
Dự thảo Luật cũng quy định việc ký kết ĐƯQT không được trái với Hiến pháp. Như vậy, quy định tại dự thảo Luật phù hợp với quy định của Hiến pháp và Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.
Dự thảo Luật bổ sung quy định Chủ tịch nước, Chính phủ có trách nhiệm cung cấp thông tin cho Quốc hội về tình hình đàm phán, ký ĐƯQT thuộc thẩm phê chuẩn của Quốc hội (khoản 5 Điều 12 và khoản 4 Điều 24).
Từ thực tế thẩm tra các ĐƯQT trình Quốc hội phê chuẩn từ khi Hiến pháp có hiệu lực đến nay và tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật quy định các ĐƯQT về quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân trình Quốc hội phê chuẩn là:“ĐƯQT làm thay đổi, hạn chế hoặc chấm dứt quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân theo quy định của luật, nghị quyết của Quốc hội” như đã thể hiện tại điểm d, khoản 1 Điều 4 và điểm c, khoản 1 Điều 29.
Cân nhắc quan hệ giữa điều ước quốc tế với pháp luật trong nước
Đại biểu Hoàng Thanh Tùng (đoàn Sóc Trăng) cho rằng, cần cân nhắc về mối quan hệ giữa ĐƯQT với pháp luật trong nước quy định tại Điều 6. Quy định của dự thảo luật là ĐƯQT không được trái Hiến pháp và ưu tiên áp dụng ĐƯQT trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật và ĐƯQT có quy định khác nhau về cùng một vấn đề, có thể hiểu nôm na, ĐƯQT đứng dưới Hiến pháp và trên luật, cho dù không phải là văn bản quy phạm pháp luật. Do hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo quy định của luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật bao gồm cả Hiến pháp nên quy định như Khoản 1, Điều 6 chưa đầy đủ và chưa thật chính xác.
Đại biểu Tùng đề nghị sửa lại: "Trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật trừ Hiến pháp và ĐƯQT mà nước CHXHCN Việt Nam là thành viên có quy định khác nhau về cùng một vấn đề, thì áp dụng quy định của ĐƯQT", như vậy mới thống nhất với Khoản 5, Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và phù hợp với Khoản 1, Điều 3 của dự thảo là ĐƯQT không được trái Hiến pháp.
Về vấn đề chuyển hóa ĐƯQT vào pháp luật trong nước, hay nội luật hóa ĐƯQT, Khoản 3, Điều 6 dự thảo luật giữ nguyên quy định của Luật ĐƯQT hiện hành, đại biểu Tùng cho rằng cần cân nhắc, vì như vậy không phúc đáp được đòi hỏi của thực tiễn, và cũng chưa thực hiện được yêu cầu của Nghị quyết số 48 của Bộ Chính trị về chiến lược xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010 định hướng đến năm 2020. Theo đó, cần xác định rõ quy trình, cơ chế nội luật hóa các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Báo cáo của Bộ Ngoại giao tổng kết Luật ĐƯQT năm 2005 trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ mười cho rằng, quy định về áp dụng trực tiếp ĐƯQT là vấn đề có nhiều vướng mắc do vênh với thực tiễn và thông lệ các nước.
Để khắc phục những bất cập nêu trên, dự thảo cần nghiên cứu quy định cụ thể hơn, cách thức thực hiện ĐƯQT sau khi được phê chuẩn hoặc phê duyệt trong đó có việc chuyển hóa quy định của ĐƯQT vào hệ thống pháp luật trong nước. Nếu thời gian gấp, không cho phép xử lý toàn diện vấn đề này, cũng đề nghị làm rõ hơn nữa tiêu chí và những vấn đề liên quan đến việc quy định áp dụng trực tiếp ĐƯQT.
Đại biểu Trần Đình Nhã (đoàn Thừa Thiên - Huế) băn khoăn về Điều 7 - giám sát hoạt động ký kết và thực hiện ĐƯQT. Điều luật này không phù hợp với Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân mà Quốc hội vừa thông qua. Tại sao chỉ giám sát hoạt động ký kết và thực hiện, mà không giám sát các hoạt động như đàm phán, tham gia ĐƯQT, phê duyệt, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, đình chỉ... Tất cả những hoạt động ấy cũng thuộc đối tượng giám sát.
Rõ hơn trách nhiệm của cơ quan chủ trì đề xuất
Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Ảnh: Thanh Chương).
Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (đoàn Hà Nội) đề nghị quy định rõ hơn trách nhiệm của cơ quan chủ trì đề xuất ký ĐƯQT.
Nữ đại biểu của TP Hà Nội nhấn mạnh, báo cáo của Bộ Tư pháp đã từng nêu những bất cập trong quá trình tham gia đề xuất ký kết ĐƯQT. Đó là không ít cơ quan chưa coi trọng việc lấy ý kiến các chuyện gia pháp lý, luật sư, luật gia, bộ phận pháp chế các bộ, ngành cho ý kiến vào dự thảo các ĐƯQT trước khi xin ý kiến các bộ, ngành. Thực tiễn đã xảy ra một số sơ xuất, gây thiệt hại trong quá trình thỏa thuận nghị định thư, bản ghi nhớ của các cơ quan Việt Nam với nước ngoài. Một số lãnh đạo bộ, ngành chưa coi trọng bộ phận pháp chế, lực lượng tham mưu đắc lực giúp loại bỏ sai sót trong quá trình soạn thảo văn bản nói chung, ĐƯQT nói riêng mà chỉ dựa vào các đơn vị chuyên môn của bộ, ngành thôi chưa đủ. Mặc dù dự thảo luật lần này quy định trách nhiệm của Bộ Tư pháp trong việc thẩm định thực hiện ĐƯQT, nhưng với các chủ thể có thẩm quyền đề xuất đàm phán ĐƯQT ở Điều 8 là rất lớn, một mình Bộ Tư pháp khó mà làm xuể.
Bà Khánh kiến nghị, bổ sung trách nhiệm của cơ quan đề xuất trong việc thực hiện ĐƯQT. Đó là: Phải chủ trì tổ chức hoặc phối hợp tổ chức tham vấn ý kiến các chuyên gia pháp lý, luật sư, luật gia, pháp chế các bộ, ngành đối với dự thảo ĐƯQT.
Bà Khánh đề nghị, các cơ quan không chỉ là chủ trì tổ chức phối hợp, tuyên truyền phổ biến các ĐƯQT có hiệu lực đối với nước CHXHCN Việt Nam do cơ quan mình đề xuất ký kết, mà kể cả những vấn đề nằm trong dự thảo. Bởi vì, nếu chỉ tuyên truyền những vấn đề đã được ký kết, doanh nghiệp Việt Nam cũng chưa có điều kiện tiếp cận với những vấn đề gọi là dự thảo, thì nhiều doanh nghiệp Việt Nam sẽ thua ngay trên sân nhà.
Đại biểu này nêu thí dụ, vừa rồi, chúng ta chuẩn bị ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), vì quy định không công khai những thông tin này nên nhiều doanh nghiệp Việt Nam không biết để chuẩn bị cho việc gia nhập TPP, mà phải chờ đợi chỉ thị, thông tư nói rằng được công bố những dự thảo này. Trách nhiệm của các cơ quan đề xuất này cũng không chỉ là những quy định là những ĐƯQT đã có hiệu lực mà trong quá trình đàm phán phải công bố ra. Điều này thể hiện công khai, minh bạch và phù hợp với Luật Tiếp cận thông tin, đã có quy định những vấn đề dự thảo ĐƯQT. Cần chủ động công bố, công khai để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình chủ động hội nhập quốc tế, chuẩn bị cho tâm thế trong quá trình thực hiện các ĐƯQT sau khi được ký kết.
Theo http://nhandan.com.vn/
-
Untitled Document -
-
-
Đang online: 1 Hôm nay: 17483 Trong tuần: 20354 Trong tháng 528969 Tất cả: 18073958