Vậy mà từng có thời điểm, không ít người rất băn khoăn trước quyết tâm của Đảng trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Suy nghĩ “Ai dám động vào mấy ông tỉnh ủy viên, Ủy viên Trung ương; "bê xê tê" thì càng không thể”, đã ăn sâu vào tiềm thức của không ít cán bộ, đảng viên và người dân. Đã có những vụ việc gây thiệt hại lớn về kinh tế, xã hội; những công trình nghìn tỷ, chục nghìn tỷ “đắp chiếu”; lợi dụng quyền lực và kẽ hở của pháp luật để tham ô tài sản Nhà nước, đục khoét tài nguyên quốc gia… nhưng chỉ bị “giơ nhẹ và đánh cũng khẽ”.
Hẳn nhiều người còn nhớ, tại Hội nghị Trung ương 6 (khóa XI, tháng 10/2012), một hội nghị mà nhiều người vẫn trân trọng nhắc tới “giọt nước mắt của Tổng Bí thư”, khi ông phát biểu bế mạc: “Mặc dù nhiều khuyết điểm, hạn chế có từ các khóa trước, nhưng với trách nhiệm chính trị của cơ quan lãnh đạo hiện nay, Bộ Chính trị và từng Ủy viên Bộ Chính trị tự nhận thấy sâu sắc trách nhiệm chính trị của mình trước những khuyết điểm, hạn chế đó”.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nghiêm túc nhìn nhận trong phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 6 (khóa XI, tháng 10/2012): “Bộ Chính trị, Ban Bí thư từ nhiều khóa nay có một số khuyết điểm lớn, đặc biệt là chưa ngăn chặn và khắc phục được tình trạng tham nhũng, tiêu cực trong một bộ phận cán bộ, đảng viên. Việc một số cán bộ cao cấp (cả đương chức và nguyên chức) có lúc, có việc còn biểu hiện chưa gương mẫu về đạo đức, lối sống của bản thân và gia đình, nói không đi đôi với làm, đã làm ảnh hưởng lớn đến uy tín của các cơ quan lãnh đạo Đảng, Nhà nước và bản thân các đồng chí đó. Chưa tập trung chỉ đạo làm rõ, đánh giá đầy đủ thực chất tình hình để kịp thời có biện pháp kiên quyết khắc phục một số tiêu cực (như chạy chức, chạy quyền, chạy tội...) và một số trường hợp phân công, đề bạt cán bộ chưa chính xác, chưa được dư luận đồng tình”…
Tại hội nghị này, Trung ương đã có nhiều quyết sách nhằm xây dựng, chỉnh đốn Đảng một cách hiệu quả hơn; trong đó có phát huy vai trò công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng.
Sau hội nghị nêu trên, ngày 01/2/2013, Bộ Chính trị ban hành Quyết định số 162-QĐ/TW thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, do đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng ban. Trước đó nhiều năm, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng trực thuộc một cơ quan khác nên khó phát huy được hiệu lực, hiệu quả trong chỉ đạo, đấu tranh với tham nhũng. Cùng với việc tái lập một số ban của Đảng như: Ban Nội chính Trung ương, Ban Kinh tế Trung ương… thì việc phát huy tốt vai trò công tác kiểm tra, giám sát được coi trọng đúng mức. Qua đó, tính chiến đấu và vai trò lãnh đạo của Đảng được nâng cao hiệu lực, hiệu quả; thể hiện rất rõ trong việc hình thành và hoạt động của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực – mà Ủy ban Kiểm tra Trung ương giữ vai trò cực kì quan trọng.
Với những quyết sách nêu trên, đồng thời phát huy tốt vai trò của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, trong nhiệm kì Đại hội XII và những năm đầu Đại hội XIII của Đảng, công tác kiểm tra, giám sát nói chung, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nói riêng, đã thu được những kết quả to lớn. Nhiều vụ án lớn, thậm chí là đại án tưởng chừng “chìm xuồng” đã được đưa ra ánh sáng, xác định được tập thể, cá nhân phải chịu trách nhiệm; không ít lãnh đạo cấp cao, kể cả Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị… bị xử lí kỉ luật Đảng, xử lí hành chính, thậm chí xử lý hình sự.
Phát huy những thành tựu và bài học kinh nghiệm nêu trên, Bộ Chính trị vừa ban hành Kết luận số 34 về Chiến lược công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đến năm 2030. Kết luận nêu rõ mục tiêu, yêu cầu, giải pháp nhằm phát huy hiệu lực, hiệu quả của công tác kiểm tra, giám sát. Trong đó, tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đối với công tác kiểm tra, giám sát; Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát; Chủ động dự báo, kịp thời ban hành các quy định của Đảng về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật; Xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm tra công minh, liêm chính; tổ chức bộ máy cơ quan ủy ban kiểm tra các cấp đồng bộ, tinh gọn.
Đặc biệt, một trong những nhiệm vụ, giải pháp được nhấn mạnh trong Kết luận: “Chủ động nghiên cứu, tham mưu, ban hành các văn bản của Đảng bảo đảm giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương, đồng thời tăng cường trách nhiệm, đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng. Kịp thời thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng; ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để tạo sự đồng bộ, thống nhất trong thực hiện quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước liên quan đến công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức; hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật nhằm phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm, khuyết điểm; phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực”.
Kiểm tra, giám sát là lĩnh vực công tác tối quan trọng của Đảng, có vai trò quyết định trong việc xây dựng chủ trương, đường lối cũng như triển khai, thực hiện chỉ thị, nghị quyết của Đảng; là một trong những phương thức lãnh đạo của Đảng...
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chỉ rõ: “Có kiểm tra mới huy động tinh thần tích cực và lực lượng to tát của nhân dân, mới biết rõ năng lực và khuyết điểm của cán bộ, mới sửa chữa và giúp đỡ kịp thời”.
Cũng với tinh thần đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong bài phát biểu tại Hội nghị toàn quốc các cơ quan nội chính triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng (ngày 15/9/2021) đã phân tích một cách giản dị nhưng cực kì thuyết phục về vị trí, vai trò và tác dụng của công tác kiểm tra, giám sát, kỉ luật của Đảng: “Chúng ta ai cũng biết, một gia đình muốn êm ấm, hoà thuận, hạnh phúc thì cùng với sự dạy bảo, khuyên nhủ còn phải có khuôn phép, gia phong, nền nếp (nếp nhà): "Trên kính dưới nhường", tôn ti trật tự, không thể vô lễ, vô phép, "cá mè một lứa", "thượng hạ bằng đẳng"...; không có cái kiểu "nhà kia lối phép con khinh bố, mụ nọ chanh chua vợ chửi chồng" như cụ Tú Xương đã từng phê phán; như thế là một gia đình vô phúc. Một làng, một xã, một dòng họ cũng có hương ước, quy ước, lệ làng; một cơ quan, một công sở phải có "Nội quy"; một tổ chức, đoàn thể phải có "Quy chế", có "Điều lệ"...
Nhìn lại kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, tiếp đó là Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, chúng ta càng nhận thức rõ hơn nhiệm vụ cấp bách xây dựng, chỉnh đốn Đảng; trong đó, công tác kiểm tra, giám sát giữ một vai trò cực kì quan trọng, để Đảng thêm trong sạch, vững mạnh.
Nguồn: cand.com.vn
-
Untitled Document -
-
-
Đang online: 1 Hôm nay: 2417 Trong tuần: 18 Trong tháng 345678 Tất cả: 16901866