Đây là triển lãm thơ diễn ca lịch sử và nhân vật lịch sử lần đầu tiên được tổ chức tại Điện Biên. Triển lãm có tổng số 92 tấm pano lụa, gồm 110 bài thơ được sáng tác bởi nhà giáo, nhà thơ, nhà báo Nguyễn Thị Mỹ Dung và các hình ảnh do nhà báo Trần Hồng cung cấp.
Triển lãm chia làm 3 phần: Phần 1 có chủ đề “Làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ”, phần 2 là “Vị tướng trong lòng dân” và phần 3 là “Sáng mãi ngàn năm”. Trong đó, phần 1 bao gồm các tác phẩm nhằm giới thiệu về toàn cảnh Chiến dịch Điện Biên Phủ dưới sự lãnh đạo tài tình của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, từng đối sách chiến đấu, từng trận chiến giằng co trên chiến trường Điện Biên Phủ gắn với những địa danh huyền thoại như đồi A1, đồi C1, đồi E1, cánh đồng Mường Thanh, Hồng Cúm, đồi Độc lập, đồi Him Lam, hầm Đờ Cát...
Phần 2 giới thiệu những khoảnh khắc đời thường, dung dị về một vị Tướng huyền thoại, một nhà quân sự lỗi lạc của Việt Nam. Đó là những phút giây bình dị an nhiên giữa đời thường hay những khoảnh khắc phiêu bồng của một tâm hồn nghệ sỹ, hoặc giản đơn là nụ cười ấm áp với những người thân trong cuộc sống thường nhật.
Phần 3 nhằm tôn vinh và tri ân những công lao, đóng góp to lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; ghi nhớ những tình cảm thiêng liêng, sự quan tâm sâu sắc của Đại tướng kính yêu đối với nhân dân cả nước nói chung, với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Điện Biên nói riêng; thể hiện lòng biết ơn vô hạn, sự tri ân của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Điện Biên đối với công lao to lớn của Đại tướng.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Dung, tác giả của các tác phẩm trưng bày tại triển lãm chia sẻ, bản thân bà là người đã có nhiều cơ duyên được gặp gỡ Đại tướng Võ Nguyên Giáp và được Đại tướng kể nhiều câu chuyện về trong cuộc đời, sự nghiệp của người. Bởi vậy, bà đã biến những câu chuyện ấy thành những bài thơ, đồng thời trong những lần được gặp gỡ Đại tướng, chứng kiến cuộc sống đời thường của gia đình Đại tướng cũng là cảm hứng để tác giả viết nên những bài thơ này.
Từng là người giáo viên nên bà cảm nhận được nhiều học sinh hiện nay học lịch sử nhưng chưa yêu lịch sử. Việc học lịch sử qua các tác phẩm thơ có thể sẽ khiến các em dễ nhớ, dễ thuộc, không bị khô khan và giúp các em thêm yêu lịch sử của dân tộc.
Là du khách đến tham quan triển lãm, chị Nguyễn Thị Hằng (thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên) cảm thấy vô cùng xúc động khi đọc những tác phẩm thơ viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đó là những tác phẩm tái hiện từ những chiến công của Đại tướng trong chiến dịch cho đến những khoảnh khắc đời thường, bữa cơm đạm bạc với gia đình. Tất cả đều được tác giả thể hiện bằng câu từ dung dị, đời thường nhưng mang lại rất giàu cảm xúc.
Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên cho biết: Triển lãm “Theo dấu chân Đại tướng” được tổ chức rất có ý nghĩa đúng vào ngày 13/3 - ngày diễn ra trận mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây 68 năm. Thông qua triển lãm không chỉ giúp công chúng hiểu rõ hơn về cuộc đời, sự nghiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, về truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng mà còn góp phần củng cố niềm tin, tạo động lực, khơi dậy khát vọng cho thế hệ trẻ Điện Biên cùng thế hệ trẻ cả nước quyết tâm xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam hùng cường, giàu mạnh.
Ban Tổ chức triển lãm cũng mong muốn gửi gắm thông điệp “Giữ gìn, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa là trách nhiệm của mỗi chúng ta, các nội dung Triển lãm lần này là nguồn tư liệu quý để các bảo tàng, các đơn vị Quân đội, trường học thực hiện nhiệm vụ giáo dục truyền thống lịch sử, đặc biệt gắn liền với Chiến thắng Điện Biên Phủ”.
Triển lãm mở cửa đón khách tham quan đến hết ngày 25/4/2022.
Nguồn: cand.com.vn
-
Untitled Document -
-
-
Đang online: 1 Hôm nay: 869 Trong tuần: 1073 Trong tháng 151974 Tất cả: 17245533