Chiều 9/5, Uỷ ban Quốc phòng và An ninh (UBQPAN) tiếp tục Phiên họp lần thứ 6 thẩm tra dự án Luật Căn cước dưới sự chủ trì của Trung tướng Lê Tấn Tới, chủ nhiệm UBQPAN.
Tham dự phiên họp có Trung tướng Lê Quốc Hùng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; các đồng chí thành viên UBQPAN, đại diện một số bộ, ngành, địa phương...
Tạo bước đột phá về chuyển đổi số
Trình bày Tờ trình dự án Luật Căn cước, Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính tư pháp, Bộ Công an cho biết, Luật Căn cước công dân (CCCD) năm 2014 là văn bản pháp lý quan trọng trong công tác quản lý dân cư, căn cước, tạo thuận lợi cho nhân dân trong việc đi lại, thực hiện thủ tục hành chính, giao dịch dân sự, kinh tế, thương mại… Tuy nhiên, qua hơn 7 năm triển khai thi hành đã bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc cần giải quyết; nhất là việc sửa đổi, bổ sung quy định để thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số ở nước ta theo Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06).
Bên cạnh đó, Đảng ta đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo tăng cường việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, cần thiết phải sửa đổi Luật CCCD năm 2014 để tạo cơ sở pháp lý triển khai thực hiện, tạo bước đột phá về chuyển đổi số ở nước ta. Đồng thời, việc xây dựng dự án Luật Căn cước nhằm mục đích phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; phát triển kinh tế, xã hội; xây dựng công dân số; hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư; phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp.
Cũng theo Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, về cơ bản, dự thảo luật được xây dựng theo 4 chính sách đã được Chính phủ thống nhất thông qua và Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đồng ý trong hồ sơ đề nghị xây dựng luật. Bao gồm cả chính sách về việc cấp Giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch và căn cước điện tử (tài khoản định danh điện tử của công dân Việt Nam). Vì vậy, để cụ thể hoá các chính sách nêu trên trong dự thảo luật được đầy đủ, chặt chẽ, bảo đảm tính bao quát và phù hợp với phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của luật, Chính phủ đã chỉnh lý tên gọi của dự án luật từ "Luật CCCD (sửa đổi)" thành "Luật Căn cước". Dự thảo luật gồm 7 chương, 46 điều.
Qua thẩm tra, UBQPAN tán thành sự cần thiết xây dựng Luật Căn cước như tờ trình nhằm thể chế hoá đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử, giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến, đồng thời khắc phục những hạn chế, bất cập của luật hiện hành.
"Luật Căn cước ra đời sớm ngày nào tốt ngày ấy"
Tại phiên họp, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chuyên trách tỉnh Nam Định Nguyễn Hải Dũng đánh giá, CCCD gắn chip như một "chìa khoá vạn năng" để mọi công dân đi lại, giao dịch kinh tế, dân sự, thuận tiện trong sinh hoạt. "Bản thân tôi nghĩ rằng, trong tương lai việc giảm giấy tờ là cần thiết, tạo sự thuận lợi cho công dân trong giao dịch. Hoạt động trong môi trường điện tử cũng là xu thế tất yếu. Với những quy định của luật này sẽ đáp ứng xu thế trong tương lai, tôi đánh giá rất cao việc chúng ta đưa ra 4 chính sách xây dựng Luật Căn cước, được triển khai rất sâu, đầy đủ, đúng định hướng", đại biểu phân tích.
Đánh giá việc xây dựng Luật Căn cước là đột phá lớn để đẩy nhanh tiến trình xây dựng Chính phủ số, xã hội số, có tác dụng về chính trị, kinh tế, xã hội rất lớn, Phó Trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Bình Dương Nguyễn Thị Ngọc Xuân đặc biệt ấn tượng với quy định rất tiến bộ là mở rộng đối tượng cấp Giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam, đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch. "Qua khảo sát các tỉnh miền Tây, chúng tôi thấy điều này rất tốt, tuy nhiên, cần có tiêu chí quy định cụ thể hơn, như sinh sống trong bao lâu, điều kiện giấy tờ cần thiết, chủ thể phối hợp là ai... vì việc này tác động lớn tới đời sống kinh tế - xã hội", đại biểu nêu.
Đối với việc cấp CCCD cho người dưới 14 tuổi, ĐBQH Nguyễn Thị Ngọc Xuân cho rằng, đây cũng là bước tiến, tới đây các em đi học, làm việc, khám bệnh rất thuận lợi... Tuy nhiên bà đề nghị nên có thêm quy định về cha mẹ, người giám hộ trong quản lý, sử dụng CCCD cho người dưới 14 tuổi. Liên quan vấn đề này, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Nguyễn Thị Thuỷ băn khoăn bởi nhân dạng người dưới 14 tuổi thường chưa ổn định, tuy nhiên do việc cấp CCCD là theo nhu cầu, không bắt buộc nên vấn đề này cũng bảo đảm hợp lý.
Đề cập những tác động tích cực của dự án Luật Căn cước đối với hoạt động của ngành Ngân hàng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam Phạm Tiến Dũng cho biết, ngành Ngân hàng có lẽ là ngành mong mỏi luật này nhất, bởi toàn ngành hiện có khoảng 150 triệu tài khoản ngân hàng, khoảng 74% dân số trên 15 tuổi có tài khoản, mà khi giao dịch ngân hàng thì điều đầu tiên là phải định danh được.
"Người dân đến giao dịch, nếu sử dụng CMND thì rất khó phân biệt người đang giao dịch với ảnh trong CMND có phải là một người hay không. Còn sử dụng CCCD gắn chip cho phép kiểm tra được điều này qua giao dịch ngân hàng. Đây là tiện ích rất lớn nhờ chip điện tử, đặc biệt đối với những giao dịch ở vùng sâu, vùng xa, vì không nhất thiết phải kết nối mạng mà có thể kiểm tra ngay cả khi offline (không kết nối - PV)", ông lý giải.
Theo Phó Thống đốc NHNN Việt Nam, hiện có những người dân đến ngân hàng giao dịch bằng CCCD, có người giao dịch bằng CMND, có người giao dịch bằng hộ chiếu. Tuy nhiên, Bộ Công an đang giúp ngành ngân hàng tích hợp dữ liệu nên khi các dữ liệu được tích hợp, liên thông thì dù người dân giao dịch bằng CCCD hay CMND, hộ chiếu cũng không ảnh hưởng gì, hoàn toàn có thể xử lý được. "Luật Căn cước ra đời sớm ngày nào thì tốt ngày ấy, giúp chúng tôi tránh được nguy cơ giấy tờ giả", ông Phạm Tiến Dũng bày tỏ.
"Điểm cộng" trong gia nhập các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới
Thay mặt Cơ quan chủ trì soạn thảo, Thứ trưởng Lê Quốc Hùng trân trọng cảm ơn sự đồng hành, tham gia tích cực, trách nhiệm của UBQPAN, các cơ quan của Quốc hội, các bộ, ngành đã giúp đỡ Bộ Công an hoàn thành dự án Luật Căn cước trong thời gian ngắn, với yêu cầu rất cao của Bộ Chính trị, Thường trực Chính phủ, UBTVQH.
Giải thích thêm vì sao lại cấp Giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam, đồng chí Thứ trưởng cũng khẳng định, đây là lý do Chính phủ chỉnh lý tên gọi là dự án Luật Căn cước, bởi Luật Căn cước phạm vi bao trùm hơn, bao gồm cả công dân và những người chưa đủ quyền công dân, trong đó có người gốc Việt đang sinh sống tại Việt Nam.
"Đây là một bước tiến bộ trong bảo vệ quyền con người, thể hiện trách nhiệm của đất nước trong quản lý người dân sinh ra có gốc Việt Nam, người không có quốc tịch đang sống trên đất Việt Nam, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Đây cũng là vấn đề mới trong dự án luật này", Thứ trưởng Lê Quốc Hùng nhấn mạnh. Còn việc cấp CCCD cho người dưới 14 tuổi đem lại tiện ích rất lớn, tạo điều kiện cho thế hệ trẻ hội nhập quốc tế...
"Dự án luật thể hiện sự chuyển mình trong chuyển đổi số quốc gia, đưa quốc gia chúng ta lên tầm cao mới, có vai trò, vị thế, uy tín rất khác, là "điểm cộng" trong gia nhập các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới", đồng chí Thứ trưởng lý giải và khẳng định sẽ tiếp thu toàn bộ ý kiến thẩm tra, góp ý xác đáng của các đại biểu tại phiên họp, tiếp tục hoàn chỉnh hồ sơ, trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5.
-
Untitled Document -
-
-
Đang online: 1 Hôm nay: 5448 Trong tuần: 51158 Trong tháng 400141 Tất cả: 16549433