Sáng 19/5, Bộ Quốc phòng tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Đề án "Tuyên truyền, phổ biến Luật Cảnh sát biển Việt Nam, giai đoạn 2019-2023" theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với 45 điểm cầu trong toàn quân.
Thượng tướng Võ Minh Lương, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng chủ trì Hội nghị.
Tham dự Hội nghị có gần 2.500 đại biểu các ban, bộ, ngành Trung ương; đại biểu cấp ủy, chính quyền thuộc 28 tỉnh, thành phố có biển.
Trình bày báo cáo kết quả 3 năm (2019 - 2021) thực hiện Đề án, Thiếu tướng Bùi Quốc Oai, Chính ủy Cảnh sát biển khẳng định: Trong 3 năm thực hiện Đề án, vượt lên trên những thách thức của tình hình thế giới, khu vực, nhất là ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, Đề án luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của các ban, bộ ngành Trung ương; sự tham gia tích cực, nghiêm túc, thống nhất, có trọng điểm với quyết tâm cao của cấp ủy, chính quyền địa phương và Ban chỉ đạo Đề án các cấp.
Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển - Cơ quan Thường trực thực hiện Đề án của Bộ Quốc phòng đã phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với hơn 30 cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và địa phương, các nền tảng mạng xã hội, cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử của các ban, ngành, địa phương... tổ chức mở mới nhiều chuyên trang, chuyên mục, xây dựng nhiều chương trình, tăng thời lượng phát sóng, đăng tải kịp thời hơn 2.000 tin, bài; hơn 40 phóng sự, phim tài liệu, gần 300 video clip, chương trình phát thanh để tuyên truyền, phổ biến Luật Cảnh sát biển Việt Nam và kết quả triển khai thi hành luật, kết quả thực hiện đề án trên các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống thông tin cơ sở...
Theo đại diện Cảnh sát biển, với tinh thần, trách nhiệm cao, việc thực hiện Đề án đã bám sát mục tiêu, nội dung, nhiệm vụ cùng những cách làm hay, sáng tạo, linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương, đơn vị.
Đề án đã góp phần nâng cao một bước về nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của các tầng lớp nhân dân,đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, nhất là trong xây dựng, bảo vệ an ninh chủ quyền, trật tự an toàn biển đảo, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; bảo vệ tài nguyên, môi trường biển; động viên được ngư dân hăng hái vươn khơi, bám biển, góp phần xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc. Đồng thời đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị về biển, đảo Việt Nam, tạo sự đồng thuận trong xã hội về quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh trật tự, an toàn trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc.
Theo Chính ủy Cảnh sát biển, trong năm 2022 và những năm tiếp theo, các nhiệm vụ giải pháp cơ bản sẽ được thống nhất nhằm triển khai thực hiện hiệu quả hơn nữa Đề án; đồng thời có những kiến nghị, đề xuất cụ thể đối với Chính phủ; các ban, bộ, ngành Trung ương và cấp ủy, chính quyền địa phương nhằm tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Đề án trên phạm vi cả nước, trong đó tập trung tuyên truyền, phổ biến cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân ở 28 tỉnh, thành phố có biển; các lực lượng chức năng thuộc ban, bộ, ngành, đơn vị, lực lượng vũ trang có liên quan.
Chú trọng phát huy vai trò của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương các cấp, nhất là ở cơ sở trong lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện, góp phần tạo sự chuyển biến về nhận thức trong tham gia nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, chấp hành pháp luật và giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn trên biển của cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Hội nghị đã được nghe nhiều báo cáo tham luận, trong đó nhấn mạnh đến hiệu quả của việc phối hợp giữa Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển; các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương; các đơn vị lực lượng vũ trang với các cơ quan chức năng liên quan chủ động tham mưu triển khai tuyên truyền sâu rộng trên các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống thông tin cơ sở và lồng ghép thông qua các hoạt động của cơ quan, đơn vị, địa phương. Qua đó, nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân nhận thức rõ về vị trí, vai trò, nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát biển Việt Nam; đồng thời tuyên truyền, phổ biến sâu rộng trong nhân dân nâng cao nhận thức pháp luật, góp phần bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn trên vùng biển, đảo của Tổ quốc.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thượng tướng Võ Minh Lương yêu cầu trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo Đề án các cấp cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Đề án trên phạm vi cả nước, trọng tâm là tuyên truyền, phổ biến Luật Cảnh sát biển Việt Nam cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, các tầng lớp nhân dân và các lực lượng vũ trang, lực lượng chức năng thuộc các bộ, ban, ngành có liên quan đến biển.
Các bộ, ban ngành, các tỉnh, thành phố, các đơn vị quân đội cần tăng cường chỉ đạo đơn vị thuộc quyền tiếp tục triển khai đồng bộ, chủ động phối hợp với cơ quan thông tấn, báo chí đẩy mạnh tuyên truyền. Hình thức tuyên truyền cần đổi mới, đa dạng, sáng tạo, hiệu quả....để nhanh chóng đưa Luật Cảnh sát biển Việt Nam đi vào cuộc sống, góp phần tích cực vào xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân trên biển, thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam.
Trong dịp này, Bộ Quốc phòng đã quyết định khen thưởng cho 31 tập thể, 55 cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong thực hiện Đề án và trong Cuộc thi trực tuyến toàn quốc Tìm hiểu Luật Cảnh sát biển Việt Nam đã có thành tích xuất sắc trong thời gian qua, góp phần quan trọng trong công tác tuyên truyền, phổ biến để đưa Luật Cảnh sát biển Việt Nam đi vào cuộc sống.
Nguồn: cand.com.vn
-
Untitled Document -
-
-
Đang online: 1 Hôm nay: 11354 Trong tuần: 54596 Trong tháng 205519 Tất cả: 17299090