Báo cáo Thủ tướng và đoàn công tác, Đại sứ Việt Nam tại Australia Phạm Hùng Tâm nhấn mạnh, chuyến thăm lần này của Thủ tướng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, ghi một mốc son mới trong lịch sử quan hệ Việt Nam – Australia với việc hai nước tuyên bố nâng cấp quan hệ ngoại giao lên Đối tác Chiến lược Toàn diện. Chuyến thăm của Thủ tướng đã mang lại niềm vui, niềm tự hào cho người dân Việt Nam, đặc biệt cho cộng đồng người Việt Nam tại Australia.
Thông tin về một số nét nổi bật trong quan hệ hai nước, Đại sứ cho biết, đến nay đã 4/8 bang, vùng lãnh thổ của Australia đặt văn phòng đại diện thương mại tại Việt Nam. Việt Nam nằm trong 10 điểm đến hàng đầu của du khách Australia. Hiện có khoảng 350.000 người Việt Nam tại Australia, trong đó số lượng lưu học sinh, sinh viên tại đây có 32.000 người.
Ngày càng nhiều trí thức Việt kiều tích cực hướng về quê hương, đóng góp cho sự phát triển của đất nước và quan hệ song phương. Đại sứ nhắc tới những hoạt động và đóng góp nổi bật của các hội đoàn người Việt Nam tại Australia, như Hội Trí thức và chuyên gia Việt Nam, Hội Sinh viên Việt Nam, Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam, Hội Doanh nhân Việt Nam… Viện Chính sách Việt Nam và Australia mới đây cũng vừa được thành lập tại Đại học RMIT.…
Tại cuộc gặp mặt, các ý kiến đại diện của cộng đồng người Việt Nam tại Australia đều xúc động. Mọi người trân trọng cảm ơn sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước và Đại sứ quán với cộng đồng người Việt; khẳng định bà con ta tại Australia luôn phát huy truyền thống đoàn kết, "tương thân tương ái", giúp đỡ lẫn nhau để ổn định cuộc sống và luôn hướng về nguồn cội, quê hương.
Ông Trần Bá Phúc, Chủ tịch Hội Doanh nhân Việt Nam tại Australia cho biết, ông rất vui và vinh dự đại diện cộng đồng người Việt tại Australia, vượt hơn 700km từ Melbourne sang Canberra dự buổi gặp mặt và đón chào đoàn của Thủ tướng. Vui mừng vì hai nước đã nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện, ông Phúc cho biết, cộng đồng người Việt Nam tại Australia là cộng đồng khá thành công, nay sẽ thuận lợi hơn trong phát triển thương mại và kinh tế khi hai nước nâng cấp quan hệ. Báo cáo với Thủ tướng cộng đồng người Việt Nam tại Australia là cộng đồng sắc tộc lớn thứ 5, và ngôn ngữ Việt Nam được đưa vào tất cả các trường trung học thành một ngoại ngữ, nhiều lễ hội cổ truyền của Việt Nam đã được quảng bá để giới thiệu văn hóa của Việt Nam đến Australia, ông Phúc xúc động chia sẻ: "Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài luôn hướng về quê hương, vì chúng tôi không thể thay đổi hình dáng và trái tim Việt Nam trong mình".
Ông Chu Hoàng Long – Chủ tich Hội trí thức Việt Nam tại Australia cho biết, cộng đồng người Việt Nam tại Thủ đô của Australia đều vui mừng chứng kiến sự đi lên của đất nước, khi Việt Nam vững vàng trước nhiều sóng gió, thử thách. “Tôi nhớ giai đoạn COVID-19 bùng phát mạnh, Thủ tướng đứng ra đảm đương vai trò là Trưởng ban chỉ đạo, yêu cầu đẩy mạnh chiến lược vaccine. Chúng tôi khi đó bên này đã bàn nhau làm sao để giúp Việt Nam. Sau đó chúng tôi tập hợp người Việt Nam tại Canberra ký một bức thư gửi Bộ Ngoại giao Australia nhằm thúc đẩy việc hỗ trợ vaccine cho Việt Nam. Điều này đã góp phần vào việc Australia trở thành một trong những nước hỗ trợ nhiều nhất về vaccine cho Việt Nam”- ông Chu Hoàng Long kể lại kỷ niệm với tấm lòng hướng về Tổ quốc của mình.
Kiều bào cũng bày tỏ hết sức phấn khởi trước việc nâng cấp quan hệ hai nước, mở ra những cơ hội mới trong giao thương và phát triển cộng đồng người Việt; đồng thời nêu một số đề xuất, kiến nghị để tạo thuận lợi hơn nữa cho kiều bào phát huy vai trò làm cầu nối giữa hai nước và đóng góp nhiều hơn cho quê hương. Trong đó, PGS. Chu Hoàng Long đề xuất thành lập giải thưởng của Nhà nước trao cho các nhà khoa học Việt Nam, trong đó có sự tham gia của các nhà khoa học nước ngoài. Điều này đưa các nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài gần gũi hơn với Việt Nam.
Chia sẻ niềm tự hào với bà con kiều bào, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nói, ông được truyền cảm hứng sau khi nghe các ý kiến phát biểu của đại diện cộng đồng người Việt ở Australia. Xúc động chia sẻ với các đại biểu, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết sự có mặt của đông đảo kiều bào và những phát biểu tại cuộc gặp đều thể hiện trách nhiệm cao, tình cảm chân thành, truyền cảm hứng, tạo động lực cho các thành viên đoàn công tác tiếp tục nỗ lực hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.
Người đứng đầu Chính phủ khẳng định, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm tới cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị đã nêu rõ người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Nhân dịp này, Thủ tướng cảm ơn những đóng góp quan trọng, tích cực của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài vào những thành tựu chung của đất nước.
Dẫn lại lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rằng đất nước ta chưa bao giờ có cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng điều này không khó để chứng minh.
Ngược dòng lịch sử, Thủ tướng chia sẻ Việt Nam là đất nước chịu nhiều đau khổ, mất mát khi phải đương đầu với chiến tranh và cấm vận hàng chục năm.
“30 năm chiến tranh và 10 năm bị bao vây cấm vận nên đời sống nhân dân rất khó khăn, tổng GDP khi ấy chỉ có 4 tỷ USD nhưng đến 2023 đạt 43 tỷ USD. Trước kia chúng ta phải đi vay từng cân gạo nhưng năm 2023, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt hơn 8 triệu tấn, lớn nhất từ trước đến nay”, Thủ tướng dẫn chứng.
Trong mối quan hệ với bạn bè quốc tế, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định bạn bè và lãnh đạo các nước đều thấy được giá trị thương hiệu của Việt Nam. “Dù quy mô nền kinh tế còn khiêm tốn, sức chống chịu chưa cao, nền kinh tế đang chuyển đổi còn rất nhiều khó khăn, nhưng chúng ta vượt qua được, và quốc tế đánh giá cao điều đó”, theo lời Thủ tướng.
Thủ tướng cũng không quên nhắc lại niềm tự hào là người Việt Nam, và kể câu chuyện vừa có 12 cuộc gặp gỡ với Thủ tướng, nguyên thủ cùng nhà lãnh đạo các nước tại Hội nghị Cấp cao ASEAN - Australia, tất cả đều nhắc đến những thương hiệu của Việt Nam.“Thủ tướng Australia, Thủ tướng Thái lan, Tổng thống Indonesia đều nói đến Vietjet Air, Vinfast. Nghĩa là chúng ta có những thương hiệu ra vươn ra tầm thế giới, nền kinh tế dù khiêm tốn vẫn đáng tự hào”, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam nhấn mạnh.
Thủ tướng chia sẻ về việc Việt Nam đang xây dựng 3 trụ cột chính của đất nước. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, chủ động, tích cực hội nhập kinh tế sâu rộng.
Về quan hệ song phương, Thủ tướng cho biết hai nước Việt Nam - Australia vừa nâng cấp quan hệ ngoại giao lên mức cao nhất - quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện. Việc triển khai khuôn khổ hợp tác mới giữa hai nước sẽ góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người Việt Nam tại nước sở tại.
Đặc biệt, Thủ tướng đã đề nghị Australia xem xét, công nhận cộng đồng người Việt Nam là dân tộc thiểu số. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn chia sẻ thêm, các nhà lãnh đạo Australia ghi nhận, đánh giá cao và cho biết sẽ tích cực xem xét ý tưởng này.
Phản hồi về các đề xuất của kiều bào, Thủ tướng bày tỏ kỳ vọng xây dựng cộng đồng đổi mới sáng tạo tại Australia và giao Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền về giải thưởng lĩnh vực khoa học - công nghệ cho người Việt Nam ở nước ngoài.
Thủ tướng mong bà con tiếp tục đồng sức, đồng lòng chung tay xây dựng một cộng đồng đoàn kết phát triển, vững mạnh, tiếp tục làm cầu nối vững chắc trong quan hệ song phương Việt Nam - Australia; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, ngôn ngữ tiếng Việt; có nhiều hoạt động thiết thực hơn nữa hướng về cội nguồn, đóng góp vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Thủ tướng mong muốn kiều bào dù sống ở đâu cũng trước hết tự lo được cho chính mình, cho gia đình và sau đó là hướng về quê hương, đất nước, "Chúng ta luôn xứng đáng là người Việt Nam, luôn tự hào là người Việt Nam", Thủ tướng bày tỏ.
Thủ tướng Chính phủ đề nghị Đại sứ quán Việt Nam tiếp tục quan tâm và làm tốt hơn nữa công tác người Việt Nam ở nước ngoài.
Nguồn: cand.com.vn
-
Untitled Document -
-
-
Đang online: 1 Hôm nay: 2840 Trong tuần: 55385 Trong tháng 117515 Tất cả: 17211071