Trong khuôn khổ chuyến thăm, làm việc tại tỉnh Sóc Trăng, chiều 27/4, ngay sau khi tới Sóc Trăng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn công tác của Chính phủ đã khảo sát thực tế khu vực quy hoạch cảng biển Trần Đề, huyện Trần Đề và thăm Dự án nhiệt điện Long Phú 1.
Cùng đi với Thủ tướng có Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà; Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên; lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương và Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các bộ, ngành và tỉnh Sóc Trăng đã lên tàu cao tốc đi khảo sát khu vực biển được quy hoạch xây dựng cảng Trần Đề, bao gồm khu vực xây dựng cầu cảng, luồng ra vào của tàu biển, khu dịch vụ logistics, hậu cần cảng...
Theo Nghị quyết 13-NQ/TW ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đặt nhiệm vụ đến năm 2030 "hoàn chỉnh hệ thống cảng biển theo quy hoạch, trong đó cảng Trần Đề phát triển thành cảng đặc biệt và cửa ngõ vùng."
Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định vị trí quy hoạch cảng của ngõ vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại khu vực ngoài khơi cửa biển Trần Đề do khu vực này nằm tại trung tâm vùng hạ lưu sông Hậu, kết nối đường thủy nội địa, đường bộ thuận lợi đến trung tâm vùng và các cảng biển, trung tâm logistics trong vùng đã và đang được đầu tư xây dựng.
Báo cáo với Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể và Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn cho biết, cửa biển Trần Đề là điểm cuối cùng của sông Hậu đổ ra biển.
Theo quy hoạch đang xây dựng, cảng Trần Đề có khả năng tiếp nhận tàu tổng hợp, container có trọng tải từ 50.000-160.000 DWT. Dự kiến, diện tích khu cảng khoảng 550ha với cầu cảng vượt biển dài 16km. Ngoài ra, còn có khu dịch vụ logistics, hậu cần cảng với diện tích khoảng 4.000ha, các khu công nghiệp sau cảng tại cửa Mỹ Thanh 4.000ha...
Cảng biển Trần Đề sẽ kết nối về đường bộ trực tiếp với quốc lộ Nam Sông Hậu hiện hữu, cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng và cầu Đại Ngãi qua quốc lộ 60 trong tương lai.
Đặc biệt, cảng biển này sẽ giúp phát huy hiệu quả lợi thế đường thủy tại Đồng bằng sông Cửu Long qua hệ thống các sông và cảng biển trong vùng.
Khi được hoàn thành, Trần Đề sẽ là một cảng quốc tế có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển không chỉ riêng Sóc Trăng mà còn đối với cả khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Cũng trong chiều 27/4, Thủ tướng và đoàn công tác đã tới thăm dự án Nhà máy Nhiệt điện Long Phú 1, tại xã Long Đức, huyện Long Phú.
Dự án Nhiệt điện Long Phú 1 có công suất 1.200 MW, được khởi công xây dựng tháng 9/2015. Theo Quy hoạch điện VII (điều chỉnh), nhà máy sẽ vận hành thương mại tổ máy 1 năm 2018, tổ máy 2 năm 2019. Nhưng thực tế đến nay, các hoạt động trên công trường chỉ là công tác bảo quản, bảo dưỡng vật tư thiết bị đã được vận chuyển về và đã lắp đặt vào vị trí.
Sau khi thị sát tại công trường, tìm hiểu về những khó khăn, vướng mắc tại dự án; trao đổi với lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan liên quan và động viên đội ngũ cán bộ, công nhân, Thủ tướng đề nghị chủ đầu tư và tỉnh Sóc Trăng tiếp tục nghiên cứu, có giải pháp tháo gỡ khó khăn, tiếp tục triển khai dự án này, trên tinh thần tự lực, tự cường.
Nguồn: cand.com.vn
-
Untitled Document -
-
-
Đang online: 1 Hôm nay: 4151 Trong tuần: 32146 Trong tháng 177400 Tất cả: 16326702