Sáng 21/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) xem xét, cho ý kiến vào báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 3/2022.
Xử lý Facebooker đăng tải thông tin sai sự thật, kích động
Báo cáo do Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình trình bày cho biết, trên cơ sở tổng hợp ý kiến, kiến nghị cử tri do các Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tổ chức tiếp xúc cử tri tại trước và sau Kỳ họp thứ 2, Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất gửi đến, Ban Dân nguyện đã tiếp nhận và chuyển tổng số 2.848 kiến nghị cử tri đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Qua rà soát, tổng hợp và sơ bộ đánh giá, Ban Dân nguyện nhận thấy hầu hết các cơ quan đã có cố gắng, tích cực giải quyết, trả lời đầy đủ kiến nghị cử tri gửi đến. Đến nay đã có 2.725 kiến nghị đã được giải quyết, trả lời (chiếm 95,71%).
Cử tri và Nhân dân đặc biệt quan tâm, lo lắng về tình hình mưa lũ trái mùa bất thường kéo dài xảy ra tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên trong thời gian qua khiến hàng chục nghìn ha trồng lúa, hoa màu bị ngập úng, nhiều tàu thuyền, ngư lưới cụ, lồng bè ven biển bị sóng đánh chìm, cuốn trôi, vùi lấp… gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản.
Tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng; tình trạng giá cả một số mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, thức ăn chăn nuôi, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng cao, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của người dân; tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần đang tiếp tục gia tăng ảnh hưởng đến mục tiêu, nỗ lực, quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong công tác đảm bảo an sinh xã hội cho toàn dân.
"Việc xử lý của các cơ quan chức năng về hành vi thao túng, lũng đoạn thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản; tình trạng dự án đã được giao nhưng không triển khai hoặc chậm triển khai đã tồn tại nhiều năm nay, gây ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, lãng phí tài nguyên, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi, cuộc sống của người dân" - Trưởng Ban Dân nguyện nhấn mạnh.
Cùng với đó, một số đối tượng giả danh Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án... gọi điện thoại hoặc thông qua mạng xã hội Zalo, Viber... lừa đảo chiếm đoạt tiền của người dân mặc dù đã được các cơ quan chức năng của Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp triệt phá nhưng vẫn còn tiếp diễn hết sức phức tạp.
Trong tháng tình hình công dân khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh có tăng hơn so với cùng kỳ. Tại trụ sở tiếp công dân Trung ương đã tiếp 164 lượt với 462 công dân đến trình bày 162 vụ việc, trong đó khiếu nại 97 việc, tố cáo 15 việc; kiến nghị, phản ánh 50 việc. Có 20 lượt đoàn đông người đến trình bày về 19 vụ việc (tăng 49 lượt với 248 người, tăng 47 vụ việc, tăng 9 đoàn đông người so với tháng trước) .
Qua theo dõi, một số vụ việc khiếu kiện liên quan đến chung cư, trật tự xây dựng tiếp tục diễn biến phức tạp, người dân bức xúc khi chủ đầu tư có thái độ không hợp tác, không bàn giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và một số nội dung liên quan công năng sử dụng của tòa nhà.
Một số vụ việc liên quan đến việc công nhân đình công, yêu cầu tăng lương, phụ cấp và các phúc lợi khác, gây phức tạp về ANTT tiếp tục diễn biến phức tạp ở một số địa phương. "Đáng chú ý, trường hợp có hành vi sử dụng tài khoản Facebook cá nhân đăng tải thông tin bạo lực, sai sự thật nhằm kích động công nhân đình công, lực lượng chức năng đã củng cố tài liệu, chứng cứ xử lý theo quy định pháp luật", Trưởng Ban Dân nguyện nhấn mạnh.
Kiên quyết đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực
Thảo luận tại phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường đề cập vừa qua cử tri và Nhân dân quan tâm việc cơ quan chức năng xử lý một số đại gia, quan chức cấp Thứ trưởng, có tác động lớn trong dư luận xã hội. Tuy nhiên đề nghị báo cáo cần nhấn mạnh thêm nội dung này để cử tri và Nhân dân thấy được sự kiên quyết trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xử lý vi phạm pháp luật không có "vùng cấm", không có ngoại lệ.
Qua đó củng cố niềm tin của Nhân dân với Đảng, Nhà nước. "Ở đây chỉ nói đến việc thao túng, lũng đoạn thị trường trái phiếu, chứng khoán, nhưng thực tế có cả vụ việc liên quan đến Bộ Ngoại giao cử tri cũng rất quan tâm", Tổng Thư ký Quốc hội lưu ý.
Theo Tổng Thư ký Quốc hội, cử tri quan tâm việc Quốc hội tiến hành giám sát tối cao năm 2022 có tác dụng tích cực, nhờ đó việc triển khai thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và thực hiện pháp luật về quy hoạch có tác dụng rất tốt. "Nhiều địa phương quy hoạch treo ảnh hưởng đời sống, sinh hoạt của người dân đã được xem xét, nhiều dự án giao cho doanh nghiệp không đủ năng lực. Qua rà soát đã thu hồi, tạo ra niềm tin rất tốt. Do đó báo cáo cần đánh giá thêm, khắc họa cho rõ nét hơn", Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường nêu.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh đề cập thông tin đang được dư luận rất quan tâm thời gian gần đây là có trường học vì câu chuyện thành tích mà ép học sinh năng lực yếu không thi vào lớp 10, đồng thời cho biết Ủy ban đang nghiên cứu để nắm rõ, có cơ sở trả lời cụ thể với cử tri và Nhân dân.
Bộ Công an giải quyết 100% kiến nghị cử tri
Phát biểu tại phiên họp, Trung tướng Lê Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an bày tỏ đồng tình với báo cáo của Ban Dân nguyện tháng 3/2022, đồng thời báo cáo bổ sung, làm rõ thêm một số vấn đề liên quan trách nhiệm của Bộ Công an.
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Bộ Công an đã nhận được 121 kiến nghị của cử tri, trong đó 100 kiến nghị từ Ban Dân nguyện, 21 kiến nghị do Văn phòng Chính phủ và các cơ quan chuyển đến. Trong đó tập trung phản ánh về các vấn đề: Đề nghị tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến công tác đảm bảo ANTT; các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về ANTT, đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm.
Nhất là tội phạm nổi lên như: Giết người, cướp tài sản, cờ bạc, tội phạm có tổ chức, các băng nhóm đòi nợ thuê, "xã hội đen", "tín dụng đen", cho vay nặng lãi; đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy, công tác cai nghiện, tội phạm chống người thi hành công vụ, tội phạm vi phạm pháp luật trên không gian mạng, tội phạm lợi dụng tình hình dịch bệnh để vi phạm pháp luật.
Tăng cường công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông (TTATGT), tình trạng sử dụng rượu bia, chất kích thích, ma túy gây ra TNGT, các thủ tục xử lý vi phạm TTATGT, quản lý cư trú, hộ khẩu, cấp căn cước công dân (CCCD), phòng cháy chữa cháy, công tác quản lý người nước ngoài trong thời điểm phòng, chống dịch.
Kiến nghị liên quan bố trí kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, biên chế, chế độ chính sách, trang thiết bị cho Công an địa phương, các trại giam, trại tạm giam và lực lượng Công an xã chính quy. Công tác thi hành án hình sự, hỗ trợ tư pháp, thi hành án tử hình, quản lý, cải tạo, giam giữ phạm nhân, thi hành án hình sự tại cộng đồng...
Trước các phản ánh và kiến nghị của cử tri, Bộ Công an đã tập trung chỉ đạo giải quyết rất quyết liệt các biện pháp, tập trung việc đẩy mạnh xây dựng và tham mưu xây dựng hoàn thiện các thể chế, cơ chế, chính sách pháp luật liên quan đến tội phạm và vi phạm pháp luật, nhất là các dự án luật liên quan trực tiếp đến công tác bảo đảm ANTT, phòng chống tội phạm.
"Trên lĩnh vực này, chúng tôi là một trong những Bộ có đề xuất, kiến nghị, được giao chủ trì xây dựng nhiều dự án luật, nghị quyết thí điểm của Quốc hội. Đến nay đã đảm bảo đúng tiến độ và chất lượng", Thứ trưởng Lê Quốc Hùng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Bộ Công an chủ động dự báo sớm và phát hiện ra các nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm, không để xảy ra những vụ việc phức tạp, làm mất ổn định tình hình khu vực và cả nước.
Tăng cường đấu tranh trấn áp tội phạm, nhất là tội phạm liên quan đến "tín dụng đen", tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm sử dụng vũ khí, vật liệu nổ gây án nghiêm trọng; tội phạm chống người thi hành công vụ, xâm phạm sở hữu; tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội, xâm hại tình dục trẻ em, mua bán người; các loại tội phạm liên quan đến tham nhũng, kinh tế, buôn lậu mà gần đây là tội phạm liên quan đến đất đai, thị trường chứng khoán đã tập trung xử lý nghiêm các vụ án trọng điểm.
Về lĩnh vực đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy thời gian qua đã tập trung triệt xóa nhiều đường dây mua bán, vận chuyển ma túy xuyên quốc gia phức tạp. Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm về môi trường.
Nâng cao hiệu quả công tác quản lý cư trú, quản lý hoạt động của người nước ngoài. Tập trung khai thác tiện ích của các dữ liệu do Bộ Công an chủ trì xây dựng, trong đó tập trung dữ liệu về dân cư và CCCD để tối đa hóa công tác cải cách thủ tục hành chính và giải quyết các dịch vụ công trực tuyến. "Cho đến nay, 100% kiến nghị cử tri đã được giải quyết, không có kiến nghị nào trễ hạn hoặc quá hạn", Thứ trưởng Lê Quốc Hùng nhấn mạnh.
Thứ trưởng Lê Quốc Hùng khẳng định Bộ Công an đã tập trung xây dựng thể chế đồng bộ để đảm bảo và nâng cao hiệu quả việc thực hiện pháp luật về công tác tiếp công dân và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo. "Trong nhiệm kỳ vừa qua, Bộ Công an đã tham mưu Chính phủ ban hành 2 nghị định, 6 thông tư điều chỉnh toàn diện công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo. Tập trung chỉ đạo xử lý khối lượng rất lớn đơn thư tiếp nhận, đạt tỷ lệ giải quyết 96,2%. Nhiều đổi mới trong tiếp nhận, giải quyết đơn thư, khiếu nại tố cáo của công dân", Thứ trưởng Lê Quốc Hùng thông tin và cho biết vừa rồi Đoàn giám sát của Quốc hội do Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương trực tiếp đến kiểm tra, giám sát đã đánh giá cao công tác này của Bộ Công an.
Nguồn: cand.com.vn
-
Untitled Document -
-
-
Đang online: 1 Hôm nay: 2101 Trong tuần: 2323 Trong tháng 353839 Tất cả: 16910015