Tham dự diễn đàn có đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; đồng chí Phạm Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT); đồng chí Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cùng lãnh đạo các bộ ngành trung ương, lãnh đạo các cơ quan báo chí trung ương và địa phương.
Báo chí sẽ dễ bị tụt hậu và mất độc giả nếu không chuyển đổi số
Nhà báo Lê Quốc Minh nhấn mạnh: Chuyển đổi số là con đường mà báo chí cần phải bước đi, thậm chí là đi nhanh và quyết liệt, nếu không muốn bị tụt hậu và mất đi độc giả, khán thính giả, và hậu quả đương nhiên là sự sống còn của chính cơ quan báo chí.
Cũng theo nhà báo Lê Quốc Minh, nói đến chuyển đổi số là nói đến con người, chứ không phải công nghệ. Mua sắm thiết bị hay công nghệ hiện đại không phải là chuyện khó. Tại các cơ quan báo chí, nếu không thay đổi quy trình làm việc, văn hóa công sở, cách trao đổi với nhau, cách xây dựng bộ máy và hệ thống phân cấp trong tòa soạn thì mọi thay đổi tạo ra cũng chỉ nằm ở “bên rìa” mà thôi.
“Xây dựng một chiến lược chuyển đổi số là công việc đơn giản. Hiện thực hóa mới là điều khó khăn và đa số các cơ quan báo chí bị mắc kẹt dọc đường - một thực tế xảy ra suốt 2 thập niên vừa qua. Chìa khóa thành công thứ nhất là có câu chuyện thú vị về sự thay đổi, trong đó giúp nhân viên hiểu rõ con đường đi của tổ chức, và tại sao cần có những thay đổi. Những cơ quan theo cách làm này có tỷ lệ chuyển đổi thành công gấp 3 lần. Chìa khóa thành công thứ hai là các lãnh đạo nhấn mạnh sự cấp bách trong việc thực hiện các chuyển đổi trong đơn vị, và điều này cần được thông tin rõ ràng tới tất cả mọi người”, nhà báo Lê Quốc Minh chia sẻ.
Ông Nguyễn Hoàng Nhật đến từ báo Vietnamplus, một cơ quan báo chí rất quyết tâm chuyển đổi số, gợi ý cơ quan quản lý nhà nước cần có chính sách cho phép các cơ quan báo chí "xé rào" để chuyển đổi số, bởi có những việc chờ hoàn thành quy trình, thủ tục xong mới triển khai thì cơ hội sẽ trôi qua mất.
Từ góc độ người làm công nghệ, ông Phùng Tấn Cường, Phó Giám đốc quan hệ khách hàng tại khu vực Việt Nam, Tập đoàn Netcore cho biết, công nghệ số sẽ giúp các cơ quan báo chí có được những công cụ để tương tác chủ động với độc giả của mình và hiểu độc giả của mình sâu sắc, để phục vụ tốt nhất bạn đọc và kết nối được với khách hàng quảng cáo rất tốt. Ông lấy ví dụ, với dữ liệu hành vi, cơ quan báo chí sẽ hiểu được bạn đọc làm gì trên web, vị trí địa lý, các dữ liệu về giao dịch của độc giả. Các báo cũng có thể chủ động đưa tin tức tới người dùng, đưa ra được gợi ý tin tức phù hợp nhất với từng độc giả để giữ chân độc giả nhiều hơn với tờ báo…
Đề xuất xây dựng nền tảng dùng chung cho 6 cơ quan báo chí chủ lực
Ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ TT&TT khẳng định: Nhà nước sẽ đầu tư cơ sở hạ tầng số để hỗ trợ các cơ quan báo chí chuyển đổi số. Theo ông Lâm, trước đây Nhà nước hỗ trợ rất lớn để đầu tư hạ tầng vật lý cho các cơ quan báo chí như trụ sở làm việc, nền tảng phát sóng, hệ thống phát hành…, thì nay Nhà nước cũng sẽ tiếp tục đầu tư cho báo chí như vậy trên không gian số. Bên cạnh hạ tầng số, Nhà nước cũng sẽ tăng cường các giải pháp đảm bảo an toàn thông tin trên môi trường số, tạo điều kiện thuận lợi để báo chí chuyển đổi số.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh: Chuyển đổi số phải bắt đầu từ con người, trong đó trước hết phải nói đến vai trò của người đứng đầu. Chuyển đổi số cũng không phải thay đổi quy trình, bộ máy mà thay đổi từ con người, nếu con người không thay đổi thì chắc chắn việc chuyển đổi sẽ không hiệu quả. Bên cạnh đó, đội ngũ phóng viên cũng cần thay đổi nhận thức về công nghệ số. Bộ TT&TT dự kiến trong năm 2022 sẽ đào tạo khoảng 10.000 công chức, viên chức số cho đất nước, trong đó báo chí có từ 3.000-5.000 người. Việc đào tạo bồi dưỡng sẽ được thực hiện cả trực tiếp và trực tuyến.
Theo Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn, trong định hướng chuyển đổi số tại các cơ quan báo chí có 2 mảng việc cần thực hiện ngay. Thứ nhất là quản trị nội bộ, các vấn đề về tài chính trong báo chí. Thứ 2 là quản lý, sản xuất và lưu trữ nội dung, việc này cần một nguồn kinh phí đầu tư rất lớn. Để giải quyết những khó khăn này cho các cơ quan báo chí, Bộ TT&TT đang có chủ trương xây dựng các nền tảng lớn đảm bảo độc lập chủ quyền trên không gian mạng. Hiện nay Bộ TT&TT đang đề xuất với Chính phủ đầu tư nền tảng lớn dùng chung cho 6 cơ quan báo chí chủ lực.
Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn cũng cho rằng, với vai trò dẫn dắt chuyển đổi số, Bộ TT&TT sẽ giúp tư vấn, đưa ra các nền tảng dùng chung, tránh tình trạng cùng một nền tảng, nhưng kinh phí đầu tư lại chênh lệch quá lớn giữa các đơn vị. Với các cơ quan báo chí chủ lực, mỗi cơ quan sẽ xây dựng một nền tảng dùng chung, các cơ quan khác có thể cùng sử dụng và trả phí. Bên cạnh đó, Bộ TT&TT cũng khuyến khích các báo đài lớn có đủ nguồn lực tự đầu tư xây dựng, phát triển những nền tảng riêng.
Nguồn: cand.com.vn
-
Untitled Document -
-
-
Đang online: 1 Hôm nay: 567 Trong tuần: 149940 Trong tháng 501716 Tất cả: 17058068