Sáng 30/3, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam tổ chức Diễn đàn thanh niên năm 2022 với chủ đề: "Đào tạo nghề cho thanh niên". Đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội chủ trì Diễn đàn.
Cùng dự Diễn đàn có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh; Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Nguyễn Anh Tuấn; lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương và địa phương.
Nội dung trao đổi tại diễn đàn tập trung vào các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về đào tạo nghề cho thanh niên; công tác đào tạo nghề cho thanh niên các khối đối tượng: thanh niên nông thôn, thanh niên công nhân, thanh niên khuyết tật, thanh niên dân tộc thiểu số, bộ đội xuất ngũ, học sinh, sinh viên; các chính sách và khuyến nghị về đào tạo nghề cho thanh niên trong tình hình dịch bệnh COVID - 19 và cuộc cách mạng 4.0...
Phát biểu khai mạc, đồng chí Nguyễn Anh Tuấn cho biết, thời gian gần đây, thế giới đang phải đối mặt với nhiều thách thức, bất ổn khó lường, khó dự báo ảnh hưởng trực tiếp tới quá trình hoạch định chính sách và phát triển chung trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam.
Dẫn số liệu từ Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) cho thấy, đến năm 2025 có 85 triệu việc làm trên toàn cầu sẽ bị xóa bỏ, nhưng đồng thời có 97 triệu việc làm mới được tạo ra. Để đáp ứng yêu cầu của thế giới việc làm mới, ước tính khoảng 50% lao động cần được đào tạo lại và đào tạo nâng cao về kỹ năng, tay nghề. Việt Nam là nước có dân số trẻ, số người trong độ tuổi lao động chiếm gần 60% dân số, trong đó lực lượng thanh niên đóng vai trò nòng cốt.
“Dù trong bối cảnh nào, thử thách nào, chúng ta vẫn luôn tin tưởng thanh niên sẽ phát huy tinh thần lạc quan, chủ động thay đổi tư duy, cách thức làm việc, biến “nguy” thành “cơ” để đối diện với thời cuộc một cách chủ động nhất” – đồng chí Nguyễn Anh Tuấn bày tỏ.
Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn đặt niềm tin sâu sắc vào lực lượng thanh niên; đề cao vai trò, vị trí của thanh niên. Trong những năm qua, Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ đã có nhiều chủ trương, chính sách để thanh niên trở thành lực lượng hùng hậu, trung thành, kế tục sự nghiệp cách mạng vinh quang của Đảng và dân tộc.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị nghiên cứu và có những giải pháp hiệu quả, chuyển các ý tưởng, lời nói thành hành động, kết quả, hiệu quả cụ thể để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, năng suất lao động, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, năng lực cạnh tranh quốc gia.
Thanh niên cần không ngừng nỗ lực rèn luyện, học tập, công tác, phát huy sức trẻ, trí tuệ, nhiệt huyết thanh xuân, hun đúc lý tưởng, thực hiện thành công ước mơ, hoài bão trong mọi lĩnh vực, mọi ngành nghề, ngày càng thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên”.
Tại Diễn đàn, các đại biểu đã đánh giá, làm rõ tác động của đại dịch COVID-19 và Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đối với công tác đào tạo nghề và tương lai việc làm cho thanh niên; thông tin chính sách, kinh nghiệm của các bộ, ngành, địa phương, đơn vị nhằm chăm lo, hỗ trợ thanh niên trong đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho thanh niên.
Kết luận Diễn đàn, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh nêu rõ 10 vấn đề đặt ra đối với công tác đào tạo nghề cho thanh niên. Trong đó nhấn mạnh lực lượng thanh niên là đông đảo nhất, đóng vai trò lực lượng chủ đạo trong việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong việc thực hiện chiến lược phát triển nhanh, bền vững đất nước trong giai đoạn mới.
Đào tạo nghề cho thanh niên cần được xem là một trong những trọng tâm của cả hệ thống giáo dục - đào tạo ở mọi cấp, trình độ, hình thức đào tạo (không phải chỉ là nhiệm vụ của riêng hệ thống giáo dục nghề nghiệp). Điều đó đòi hỏi cách tiếp cận hệ thống, đồng bộ, hiệu quả trong đào tạo nguồn nhân lực ở mọi cấp độ, mọi địa phương, các lĩnh vực; tránh sự chia cắt cơ học, không hợp lý.
Thách thức trong giai đoạn trước mắt là vừa phải giải quyết bài toán đảm bảo cung ứng nhân lực cho phục hồi kinh tế - xã hội trong tình thế dịch COVID-19 đang còn tác động mạnh và không sớm kết thúc, vừa phải thực hiện các giải pháp căn cơ, mang tầm chiến lược lâu dài về đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao trong 5 - 10 - 20 năm tới để tạo động lực then chốt cho đất nước phát triển nhanh - bền vững.
Nguồn: cand.com.vn
-
Untitled Document -
-
-
Đang online: 1 Hôm nay: 13557 Trong tuần: 82089 Trong tháng 227353 Tất cả: 16376663