Tại hội nghị, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu quan trọng chỉ đạo, định hướng; Báo CAND trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu.
Kính thưa các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam,
Thưa các vị đại biểu, cùng toàn thể các đồng chí,
Để hoàn tất việc ban hành và tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện các Nghị quyết của Bộ Chính trị khoá XIII đối với toàn bộ 6 vùng kinh tế - xã hội của cả nước, hôm nay, chúng ta tổ chức Hội nghị toàn quốc (trực tiếp kết hợp với trực tuyến) để phổ biến, quán triệt những nội dung cơ bản của Nghị quyết số 30-NQ/TW, ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị khoá XIII Về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tạo sự thống nhất cao về nhận thức và hành động của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân cả nước cũng như trong Vùng, nhằm sớm đưa Nghị quyết quan trọng này vào cuộc sống, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về phát triển vùng - một vấn đề có ý nghĩa quan trọng cả về lý luận và thực tiễn trong việc phát triển nhanh, bền vững mỗi vùng nói riêng và cả nước nói chung, theo đúng tinh thần: "Tiền hô hậu ủng", "nhất hô bá ứng", "trên dưới đồng lòng" và "dọc ngang thông suốt"!
Trước hết, tôi xin thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, và với tình cảm cá nhân, nhiệt liệt hoan nghênh và chào mừng tất cả các đồng chí tham dự Hội nghị ở trung tâm Hà Nội cũng như tại các điểm cầu trong cả nước, đặc biệt là tại điểm cầu các tỉnh, thành phố thuộc Vùng đồng bằng sông Hồng (khoảng hơn 4.300 đại biểu). Mong các đồng chí tập trung nghiên cứu, thảo luận, tiếp thu sâu sắc và tổ chức thực hiện thật tốt Nghị quyết quan trọng này của Bộ Chính trị, đáp ứng ở mức cao nhất mục đích, yêu cầu đề ra.
Thưa các đồng chí,
Nghị quyết số 30 của Bộ Chính trị đã được gửi tới các đồng chí; nội dung rất rõ ràng, dễ hiểu; các đồng chí cần nghiên cứu trực tiếp, kỹ lưỡng. Đồng chí Trần Tuấn Anh, Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, theo sự phân công của Bộ Chính trị, đã trình bày đầy đủ, súc tích toàn bộ nội dung của Nghị quyết. Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ do các đồng chí đại diện Đảng đoàn Quốc hội và Ban cán sự đảng Chính phủ vừa trình bày đã thể hiện quyết tâm rất cao trong việc đưa Nghị quyết vào cuộc sống. Các ý kiến phát biểu của một số đồng chí đại diện cho các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương cũng đã làm phong phú, sâu sắc thêm một số vấn đề, rất cụ thể và thiết thực. Sau đây, tôi xin có một số ý kiến có tính chất gợi mở, nhấn mạnh và làm rõ thêm một số vấn đề; và cũng chỉ tập trung vào trả lời 3 câu hỏi: (1) Vì sao vào lúc này Bộ Chính trị lại phải bàn và ra Nghị quyết về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045? (2) Những ý tưởng mới, tinh thần mới, nội dung mới của Nghị quyết lần này là gì?; và (3) Chúng ta phải làm gì và làm như thế nào để tổ chức thực hiện có kết quả những mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết lần này của Bộ Chính trị đã đề ra, biến Nghị quyết thành hiện thực sinh động?
1. Về câu hỏi thứ nhất: Vì sao lúc này Bộ Chính trị lại bàn và ra Nghị quyết về Vùng đồng bằng sông Hồng?
Như chúng ta đều biết, Vùng đồng bằng sông Hồng gồm 11 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, được phân thành 2 tiểu vùng là: Tiểu vùng Bắc đồng bằng sông Hồng (Đồng thời cũng là Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ), gồm 7 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên; và Tiểu vùng Nam đồng bằng sông Hồng, gồm 4 tỉnh: Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình. Trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, đây luôn luôn là địa bàn cốt lõi của Vùng Thủ đô, có ý nghĩa chiến lược, quan trọng bậc nhất của cả nước về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại.
Vùng đồng bằng sông Hồng được coi là cửa ngõ phía Bắc của nước ta và ASEAN về kết nối phát triển kinh tế, thương mại với Trung Quốc - thị trường rộng lớn nhất thế giới và ngược lại; có hệ thống hạ tầng giao thông kết nối đồng bộ và tốt nhất cả nước về cả đường bộ, đường biển, đường sông, đường hàng không, đường sắt với ba tuyến hành lang kinh tế đi qua: (i) Hành lang kinh tế Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; (ii) Hành lang kinh tế Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; (iii) Hành lang kinh tế Bắc - Nam (có tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam đi qua), là tuyến hành lang kết nối các tuyến hành lang kinh tế phía Bắc với hành lang kinh tế phía Nam, tham gia vào tuyến hành lang xuyên Á. Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ thuộc Vùng đồng bằng sông Hồng là một trong ba vùng động lực phát triển kinh tế của cả nước. Trong Vùng, có Thủ đô Hà Nội là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia; trung tâm lớn về kinh tế, văn hoá, khoa học - công nghệ lớn nhất của cả nước, có lịch sử phát triển hàng nghìn năm, hào hoa và thanh lịch, văn hiến và anh hùng, nơi lắng hồn núi sông, thủ đô của lương tri và phẩm giá con người. Không phải ngẫu nhiên mà dân gian ta đã có câu: "Chẳng thơm cũng thể hoa nhài, Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An!"
Nói đến Vùng đồng bằng sông Hồng là chúng ta cũng tự hào nói đến vùng đất Châu thổ sông Hồng rất màu mỡ và giàu tiềm năng phát triển, có truyền thống lịch sử, cách mạng, anh hùng, rất vẻ vang; có nền văn hoá lâu đời, phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc của Nền văn hoá sông Hồng, Nền văn minh lúa nước với vô vàn những di sản văn hoá vật thể cũng như phi vật thể quý giá, nhất là những làn điệu dân ca lay động làm say đắm lòng người, nuôi dưỡng, nâng cao tâm hồn và trí tuệ con người, rất đa dạng, phong phú mà hầu như địa phương nào cũng có (Quan họ Bắc Ninh; Chèo Thái Bình, Hưng Yên; Chầu Văn Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình; tiếng đàn bầu rất độc đáo "cung thanh là tiếng mẹ, cung trầm là giọng cha", có sức hút ghê gớm, đến mức phải khuyên nhau: Đàn bầu ai gẩy thì nghe, Làm thân con gái chớ có nghe đàn bầu!"...). Đồng thời, đây cũng là trung tâm hàng đầu về y tế, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ với đội ngũ trí thức giỏi và đông đảo lực lượng lao động có chất lương cao; là cái nôi sản sinh, đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực cho cả nước với nhiều trường đại học, trung tâm nghiên cứu có uy tín. Do vậy, đây thường được gọi là Vùng "địa linh nhân kiệt", có nhiều thuận lợi về cả địa chính trị, địa kinh tế, địa văn hoá và nhiều tiềm năng, lợi thế to lớn, vượt trội cho phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội nhanh và bền vững. Ngay từ năm 1907, danh nhân văn hoá Ngô Quý Siêu, thành viên của "Phong trào Đông kinh nghĩa thục" đã từng viết trong bài thơ về đồng bằng sông Hồng:
"Hưng Yên, Nam Định, Bắc Ninh
Hải Dương, An Quảng gần quanh Hải Phòng
Tiện thay sông Nhị một dòng
Thuyền xuôi lại ngược, giàu lòng thảnh thơi
Tản viên, Tam đảo ngất trời
Rừng ngang một dải liền mười sáu châu
Đồng Tụ Long, thiếc Sông Ngâu
Tiền rừng, bạc biển, chẳng đâu sánh bằng!"
Xuất phát từ vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của Vùng, ngày 14/9/2005, Bộ Chính trị khoá IX đã ban hành Nghị quyết số 54-NQ/TW; và ngày 28/10/2011, Bộ Chính trị khoá XI đã ban hành Kết luận số 13-KL/TW về Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2010 và thời kỳ 2011 - 2020. Qua 17 năm thực hiện Nghị quyết và Kết luận của Bộ Chính trị các khoá IX và XI, các cấp uỷ đảng, chính quyền và nhân dân trong Vùng đã phát huy truyền thống văn hiến, cách mạng, anh hùng vẻ vang và những tiềm năng, lợi thế vượt trội, nhất là về nguồn nhân lực, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, liên tục phấn đấu đạt được nhiều kết quả, thành tựu quan trọng, như đã nêu trong Báo cáo tổng kết của Ban Kinh tế Trung ương. Nhờ đó, Vùng đồng bằng sông Hồng luôn luôn khẳng định được vị trí, vai trò của một vùng kinh tế động lực, có đóng góp to lớn, có ý nghĩa quan trọng hàng đầu cho tăng trưởng kinh tế của cả nước, thúc đẩy, hỗ trợ các vùng khác cùng phát triển. Tuy là một vùng đất chật, người đông nhất so với các vùng khác; diện tích tự nhiên chỉ có 21.278 km2, chiếm khoảng 6,42% diện tích cả nước; dân số khoảng hơn 23 triệu người, chiếm gần 24% dân số cả nước, nhưng quy mô kinh tế của Vùng luôn luôn được mở rộng; tỉ trọng đóng góp vào GDP cả nước tăng từ 26,9% năm 2010 lên 29,4% năm 2020; thu nhập bình quân đầu người cao hơn 1,3 lần so với bình quân chung cả nước; tổng thu ngân sách nhà nước của Vùng chiếm tới 32,7% tổng thu ngân sách của cả nước, tốc độ tăng thu bình quân là 16,7%/năm; tổng vốn đầu tư xã hội gấp 19,7 lần năm 2005 và chiếm 35,1%, đứng đầu cả nước; số lượng đô thị vùng tăng nhanh, tỉ lệ đô thị hoá của Vùng đến năm 2021 đạt 41%. Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ phát triển khá nhanh và bền vững; hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới và khu vực, đang trở thành một trong các vùng dẫn đầu cả nước về phát triển kinh tế, thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá; là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá và khoa học kỹ thuật lớn nhất của cả nước. Hai tuyến hành lang kinh tế (Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh); năm hành lang công nghiệp (Hà Nội - Hải Phòng; Hà Nội - Nội Bài - Hạ Long; Hà Nội - Việt Trì; Hà Nội - Bắc Giang - Lạng Sơn), và hành lang kinh tế ven biển (Quảng Ninh - Hải Phòng - Thái Bình - Nam Định - Ninh Bình) từng bước được hình thành, phát triển; liên kết giữa đô thị trung tâm vùng đồng bằng sông Hồng với các địa phương, khu vực ven biển, các Khu đô thị, Khu công nghiệp, các cửa khẩu, cảng biển và các vùng khác, tạo động lực cho phát triển các địa phương và toàn vùng. Tam giác phát triển Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh đang trở thành hạt nhân, trụ cột phát triển của Vùng và cả nước.
Tuy nhiên, vùng đồng bằng sông Hồng vẫn còn một số mặt hạn chế. Đó là: Kinh tế - xã hội phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế vượt trội và vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của Vùng; quy mô kinh tế còn nhỏ, các ngành sản xuất với công nghệ hiện đại chiếm tỉ lệ thấp, chưa tạo được tiền đề cho sự phát triển nhanh và bền vững hơn nữa. Một số loại thị trường hình thành chậm và chưa đồng bộ. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn nhiều hạn chế, yếu kém, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển trong thời kỳ mới. Công nghiệp, đô thị phát triển khá nhưng còn mang tính tự phát; ô nhiễm môi trường có xu hướng tăng nặng hơn. Chưa hình thành được các vùng sản xuất nông sản hàng hoá tập trung cho xuất khẩu; giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích chưa cao; tỉ lệ lao động nông nghiệp thiếu việc làm còn lớn; đời sống nhân dân ở nhiều vùng nông thôn còn khó khăn. Trình độ phát triển giữa các địa phương trong vùng, giữa các tiểu vùng còn có sự chênh lệch đáng kể.
Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, phấn đấu đến năm 2030 nước ta trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao; đồng thời định hướng phát triển vùng theo hướng: "khai thác tốt hơn và phát huy tốt nhất các lợi thế của mỗi vùng về kết cấu hạ tầng, điều kiện tự nhiên, vị trí địa kinh tế - chính trị, nguồn nhân lực và tăng cường tính liên kết nội vùng và liên vùng để tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu, tạo không gian phát triển mới...". Tình hình thế giới, khu vực và trong nước, vùng đồng bằng sông Hồng có nhiều thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức mới đan xen.
Thực tế trên đây đã đặt ra yêu cầu chúng ta phải tiến hành tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị khoá IX; Kết luận số 28-KL/TW của Bộ Chính trị khoá XI và ban hành Nghị quyết mới về vấn đề đặc biệt quan trọng này, góp phần tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ, có tính đột phá trong công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước trong giai đoạn phát triển mới.
2. Về câu hỏi thứ hai: Những ý tưởng mới, tinh thần mới, nội dung mới của Nghị quyết Bộ Chính trị lần này là gì?
Theo tôi, có 3 điểm đáng chú ý như sau:
Một là, về quan điểm, nhận thức và tư tưởng chỉ đạo: Nếu như Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị khoá IX chỉ nêu 3 quan điểm chỉ đạo, rất ngắn gọn (18 dòng) thì Nghị quyết lần này đã kế thừa, bổ sung, phát triển thành 5 quan điểm chỉ đạo quan trọng và mới mẻ, sát hợp với tình hình mới. Để tạo được chuyển biến có tính đột phá trong việc phát huy tốt hơn nữa tiềm năng, lợi thế của Vùng và khắc phục triệt để những hạn chế, yếu kém còn tồn tại trong thời gian qua, Nghị quyết lần này của Bộ Chính trị tiếp tục xác định: Vùng đồng bằng sông Hồng là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. Phát triển nhanh, bền vững Vùng đồng bằng sông Hồng là trách nhiệm của các địa phương trong Vùng và toàn hệ thống chính trị. Cần phải bám sát các chủ trương, đường lối của Đảng, khai thác, sử dụng có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế vượt trội của Vùng; phát huy thật tốt vai trò là vùng động lực phát triển hàng đầu để định hướng, dẫn dắt quá trình cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Phát triển Vùng phải phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, thống nhất với Quy hoạch tổng thể quốc gia, phù hợp với chiến lược phát triển bền vững, chiến lược bảo vệ Tổ quốc, chiến lược biển, tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu quốc gia. Hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy liên kết và thể chế điều phối phát triển Vùng đủ mạnh, thiết thực, hiệu quả; tăng cường liên kết nội vùng, liên vùng; thí điểm một số mô hình, cơ chế, chính sách mới, tạo đột phá để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế vượt trội của Vùng. Phát huy vai trò và khai thác có hiệu quả các hành lang, vành đai kinh tế, các trung tâm kinh tế, hệ thống đô thị.
Vùng đồng bằng sông Hồng cần phải đi đầu trong việc ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế số, xã hội số; nâng cao năng suất lao động, tăng nhanh tỉ trọng đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp vào tăng trưởng. Tập trung phát triển các ngành sản xuất công nghiệp, dịch vụ hiện đại và nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, tuần hoàn. Phát triển nhanh mạng lưới đô thị với hạ tầng đồng bộ, kết nối. Huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, nhất là đất đai, nguồn nhân lực chất lượng cao. Khai thác tốt nhất các thế mạnh về kết cấu hạ tầng, điều kiện tự nhiên, vị trí địa chính trị, địa kinh tế, giá trị bản sắc văn hoá, truyền thống lịch sử. Cải cách mạnh mẽ các thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, thu hút nguồn lực đầu tư từ mọi thành phần kinh tế cho phát triển Vùng nhanh và bền vững hơn.
Phát huy mạnh hơn nữa truyền thống lịch sử văn hiến, cách mạng, anh hùng rất vẻ vang của cha ông để phát triển hài hoà giữa chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, bảo vệ tài nguyên, môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Phát triển kinh tế đi đôi với bảo đảm an sinh xã hội, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, bảo đảm công bằng xã hội. Kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải, biển đảo quốc gia; gắn kết chặt chẽ, hài hoà giữa phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại. Coi trọng công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, đề cao trách nhiệm nêu gương, bảo vệ cán bộ đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Hai là, về mục tiêu: Có thể xem đây là nội dung hoàn toàn mới. Nghị quyết lần này đã xác định rất rõ mục tiêu tổng quát và một số chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Phấn đấu đến năm 2030: "Vùng đồng bằng sông Hồng phát triển nhanh, bền vững, có cơ cấu kinh tế hiện đại, mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc; tập trung phát triển công nghiệp, dịch vụ hiện đại và nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, tuần hoàn; trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của cả nước; đi đầu về phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, xã hội số; có hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại và hệ thống đô thị thông minh, kết nối. Hệ thống chính trị vững mạnh, hiệu lực, hiệu quả; quốc phòng, an ninh được giữ vững; quan hệ đối ngoại mở rộng, hội nhập quốc tế hiệu quả. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao, dẫn đầu cả nước. Thủ đô Hà Nội là Thành phố "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại"; là trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng và cả nước, phấn đấu ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực". Đến năm 2045: "Đồng bằng sông Hồng là vùng phát triển hiện đại, văn minh, sinh thái; là trung tâm hàng đầu của cả nước về giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chăm sóc sức khoẻ nhân dân; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại, thông minh và một số trung tâm kinh tế, tài chính lớn mang tầm khu vực và thế giới. Hệ thống đô thị liên kết thành mạng lưới, thông minh, xanh, bền vững. Người dân có thu nhập cao, đời sống hạnh phúc và thịnh vượng. Quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc. Hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khối đại đoàn kết toàn dân tộc được tăng cường. Thủ đô Hà Nội trở thành thành phố kết nối toàn cầu, phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển ở khu vực và thế giới".
Ba là, về nhiệm vụ và giải pháp: Nghị quyết lần này đề ra đầy đủ, đồng bộ các giải pháp, đáp ứng yêu cầu của giai đoạn phát triển mới, bao gồm các nhóm nhiệm vụ, giải pháp về hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển và đẩy mạnh liên kết vùng; về chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng để phát triển nhanh và bền vững vùng, các tiểu vùng và các địa phương trong Vùng; phát triển khoa học - công nghệ, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; phát triển văn hoá, xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; quản lý, sử dụng có hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh; xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị thật sự trong sạch, vững mạnh...
3. Về câu hỏi thứ ba: Chúng ta phải làm gì và làm như thế nào để thực hiện có kết quả Nghị quyết của Bộ Chính trị lần này về vùng đồng bằng sông Hồng?
Để tổ chức thực hiện thật tốt, có kết quả thiết thực Nghị quyết lần này của Bộ Chính trị, tôi xin đề nghị cần đặc biệt chú ý một số vấn đề sau:
Một là, phải nhận thức thật đầy đủ và sâu sắc mục đích, ý nghĩa, yêu cầu, nội dung của Nghị quyết, nắm vững những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, những công việc phải làm, trên cơ sở đó có sự thống nhất cao về ý chí, quyết tâm của cả nước, của toàn vùng, của từng địa phương trong Vùng, các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương. Xác định rõ đây là trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị, chứ không phải chỉ là nhiệm vụ riêng của Vùng và các địa phương trong Vùng. Đồng thời, phải nhận thức thật đúng và giải quyết thật tốt mối quan hệ giữa phát triển Vùng và phát triển chung của cả nước: Cả nước vì Vùng và Vùng vì cả nước. Tạo sự thống nhất cao trong nhận thức ở tất cả các cấp, các ngành về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của Vùng và liên kết vùng. Liên kết vùng phải trở thành tư duy chủ đạo dẫn dắt sự phát triển toàn vùng và từng địa phương trong Vùng. Tập trung ưu tiên hoàn thiện thể chế, chính sách cho phát triển Vùng và liên kết vùng về tổ chức, bộ máy, nguồn lực và cơ chế triển khai; tham gia có hiệu quả vào các hoạt động hợp tác với Trung Quốc, các nước ASEAN, Đông Bắc Á.
Hai là, khơi dậy và phát huy mạnh mẽ hơn nữa truyền thống văn hiến, cách mạng, tinh thần yêu nước; tính chủ động, sáng tạo; ý chí vươn lên, tự lực, tự cường của cán bộ, đảng viên và nhân dân các địa phương trong Vùng; quyết vượt lên chính mình, khắc phục tư tưởng tự mãn, bằng lòng với những gì đã làm; trái lại, phải có ý chí và quyết tâm cao hơn nữa, quyết vươn lên làm cho bản thân, gia đình và quê hương, đất nước giàu mạnh và tốt đẹp hơn, dẫn đầu cả nước. Đồng thời tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương, sự hợp tác, giúp đỡ của các địa phương trong cả nước, nhất là Thành phố Hồ Chí Minh và các thành phố trực thuộc Trung ương để phát triển kinh tế vùng nhanh và bền vững hơn, giàu có, trù phú hơn; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vùng đạt mức cao hơn, luôn dẫn đầu cả nước trên cơ sở từng bước đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng để phát huy tốt hơn nữa tiềm năng, lợi thế to lớn, vượt trội vốn có của Vùng, nhất là về địa chính trị, địa kinh tế và nguồn nhân lực chất lượng cao.
Ba là, trên cơ sở đổi mới về tư duy và nhận thức, cần khẩn trương đẩy mạnh việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển Vùng. Chính phủ và các cơ quan ở Trung ương cần tăng cường phối hợp với các địa phương trong Vùng sớm xây dựng, hoàn thiện, ban hành và triển khai thực hiện luật pháp, chính sách ưu tiên vượt trội, có tính đột phá cao cho phát triển Vùng. Xây dựng và tổ chức thực hiện thật tốt quy hoạch phát triển Vùng giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo hướng xanh, bền vững và toàn diện; phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, bảo đảm tích hợp, đa ngành; gắn kết giữa phát triển nông nghiệp với phát triển công nghiệp và dịch vụ; giữa phát triển đô thị với xây dựng nông thôn mới; giữa phát triển kinh tế với quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường; ứng phó với thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu; hình thành cho được các chuỗi giá trị ngành, sản phẩm của Vùng. Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển. Ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước, kết hợp với huy động các nguồn lực trong xã hội cho đầu tư phát triển các công trình trọng điểm có sức lan toả, giải quyết các vấn đề phát triển vùng và liên vùng; phát triển Vùng toàn diện cả về kinh tế, văn hoá, xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh nơi trung tâm đầu não về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của đất nước.
Bốn là, chú trọng và nâng cao hơn nữa chất lượng công tác xây dựng tổ chức bộ máy và cán bộ; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp uỷ, tổ chức đảng; hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ. Nghiêm túc thực hiện Kết luận của Hội nghị Trung ương 4 khoá XIII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị gắn với Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị. Kiên trì, kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền. Xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, thật sự gương mẫu về đạo đức và lối sống. Thực hiện nghiêm các chủ trương về đổi mới, sắp xếp tổ chức, bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, liêm chính, trong sạch. Giáo dục, bồi dưỡng, nâng cao đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, thế hệ trẻ.
Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có bản lĩnh chính trị, tính chuyên nghiệp cao và năng lực sáng tạo. Tiếp tục cải cách hành chính, phát triển chính quyền điện tử, hướng đến chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số, đô thị thông minh; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu; khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi và bảo vệ những cán bộ mạnh dạn đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; khơi dậy tinh thần cống hiến của cán bộ, công chức. Đổi mới công tác dân vận và hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Xây dựng tình đoàn kết, hữu nghị giữa nhân dân ta và các nước bạn.
Năm là, ngay sau Hội nghị này, căn cứ vào Nghị quyết và Kế hoạch của Bộ Chính trị, sự chỉ đạo, hướng dẫn của các ban đảng Trung ương và các cơ quan cấp trên, các cấp uỷ và tổ chức đảng ở Trung ương và các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị trong toàn hệ thống chính trị ở các địa phương trong Vùng cần khẩn trương xây dựng kế hoạch hành động, chương trình học tập, quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết gắn với tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và nghị quyết đại hội đảng bộ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự đảng Chính phủ cần ráo riết chỉ đạo, khẩn trương xây dựng, ban hành Chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết; giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành ở Trung ương và các địa phương trong Vùng. Chương trình hành động phải bám sát các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo và nội dung của Nghị quyết, bảo đảm sát hợp với từng địa phương trong Vùng và tiểu vùng. Các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương trong Vùng cần cụ thể hoá Nghị quyết và Chương trình hành động của Chính phủ bằng các cơ chế, chính sách, kế hoạch, đề án, dự án và nguồn lực cụ thể, có tính khả thi cao.
Thưa các đồng chí,
Tôi tha thiết mong đợi và tin tưởng rằng: Cấp uỷ, chính quyền và nhân dân các tỉnh trong Vùng đồng bằng sông Hồng nhất định sẽ phát huy truyền thống văn hiến, cách mạng, anh hùng vẻ vang, khí phách quật cường và tài năng, phẩm chất cao quý, rất tốt đẹp của người "Bắc Hà"; cùng với các ban, bộ, ngành Trung ương và cấp uỷ, chính quyền các cấp trong cả nước, nhất là Thủ đô Hà Nội và toàn vùng đồng bằng sông Hồng, vùng động lực tăng trưởng Bắc Bộ đã đổi mới, nỗ lực phấn đấu rồi càng đẩy mạnh đổi mới, nỗ lực phấn đấu mạnh mẽ hơn nữa, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Bộ Chính trị lần này, tạo ra bước chuyển biến mới có tính đột phá trong việc phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh ở Vùng đồng bằng sông Hồng theo tinh thần: Cả nước vì đồng bằng sông Hồng; đồng bằng sông Hồng vươn lên cùng cả nước và vì cả nước; phát huy mạnh mẽ hơn nữa truyền thống văn hiến, cách mạng, anh hùng vẻ vang và tiềm năng, lợi thế vượt trội để luôn luôn xứng đáng là trung tâm chính trị đầu não quốc gia; là một trong hai động lực phát triển mạnh mẽ hàng đầu trong sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, có nhiều đóng góp to lớn hơn nữa cho việc hiện thực hoá khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Kiên quyết khắc phục tình trạng "Nghị quyết thì thật là hay, xem ra thực hiện còn gay trăm bề", hoặc "Đánh trống bỏ dùi", "Đầu voi, đuôi chuột"!
Một lần nữa tôi xin chúc các đồng chí sức khoẻ, hạnh phúc, có nhiều niềm vui mới, niềm tin mới, khí thế mới, và thắng lợi mới!
Tôi xin trân trọng cảm ơn!
Nguồn: cand.com.vn
-
Untitled Document -
-
-
Đang online: 1 Hôm nay: 8831 Trong tuần: 51 Trong tháng 137600 Tất cả: 17231157