PGS-TS Nguyễn Tuấn Anh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội bày tỏ sự nhất trí với nội dung Tờ trình số 540/TTr-CP ngày 3/12/2021 của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển TP Cần Thơ và ý kiến thẩm tra tại Báo cáo số 380 của Ủy ban Tài chính, Ngân sách. Đề nghị Chính phủ quan tâm đến nội dung đã nêu trong báo cáo thẩm tra.
Đó là: Trước khi triển khai các dự án cụ thể, Chính phủ chỉ đạo đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội (KT-XH) gắn với quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), đặc biệt cần đánh giá đầy đủ tác động môi trường.
Theo PGS-TS Nguyễn Tuấn Anh, đây là vấn đề mà Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã nêu trong báo cáo ý kiến gửi tới cơ quan chủ trì thẩm tra. Trước kỳ họp này, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã trao đổi, làm việc với một số chuyên gia, nhà khoa học của Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam và nhiều ý kiến đề nghị cần đánh giá hiệu quả kinh tế để kết hợp sử dụng luồng hàng hải kênh Quan Chánh Bố và luồng hàng hải Định An (sông Hậu) một cách hiệu quả nhất, kết hợp các phương thức giao thông như đường bộ, đường thủy trong vận chuyển hàng hóa tiêu thụ và xuất khẩu chủ lực của vùng ĐBSCL (gạo, trái cây, thủy sản…).
TP Cần Thơ có vị trí trung tâm của vùng châu thổ Cửu Long. Chính sách phát triển tổng thể cho vùng ĐBSCL phù hợp sẽ góp phần tăng cường sự gắn kết nội vùng, vùng theo hướng bền vững, không chỉ góp phần thúc đẩy phát triển TP Cần Thơ mà còn thúc đẩy sự phát triển chung của vùng và các địa phương khác trong vùng.
Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết, tại kỳ họp HĐND thành phố vào tháng 12/2021, HĐND thành phố đã đề nghị các ngành, các cấp tích cực chuẩn bị chu đáo cho việc thể chế hóa Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù cho TP Cần Thơ, tận dụng tối đa thời gian và cơ chế, chính sách được Trung ương cho phép, để thúc đẩy nhanh sự phát triển bền vững của thành phố. Đồng thời, đẩy mạnh cải cách hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi; có cơ chế, chính sách đồng bộ, khả thi, phù hợp thực tiễn địa phương, mang tính đột phá để thu hút mạnh mẽ các nguồn vốn đầu tư có chất lượng, huy động và sử dụng hiệu quả cao hơn các nguồn lực.
Ngoài việc tập trung tuyên truyền về các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố ngay sau khi được Quốc hội thông qua, thành phố sẽ cụ thể hóa các cơ chế, chính sách đặc thù này bằng những chương trình, kế hoạch, đề án, dự án cụ thể.
TS Huỳnh Văn Tùng, Viện trưởng Viện KT-XH TP Cần Thơ, cho biết: "Để đạt được mục tiêu và tầm nhìn phát triển Cần Thơ là thành phố trung tâm vùng ĐBSCL, Nghị quyết 59-NQ/TW cũng nêu rõ nhiệm vụ và giải pháp của TP Cần Thơ là xây dựng cơ chế, chính sách đầu tư, tài chính và phân cấp quản lý đặc thù, phù hợp với năng lực của thành phố và "có tính tương đồng với các thành phố trực thuộc Trung ương khác trong cả nước". Điều này cũng cho thấy Trung ương đặc biệt quan tâm và tạo cơ chế thuận lợi cho Cần Thơ khai thác hiệu quả hơn nữa các nguồn lực để trở thành trung tâm vùng".
Theo TS Huỳnh Văn Tùng, để tận dụng hiệu quả cơ chế chính sách này khi được Quốc hội thông qua, thành phố cần xác định các trọng tâm trong chiến lược phát triển, ưu tiên các nguồn vốn và thu hút đầu tư.
Thứ nhất là đầu tư hạ tầng cơ sở, chú trọng các công trình giao thông kết nối, hạ tầng đô thị hiện đại và gắn với phát triển trung tâm du lịch. Thứ hai là đầu tư vào các ngành, lĩnh vực mà thành phố đang có lợi thế theo hướng chuyên sâu như: Thương mại, dịch vụ (y tế, giáo dục, logistics, du lịch, khoa học và công nghệ…), công nghiệp chế biến nông thủy sản, nông nghiệp chất lượng cao… Thứ ba, tận dụng cơ chế, chính sách đặc thù để nhanh chóng phát triển các tiềm lực khoa học và công nghệ. Thứ tư, tiếp tục hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính và cải thiện chất lượng môi trường đầu tư kinh doanh. Cuối cùng là tăng cường quảng bá, tạo điều kiện thuận lợi và nâng cao vai trò của các trung tâm, hiệp hội doanh nghiệp trong xúc tiến thương mại.
Thảo luận tại phiên trực tuyến, đồng tình cao với dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ, ĐBQH Tô Ái Vang, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng cho rằng dự án xã hội hóa nạo vét, kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - sông Hậu là bước đột phá hợp lý, phù hợp với tình hình thực tế, là chiến lược thu hút đầu tư quan trọng để gỡ nút thắt về vấn đề kinh phí đầu tư cho lĩnh vực này. Khu liên kết, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại Cần Thơ là một trong những giải pháp mang tính chiến lược, giúp phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, đóng góp vào lợi ích chung của khu vực.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho rằng, việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội để thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ là đủ cơ sở chính trị, căn cứ thực tiễn, nhằm cụ thể hóa Nghị quyết 59 về phát triển TP Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; tạo cơ chế thu hút đầu tư, nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng Cần Thơ thành trung tâm phát triển của vùng ĐBSCL, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp phát triển chung của đất nước trong thời gian tới. Việc ban hành chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ cũng bảo đảm tính tương đồng với một số địa phương vừa được Quốc hội cho phép thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù…
Theo: cand.com.vn
-
Untitled Document -
-
-
Đang online: 1 Hôm nay: 18782 Trong tuần: 39942 Trong tháng 190865 Tất cả: 17284427