Thảo luận 6 dự án luật, 1 dự thảo nghị quyết
Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, quán triệt Nghị quyết của Đại hội lần thứ XIII của Đảng và chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về phát huy mạnh mẽ vai trò, vị trí của Quốc hội trong việc tạo lập khuôn khổ pháp lý cho các hoạt động của đất nước, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Quốc hội khóa XV đã tổ chức thành công 4 kỳ họp, ban hành 8 luật, cho ý kiến 6 dự án luật khác, ban hành 62 nghị quyết với sự thống nhất, đồng thuận cao.
"Đây là kết quả của quá trình phối hợp chuẩn bị kỹ lưỡng, từ sớm của UBTVQH, Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan hữu quan, kết hợp với việc phát huy dân chủ, tranh thủ tối đa trí tuệ, đóng góp của cử tri và nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước, các bậc lão thành cách mạng, các chuyên gia, nhà khoa học… Trong đó, có sự đóng góp quan trọng, tích cực, trách nhiệm, tâm huyết, hiệu quả của các vị ĐBQH nói chung và ĐBQH hoạt động chuyên trách nói riêng", Chủ tịch Quốc hội khẳng định
Kỳ họp thứ 4 sắp tới của Quốc hội có nhiều nhiệm vụ lập pháp quan trọng, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Hội nghị ĐBQH chuyên trách được tổ chức để có thêm các ý kiến đa dạng, nhiều chiều, giúp cơ quan hữu quan nhận diện thêm các vấn đề mới phát sinh, nắm bắt bao quát toàn diện, giải trình thấu đáo hơn, bảo đảm chất lượng cao nhất của các dự án, dự thảo trình Quốc hội. Qua đó, góp phần vào việc xem xét, thông qua của Quốc hội đạt tỷ lệ tán thành cao, đồng thời, rút ngắn thời gian kỳ họp.
Hội nghị ĐBQH chuyên trách lần thứ 2 của nhiệm kỳ khóa XV sẽ tập trung thảo luận về 6 dự án luật, 1 dự thảo nghị quyết trình Quốc hội thông qua. Về Dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị ĐBQH tiếp tục quan tâm, thể hiện rõ chính kiến, quan điểm về điều chỉnh việc thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp, tổ chức khác có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động; việc cụ thể hóa phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng; cơ chế bảo đảm việc thực hiện dân chủ ở cơ sở - đây là vấn đề quan trọng, mang tính quyết định luật này có thực sự đi vào cuộc sống và phát huy được dân chủ cơ sở hay không.
Về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị ĐBQH tiếp tục thảo luận, thể hiện rõ quan điểm về quy định giới hạn tổng độ rộng băng tần thông tin di động một doanh nghiệp được cấp phép sử dụng; phương thức cấp phép; cấp lại giấy phép sử dụng băng tần. Làm rõ vì sao từ khi luật có hiệu lực đã gần 12 năm vẫn không thực hiện được việc đấu giá, thi tuyển để cấp phép; quy định về sử dụng tần số vô tuyến điện được phân bổ riêng phục vụ quốc phòng, an ninh để kết hợp phát triển kinh tế - nội dung này đang còn khác nhau về quan điểm. Cần được làm rõ nội hàm của chính sách này là gì và đánh giá tác động liên quan đến quy hoạch, kế hoạch sử dụng băng tần, kể cả về khía cạnh công nghệ kỹ thuật để đảm bảo tính khả thi…
"Về Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) - dự án luật có tác động rất lớn đến ngành y tế và công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, đây là vấn đề nhận được sự quan tâm sâu sắc, không chỉ trong ngành y tế mà còn của cử tri, nhân dân cả nước; việc xây dựng các quy định đòi hỏi sự thận trọng, cân nhắc kỹ lưỡng, chỉ đưa vào luật những vấn đề đã chín, đã rõ, có tính khả thi, không nóng vội, không vì lộ trình mà phải thông qua trong khi thực tiễn chưa giải quyết được, cần tiếp tục thể chế hóa các Nghị quyết số 19, 20 của Trung ương Đảng về "Xây dựng hệ thống y tế công bằng, chất lượng, hiệu quả và hội nhập", "lấy người bệnh làm trung tâm", "y tế cơ sở là nền tảng" - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Với yêu cầu đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị ĐBQH tập trung thảo luận về phạm vi điều chỉnh; bố cục của dự thảo luật; về thẩm quyền và điều kiện cấp giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh (chứng chỉ đào tạo, việc sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt trong khám chữa bệnh của người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài tại Việt Nam,…); hệ thống tổ chức cơ sở khám, chữa bệnh; cách thức chuyển tuyến, kết nối các tuyến khám, chữa bệnh; việc phân cấp đối với cơ sở y tế tư nhân; cơ chế tài chính, giá dịch vụ; xã hội hóa, tự chủ trong khám, chữa bệnh; quy định chuyên môn kỹ thuật; khám bệnh, chữa bệnh từ xa; y học gia đình;...
Bảo vệ quyền con người ngay từ gia đình
Về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), dự án luật có nội dung rất rộng, ảnh hưởng đến toàn xã hội, đến từng gia đình - "tế bào" của xã hội, có ý nghĩa quan trọng trong bảo vệ quyền con người ngay từ gia đình, góp phần gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình. Tuy nhiên, rất khó để nhận diện các hành vi bạo lực gia đình, tính khả thi, hiệu quả của các biện pháp phòng, chống, mức độ xử lý, làm sao để không gây tác dụng ngược đối với nạn nhân.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị ĐBQH tập trung thảo luận, nhận diện các hành vi bạo lực gia đình; việc mở rộng với một số nhóm đối tượng không còn trong quan hệ hôn nhân, gia đình; về tư vấn, hòa giải và xử lý tin báo, tố giác vụ việc; bảo vệ, hỗ trợ người báo tin tố giác bạo lực gia đình, người tham gia phòng, chống bạo lực gia đình; cơ sở trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình và xã hội hóa công tác phòng, chống bạo lực gia đình. Biện pháp cấm tiếp xúc theo quyết định của Chủ tịch UBND cấp xã và Tòa án; biện pháp "thực hiện công việc phục vụ cộng đồng" - đây là điểm nhấn của lần sửa đổi này; mới được bổ sung trên cơ sở tiếp thu ý kiến của ĐBQH, mang tính chất tự quản tại cộng đồng, xuất phát từ nhu cầu của cộng đồng và do cộng đồng quyết định.
Đối với dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị ĐBQH cho ý kiến vào hệ thống tổ chức cơ quan thanh tra theo cấp hành chính; giải pháp đảm bảo tính độc lập về chuyên môn, nghiệp vụ trong hoạt động thanh tra; việc thành lập cơ quan thanh tra chuyên ngành tại Tổng cục, Cục thuộc Bộ và tại cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác của Nhà nước được giao thực hiện một số nhiệm vụ quản lý Nhà nước; tiêu chí thành lập cơ quan thanh tra tại một số sở và thẩm quyền thành lập Thanh tra sở của UBND cấp tỉnh; quy trình thanh tra, cơ chế phối hợp, xử lý để tránh chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra với hoạt động kiểm tra, kiểm toán…
Về dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội đánh giá đây là dự án khó, phức tạp, nội dung sửa đổi nhiều, nhưng dự kiến được xem xét, thông qua theo quy trình 1 kỳ họp nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng; nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác phòng, chống rửa tiền, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và phòng, chống tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt trên cơ sở bảo đảm phù hợp với bối cảnh, điều kiện của Việt Nam, bảo đảm an ninh tiền tệ, an toàn tài chính quốc gia và phù hợp với các Hiệp định đã ký kết, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, trong đó có các khuyến nghị của Lực lượng đặc nhiệm tài chính quốc tế (FATF).
Với tinh thần thận trọng, cầu thị, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị ĐBQH tập trung thảo luận về: Các điều kiện cần và đủ để trình Quốc hội xem xét, thông qua dự án luật theo quy trình 1 kỳ họp; tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của dự thảo luật với hệ thống pháp luật và tương thích với các cam kết, điều ước quốc tế; tính khả thi khi triển khai thực hiện; các quy định về đối tượng báo cáo; quy định nội bộ về phòng, chống rửa tiền; báo cáo giao dịch đáng ngờ, trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước trong phòng, chống rửa tiền…
Hội nghị cũng cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết ban hành nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) - dự thảo nghị quyết trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 4 theo quy trình một kỳ họp.
Nhấn mạnh thời gian tổ chức hội nghị không dài, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị các vị ĐBQH chuyên trách với tinh thần trách nhiệm cao trước cử tri và đất nước, tham gia đầy đủ các phiên họp, thể hiện rõ vai trò cầu nối giữa thực tiễn với lý luận, giữa tâm tư, nguyện vọng của cử tri, nhân dân với các quyết sách trình Quốc hội xem xét thông qua; tranh thủ tối đa thời gian, cơ hội để nghiên cứu, trao đổi, tranh luận, phản biện với cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra nhằm đóng góp nhiều ý kiến chất lượng, sâu sắc về các dự thảo.
Nguồn: cand.com.vn
-
Untitled Document -
-
-
Đang online: 1 Hôm nay: 7634 Trong tuần: 17102 Trong tháng 168019 Tất cả: 17261582