Đánh giá cao các hoạt động của Đại sứ Kees van Baar tích cực đóng góp vào mối quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam – Hà Lan, Phó Thủ tướng cho biết hai bên là đối tác chiến lược trong lĩnh vực thích ứng với biến đổi khí hậu, quản lý nước, nông nghiệp bền vững, an ninh lương thực.
Với sự hỗ trợ của các đối tác Hà Lan, Chính phủ Việt Nam đã ban hành quyết định Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch đã tiếp cận các phương án tiên tiến trong ứng phó biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên nước bền vững và hình thành cơ chế điều phối, phát triển vùng. Mong muốn mở rộng phạm vi hợp tác trên cơ sở tin cậy, hiệu quả, Phó Thủ tướng cho biết không gian phát triển năng lượng tái tạo (điện Mặt Trời, điện gió) được mở rộng nhiều lần trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là Quy hoạch điện VIII).
Quy hoạch có nhiều cơ chế mới như: Tự sản xuất, tự tiêu thụ; chuyển đổi ngay các nguồn phát điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang điện gió, điện Mặt Trời, hoặc sử dụng nhiên liệu xanh (hydro xanh, acmoniac xanh); xuất khẩu năng lượng tái tạo. Vấn đề đặt ra là năng lực của doanh nghiệp, tính khả thi của công nghệ, hiệu quả kinh tế.
Phó Thủ tướng hoan nghênh các đối tác, doanh nghiệp Hà Lan tham gia chương trình thí điểm lắp đặt điện mặt trời áp mái; đồng thời cho rằng, với kinh nghiệm, công nghệ phát triển điện gió ngoài khơi, các doanh nghiệp Hà Lan góp phần giúp Chính phủ Việt Nam hoàn thiện tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư; cơ chế nghiên cứu, chuyển giao công nghệ; đánh giá hiệu quả kinh tế và bảo đảm an ninh, an toàn quốc gia.
“Các dự án điện tái tạo cần bảo đảm tính đồng bộ giữa sản xuất, truyền tải và tiêu thụ, cũng như cân bằng, ổn định hệ thống điện”, Phó Thủ tướng lưu ý và gợi mở, các đối tác, doanh nghiệp Hà Lan có thể nghiên cứu phương án đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo, đồng bộ với việc hình thành các khu công nghiệp lớn trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long; thúc đẩy vai trò của nhà nước trong dẫn dắt, hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp trong các dự án cụ thể để hiện thực hóa mục tiêu đặt ra.
Đại sứ Kees van Baar nhắc lại ấn tượng của Nhà vua Hà Lan Willem-Alexander Claus George Ferdinand khi gặp gỡ và trao đổi với Phó Thủ tướng về các vấn đề liên quan đến chuyển đổi xanh, năng lượng tái tạo, quản lý tài nguyên nước và ứng phó biến đổi khí hậu tại bên lề Hội nghị toàn cầu về nước của Liên hợp quốc (vào tháng 3/2023).
Cùng với hợp tác truyền thống, ông Kees van Baar cho rằng Việt Nam và Hà Lan có tiềm năng rất lớn trong lĩnh vực mới như năng lượng tái tạo, hình thành thị trường carbon…
Hiện nay, các doanh nghiệp Hà Lan rất quan tâm đến định hướng phát triển năng lượng tái tạo trong Quy hoạch điện VIII của Việt Nam và mong muốn được tạo điều kiện triển khai một số dự án thí điểm về điện mặt trời áp mái, điện gió ngoài khơi. Hà Lan sẵn sàng hỗ trợ, tư vấn kỹ thuật về xây dựng chính sách, quản trị, chuyển giao công nghệ, huy động các nguồn tài chính xanh cho lộ trình chuyển đổi năng lượng công bằng của Việt Nam.
Cùng ngày, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tiếp Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc E. Knapper.
Tại cuộc tiếp, Phó Thủ tướng cho rằng mối quan hệ hợp tác Việt Nam-Hoa Kỳ ngày càng chặt chẽ với việc triển khai tiếp cận các giải pháp tổng hợp về ứng phó biến đổi khí hậu, khắc phục hậu quả ô nhiễm chất độc da cam (dioxin), Thỏa thuận hợp tác chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP), giảm phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 (Net Zero)…
Phó Thủ tướng cho biết việc ban hành Quy hoạch điện VIII với không gian rất lớn dành cho năng lượng tái tạo thể hiện quan điểm “cùng hành động” của Việt Nam trong triển khai JETP, Net Zero, với sự tin tưởng vào cam kết hỗ trợ của các đối tác JETP về công nghệ, quản trị, nguồn lực tài chính cho năng lượng tái tạo, hình thành thị trường carbon…
“Những quốc gia đi trước trong ứng phó toàn diện với biến đổi khí hậu sẽ thể hiện được giá trị, vị thế, vai trò của mình đối với những thách thức toàn cầu”, Phó Thủ tướng bày tỏ và khẳng định, những vấn đề toàn cầu là nền tảng hợp tác quan trọng giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, thúc đẩy mối quan hệ thực chất, sâu sắc, mang lại giá trị cho nhân dân hai nước, đồng thời góp phần giải quyết những vấn đề toàn cầu.
Đồng tình với ý kiến của Phó Thủ tướng, Đại sứ Marc E. Knapper cho biết Hoa Kỳ sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam thực hiện JETP, Net Zero thông qua chia sẻ, chuyển giao công nghệ, nguồn lực tài chính, quản trị, kỹ thuật… cho các dự án năng lượng tái tạo với sự tham gia của những doanh nghiệp Hoa Kỳ.
Các tổ chức đối tác phía Hoa Kỳ tiếp tục thúc đẩy các dự án khắc phục hậu quả chất độc dioxin, rà phá bom mìn, hỗ trợ người khuyết tật…
Phó Thủ tướng và Đại sứ Marc E. Knapper đã trao đổi và thống nhất các giải pháp phát huy nguồn nhân lực trình độ cao của Việt Nam với sự hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị của Hoa Kỳ để thúc đẩy hợp tác nghiên cứu khoa học công nghệ (vật liệu mới, vaccine, công nghệ lõi…); tận dụng lợi thế chuyển đổi số (trí tuệ nhân tạo, kết nối vạn vật, dữ liệu lớn…); giáo dục đào tạo; đổi mới sáng tạo; y tế…; thể hiện tầm nhìn chiến lược, những mục tiêu chung và sự tin cậy trong mối quan hệ hợp tác giữa hai nước.
Nguồn: cand.com.vn
-
Untitled Document -
-
-
Đang online: 1 Hôm nay: 10014 Trong tuần: 45606 Trong tháng 394583 Tất cả: 16543871