Sáng 12/9, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chủ trì Phiên họp thứ 15 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH). Sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội về chương trình phiên họp (từ ngày 12 đến 15/9), UBTVQH tiến hành giám sát chuyên đề "Việc thực hiện các nghị quyết của UBTVQH về việc sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021".
Giảm 8 ĐVHC cấp huyện, 561 cấp xã
Đại diện Đoàn giám sát, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, trong giai đoạn 2019 – 2021 đã trình 48 nghị quyết về việc sắp xếp 21 ĐVHC cấp huyện và 1.056 ĐVHC cấp xã tại 45 tỉnh, thành, qua đó cả nước đã giảm được 8 ĐVHC cấp huyện và 561 ĐVHC cấp xã.
Trên cơ sở đó, cả nước đã giảm 3.437 cơ quan ở cấp xã và 429 cơ quan ở cấp huyện. Trong đó, khối hành chính giảm 752 cơ quan; khối đoàn thể giảm 2.856 cơ quan; khối cơ quan thuộc hệ thống ngành dọc của Trung ương đóng tại địa phương giảm 73 cơ quan; khối đơn vị sự nghiệp giảm 185 đơn vị.
Tổng số cán bộ, công chức cấp huyện của 21 ĐVHC cấp huyện thực hiện sắp xếp có mặt tại thời điểm sắp xếp là 2.411 người; số được bố trí theo đúng quy định là 1.705 người; số dôi dư là 706 người. Tổng số cán bộ, công chức cấp xã của 1.056 ĐVHC cấp xã thực hiện sắp xếp có mặt tại thời điểm sắp xếp là 20.417 người; số được bố trí theo đúng quy định là 10.712 người; số dôi dư là 9.705 người.
"Việc giải quyết chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức dôi dư và việc chấm dứt hợp đồng đối với viên chức, người lao động, người hoạt động không chuyên trách dôi dư do sắp xếp đã được quan tâm thực hiện theo đúng quy định, bảo đảm kịp thời, dân chủ, công khai, minh bạch, góp phần hỗ trợ các đối tượng dôi dư bước đầu ổn định cuộc sống", Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật đánh giá.
Cũng theo đoàn giám sát, kết quả sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã không chỉ góp phần tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách như chủ trương của Đảng đã đề ra mà hơn thế nữa, còn mở rộng không gian phát triển, tập trung được nguồn lực, phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có của các địa phương để phát triển bền vững.
Giải quyết chế độ, chính sách cho cán bộ dôi dư
Bên cạnh những kết quả đạt được, theo Đoàn giám sát, việc bố trí, sắp xếp, giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hoạt động không chuyên trách dôi dư do sắp xếp ĐVHC còn lúng túng, số lượng người dôi dư cần tiếp tục giải quyết còn nhiều. "Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức ở các ĐVHC thực hiện sắp xếp chưa được bố trí, sử dụng hiệu quả; việc tổ chức thanh lý, bán đấu giá các trụ sở, tài sản công dôi dư sau sắp xếp còn chậm và gặp nhiều khó khăn", Đoàn giám sát nêu.
Công tác hướng dẫn việc thực hiện chế độ, chính sách đặc thù đối với các ĐVHC mới được thành lập chưa kịp thời, đồng bộ, chưa có sự kết nối đầy đủ với các chính sách, pháp luật khác có liên quan. Trong giai đoạn đầu sau khi thực hiện sắp xếp, đời sống sinh hoạt của nhân dân ở một số địa phương cũng chịu tác động, ảnh hưởng nhất định do phải điều chỉnh thông tin, thay đổi địa chỉ...
Để giải quyết dứt điểm các vấn đề tồn tại sau sắp xếp và chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc tiếp tục triển khai giai đoạn 2022 - 2030, Đoàn giám sát đề xuất 3 nhóm giải pháp. Trong đó, thực hiện nghiêm việc rà soát, phân loại cán bộ, công chức, viên chức ở những nơi có số lượng cán bộ, công chức, viên chức đang làm việc cao hơn số lượng biên chế được giao để bố trí, phân công nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng, phù hợp với tiêu chuẩn, chức danh, yêu cầu công việc.
Khẩn trương rà soát, với các trụ sở có khả năng chuyển đổi công năng, mục đích sử dụng thì khẩn trương làm thủ tục bàn giao cho cơ quan, tổ chức, đơn vị có nhu cầu; lập kế hoạch, dự toán, cấp bổ sung kinh phí phục vụ việc cải tạo, chuyển đổi công năng, nâng cấp cơ sở vật chất đáp ứng mục đích sử dụng mới.
Ưu tiên nguồn lực, có chính sách ưu đãi, hỗ trợ hợp lý, đặc thù cho các ĐVHC hình thành sau sắp xếp để có điều kiện ổn định tổ chức, hoạt động của bộ máy chính quyền cơ sở, sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách dôi dư, đầu tư xây dựng hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương...
Mục tiêu cuối cùng là nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước
Thảo luận tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý việc đánh giá kết quả sắp xếp ĐVHC phải rõ ràng, trong đó phải làm rõ mục tiêu tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế như thế nào. Đặc biệt, qua việc sắp xếp ĐVHC tiết kiệm được bao nhiêu kinh phí? "Sắp xếp không phải chỉ để sắp xếp mà mục tiêu cuối cùng là nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh và đề nghị làm rõ các chỉ tiêu đo lường, cuối cùng thì việc phục vụ nhân dân ra sao, được người dân đánh giá thế nào, nhất là ở các tỉnh biên giới, miền núi.
Cùng với đó thì những bài học nào được rút ra để thực hiện sắp xếp trong giai đoạn 2022-2030. Băn khoăn vấn đề sắp xếp đơn vị đô thị, Chủ tịch Quốc hội viện dẫn trường hợp nhập huyện Hoành Bồ vào TP Hạ Long, hay nhiều địa phương thành lập thêm thị trấn, thị xã. Theo Bộ Xây dựng, nhiều ĐVHC sau khi sắp xếp chưa đạt 50% đô thị hoá, việc này đánh giá thế nào và giai đoạn sau làm thế nào?
Đề cập việc thành lập TP Thủ Đức, Chủ tịch Quốc hội cho biết, TP Hồ Chí Minh đang đề nghị cơ chế đặc thù cho Thủ Đức vì "cái áo chật quá", Hà Nội cũng đang định thành lập thành phố trong thành phố. "Lúc lập TP Thủ Đức ý nói đây là cấp quận thôi, giờ nó là gì trong tổ chức ĐVHC, giám sát lần này có làm rõ hay không, tới đây làm tiếp thế nào?", Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ.
Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, việc sắp xếp ĐVHC là mới, khó, phức tạp vì lịch sử nước ta từ năm 1986 đến năm 2015 hầu hết các địa phương chỉ thực hiện chia tách. Ở cấp tỉnh, từ 38 tỉnh lên đến 63 tỉnh, thành (tăng 25 tỉnh); từ 530 huyện lên 713 huyện (tăng 183 huyện). "Chỉ một chặng đường trong khoảng 30 năm, ĐVHC của chúng ta tăng như trên. Đang trong xu thế tăng mà chúng ta quay ngược lại giảm thực sự là một điều rất khó khăn, mà nếu không giải phóng được tư tưởng thì thật khó để thực hiện", Bộ trưởng Bộ Nội vụ nêu quan điểm.
Bên cạnh những khó khăn, cũng có những thuận lợi trong việc sắp xếp ĐVHC, trong đó có quyết tâm chính trị cao của Đảng, Chính phủ, Quốc hội, tạo sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, đồng thời nhận được sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân. "Qua sắp xếp đã giảm được 12% biên chế công chức cấp huyện, 32,6% biên chế công chức cấp xã, giảm 56,4% số người hoạt động không chuyên trách cấp xã, giảm chi ngân sách nhà nước trên 2.000 tỷ đồng", Bộ trưởng Bộ Nội vụ viện dẫn và khẳng định số ĐVHC giảm sau sắp xếp là những con số mang tính lịch sử.
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà thừa nhận còn những tồn tại, hạn chế, bất cập, khó khăn, vướng mắc, mà lớn nhất là bố trí, sắp xếp, giải quyết chế độ, chính sách cho cán bộ công chức và người hoạt động không chuyên trách dôi dư. Tới đây, Bộ Nội vụ sẽ tập trung rất cao vào nhóm giải pháp này để giải quyết, tháo gỡ những vướng mắc, bất cập một cách kịp thời, khẩn trương, vì sắp xếp tốt chỗ này sẽ tạo động lực cho việc sắp xếp giai đoạn tới...
Đề nghị sắp xếp, tạo việc làm cho Công an xã, thị trấn bán chuyên trách dôi dư
Phát biểu tại phiên họp về tình hình các xã, thị trấn bố trí Công an xã, thị trấn chính quy, hiện còn số Công an xã bán chuyên trách dôi dư, chờ bố trí nhiệm vụ mới, Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Uỷ viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, các chức danh này được bổ nhiệm, bố trí theo quy định của Pháp lệnh Công an xã, khi kết thúc nhiệm vụ được sử dụng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở và được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của pháp lệnh cho đến khi có văn bản quy định khác.
Về việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính, xây dựng chính quyền điện tử ở các ĐVHC thực hiện sắp xếp mới, báo cáo chỉ đề cập việc thực hiện thủ tục hành chính ở địa phương, chưa đề cập việc thực hiện thủ tục hành chính đối với các bộ ngành dọc như Bộ Công an. "Bộ Công an hiện nay ở Công an cấp xã có 28 thủ tục, trong đó 6 thủ tục mức độ 3 và 17 thu tục ở mức độ 4, nhiều Công an xã thực hiện thủ tục một cửa, vì vậy nên chăng bổ sung nội dung này cho đầy đủ hơn", Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ đề nghị.
Bộ Công an cũng đề nghị Chính phủ, Bộ Nội vụ nghiên cứu, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến chế độ, chính sách cho Công an xã bán chuyên trách khi bố trí Công an xã, thị trấn chính quy, theo hướng xác định Phó trưởng Công an xã và Công an viên nghỉ việc do sắp xếp, bố trí Công an chính quy thuộc trường hợp nghỉ việc vì lý do chính đáng. Họ được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 (kể cả trường hợp công tác trên hoặc dưới 15 năm)...
Về dự thảo Nghị quyết của UBTVQH, tại điểm a, khoản 1, Điều 2 (trang 3) về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ đề nghị cân nhắc bổ sung nội dung hỗ trợ, bố trí sắp xếp, tạo việc làm cho những Công an xã, thị trấn bán chuyên trách dôi dư hiện đang chờ.
Tại điểm b, khoản 2, Điều 2 (trang 5), đồng chí Thứ trưởng đề nghị bổ sung thêm đối tượng Công an xã, thị trấn bán chuyên trách, và chỉnh lý: "Nghiên cứu ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung chính sách pháp luật khác có liên quan đến việc sắp xếp ĐVHC để có chính sách ưu tiên, ưu đãi, hỗ trợ phù hợp, cần thiết, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị, địa phương kiện toàn tổ chức bộ máy, sắp xếp, giải quyết chế độ chính sách cho cán bộ công chức, người hoạt động không chuyên trách, Công an xã, thị trấn bán chuyên trách dôi dư để ổn định tình hình, bảo đảm đời sống xã hội cho nhân dân"...
Nguồn: cand.com.vn
-
Untitled Document -
-
-
Đang online: 1 Hôm nay: 2842 Trong tuần: 12307 Trong tháng 163216 Tất cả: 17256780