Tham dự chương trình kỷ niệm có đồng chí Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Trung tướng Lê Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; lãnh đạo các Ban, Bộ, Ngành Trung ương, các tỉnh, thành, bạn bè quốc tế và lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên-Huế.
Ngày 11/12/1993, Quần thể Di tích Cố đô Huế chính thức được ghi vào danh mục Di sản thế giới của UNESCO và đây là di sản thế giới đầu tiên của Việt Nam được vinh danh. Ngày 7/11/2003, Nhã nhạc – Âm nhạc cung đình Việt Nam cũng được UNESCO ghi tên vào danh mục các kiệt tác văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại, cũng là di sản văn hóa phi vật thể đầu tiên của nước ta được công nhận.
Phát biểu tại chương trình kỷ niệm, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế Nguyễn Văn Phương cho rằng, để định hướng, nâng cao tầm vóc, vị thế cho Di sản Huế phù hợp với xu thế phát triển chung của đất nước trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, Bộ Chính trị đã có Kết luận số 48, Kết luận số 175 và Nghị quyết 54 về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên-Huế, trong đó nhấn mạnh đến việc đầu tư cho sự nghiệp bảo tồn, phát huy di sản và xây dựng Thừa Thiên-Huế trở thành một trong những trung tâm văn hóa - du lịch của đất nước và khu vực.
Đồng thời, khẳng định vai trò rất quan trọng của Di sản Huế đối với sự phát triển kinh tế xã hội của quốc gia và của tỉnh; đặc biệt là vai trò nền tảng để xây dựng Thừa Thiên-Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Cùng với đó, Trung ương cũng đã hết sức quan tâm, kịp thời ban hành nhiều cơ chế, chính sách tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho chiến lược bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá Huế một cách toàn diện cả vật thể, phi vật thể, cảnh quan môi trường và mở rộng quan hệ giao lưu, hợp tác quốc tế.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, bà Miki Nozawa, Quyền Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam cho rằng, sau nhiều dự án đầu tư và tái đầu tư cho công cuộc bảo tồn, Quần thể di tích Cố đô Huế trở thành một trong những khu di tích được bảo tồn hiệu quả nhất cả về mặt cấu trúc cũng như các hạng mục di sản phi vật thể khác...
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương khẳng định, với việc Quần thể Di tích Cố đô Huế - Di sản Văn hoá đầu tiên của Việt Nam được UNESCO công nhận là Di sản văn hoá thế giới và 10 năm sau đó, là Nhã nhạc - Âm nhạc Cung đình Việt Nam đã mở đường đưa những di sản văn hóa Việt Nam từng bước hội nhập sâu rộng vào khu vực và thế giới, khẳng định với thế giới rằng: “Văn hoá Việt Nam là nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Việt Nam là một quốc gia giàu có về văn hóa và có tiềm năng để phát triển mạnh ngành công nghiệp, dịch vụ văn hoá”.
Ngày nay, Thừa Thiên Huế đang lưu giữ gần 1.000 di tích lịch sử văn hóa và hơn 500 lễ hội các loại, phản ánh sâu sắc một giai đoạn lịch sử văn hóa quan trọng của dân tộc Việt Nam. Đến nay, Thừa Thiên-Huế có 7 di sản được UNESCO ghi danh, trong đó có 5 di sản của riêng Huế và 2 di sản chung với các địa phương khác.
Đồng chí Nguyễn Văn Thắng khẳng định, Di sản Huế là một kênh ngoại giao văn hóa đặc sắc, là nhịp cầu nối hết sức quan trọng trong việc thúc đẩy các mối quan hệ bang giao, hợp tác hữu nghị, tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa Việt Nam với bạn bè quốc tế. Từ năm 2000, qua các kỳ Festival Huế, di sản văn hóa Huế đã được giới thiệu, quảng bá rộng rãi ra thế giới, ngày càng được nhiều người biết đến.
“Di sản Huế là địa điểm thường xuyên đón tiếp các nhà lãnh đạo, các nguyên thủ quốc gia, các đối tác trong và ngoài nước mỗi khi đến Huế và Việt Nam, để lại nhiều dấu ấn sâu đậm. Đó thực sự là một niềm tự hào to lớn của nhân dân Thừa Thiên-Huế, nhân dân cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài, là minh chứng sinh động khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng ta: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển nhanh và bền vững đất nước”, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng đề nghị tỉnh Thừa Thiên-Huế, quán triệt Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị để hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển của tỉnh nói chung, phát triển văn hóa và con người Huế nói riêng, đẩy mạnh sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị di sản tại Cố đô Huế.
Đồng thời, phải bám sát nguyên tắc xử lý hài hoà mối quan hệ giữa gìn giữ, bảo tồn và phát huy, phát triển; khai thác, phát huy để tạo ra những giá trị kinh tế của di sản văn hoá phải luôn đi đôi với bảo tồn, tôn tạo để phát triển bền vững. Tăng cường nguồn lực đầu tư phát triển văn hóa, con người, phát triển có trọng tâm, trọng điểm để tạo sự bứt phá của một số ngành công nghiệp văn hóa, dịch vụ văn hoá có tiềm năng, thế mạnh to lớn của tỉnh Thừa Thiên-Huế...
Nguồn cand.com.vn
-
Untitled Document -
-
-
Đang online: 1 Hôm nay: 2517 Trong tuần: 38096 Trong tháng 387074 Tất cả: 16536362