Đảm bảo đạt 100% doanh nghiệp áp dụng hóa đơn điện tử đúng hạn
Báo cáo tại Hội nghị, Tổng cục Thuế cho biết, là đơn vị chủ lực dẫn dắt quá trình chuyển đổi số trong ngành Tài chính, ngay từ năm 1991, Tổng cục Thuế đã đưa ứng dụng công nghệ thông vào công tác quản lý. Đến nay qua 30 năm liên tục đầu tư và phát triển, hệ thống công nghệ thông tin của ngành thuế đã phát triển một cách toàn diện, điện tử hóa được mọi ứng dụng trong tất cả các khâu của quản lý thuế, từ tiếp nhận, xử lý hồ sơ, hạch toán nghĩa vụ thuế của cá nhân, doanh nghiệp trên cả nước với trên 41 triệu mã số thuế và hàng trăm triệu hồ sơ thuế, đến truyền nhận các văn bản chỉ đạo trong nội bộ cơ quan thuế.
Đặc biệt, với 12 năm phát triển cung cấp dịch vụ công trực tuyến, Tổng cục Thuế là một trong những cơ quan nhà nước tiên phong trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ điện tử cho người dân, doanh nghiệp. Mặc dù HĐĐT là công nghệ mới với nhiều tiện ích vượt trội so với hóa đơn giấy, song để thay đổi một cơ chế đã tồn tại lâu năm là thách thức rất lớn, đòi hỏi những nỗ lực vượt bậc của cả cơ quan thuế và người nộp thuế.
“Xác định công tác hiện đại hóa hệ thống thuế và triển khai áp dụng hoá đơn điện tử là một trong các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Tài chính nói chung và ngành Thuế nói riêng trong năm 2021 bởi những lợi ích to lớn của nó mang lại cho cộng đồng doanh nghiệp, người dân và cộng đồng xã hội, thời gian qua, các đơn vị thuộc Bộ Tài chính, đặc biệt là Tổng cục Thuế đã hết sức nỗ lực, quyết tâm vào cuộc, triển khai khẩn trương, quyết liệt các nhiệm vụ, nội dung công việc nhằm sớm đưa HĐĐT vào cuộc sống”, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn cho biết việc triển khai hệ thống HĐĐT theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 tại 6 tỉnh, thành phố là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Phú Thọ và Bình Định bắt đầu từ tháng 11/2021. Giai đoạn 2 tại 57 địa phương còn lại, Để kịp thời triển khai HĐĐT, Bộ Tài chính đã phối hợp chặt chẽ với UBND các tỉnh, thành phố với tinh thần khẩn trương và quyết liệt. Đồng thời, đã chỉ đạo Tổng cục Thuế chuẩn bị các điều kiện cần thiết để khởi động hệ thống HĐĐT.
“Việc triển khai áp dụng HĐĐT mà ngành Tài chính, ngành Thuế đang thực hiện cũng góp phần vào chuyển đổi số ở Việt Nam, giúp thay đổi tích cực phương thức điều hành, lãnh đạo, quản lý, quy trình làm việc của cơ quan thuế cũng như của các DN. Việc chuyển đổi sang HĐĐT có ý nghĩa quan trọng giúp DN giảm chi phí hơn so với sử dụng hóa đơn giấy (giảm chi phí giấy in, mực in, vận chuyển, lưu trữ hóa đơn, không gian lưu trữ hóa đơn…), giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính thuế. Và đặc biệt, việc triển khai hệ thống HĐĐT còn có ý nghĩa quan trọng trong xây dựng cơ sở dữ liệu lớn (big data), mấu chốt của chuyển đổi số không chỉ đối với cơ quan thuế mà còn đối với cả DN và nền kinh tế. Góp phần quan trọng phát triển Chính phủ điện tử, đổi mới công tác quản lý nhà nước. Bên cạnh đó, việc áp dụng HĐĐT góp phần hạn chế các hành vi gian lận về hoá đơn”, ông Tuấn thông tin.
Đẩy mạnh tuyên truyền, tạo thuận lợi cho người nộp thuế
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho rằng Hội nghị trực tuyến toàn quốc công bố Hệ thống HĐĐT là sự kiện quan trọng, khẳng định những nỗ lực và kết quả bước đầu đạt được của các cấp, các ngành, các địa phương, đặc biệt là của Bộ Tài chính và của ngành Thuế trong tăng cường quản lý thu ngân sách nhà nước, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong việc kê khai, nộp thuế, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, công khai, minh bạch; đồng thời góp phần thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số quốc gia, phát triển nền kinh tế sổ, xã hội số.
Theo Phó Thủ tướng, HĐĐT đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong quản lý thuế hiện đại. Đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số của nền kinh tế, thay đổi phương thức quản lý, quy trình làm việc của cơ quan thuế cũng như của doanh nghiệp, người nộp thuế; vừa tiết giảm chi phí hành chính, vừa xây dựng được cơ sở dữ liệu lớn (big data) đặc biệt quan trọng không chỉ đối với cơ quan thuế mà còn đối với khu vực doanh nghiệp và nền kinh tế.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Thủ tướng cũng thẳng thắn nhìn nhận công tác tài chính - NSNN nói chung và công tác quản lý thuế nói riêng vẫn còn những hạn chế, bất cập. Việc triển khai thực hiện nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác quản lý thuế vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức và còn nhiều việc cần phải làm. Có lúc, có nơi còn hiện tượng tiêu cực, nhũng nhiễu, gây phiền hà trong công tác quản lý thuế. Có thể nói, bất cứ khi nào, nơi nào còn sự bức xúc của người dân, doanh nghiệp mà không được hướng dẫn, giải thích đầy đủ hoặc xử lý kịp thời, hiệu quả thì các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức liên quan vẫn chưa hoàn thành nhiệm vụ.
Với quan điểm đó, Phó Thủ tướng đề nghị ngành Tài chính, ngành Thuế nói riêng và hệ thống hành chính nhà nước từ Trung ương đến địa phương nói chung cần có quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, sớm khắc phục những tồn tại, hạn chế, vượt qua khó khăn, thách thức, tạo thuận lợi hơn nữa cho người dân, doanh nghiệp. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh cả nước đang nỗ lực phục hồi và phát triển kinh tế xã hội theo phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.
“Ngành Tài chính, ngành Thuế cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách, hiện đại hóa công tác quản lý tài chính - NSNN, quản lý thuế theo hướng công khai, minh bạch, tạo thuận lợi và giảm thiểu thời gian, chi phí cho người dân, doanh nghiệp và cơ quan quản lý. Hội nghị hôm nay mới chỉ là bước khởi đầu, chúng ta vẫn còn nhiều việc phải làm ở phía trước để bảo đảm đạt được mục tiêu 100% doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử trên toàn quốc đến ngày 30/6/2022.
-
Untitled Document -
-
-
Đang online: 1 Hôm nay: 9535 Trong tuần: 50706 Trong tháng 112834 Tất cả: 17206389