Tại buổi tiếp, Thủ tướng Phạm Minh Chính chúc mừng Australia đạt được những kết quả ấn tượng về phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch COVID-19, đồng thời triển khai nhiều cam kết quốc tế quan trọng, trong đó có ứng phó với biến đổi khí hậu; mong muốn Australia ngày càng phát triển, đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và thế giới.
Bộ trưởng Don Farrell trân trọng cảm ơn sự đón tiếp của Thủ tướng dành cho đoàn. Báo cáo với Thủ tướng về kết quả tốt đẹp của Hội nghị Bộ trưởng Đối tác kinh tế Việt Nam - Australia lần thứ 3 mà ông và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng vừa đồng chủ trì, Bộ trưởng Don Farrell cho biết, đây là lần thứ 3 ông đến Việt Nam trong thời gian ngắn vừa qua, vui mừng chứng kiến sự thay đổi từng ngày của Việt Nam.
Thủ tướng đề nghị Bộ trưởng Don Farrell báo cáo Chính phủ Australia kết quả và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Việt Nam triển khai kết quả Hội nghị cũng như tiếp tục triển khai thành công Chiến lược Tăng cường Hợp tác Kinh tế (EEES) đã được Thủ tướng Chính phủ và Thủ tướng Australia Scott Morrison công bố tháng 12/2021 trong cuộc gặp giữa hai Thủ tướng tại Scotland.
Thủ tướng và Bộ trưởng Don Farrell đã điểm lại và đánh giá cao những thành tựu trong quan hệ song phương, nhân dịp năm 2023 đánh dấu 50 năm Việt Nam và Australia thiết lập quan hệ ngoại giao. Hai nước đã nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược vào tháng 3/2018 và tại cuộc gặp của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng với Toàn quyền David Hurley vào tháng 4/2023, hai bên cũng nhất trí trao đổi để nâng cấp lên quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện vào thời điểm thích hợp.
Hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực; Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2022 đạt 15,7 tỷ USD, tăng gần 27% so với năm 2021; Australia trở thành đối tác thương mại lớn thứ 7 của Việt Nam và Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 10 của Australia.
Thủ tướng cho biết, Việt Nam đang xây dựng đất nước dựa trên 3 trụ cột là nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa; xuyên suốt quá trình đó lấy con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực, động lực của sự phát triển.
Hiện nay, Việt Nam đang thực hiện 3 đột phá chiến lược là xây dựng thể chế, phát triển nguồn nhân lực và hạ tầng. Trong quá trình đó, Việt Nam luôn nhận được sự ủng hộ của Australia. Cảm ơn Australia hỗ trợ Việt Nam trong phòng, chống dịch COVID-19, góp phần giúp Việt Nam kiểm soát được dịch bệnh, phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội.
Thủ tướng đề nghị hai bên cần phát triển thương mại theo hướng cân bằng hơn thông qua việc thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm Việt Nam sang Australia. Australia tạo thuận lợi hơn nữa cho các mặt hàng điện tử, da giầy, dệt may, nông sản Việt Nam tiếp cận thị trường Australia do hiện nay một số thị trường của Việt Nam bị co hẹp do khó khăn chung để tạo công ăn, việc làm, sinh kế cho người dân; đề nghị phía Australia tăng cường trong một số lĩnh vực mà hai nước có thế mạnh như giáo dục đào tạo, kinh tế số, đổi mới sáng tạo, năng lượng tái tạo, lao động, du lịch, giao lưu nhân dân, nông nghiệp công nghệ cao.
Thủ tướng đề nghị, với cương vị của mình, Bộ trưởng Don Farrell sẽ đóng góp quan trọng, thúc đẩy thương mại nói riêng, quan hệ, hợp tác giữa hai nước nói chung ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả; khai thác tối đa dư địa trong quan hệ hai nước; mong muốn Australia chia sẻ kinh nghiệm, giúp Việt Nam xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, gắn với chủ động, tích cực quốc tế sâu rộng, hiệu quả; nhất là trong các lĩnh vực đổi mới sáng tạo, hỗ trợ vốn, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, kinh nghiệm quản lý, nhất là trong các lĩnh vực kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế toàn hoàn, chuyển đổi năng lượng, chống biến đổi khí hậu...
Thông qua Bộ trưởng Bộ Thương mại và Du lịch Don Farrell, Thủ tướng Phạm Minh Chính trân trọng mời Thủ tướng Australia Scott Morrison thăm Việt Nam vào thời gian thích hợp.
Nhất trí với các đề nghị của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Thương mại và Du lịch Australia cho biết sẽ phối hợp với các bộ, cơ quan của Việt Nam để hiện thực hóa các mong muốn này; cho biết, Australia mong muốn Việt Nam đóng vai trò quan trọng hơn trong chiến lược đa dạng hóa đối tác thương mại của Australia; mong muốn Việt Nam là cầu nối, thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa trong quan hệ Australia-ASEAN.
* Chiều 17/4, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Cộng hòa Áo Alexander Schallenberg nhân dịp thăm chính thức Việt Nam từ ngày 16-18/4.
Tại cuộc tiếp, Thủ tướng Phạm Minh Chính hoan nghênh chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của Bộ trưởng Ngoại giao Alexander Schallenberg; đánh giá cao kết quả hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Diễn đàn hợp tác Việt Nam-Áo với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp hai bên vào sáng 17/4; bày tỏ tin tưởng chuyến thăm sẽ góp phần đưa quan hệ hữu nghị và hợp tác tốt đẹp Việt Nam-Áo ngày càng phát triển hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định thực hiện chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn tăng cường quan hệ hợp tác với Cộng hòa Áo, một quốc gia thành viên quan trọng của Liên minh châu Âu (EU).
Bộ trưởng Ngoại giao Áo Alexander Schallenberg bày tỏ vui mừng thực hiện chuyến thăm đến Việt Nam và vinh dự được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dành thời gian tiếp đoàn; khẳng định Chính phủ Áo luôn coi Việt Nam là đối tác ưu tiên tại khu vực và mong muốn mở rộng quan hệ hợp tác với Việt Nam trên mọi lĩnh vực.
Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ hài lòng về những phát triển tích cực trong quan hệ Việt Nam-Áo thời gian qua, đặc biệt trong bối cảnh hai nước vừa kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2022.
Thủ tướng Phạm Minh Chính bảy tỏ cảm ơn Chính phủ và nhân dân Áo đã dành sự giúp đỡ quý báu đối với Việt Nam trong quá trình phát triển đất nước trước đây cũng như hợp tác, hỗ trợ hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 vừa qua.
Thủ tướng đề nghị hai bên đẩy mạnh trao đổi đoàn các cấp, nhất là cấp cao nhằm tăng cường tin cậy chính trị và hiểu biết lẫn nhau, tạo động lực thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực.
Đánh giá cao việc Áo luôn nằm trong nhóm 10 đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam tại châu Âu trong nhiều năm qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính tin tưởng các doanh nghiệp hai nước tiếp tục hợp tác chặt chẽ, tận dụng các cơ hội to lớn từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) nhằm nâng trao đổi thương mại song phương lên 4 tỷ USD trong những năm tới.
Thủ tướng cũng mong muốn Áo tạo điều kiện thuận lợi cho các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam như điện tử, dệt may, da giày, nông-thủy sản tiếp cận thị trường Áo và EU.
Nhân dịp này, Thủ tướng đề nghị Chính phủ Áo có tiếng nói ủng hộ, thúc đẩy Quốc hội Áo sớm hoàn tất phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA); ủng hộ việc Ủy ban châu Âu (EC) sớm gỡ bỏ thẻ vàng IUU đối với hàng thủy sản Việt Nam.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh hai bên cần triển khai một số biện pháp thúc đẩy hợp tác song phương trên các lĩnh vực hai bên có thế mạnh và nhu cầu như khoa học-công nghệ, cơ sở hạ tầng, lao động, đào tạo nghề, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi xanh...
Thủ tướng cho rằng là hai quốc gia có lịch sử và truyền thống văn hóa lâu đời, phong phú, Việt Nam và Áo có nhiều tiềm năng mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực giao lưu văn hóa-nghệ thuật, âm nhạc, đẩy mạnh hợp tác du lịch.
Nhân dịp này, Thủ tướng mong muốn Chính phủ Áo tiếp tục ủng hộ, tạo thuận lợi cho cộng đồng người Việt Nam sinh sống và làm việc, qua đó đóng góp vào sự phát triển thịnh vượng của Áo cũng như đóng vai trò cầu nối thúc đẩy hợp tác giữa hai quốc gia.
Bày tỏ nhất trí với các đánh giá và ý kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Ngoại giao Alexander Schallenberg khẳng định với nền tảng quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp, Áo mong muốn làm sâu sắc hơn quan hệ với Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực.
Đánh giá cao những lợi thế về thị trường, nguồn nhân lực và môi trường kinh doanh đầu tư tại Việt Nam, cũng như hai nước đều là các quốc gia ủng hộ tự do thương mại, Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp Áo rất quan tâm và mong muốn hợp tác thực chất, hiệu quả với các đối tác Việt Nam.
Bộ trưởng Ngoại giao Alexander Schallenberg cũng nhất trí hai bên thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực lao động thông qua việc xem xét ký kết các thỏa thuận hợp tác giữa hai chính phủ, triển khai dự án đào tạo giữa các trường đại học hai nước, đào tạo tại chỗ tại các doanh nghiệp Áo tại Việt Nam cũng như phát triển thị trường lao động đang có nhiều tiềm năng.
Hai bên nhất trí tiếp tục tăng cường hợp tác, ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn đa phương và khu vực. Về vấn đề Biển Đông, hai bên chia sẻ tầm quan trọng của việc bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không tại Biển Đông cũng như giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
* Chiều cùng ngày, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Ngài Jim Yong Kim, cựu Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB), Phó Chủ tịch Quỹ Đối tác cơ sở hạ tầng toàn cầu (GIP).
Thủ tướng Phạm Minh Chính hoan nghênh Tiến sỹ Jim Yong Kim trở lại thăm Việt Nam trên cương vị mới; đánh giá cao và trân trọng cảm ơn đóng góp của Ngài Jim Yong Kim trong thúc đẩy quan hệ tốt đẹp giữa WB và Việt Nam, nhất là hỗ trợ nguồn lực tài chính và tư vấn nhiều chính sách phát triển kinh tế-xã hội cho Việt Nam; mong trên cương vị mới, Ngài Jim Yong Kim sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam tiếp cận các nguồn tài chính quốc tế, thúc đẩy các dự án đầu tư chất lượng cao, nhất là kinh nghiệm trong tiếp cận, khai thác các nguồn vốn với các quỹ như Quỹ GIP. Thủ tướng cho biết, sau nhiều thập niên kháng chiến cứu quốc, khi giành lại độc lập, tự do, Việt Nam lại chịu sự bao vây, cấm vận trong nhiều năm. Từ năm 1986 Việt Nam thực hiện công cuộc đổi mới, đến nay đạt được thành quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực.
Quan điểm phát triển của Việt Nam là phát triển bao trùm, nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; lấy con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực, mục tiêu của sự phát triển; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, đa dạng hóa thị trường, nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế. Hiện nay, Việt Nam tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược là hoàn thiện thể chế; phát triển nguồn nhân lực; xây dựng kết cấu hạ tầng. Để thực hiện 3 đột phá chiến lược trên, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đóng vai trò rất quan trọng.
Phó Chủ tịch Quỹ GIP bày tỏ ngưỡng mộ kết quả phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng đất nước mà Việt Nam đã đạt được trong thời gian ngắn; cho biết đây là động lực, truyền cảm hứng cho cá nhân ông và các cộng sự mong muốn tăng cường hơn nữa hợp tác với Việt Nam; cho biết, Quỹ GIP chuyên đầu tư vào cơ sở hạ tầng chất lượng cao, năng lượng, kỹ thuật số và nước/chất thải, tại Việt Nam, Quỹ GIP quan tâm đầu tư trong các lĩnh vực giao thông, năng lượng, công nghệ số; sẵn sàng đầu tư 1 tỷ USD vào Việt Nam.
Ngài Jim Yong Kim mong muốn Chính phủ ủng hộ, chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan của Việt Nam trong kết nối với GIP để xây dựng một chiến lược đầu tư, hợp với Việt Nam và xem xét những dự án hợp tác cụ thể.
Thủ tướng hoan nghênh những quan tâm của Quỹ GIP về đầu tư vào cơ sở hạ tầng chiến lược tại Việt Nam, nhất là hạ tầng giao thông, thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chống biến đổi khí hậu, thực hiện thỏa thuận giảm phát thải bằng 0 vào năm 2050.
Với lòng tin chính trị, thực lòng, chân thành, tin cậy, Thủ tướng đề nghị Ngài Jim Yong Kim và các cộng sự tư vấn và có cơ chế đặc biệt cho Việt Nam để tiếp cận nhanh, hiệu quả các nguồn vốn, trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.
Thủ tướng khẳng định chủ trương nhất quán của Việt Nam trong đổi mới mạnh mẽ chính sách thu hút đầu tư nước ngoài, chuẩn bị đồng bộ các điều kiện về hạ tầng, thể chế, nguồn nhân lực để tăng hiệu quả đầu tư FDI; mong muốn Quỹ GIP chia sẻ kinh nghiệm, thông tin, hỗ trợ về vốn, công nghệ, nguồn nhân lực, quản trị cho Việt Nam.
Thủ tướng cho biết, Việt Nam sẵn sàng chào đón và tạo thuận lợi cho Quỹ GIP hợp tác kinh doanh và thành công tại Việt Nam; Chính phủ sẽ giao các bộ, ngành, cơ quan của Việt Nam trực tiếp tiếp tục tích cực trao đổi, cụ thể hóa các nội dung hợp tác với Quỹ trên cơ sở hiệu quả, thiết thực, phù hợp với nhu cầu, khả năng của hai bên, hướng dẫn việc thực hiện theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam để triển khai các dự án cụ thể, đi từ nhỏ đến lớn, từ đơn giản đến phức tạp, đảm bảo tính thiết thực, hiệu quả.
Nguồn: cand.com.vn
-
Untitled Document -
-
-
Đang online: 1 Hôm nay: 11534 Trong tuần: 54776 Trong tháng 205699 Tất cả: 17299270