Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 9, sáng 22/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi). Đây là dự án Luật đã được Quốc hội khóa XV thảo luận, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2.
Kiến nghị dừng trích nộp Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm
Trình bày Báo cáo tóm tắt, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, sau khi Quốc hội thảo luận tại kỳ họp thứ 2, Thường trực Ủy ban Kinh tế đã chủ trì, phối hợp với Cơ quan chủ trì soạn thảo (Bộ Tài chính) và các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật. Hai vấn đề lớn được trình xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội lần này là quy định về “bảo hiểm vi mô” (Chương IV) và về "Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm” (Điều 111).
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh, bảo hiểm vi mô là sản phẩm bảo hiểm hướng tới đối tượng khách hàng là các cá nhân, hộ gia đình có thu nhập thấp, khó tiếp cận với các sản phẩm bảo hiểm thương mại thông thường.
Bảo hiểm vi mô thường phát triển ở các nước đang phát triển và được coi là một cấu phần quan trọng trong chính sách tài chính toàn diện của quốc gia, góp phần thực hiện các chính sách an sinh, xã hội của Nhà nước. Việc quy định bảo hiểm vi mô trong dự thảo Luật sẽ tạo cơ sở pháp lý rõ ràng trong việc tổ chức cung cấp bảo hiểm vi mô và có cơ chế để khuyến khích phát triển các sản phẩm bảo hiểm vi mô tại Việt Nam.
Do đó, Thường trực Ủy ban Kinh tế nhất trí với sự cần thiết quy định về bảo hiểm vi mô trong dự thảo Luật. Tuy nhiên, để bảo đảm kết cấu chung của dự thảo Luật cũng như tính khả thi, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị chỉ quy định nguyên tắc triển khai, đối tượng được triển khai bảo hiểm vi mô tại dự thảo Luật và giao Chính phủ quy định chi tiết về nội dung này.
Đối với Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm, Thường trực Ủy ban Kinh tế nhận thấy, Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành, dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm có quy định về Quỹ dự trữ bắt buộc và Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm. Mục đích thiết lập của 2 Quỹ này đều hướng tới bảo đảm trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm khi mất khả năng thanh toán, góp phần bảo vệ người tham gia bảo hiểm.
"Việc duy trì đồng thời cả 2 Quỹ là không cần thiết, tạo gánh nặng cho cả doanh nghiệp bảo hiểm và người tham gia bảo hiểm”- Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh cho biết cơ quan thẩm định thống nhất với quan điểm dừng trích nộp Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm, đồng thời giao Bộ Tài chính quy định chi tiết về quản lý và sử dụng số dư Quỹ.
Giải trình về dự án Luật, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc bày tỏ quan điểm muốn giữ Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm vì “ví dụ vấn đề thiên tai, dịch bệnh thì doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm có thể khó khăn. Nhà nước có công cụ nào để can thiệp vào đây?”.
Dẫn trường hợp vừa qua có quỹ bảo hiểm thất nghiệp nên mới thực hiện chia sẻ cho người lao động, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng quỹ trong luật này cũng để chia sẻ cho người bảo hiểm, tuy nhiên có thể hạ xuống mức thấp hơn hiện tại. “Đề nghị duy trì quỹ này và giao cho Chính phủ quy định. Hiện có 1.000 tỷ đồng trong Quỹ, chưa chi đồng nào vì mục đích của Quỹ chỉ hỗ trợ cho người bảo hiểm chứ không chi cho việc khác”- Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết thêm.
Cần thiết quy định về bảo hiểm vi mô
Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho rằng, một trong những nguyên tắc cơ bản trong xây dựng dự án Luật là bảo đảm hài hòa quyền lợi giữa doanh nghiệp bảo hiểm và người được bảo hiểm, người mua bảo hiểm.
Tuy nhiên, qua nghiên cứu, các quy định của dự thảo Luật đang "thiên" về bảo vệ doanh nghiệp bảo hiểm mà chưa bảo vệ một cách đầy đủ quyền lợi của người được bảo hiểm và người mua bảo hiểm. Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội dẫn chứng Điều 11 về Hệ thống cơ sở dữ liệu về kinh doanh bảo hiểm và đề nghị cân nhắc nội dung "phục vụ hoạt động kinh doanh bảo hiểm" bởi cơ sở dữ liệu này do Nhà nước bỏ tiền ra đầu tư, trong khi hoạt động kinh doanh bảo hiểm là hoạt động của các doanh nghiệp.
Cần quy định rõ các doanh nghiệp bảo hiểm khi ký hợp đồng thì cung cấp thông tin của người mua bảo hiểm, người được bảo hiểm để đưa vào cơ sở dữ liệu như thế nào vì đây là thông tin cá nhân, riêng tư được bảo vệ bởi Hiến pháp, pháp luật. Nếu quy định không chặt chẽ việc cung cấp thông tin, vô hình chung sẽ ảnh hưởng đến quyền được bảo vệ thông tin, bí mật cá nhân của người được bảo hiểm và người mua bảo hiểm", Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật phân tích.
Cho ý kiến về dự án Luật, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý trách nhiệm của cư quan trình và thẩm tra trong rà soát các vấn đề căn cơ, cốt lõi. Về các loại hình bảo hiểm, Chủ tịch Quốc hội băn khoăn khi không rõ ý đồ đưa ra để làm gì vì có nhiều cách phân loại khác nhau. Rồi hợp đồng bảo hiểm là quan trọng với nhiều bên như bảo vệ lợi ích của người cung cấp dịch vụ, người làm hợp đồng, và người thụ hưởng bảo hiểm, song đôi khi người ký hợp đồng bảo hiểm nhưng lại cho người khác. Do đó cần rà soát kỹ, nghiên cứu thêm.
Giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, về bảo hiểm vi mô nên giao cho Chính phủ quy định cụ thể chi tiết vì cái này gắn liền với an sinh xã hội người nghèo, người hoàn cảnh khó khăn, vùng sâu, vùng xa. “Có lẽ sau này chúng ta phải xây dựng phí khi khai thác dữ liệu kinh doanh bảo hiểm, ví dụ như dữ liệu dân cư có những dữ liệu phải thu phí”- Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ dự án Luật này còn phải thêm bước nữa là lấy ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, các đoàn đại biểu Quốc hội và ý kiến của một số cơ quan chức năng.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí cao với sự cần thiết quy định về bảo hiểm vi mô trong dự thảo Luật; đồng tình với việc dừng trích nộp Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm và giao Chính phủ quy định chi tiết quản lý, sử dụng số dư quỹ, bảo đảm xử lý số dư Quỹ đúng mục đích thành lập Quỹ...
Nguồn: cand.com.vn
-
Untitled Document -
-
-
Đang online: 1 Hôm nay: 435 Trong tuần: 148 Trong tháng 129197 Tất cả: 17222751