Mới đây, trên các diễn đàn, mạng xã hội bàn luận sôi nổi 4 câu thơ của Xuân Diệu được Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nêu trong phát biểu nhậm chức trước Quốc hội. Cũng có những gợi ý đưa vào đề văn, thi tuyển sinh để phát huy khả năng tư duy của học sinh:
Tôi cùng xương thịt với nhân dân của tôi
Cùng đổ mồ hôi, cùng sôi giọt máu
Tôi sống với cuộc đời chiến đấu
Của triệu người yêu dấu gian lao.
4 câu thơ trên trích trong bài “Những đêm hành quân”, Xuân Diệu viết trong chuyến hành quân ở giai đoạn khốc liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tháng 5/1966. Đó là cảm nhận, thao thức nghĩ suy khi ông hành quân qua những miền quê, cánh đồng, núi rừng đất nước, những đêm cùng thức với non sông, những tháng ngày mưa bom bão đạn và vượt qua tất cả, điều đọng lại là sự đồng cam cộng khổ với nhân dân “cùng đổ mồ hôi, cùng sôi giọt máu”... Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng có quá trình hoạt động và là thủ lĩnh của công tác Đoàn, phong trào thanh niên nên những vần thơ trong bài phát biểu trên nhanh chóng được tuổi trẻ cả nước chia sẻ, hưởng ứng. Trên Facebook của nhiều thanh niên trích lại khổ thơ và bày tỏ sự cảm kích, cho rằng đó là nguồn động lực khơi dậy ý chí, tinh thần tuổi trẻ hôm nay. Một sinh viên bày tỏ: “Tôi ấn tượng với phát biểu của tân Chủ tịch nước, người vốn là thủ lĩnh của phong trào thanh niên. Tôi cảm nhận sâu sắc những điều tân Chủ tịch nước tâm niệm trong phát biểu trước Quốc hội: “Tôi may mắn trưởng thành trong nghĩa Đảng, tình dân, được truyền cảm hứng từ bàn tay, khối óc, sự cần cù, chịu thương chịu khó và nỗ lực vươn lên của người dân ở cả 3 miền đất nước. Tôi luôn tâm niệm phải nỗ lực, cố gắng để làm nhiều hơn nữa những điều có ích, kiên trì theo đuổi những giá trị tốt đẹp”. Đó thực sự là thông điệp để tuổi trẻ hôm nay biết phát huy hào khí cha ông, hiện thực hóa bằng những hành động cụ thể, thiết thực”.
Ngay trang đầu cuốn nhật ký của mình, bác sĩ Đặng Thùy Trâm ghi câu danh ngôn của văn hào N.A.Ostrotsky về lý tưởng sống: “Đời người ta chỉ sống có một lần, phải sống sao cho khỏi phải xót xa ân hận vì những năm tháng sống hoài, sống phí, để khi nhắm mắt xuôi tay ta có thể nói rằng: Cả đời ta, cả sức ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời, sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người”... Câu châm ngôn ấy là “khuôn vàng thước ngọc” nằm trong biết bao cuốn nhật ký của thanh niên ngày ấy, nằm trong suy nghĩ, tư tưởng của bao thế hệ cầm súng ra trận. Nhà văn Ma Văn Kháng có kể về chuyện vào Đảng của nhà thơ Chế Lan Viên. Theo ông, hơn 70 năm qua, bài thơ “Kết nạp Đảng trên quê mẹ” của Chế Lan Viên vẫn được ghi nhận là một trong những bài thơ hay, xúc động nhất viết về Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong bài thơ, Chế Lan Viên viết:
Tôi đứng dưới cờ, đưa tay tuyên thệ
Trên đất quê hương mang hình bóng mẹ
Ngỡ chừng như vừa sinh lại lần đầu
Đảng trở thành nơi cắt rốn chôn rau...
Chuyện Chế Lan Viên vào Đảng là sự kiện được mọi người hồi đó truyền tụng. Hồi đầu cuộc kháng chiến chống Pháp, có lần được cán bộ của Đảng gợi ý việc vào Đảng, Chế Lan Viên thoái thác. Đến năm 1949, tại Quảng Trị, quê hương nhà thơ, đang trong những ngày chiến tranh ác liệt, ông lại chủ động tình nguyện xin gia nhập Đảng. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị gặp Chế Lan Viên nhắc lại chuyện trước kia và hỏi tại sao trước thì không, nay lại xin vào Đảng, Chế Lan Viên đáp: “Vì hồi ấy tôi thấy mình chưa xứng đáng”. Bí thư Tỉnh ủy hỏi tiếp: “Thế còn bây giờ?”. Chế Lan Viên ngần ngừ, xúc động. Rồi bất chợt, vì hiểu ra, ông Bí thư Tỉnh ủy ôm choàng lấy nhà thơ... Thì ra, những ngày qua, nhà thơ đi cùng bộ đội đánh đồn Tà Cơn. Đêm trước ngày xuất trận, chi bộ đại đội chủ công họp. Vấn đề được đặt ra: Cần hai đồng chí ôm bộc phá mở đột phá khẩu, ai lãnh nhiệm vụ này coi như hy sinh. Chế Lan Viên chứng kiến cảnh cả chi bộ đều giơ tay. Cuối cùng, hai chiến sĩ được chọn và sau chiến thắng, họ đã không trở về... “Tôi hiểu, tôi hiểu anh rồi, nhà thơ à!” - Bí thư Tỉnh ủy cảm động nói. Chế Lan Viên rưng rưng: “Sự hy sinh của hai chiến sĩ nhẹ tựa lông hồng, còn tôi lòng nặng trĩu niềm biết ơn và cảm phục. Tôi muốn được thế vào chỗ một đồng chí đã hy sinh!”.
Cách đây 6 năm, tại Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI (nhiệm kỳ 2017-2022), bên cạnh việc ghi nhận, biểu dương thành tích của tuổi trẻ cả nước thì Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng lưu ý vấn đề “nhạt Đảng, khô Đoàn, xa rời chính trị” trong một bộ phận thanh niên. Tổng Bí thư cho rằng, một bộ phận thanh niên giảm sút niềm tin, phai nhạt lý tưởng cách mạng, sống thực dụng, xa rời truyền thống tốt đẹp của dân tộc, thậm chí, một số ít thanh niên bị lôi kéo, có những việc làm đi ngược lại truyền thống của Đoàn, trái với mục tiêu của Đảng, của dân tộc. Do đó, Tổng Bí thư lưu ý, Đoàn cần định hướng giáo dục thanh niên giữ vững bản lĩnh cách mạng, có ý thức nhạy bén chính trị, tích cực đấu tranh ngăn chặn, phản bác thông tin sai trái, tăng cường sức đề kháng cho thanh niên trước những biểu hiện tiêu cực, mặt trái của xã hội và sự chống phá xuyên tạc của các thế lực thù địch, nhất là trên mạng xã hội, tránh tình trạng “nhạt Đảng, khô Đoàn, xa rời chính trị”.
Và tại Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII (nhiệm kỳ 2022-2027), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, đã có sự chuyển biến tốt trong việc khắc phục một số tồn tại, hạn chế được nêu trong Văn kiện Đại hội XI. “Tôi nhớ, ở Đại hội lần trước, tôi có lưu ý đề nghị các đồng chí quan tâm khắc phục tình trạng “nhạt Đảng, khô Đoàn, xa rời chính trị” trong một bộ phận thanh niên. Qua nghiên cứu Báo cáo chính trị của các đồng chí, cùng với việc được nghe các ý kiến phát biểu thảo luận tại Đại hội, tôi thấy Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã có nhiều cố gắng để đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, đặc biệt là trong việc giáo dục lý tưởng cách mạng, bồi dưỡng đạo đức, lối sống lành mạnh cho thế hệ trẻ, qua đó, tính tích cực chính trị, niềm tin của thanh niên đối với Đảng, với tổ chức Đoàn, với công cuộc đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng đang được củng cố. Thanh niên thực sự đã và đang phát huy được thế mạnh của sức trẻ, tinh thần xung kích, sáng tạo, tình nguyện của mình ở những nơi khó khăn, gian khổ, những việc mới, việc khó, góp sức vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” - Tổng Bí thư ghi nhận. Tổng Bí thư nêu rõ, vẫn còn một bộ phận thanh niên giảm sút niềm tin, thiếu ý thức chấp hành pháp luật, sống thực dụng, thiếu lý tưởng; có biểu hiện xa rời truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, sa vào chủ nghĩa cá nhân. Dù chỉ là một bộ phận nhỏ nhưng những biểu hiện đó rất cần được quan tâm để khắc phục bởi nếu không, nó sẽ là nguyên nhân gốc rễ dẫn đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” với rất nhiều hệ lụy cho thế hệ tương lai.
Trước những lưu ý của Tổng Bí thư về vấn đề “nhạt Đảng, khô Đoàn”, gần đây trên các diễn đàn thanh niên, phát triển đảng viên, nhiều câu hỏi mở đã được đặt ra. Những chủ đề được đề cập để đoàn viên, thanh niên thảo luận như: Động cơ vào Đảng thực chất của mỗi người là gì? So sánh góc nhìn về động cơ vào Đảng đối với đoàn viên, thanh niên trước đây với hiện nay? Về lý tưởng của đoàn viên, thanh niên, sự khát khao cống hiến? Vì sao còn hiện tượng “nhạt Đảng, khô Đoàn”, giải pháp khắc phục như thế nào?...
Ngày nay, thanh niên không viết sổ tay, cũng không còn những lá thư nhắn nhủ về lý tưởng sống, lý tưởng cách mạng gửi về gia đình, người thân. Thanh niên trở nên bận rộn hơn với vòng quay công việc, lao động, học tập, nhanh nhạy hơn với sức mạnh của công nghệ thông tin toàn cầu và cũng năng động hơn với xu thế hội nhập. Thanh niên bị cuốn hút vào vòng xoáy của bao thứ cám dỗ đời thường. Thanh niên không ôm sách, đỏ đèn giữa đêm khuya để đọc “Thép đã ra tôi thế đấy”, “Ruồi trâu”, “Đất rừng phương Nam”, “Những người khốn khổ”...
Xã hội biến chuyển, sự thay đổi muôn trạng đó cũng theo quy luật. Nắm bắt xu thế mới với công nghệ số và cách mạng 4.0, thanh niên ngày nay lường trước vận hội, đường xa để tu trí lực, tìm tòi và bắt đầu những bước khởi nghiệp trên chính đôi chân của mình. Câu nói “lao động là vinh quang” không bao giờ lỗi thời. Nhiều thanh niên Việt Nam khi ra môi trường quốc tế đã sớm khẳng định khả năng, vừa đứng vững trên đôi chân của mình, vừa thể hiện được bản sắc dân tộc. Những hành động của tuổi trẻ dù lớn, dù nhỏ, dù ở đô thị hay nơi xa xôi hẻo lánh, nếu thực hiện bằng ý nghĩ, lòng thành của mình, điều đó luôn được tôn trọng và cổ vũ, nhân rộng. Và, ở góc độ động cơ vào Đảng, rõ ràng sự dấn thân đặt trong mối quan hệ giữa cá nhân với tập thể, lợi ích riêng với lợi ích xã hội là mối quan hệ chặt chẽ. Động cơ tích cực, đúng đắn vẫn là bao trùm, dù vẫn còn đó những góc khuất, ở những khía cạnh đáng suy ngẫm...
Nguồn: cand.com.vn
-
Untitled Document -
-
-
Đang online: 1 Hôm nay: 3217 Trong tuần: 821 Trong tháng 228556 Tất cả: 17322120