Tham dự hội nghị có đồng Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành trung ương, cơ quan chỉ đạo và quản lý báo chí trung ương và địa phương.
Hội nghị đã nghe Báo cáo đánh giá công tác báo chí năm 2021, phương hướng, nhiệm vụ năm 2022; báo cáo kết quả 3 năm triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025. Các báo cáo thống nhất đánh giá, năm 2021, lĩnh vực báo chí tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực, trong đó, công tác chỉ đạo báo chí, quản lý báo chí được thực hiện nhất quán theo phương châm chủ động, hiệu quả, kịp thời, thuyết phục, nhất là đối với các vấn đề quan trọng, phức tạp, nhạy cảm.
Việc chấn chỉnh, xử lý sai phạm trong hoạt động báo chí được tăng cường, nhất là với những sai phạm liên quan đến việc thực hiện không đúng tôn chỉ, mục đích, thông tin sai sự thật, thông tin không phù hợp với lợi ích quốc gia, dân tộc; tình trạng các tạp chí điện tử, trang thông tin điện tử, mạng xã hội “núp bóng” cơ quan báo chí từng bước được khắc phục.
Quy hoạch phát triển báo chí toàn quốc đến năm 2025 tiếp tục triển khai; phát triển báo chí theo định hướng của Đại hội XIII của Đảng “xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”. Chú trọng, tăng cường bồi dưỡng về chính trị, nghiệp vụ cho đội ngũ phóng viên, nhà báo; thực hiện tốt quy định về đạo đức người làm báo Việt Nam.
Các cơ quan báo chí chủ động đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng, tính chuyên sâu của các chương trình, tin, bài, đặc biệt là các tin bài, đặc biệt là các tuyến tin, bài thông tin, tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác với các quan điểm sai trái, thù địch; bảo vệ chủ quyền biển đảo; truyền thông công tác phòng chống dịch COVID-19 và các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội…
Tuy vậy, công tác báo chí năm 2021 cũng còn một số hạn chế, trong đó sự phối hợp giữa cơ quan chỉ đạo, cơ quan quản lý với cơ quan chủ quản báo chí có lúc, có nơi còn chưa kịp chủ động, kịp thời; một số trường hợp thông tin trên báo chí còn chậm, chưa kịp thời định hướng dư luận xã hội, nhất là các vụ việc phức tạp, nhạy cảm; vẫn còn tình trạng cơ quan báo chí thực hiện không đúng tôn chỉ, mục đích; tình trạng phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên vi phạm bị xử lý kỷ luật, thậm chí bị xử lý hình sự có dấu hiệu gia tăng….
Với tinh thần dân chủ, trách nhiệm, hội nghị cũng đã dành thời gian nghe đại biểu tham luận, trao đổi, chia sẻ về các vấn đề cần quan tâm trong công tác báo chí hiện nay cũng như trong đời sống báo chí - truyền thông; nhận diện xu hướng, thách thức, từ đó xác định những nhiệm vụ, giải pháp cho năm 2022 và các giai đoạn tiếp theo.
Các ý kiến cũng đề xuất cần tiếp tục quan tâm, bồi dưỡng nâng cao bản lĩnh chính trị, giáo dục đạo đức cách mạng, đạo đức nghề nghiệp, chuyên môn nghiệp vụ của người làm báo; thúc đẩy chuyển đổi số, áp dụng công nghệ đo lường hiệu quả trong hoạt động chỉ đạo báo chí, hoạt động quản lý báo chí; tăng cường các biện pháp hỗ trợ cơ quan báo chí phát triển hạ tầng công nghệ kỹ thuật theo mô hình toà soạn hội tụ, đa phương tiện; quản lý tốt các nền tảng xuyên biên giới, nhất là các nền tảng mạng xã hội, nền tảng quảng cáo số, bảo vệ quyền lợi của báo chí trên các nền tảng xuyên biên giới.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam gửi lời cảm ơn báo chí cả nước đã đồng hành cùng Đảng, Nhà nước và nhân dân trong đại dịch COVID-19. Theo Phó Thủ tướng, trong những thời khắc khó khăn của công cuộc phòng, chống đại dịch COVID-19, lòng tin của nhân dân vào các chính sách của Đảng, Nhà nước vẫn ở mức cao. Để có kết quả đó, có sự đóng góp lớn của các cơ quan báo chí trong việc cổ vũ, động viên lực lượng tuyến đầu chống dịch, định hướng tư tưởng, hành động trong mọi tầng lớp nhân dân, tạo thành sức mạnh để vượt qua khó khăn khi dịch bệnh bùng phát trên diện rộng.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị các cơ quan báo chí thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, đi vào chiều sâu Quy hoạch báo chí phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025; làm tốt việc đặt hàng báo chí; đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí.
Phó Thủ tướng cho rằng, việc sắp xếp, quy hoạch báo chí là cả một quá trình, không thể nóng vội. Trong năm 2022, chúng ta cần phải tổng kết về việc triển khai quy hoạch báo chí để từ đó có sự điều chỉnh phù hợp. Báo chí phải cạnh tranh nhiều, nhất là với mạng xã hội. Do vậy, các cơ quan cần chủ động cung cấp thông tin cho báo chí để báo chí chính thống có thông tin chính xác nhất, sớm nhất, có thể cạnh tranh với mạng xã hội.
Kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh: Năm 2022 là năm có ý nghĩa nền tảng, bản lề trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, đòi hỏi các cơ quan báo chí, đội ngũ người làm báo và các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí cần phát huy kết quả năm 2021, nhận diện đầy đủ, nghiêm túc, nhanh chóng khắc phục những tồn tại, hạn chế để tiếp tục nỗ lực, đổi mới, sáng tạo, quyết tâm cao hơn nữa hoàn thành tốt các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra.
Giao nhiệm vụ cụ thể cho cơ quan báo chí trong năm 2022, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị báo chí cần tiếp tục đột phá, đưa thông tin nhanh hơn, nhiều hơn và liên tục hơn; đẩy mạnh tuyên truyền về đường lối, chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác với các quan điểm sai trái, thù địch vì đây là sứ mệnh của báo chí. Trong đó, lấy xây làm chính, cần tăng cường nói thật, nói đúng để đẩy lùi thông tin xấu, độc, tin giả.
Việc tuyên truyền về công tác phòng chống dịch COVID-19 cần nói đúng, trúng, dễ hiểu, có hướng dẫn hành động, tăng cường vai trò chính thống của người phát ngôn, người cung cấp thông tin, từ đó góp phần tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Tiếp tục tăng cường công tác quản lý báo chí theo hướng phát huy tích cực, hạn chế tiêu cực. Trong quy hoạch báo chí, cần dành sự quan tâm, ưu tiên cho báo điện tử vì đó là mặt trận mới của báo chí truyền thông. Báo chí cũng cần tiếp tục ưu tiên truyền tải thông điệp văn hoá, tăng cường thông tin đối ngoại; chuẩn bị tốt đề án kỷ niệm 100 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam.
Tại hội nghị, Ban Tuyên giáo Trung ương đã trao bằng khen tặng các cơ quan, đơn vị có thành tích xuất sắc trong công tác báo chí năm 2021.
Nguồn cand.com.vn
-
Untitled Document -
-
-
Đang online: 1 Hôm nay: 2991 Trong tuần: 46217 Trong tháng 197144 Tất cả: 17290704