Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) tham gia thảo luận tại hội trường Quốc hội.
Đó là ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa - Vũng Tàu) tại phiên thảo luận tại hội trường về dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIII của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII (2011-2016); Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Tổng Kiểm toán Nhà nước, ngày 28-3.
Hiệu lực và hiệu quả giám sát còn chưa cao
Theo đại biểu Nguyễn Văn Tuyết, cùng với hoạt động lập pháp quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, hoạt động giám sát của Quốc hội cũng đã có nhiều đổi mới, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong hoạt động của bộ máy Nhà nước từ Trung ương đến cơ sở. Tại phiên chất vấn kỳ 10, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng, ba Phó Thủ tướng và 16 Bộ trưởng, trưởng ngành, Chánh án Toà án Nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao đã trả lời và đối thoại với đại biểu Quốc hội.
“Đây là sự đổi mới có hiệu quả, phát huy tính dân chủ sâu rộng, nâng cao tinh thần trách nhiệm hơn của các chức danh, của các cơ quan Nhà nước được Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Hoạt động giải trình tại Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội thời gian qua làm khá tốt” - đại biểu Tuyết đánh giá.
Đồng tình với việc đánh giá cao về kết quả hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội thông qua chất vấn tại kỳ họp, thông qua việc lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn. Đại biểu Trần Minh Diệu (Quảng Bình) khẳng định, đặc biệt thông qua giám sát chuyên đề về các vấn đề bức xúc và cấp thiết trong đời sống xã hội như thực hiện chính sách pháp luật về môi trường, quy hoạch phát triển thủy điện, đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn, bảo hiểm y tế, xóa đói, giảm nghèo, sử dụng đất đai các nông lâm trường...
"Phải khẳng định hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội có chất lượng cao, góp phần quan trọng nâng cao hiệu lực và hiệu quả hoạt động chung của Quốc hội, được nhân dân và cử tri cả nước quan tâm theo dõi và đánh giá rất cao". Bên cạnh những kết quả giám sát rất tốt của Quốc hội thì theo đại biểu Trần Minh Diệu, các hoạt động giám sát khác của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội và các đoàn đại biểu còn nhiều tồn tại và hạn chế.
“Nội dung giám sát dàn trải, cách thức tổ chức chồng chéo, thiếu khoa học, báo cáo kết quả giám sát không có điều kiện để trình ra tại các kỳ họp Quốc hội, không được Quốc hội xem xét, thảo luận và ít được đại biểu quan tâm quan tâm nghiên cứu. Theo đó hiệu lực và hiệu quả giám sát của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội nhìn chung chưa cao” – đại biểu Diệu nêu.
Còn nhiều nợ với cử tri…
Đồng tình với báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Quốc hội khóa XIII trên cả ba mặt lập pháp, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao. Và cho rằng, Quốc hội khóa XIII đã có nhiều nỗ lực với những kết quả rất rõ ràng, không chỉ giải quyết những vấn đề bức xúc của đất nước hôm nay và đặt nền móng lâu dài cho xây dựng và phát triển cho những năm tiếp theo.
Tuy nhiên, theo đại biểu Lê Nam (Thanh Hoá), sau mỗi lần rời nghị trường vẫn bao trăn trở, ưu tư, còn nhiều nợ dân nợ nước. Trong xây dựng pháp luật dường như vai trò của Quốc hội và đại biểu Quốc hội chỉ ở khâu cuối cùng.
“Nhiều mong đợi của nhân dân, nhiều bức xúc của cuộc sống, nhiều trí tuệ và tâm huyết đã không được đưa vào pháp luật. Nhân dân lo lắng về thực trạng “nhờn luật” và có một bộ phận trong xã hội vẫn tự cho mình đứng trên pháp luật” - đại biểu Lê Nam trăn trở.
Đại biểu Lê Nam đề nghị, những trăn trở, âu lo đó cần được thể hiện đầy đủ hơn trong tổng kết nhiệm kỳ này.
Cũng tán thành với báo cáo công tác nhiệm kỳ khoá XIII của Quốc hội về đánh giá những mặt đã làm được của nhiệm kỳ này, đại biểu Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) cho biết, cử tri cho rằng Quốc hội khóa XIII nói rất nhiều, rất mạnh về phòng chống tham nhũng nhưng hiệu quả thì chưa đạt được bao nhiêu, tham nhũng vẫn còn đó và càng ngày càng phát triển thêm.
“Đây là món nợ của Quốc hội đối với cử tri cả nước” - đại biểu Sơn suy tư.
Khẳng định việc gắn bó mật thiết với cử tri, liên hệ thường xuyên với cử tri không chỉ là nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội đã được pháp luật quy định, đại biểu Nguyễn Quốc Bình (TP Hà Nội) cho đây còn là yêu cầu bức thiết của các đại biểu Quốc hội và các đoàn đại biểu Quốc hội để nắm bắt được thực tiễn, ý chí, nguyện vọng của cử tri, đồng thời làm tròn trách nhiệm đại biểu nhân dân.
Theo http://nhandan.com.vn/
-
Untitled Document -
-
-
Đang online: 1 Hôm nay: 28299 Trong tuần: 31183 Trong tháng 539796 Tất cả: 18084786