Phát biểu khai mạc phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, đây là lần thứ hai UBTVQH khóa XV tổ chức phiên chất vấn, sau phiên lần đầu tổ chức rất thành công vào tháng 4/2022. Phiên chất vấn được tổ chức trực tiếp tại Hội trường Diên Hồng, kết nối trực tuyến tới 62 điểm cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Trên cơ sở tiêu chí, trình tự, thủ tục lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn và người trả lời chất vấn, UBTVQH quyết định lựa chọn hai nhóm vấn đề chất vấn và người trả lời chất vấn là Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm và Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du Lịch Nguyễn Văn Hùng.
Do thời gian chất vấn không nhiều, nội dung hai lĩnh vực có phạm vi rất rộng, để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả của phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội đề nghị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) bám sát chủ đề, đặt câu hỏi ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề, đồng thời tranh luận thẳng thắn, mang tính xây dựng cao. Chủ tịch Quốc hội đề nghị các Bộ trưởng cần trả lời thẳng thắn, có trọng tâm, không né tránh, nêu ra giải pháp hiệu quả lâu dài, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của cử tri và nhân dân cả nước.
Phát biểu trước phiên chất vấn, Bộ trưởng Tô Lâm nêu rõ, Bộ Công an trân trọng cảm ơn UBTVQH đã lựa chọn chất vấn nhóm vấn đề liên quan đến ANTT, thể hiện sự quan tâm của Quốc hội, UBTVQH, ĐBQH và cử tri cả nước đối với lực lượng CAND, góp phần giúp lực lượng CAND hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Theo Bộ trưởng Tô Lâm, ngày 16/3/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 12 về đẩy mạnh xây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
"Đây là nghị quyết rất quan trọng, định hướng xây dựng lực lượng CAND và các cấp ủy đảng có trách nhiệm tổ chức thực hiện, trong đó có vai trò quan trọng của Đảng Đoàn Quốc hội đối với công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật, đảm bảo cơ sở pháp lý, cơ chế bảo vệ lực lượng CAND, phân bổ ngân sách đảm bảo xây dựng lực lượng CAND theo lộ trình đề ra. Hoạt động chất vấn hôm nay cũng là một trong những nội dung giám sát quan trọng, góp phần thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 12 của Bộ Chính trị", Bộ trưởng khẳng định.
"Trên tinh thần thẳng thắn, thực sự cầu thị, Bộ Công an xin trân trọng lắng nghe những ý kiến chất vấn của ĐBQH", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, các ĐBQH đã đặt câu hỏi với Bộ trưởng Tô Lâm về nhóm vấn đề thuộc trách nhiệm của Bộ Công an. ĐBQH Siu Hương (Gia Lai) đặt câu hỏi về việc bảo vệ thông tin cá nhân còn nhiều vi phạm phổ biến, Bộ trưởng có giải pháp gì đối với tình trạng này?
ĐBQH Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) nêu tình trạng hiện nay các thông tin cá nhân đang được rao bán trên các hội nhóm, nền tảng mạng xã hội. Công an các địa phương triệt phá nhiều đường dây mua bán thông tin cá nhân trên mạng xã hội, tuy nhiên còn nhiều đối tượng chưa bị xử lý. Giải pháp nào để thông tin cá nhân của người dân không bị trôi nổi trên các trang mạng xã hội?
ĐBQH Nguyễn Hoàng Uyên (Long An) đặt câu hỏi về giải pháp ngăn chặn tình trạng tung tin xấu độc, sai sự thật, bịa đặt?
Đề cập tình trạng một số bộ phận người dân di cư chưa được cấp Căn cước công dân (CCCD) vì khó khăn trong xác nhận thông tin, từ nguyên quán, nhân thân, nguồn gốc... Bộ trưởng có giải pháp căn cơ nào tháo gỡ, cấp CCCD cho số đối tượng này?
ĐBQH Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) chất vấn thẳng thắn: "Một số quốc gia không chấp thuận hộ chiếu mẫu mới, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, trách nhiệm thuộc về ai. Nguồn gốc của nhiều loại tội phạm là do ma túy, Bộ Công an có giải pháp gì?
Trả lời câu hỏi chất vấn của nhóm ĐBQH đầu tiên, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, để hạn chế lộ lọt dữ liệu bí mật cá nhân, Bộ Công an đã xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý bảo vệ dữ liệu cá nhân. Bộ Công an đã trình Chính phủ Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân, đã qua 10 lần trình, hiện đang đi vào giai đoạn cuối để có cơ sở pháp lý giải quyết tình trạng này. Đến năm 2024 sẽ nghiên cứu trình Quốc hội ban hành Luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Giải pháp thứ hai theo Bộ trưởng là tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong bảo vệ dữ liệu cá nhân. Tích cực điều tra, xử lý nghiêm các trường hợp làm lộ lọt, rao bán dữ liệu cá nhân. Điển hình, Bộ Công an đang điều tra các đối tượng rao bán 30 triệu dữ liệu mà nguồn gốc từ Bộ GD&ĐT.
Đối với Bộ Công an, dữ liệu cá nhân trong Cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư rất lớn, xác định là tài nguyên quốc gia, thực hiện đúng các điều kiện đảm bảo an ninh, an toàn mức độ 4; thực hiện nghiêm ngặt các quy trình thu thập, cập nhật, bổ sung dữ liệu..., coi đây là mệnh lệnh trong lực lượng CAND.
Bộ Công an cũng thường xuyên giám sát, ngăn chặn các cuộc tấn công vào CSDL quốc gia về dân cư; thường xuyên kiểm tra an ninh, an toàn các bộ ngành, địa phương và chỉ kết nối khi đảm bảo an ninh, an toàn.
Về các giải pháp ngăn chặn, xử lý nghiêm tình trạng đưa tin giả, sai sự thật, tán phát các video phản cảm, độc hại, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, trong thời gian tới, Bộ Công an tiếp tục thực hiện một số giải pháp trọng tâm sau: Chủ động rà soát, đánh giá, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, sử dụng internet, mạng xã hội, báo chí. Đấu tranh, xử lý, xử phạt nghiêm minh với những hành vi cố tình đưa thông tin bịa đặt, sai sự thật lên mạng xã hội, hành vi xuyên tạc đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, xuyên tạc lịch sử, bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, phá hoại quan hệ quốc tế của đất nước; đồng thời tuyên truyền cảnh báo định hướng dư luận.
Bộ Công an cũng sẽ chủ động đấu tranh, ngăn chặn, gỡ bỏ, triệt phá, vô hiệu hóa thông tin xấu độc, tin giả, tin sai sự thật. Giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận diện, tự phòng chống các thủ đoạn, nội dung thông tin xấu, độc trên mạng xã hội; trang bị kiến thức cần thiết để mỗi người có thể tự sàng lọc, tiếp nhận thông tin hữu ích, chính thống, đồng thời "miễn dịch" với những thông tin xấu, độc làm nhiễu loạn môi trường xã hội.
Đồng thời, Bộ Công an phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet quản lý chặt chẽ thông tin trên không gian mạng; thực hiện chức năng quản lý nhà nước, yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới tại Việt Nam tuân thủ, chấp hành đầy đủ quy định của pháp luật Việt Nam trên lĩnh vực đảm bảo an ninh, an toàn thông tin mạng.
Liên quan việc cấp hộ chiếu mới không có nơi sinh, Bộ trưởng Tô Lâm lý giải: "Một là việc cấp hộ chiếu mới được thực hiện theo quy định của pháp luật. Thứ hai, phù hợp với thông lệ quốc tế, nhiều nước trên thế giới đều sử dụng mẫu này, đều không có nơi sinh, đa số các nước đều chấp thuận... Chúng tôi khẳng định, quá trình thực hiện theo đúng quy định pháp luật".
Về giải pháp, theo Bộ trưởng, trước mắt, với cá nhân được cấp hộ chiếu mà cần bổ sung thì Bộ Công an sẽ tiến hành bổ sung. Về lâu dài sẽ báo cáo Chính phủ, thống nhất các cơ quan báo cáo Quốc hội sửa Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.
"Về trách nhiệm, Bộ Công an xin nhận trách nhiệm và sẽ có giải pháp để giải quyết vấn đề này" - Bộ trưởng Tô Lâm thẳng thắn.
Bộ trưởng cũng khẳng định sẽ có giải pháp để số người dân di dân tự do được cấp CCCD để xác định rõ danh tính, nguồn gốc. "Đây cũng là vấn đề bức xúc, Bộ Công an sẽ phấn đấu toàn dân có đầy đủ giấy tờ, làm rõ pháp lý", Bộ trưởng nêu rõ.
Báo CAND tiếp tục cập nhật thông tin về phiên chất vấn.
Nguồn: cand.com.vn
-
Untitled Document -
-
-
Đang online: 1 Hôm nay: 11450 Trong tuần: 61994 Trong tháng 24857 Tất cả: 16174167