Tuy vậy, vẫn có những ý kiến băn khoăn về việc tổ chức thực hiện thế nào để hài hòa lợi ích cho cả doanh nghiệp và hàng chục triệu người lao động trong bối cảnh hiện nay. Đặc biệt là công tác kiểm tra, giám sát để đảm bảo quyền lợi cho người lao động.
Xung quanh vấn đề này, PV đã có cuộc trao đổi với ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Chính sách - Pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam).
PV: Tối đa 60/giờ trên tháng, không quá 300 giờ/năm, theo Bộ LĐ-TBXH, trần làm thêm giờ mới này là giải pháp tạm thời (thực hiện trong năm 2022) nhằm giúp các doanh nghiệp phục hồi sản suất sau ảnh hưởng của dịch COVID-19. Ở góc độ là cơ quan bảo vệ quyền lợi cho người lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đánh giá thế nào về việc này thưa ông?
Ông Lê Đình Quảng: Chúng tôi cũng đánh giá đây là giải pháp cấp bách tạm thời để giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, đặc biệt là làm thêm giờ đã được Quốc hội thảo luận rất kỹ khi thông qua Bộ luật Lao động năm 2019. Giới hạn làm thêm giờ trong tháng cũng như trong năm mới có hiệu lực từ 1/1/2021. Thời gian áp dụng mới chỉ được thời gian ngắn, tuy nhiên do ảnh hưởng của đại dịch nên rất nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong giải quyết đơn hàng cũng như cung cầu lao động. Vì thế trong bối cảnh hiện nay, việc nới trần làm thêm giờ là vấn đề bất đắc dĩ nhưng vẫn phải thực hiện. Việc này sẽ giúp các doanh nghiệp đáp ứng được tiến độ các đơn hàng, tránh đứt gãy cung ứng thị trường nguyên liệu.
Tuy vậy, vì đây chỉ là giải pháp tạm thời nên chỉ có giá trị áp dụng trong một khoảng thời gian nhất định. Khi mà tình hình dịch bệnh được khắc phục, các doanh nghiệp không còn đối mặt với những khó khăn ấy nữa thì chúng ta lại áp dụng đúng quy định theo Điều 107 của Bộ luật Lao động.
PV: Dù chỉ là giải pháp tạm thời nhưng vẫn có nhiều ý kiến e ngại vấn đề sức khỏe của người lao động, cho rằng nếu doanh nghiệp tăng thời gian làm thêm nhiều quá sẽ khó đảm bảo việc tái tạo sức khỏe cho người lao động. Ông nghĩ thế nào?
Ông Lê Đình Quảng: Đây là vấn đề mà chúng tôi rất quan tâm và các ý kiến lo ngại này đặt ra là đúng. Đã có rất nhiều bằng chứng, nghiên cứu đã xác định việc làm thêm giờ kéo dài sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, gia tăng bệnh tật, tăng nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, giảm năng suất lao động. Không chỉ vậy còn ảnh hưởng rất nhiều đến các vấn đề xã hội khác như: Chăm sóc con cái, tình cảm gia đình… của công nhân, người lao động. Chính vì thế, hầu hết các nước đều có trần làm thêm giờ để đảm bảo cân đối giữa nhu cầu của người sử dụng lao động về việc làm cũng như thu nhập của người lao động và các vấn đề liên quan khác.
Đối với người lao động của chúng ta, sau hai năm đại dịch COVID-19, có thể nói họ bị áp lực rất lớn về công việc, cũng như cuộc sống. Chính vì thế sức khỏe của người lao động hiện nay đang bị ảnh hưởng nặng nề. Trong bối cảnh như vậy, việc thực hiện nới trần làm thêm giờ cần phải được đặc biệt quan tâm đến môi trường làm việc, điều kiện chăm lo sức khỏe cho người lao động. Tôi cho rằng vấn đề quan trọng nhất trong tăng làm thêm giờ là phải tạo ra được môi trường làm việc tốt nhất, tránh tạo ra thêm những áp lực cho người lao động vào thời điểm này.
PV: Không chỉ vậy, còn có những ý kiến lo ngại doanh nghiệp sẽ lợi dụng việc này để ép người lao động phải tăng ca. Đây là vấn đề thật sự cần lưu ý khi triển khai Nghị quyết này. Việc tăng cường giám sát, thanh tra, kiểm tra là rất quan trọng, ông nghĩ như thế nào về việc này?
Ông Lê Đình Quảng: Có thể nói rằng, về mặt quy định của pháp luật muốn làm thêm giờ thì người sử dụng lao động phải thỏa thuận với người lao động. Tuy nhiên, có thể do vị thế của người lao động mà việc người sử dụng lao động ép người lao động phải làm những việc thực tiễn là điều có thể xảy ra. Chính vì thế, trong Nghị quyết này của Quốc hội, cũng như trong các quy định của pháp luật đã giao trách nhiệm cho các cơ quan quản lý nhà nước là phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các vi phạm. Tổ chức công đoàn và các tổ chức chính trị khác cũng được giao trách nhiệm phối hợp để giám sát thực hiện Nghị quyết này. Để làm sao Nghị quyết đưa ra để giúp đỡ các doanh nghiệp nhưng cũng phải đảm bảo tính tuân thủ pháp luật, bảo vệ được quyền lợi cho người lao động, tránh việc doanh nghiệp lạm dụng, cưỡng bức lao động. Kể cả các biến tướng xung quanh vấn đề này như doanh nghiệp trả lương tăng ca nhưng lại cắt đi các khoản khác như phụ cấp chuyên cần chẳng hạn… Tất cả các hình thức đó, các cơ quan chức năng, tổ chức công đoàn phải tăng cường kiểm tra giám sát. Nếu phát hiện ra phải xử lý nghiêm minh, kịp thời để đảm bảo thực hiện đúng quy định.
PV: Như ông vừa nói, vấn đề ở đây là làm sao phải đảm bảo được quyền lợi cho công nhân, người lao động khi mà người ta tăng ca như quy định về lương, các chế độ phúc lợi. Chứ tăng ca, lương được trả cao hơn một chút nhưng doanh nghiệp lại cắt đi các khoản phụ cấp khác thì rất bất lợi cho người lao động. Ông có thể nói cụ thể hơn về việc giám sát thế nào không?
Ông Lê Đình Quảng: Chúng ta phải hiểu rõ như thế này, tiền công làm thêm giờ bằng 150% tiền công bình thường chỉ là mức thấp nhất theo luật quy định. Quan điểm của chúng tôi là bây giờ phải có những thương lượng để việc tăng thời gian làm thêm theo Nghị quyết vừa được Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua làm sao phải có được thương lượng tốt hơn nữa. Chúng ta phải nhớ, pháp luật quy định làm thêm vào ngày thường trả ít nhất bằng 150% của ngày làm việc bình thường. Nghĩa là pháp luật khuyến khích người sử dụng lao động và người lao động thỏa thuận những điều có lợi hơn. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đang chỉ đạo các cấp công đoàn có những thương lượng, đặc biệt làm thêm nhiều giờ thì phải thương lượng với doanh nghiệp để có những chính sách chăm lo tốt hơn nữa để đảm bảo sức khỏe, thu nhập cho người lao động.
Quan điểm của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là rất rõ ràng, việc ban hành Nghị quyết này là giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp, doanh nghiệp có lợi thì người lao động cũng phải có lợi. Đây là tinh thần chỉ đạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam với các cấp công đoàn để thỏa thuận, thương lượng và giám sát các điều kiện lao động đảm bảo an toàn tốt nhất cho người lao động.
PV: Ông có thể nói thêm về những chỉ đạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam với các cấp công đoàn về vấn đề này?
Ông Lê Đình Quảng: Về phía công đoàn, để triển khai Nghị quyết này có mấy việc chúng tôi quan tâm. Việc đầu tiên là tăng cường tuyên truyền, phổ biến nội dung Nghị quyết, các quy định của pháp luật về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi để người lao động nắm bắt rõ quy định để người lao động thực hiện đúng đắn nhất. Khi người lao động nắm rõ quy định, khi người sử dụng lao động thực hiện sai, bản thân người lao động cũng có thể tự đấu tranh bảo vệ. Việc thứ hai là tổ chức công đoàn tham gia giám sát, thanh tra kiểm tra người sử dụng lao động trong việc thực hiện các quy định của pháp luật nói chung, đặc biệt là quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, thời giờ làm thêm. Giám sát để các doanh nghiệp không được lợi dụng để vượt quá trần. Đồng thời đảm bảo tính tự nguyện, không được ép buộc người lao động. Các chế độ phải đảm bảo ít nhất bằng mức tối thiểu theo quy định của pháp luật. Vấn đề thứ ba mà chúng tôi quan tâm nữa là tăng cường chỉ đạo đối thoại, thương lượng, sửa đổi bổ sung thỏa ước lao động tập thể, làm sao mà có lợi nhất cho người lao động khi mà Chính phủ thực hiện Nghị quyết này theo tinh thần khuyến khích doanh nghiệp có những thỏa thuận có lợi hơn cho người lao động.
Ngoài ra, tổ chức công đoàn bằng nguồn lực của mình có những chính sách để chăm lo cho đoàn viên, người lao động. Việc này vừa là giúp người lao động cũng là giúp các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn. Khi doanh nghiệp tháo gỡ được khó khăn thì sẽ tạo được nhiều việc làm hơn cho người lao động. Chúng tôi luôn mong muốn doanh nghiệp và người lao động cùng đồng hành, cùng phát triển.
PV: Xin cảm ơn ông!
Nguồn: cand.com.vn
-
Untitled Document -
-
-
Đang online: 1 Hôm nay: 7188 Trong tuần: 75707 Trong tháng 220973 Tất cả: 16370285