Sáng 11/6, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng (TĐKT) Trung ương đã dự Hội nghị biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến toàn quốc kỷ niệm 75 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 - 11/6/2023).
Tôn vinh 700 điển hình tiên tiến toàn quốc
Tham dự hội nghị có các đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị: Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội; Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; các đồng chí Bí thư Trung ương Đảng: Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Đỗ Văn Chiến, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng TĐKT Trung ương; các đồng chí Uỷ viên Trung ương Đảng: Võ Thị Ánh Xuân, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Thứ nhất Hội đồng TĐKT Trung ương; Phạm Thị Thanh Trà, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng TĐKT Trung ương.
Cùng dự có các đồng chí Uỷ viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các ban, bộ, ngành, tổ chức chính trị xã hội ở Trung ương và địa phương; mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lao động, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Chiến sĩ thi đua toàn quốc... cùng 700 đại biểu là những điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước toàn quốc.
Về phía Đoàn đại biểu của Bộ Công an có Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Uỷ viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; Thiếu tướng Lê Văn Tuyến, Thứ trưởng Bộ Công an, cùng các đại biểu là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Chiến sĩ thi đua toàn quốc, các điển hình tiên tiến xuất sắc trên các lĩnh vực công tác Công an.
Phong trào thi đua yêu nước lan toả rộng khắp trong xã hội
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính chúc mừng và biểu dương các điển hình tiên tiến, đánh giá cao những kết quả mà phong trào thi đua yêu nước và công tác TĐKT đã đạt được trong thời gian qua.
Thủ tướng cho biết, cách đây 75 năm, ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc, chính thức phát động phong trào thi đua yêu nước trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Người chỉ rõ: "Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua, những người thi đua là những người yêu nước nhất", "Với tinh thần quật cường và lực lượng vô tận của dân tộc ta, với lòng yêu nước và ý chí kiên quyết của nhân dân và quân đội ta, chúng ta có thể thắng lợi, chúng ta nhất định thắng lợi..."
Lời kêu gọi của Bác như lời hiệu triệu non sông, đã cổ vũ, truyền cảm hứng, động viên, khích lệ toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, có nhiều sáng kiến cải tiến trong lao động, sản xuất, chiến đấu, góp phần thiết thực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
"Từ đó đến nay, thi đua yêu nước đã thực sự trở thành phong trào rộng khắp từ miền xuôi đến miền núi, biên giới, hải đảo; từ thành thị tới nông thôn với sự tham gia tích cực của người dân, từ các cụ già cho đến các cháu nhỏ và đạt được những kết quả to lớn rất đáng trân trọng. Đây là một động lực quan trọng để cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác", Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng đánh giá, trong những năm qua, các phong trào thi đua ngày càng nở rộ, đa dạng trên tất cả các lĩnh vực, gắn với các tầng lớp nhân dân, có sức lôi cuốn, lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội. Phong trào thi đua đã bám sát nhiệm vụ chính trị của cả nước và của từng cơ quan, địa phương, đơn vị với những nội dung cụ thể, thiết thực. Nhiều đề tài, sáng kiến, giải pháp hữu ích, nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả được nhân rộng, mang lại lợi ích to lớn cho Nhà nước và xã hội.
Tiêu biểu như phong trào "Lao động giỏi, lao động sáng tạo"; "Thi đua quyết thắng", "Vì an ninh Tổ quốc"; "Dạy tốt, học tốt"; "Dân vận khéo", "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới", "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", "Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển", "Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau", "Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch COVID-19", "Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí"…
Những phong trào thi đua này đã tạo nên sức mạnh vật chất và tinh thần to lớn, phát huy tiềm năng, thế mạnh của cả nước, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của từng giai đoạn cách mạng của nhân dân ta. Từ trong phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều gương điển hình tiên tiến, tiêu biểu trên các lĩnh vực. Đến nay đã có hàng trăm ngàn tấm gương tiêu biểu ở các lĩnh vực trên mọi miền Tổ quốc.
Tiếp tục giữ vững tinh thần, nhiệt huyết, không chủ quan, thoả mãn
Thủ tướng nêu rõ, 700 đại biểu điển hình tiên tiến - những bông hoa tươi thắm trong vườn hoa của phong trào thi đua yêu nước, là những tấm gương tiêu biểu, đại diện cho hàng triệu tập thể, cá nhân tiêu biểu, xuất sắc trên mọi lĩnh vực, trên miền của Tổ quốc.
"Những điển hình tiên tiến dù ở độ tuổi, cương vị nào, ngành nghề nào đều tỏa sáng tinh thần yêu nước, sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; tiêu biểu cho ý chí, nghị lực, khát vọng vươn lên, cống hiến vì cộng đồng, xã hội" - Thủ tướng biểu dương và bày tỏ tin tưởng, còn có rất nhiều tấm gương thầm lặng khác đang ngày đêm đóng góp công sức, trí tuệ, nguồn lực cho đất nước ở tất cả các lĩnh vực, trong mọi tầng lớp nhân dân và đồng bào ta ở trong nước cũng như nước ngoài.
Để làm tốt hơn nữa lời kêu gọi thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị cần tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị-xã hội, cán bộ, đảng viên và nhân dân; thúc đẩy mạnh mẽ phong trào khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn; khuyến khích tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Thủ tướng đề nghị, Hội đồng TĐKT Trung ương, Mặt trận Tổ quốc, các bộ, ban, ngành, địa phương và các đoàn thể cần tiếp tục phát động, tổ chức các phong trào thi đua yêu nước có trọng tâm, trọng điểm, gắn với giải quyết các nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương mình. Tích cực đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tổ chức công tác TĐKT; bảo đảm thực chất, thiết thực, hiệu quả, hướng về cơ sở; tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực; tránh hình thức, phô trương, tránh tiêu cực, lợi dụng TĐKT vào mục đích cá nhân hay lợi ích nhóm.
Bên cạnh đó, có các hình thức phù hợp để động viên, khích lệ cán bộ, đảng viên và nhân dân tích cực tham gia các cuộc vận động lớn của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các phong trào thi đua trọng tâm, phạm vi toàn quốc; gắn kết chặt chẽ với việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng; kiên quyết, kiên trì đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Tập trung làm tốt công tác khen thưởng, bảo đảm kịp thời, công khai, minh bạch, thực chất; sớm phát hiện, tôn vinh, biểu dương, khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc.
Đối với các điển hình tiên tiến, Thủ tướng nhắc nhở không được chủ quan, thỏa mãn, phải luôn giữ vững tinh thần, nhiệt huyết, tiếp tục cố gắng, nỗ lực phấn đấu, không ngừng vươn lên, cống hiến nhiều hơn nữa cho cộng đồng, cho xã hội, cho Tổ quốc và nhân dân.
Thủ tướng đề nghị các cấp, các ngành tăng cường tuyên truyền về các phong trào thi đua yêu nước, các điển hình tiên tiến, các mô hình mới, sáng tạo, lấy cái đẹp dẹp cái xấu, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực, lấy gương người tốt, việc tốt để giáo dục, nêu gương, tạo sự lan tỏa, truyền cảm hứng trong cộng đồng, trong xã hội của chúng ta. "Thêm mỗi việc làm tốt, mỗi nghĩa cử cao đẹp sẽ góp phần thiết thực để xây dựng nền tảng đạo đức tốt đẹp, làm cho cuộc sống của mỗi chúng ta, xã hội ta ngày càng tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn", Thủ tướng nhấn mạnh.
Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tặng Bằng khen cho 75 gương điển hình tiên tiến tiêu biểu trên các lĩnh vực.
Hội nghị đã giới thiệu, giao lưu với nhiều điển hình tiên tiến tiêu biểu, như: Trung tá Nguyễn Chí Thành, Phó Đội trưởng, Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, Công an TP Hồ Chí Minh nhiều lần không quản hiểm nguy, cứu nhiều người khỏi lưỡi hái tử thần; Thượng tá Nguyễn Hữu Sơn, Trưởng Phòng Hướng dẫn và điều tra tội phạm về tham nhũng, buôn lậu, Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, người ghi dấu ấn trong điều tra khám phá tham nhũng, tiêu cực trong "đại án" Việt Á; GS.TS, Nhà giáo Nhân dân Võ Tòng Xuân, người tâm huyết và có nhiều đóng góp quan trọng cho nông nghiệp Việt Nam, nhất là ở Đồng bằng sông Cửu Long;
Đó còn là già làng K’Tiếu ở xã Đinh Lạc, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng, người đã vận động người dân hiến đất, hiến công xây dựng đường giao thông và truyền dạy cho nhiều thế hệ trẻ, giữ gìn văn hóa cồng chiêng; bà Trần Thị Kim Thia, ngụ xã Hưng Thạnh, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp đã 20 năm cần mẫn dạy bơi miễn phí cho trẻ nhỏ ở trong và ngoài xã. Đó là Anh hùng Lao động, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Đức Thìn ở Từ Sơn, Bắc Ninh có nhiều cống hiến cho sự nghiệp giáo dục của nước nhà; Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân, Trung tá Ngô Thị Tuyển ở TP Thanh Hóa; Huấn luyện viên trưởng Đội tuyển bóng đá nữ Quốc gia Việt Nam Mai Đức Chung; Vận động viên điền kinh Nguyễn Thị Oanh, người vừa giành 4 Huy chương Vàng tại SEA Games 32...
-
Untitled Document -
-
-
Đang online: 1 Hôm nay: 6723 Trong tuần: 42310 Trong tháng 391289 Tất cả: 16540580