Các hãng mới chỉ mở bán cho các chuyến bay khởi hành trước ngày 1/12/2021
Theo Cục Hàng không Việt Nam, tính từ ngày 4/10 đến nay, 4 hãng hàng không Việt Nam đã tổ chức khai thác 42 đường bay nội địa tới toàn bộ 22 cảng hàng không của Việt Nam với tổng cộng hơn 2.500 chuyến bay, vận chuyển hơn 250.000 khách.
Nhu cầu bay lớn nhất tập trung vào đường trục, đặc biệt là các đường bay kết nối TP.Hồ Chí Minh và các địa phương phía Bắc như: Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An. Trong đó, đường bay có kết quả vận chuyển tốt nhất là Hà Nội - TP.Hồ Chí Minh.
“Toàn bộ hành khách đã vận chuyển đáp ứng điều kiện: Có chứng nhận tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19 hoặc chứng nhận khỏi bệnh COVID-19 hoặc có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ”, Cục Hàng không Việt Nam thông tin. Riêng hành khách trên các chuyến bay xuất phát từ 2 cảng hàng không quốc tế Cần Thơ, Tân Sơn Nhất hoặc hành khách cư trú, lưu trú trước chuyến bay tại địa bàn có dịch ở cấp độ 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa) trước khi di chuyển đều có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ.
Trước nhu cầu của người dân tăng cao, Cục Hàng không Việt Nam đã đã có văn bản đề xuất với Bộ GTVT tăng tần suất 3 đường bay trục Hà Nội - TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội - Đà Nẵng và Đà Nẵng - TP.Hồ Chí Minh. Cục Hàng không Việt Nam cũng đề nghị khai thác bình thường từ tháng 12/2021.
Liên quan đến kế hoạch bay dịp Tết, lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cho hay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên việc mở đường bay đến đâu, tần suất như thế nào cần căn cứ vào thực tiễn thì mới mở bán để tránh trường hợp vé bán ra nhưng chuyến bay không thể thực hiện được nếu dịch diễn biến phức tạp…
Chính vì vậy, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã yêu cầu chỉ mở bán với những chuyến bay đã được cấp phép. Điều này cũng đồng nghĩa với việc đến thời điểm hiện tại, các hãng mới chỉ mở bán cho các chuyến bay khởi hành trước ngày 1/12/2021. Về phía hãng hàng không, đại diện Vietnam Airlines thông tin, cũng như mọi năm, hãng đã triển khai công tác bán Tết trước 5 tháng và đã sẵn sàng các công tác bán Tết 2022 từ cuối tháng 8/2021 với các thông điệp về số ghế cung ứng cũng như các chương trình giới thiệu điểm đến để hành khách đi lại, thăm thân, nghỉ ngơi.
Tuy nhiên, từ ngày 1/9/2021 khi nhà chức trách yêu cầu dừng bán vé các đường bay nội địa, các hoạt động bán vé nói chung và công tác triển khai chuẩn bị cho Tết 2022 nói riêng đã tạm dừng. Hiện nay, theo hướng dẫn của Bộ GTVT, Cục Hàng không Việt Nam, các hãng hàng không trong đó có Vietnam Airlines vẫn đang khai thác giới hạn tần suất trong giai đoạn thí điểm đường bay nội địa.
“Chúng tôi hy vọng, các cơ quan chức năng sẽ sớm cho phép khôi phục hoàn toàn các chuyến bay nội địa để mở bán Tết trở lại cho người dân đặt chỗ, mua vé”, đại diện Vietnam Airlines bày tỏ.
Không để hành khách không có phương tiện về quê
Về vận tải đường bộ, trao đổi nhanh với ông Nguyễn Anh Toàn, Giám đốc Công ty quản lý bến xe Hà Nội cho biết, đến hiện tại dù đã được cho phép hoạt động trở lại, song có ít nhà xe chạy vì không có khách. Tính từ đầu tháng 10 đến nay, các nhà xe chỉ chạy được chừng 25% công suất, lượng khách qua bến cũng không nhiều. Vì thế, dù đã vào cuối năm, song vận tải khách đường bộ vẫn “án binh bất động”. “Chúng tôi chưa thấy nhà xe nào gửi phương án chạy Tết”, ông Toàn cho biết.
Mặc dù hoạt động vận tải chưa thể trở lại bình thường, lượng khách bấp bênh, song để đảm bảo ATGT, đảm bảo quyền lợi cho người dân, ngày 18/11, Bộ GTVT đã ban hành kế hoạch phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân, đảm bảo ATGT, gắn với phòng, chống dịch COVID-19 dịp Tết 2022.
Kế hoạch của Bộ GTVT nêu rõ, để phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân, bảo đảm ATGT gắn với phòng, chống dịch COVID-19 trong dịp Tết, không để hành khách chậm về quê đón Tết do không có phương tiện vận chuyển và hạn chế các hiện tượng chèn ép giá, lợi dụng tăng giá không đúng quy định; chậm chuyến, hủy chuyến trong vận tải hàng không, Bộ GTVT yêu cầu các đơn vị liên quan thành lập Ban chỉ đạo vân tải trong dịp Tết của đơn vị. Lập danh sách và phân công lãnh đạo, chuyên viên trực trong dịp Tết.
Công bố số điện thoại đường dây nóng tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân và doanh nghiệp, thường trực 24/24 để tiếp nhận xử lý thông tin liên quan. Các đơn vị vận tải xây dựng kế hoạch phục vụ vận tải, xây dựng và triển khai phương án tổ chức vận tải bảo đảm tuân thủ quy định về phòng, chống dịch COVID-19, đồng thời đảm bảo đáp ứng kịp thời khi nhu cầu vận tải phát sinh tăng cao, đặc biệt tại các đầu mối giao thông, giải tỏa hành khách và hạn chế tối đa ùn tắc giao thông.
Cần chủ động bán vé trước cho hành khách bằng nhiều hình thức và ưu tiên ứng dụng công nghệ thông tin, tạo thuận lợi cho người dân có nhu cầu mua vé, đồng thời có biện pháp chống việc đầu cơ, buôn bán vé gây mất trật tự xã hội.
Bộ GTVT cũng chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải, bến xe thực hiện công khai, minh bạch và đúng quy định về giá cước vận tải, các loại giá, phí dịch vụ tại bến xe. Các đơn vị kinh doanh vận tải khách bảo đảm năng lực, chất lượng dịch vụ vận tải và tuân thủ nghiêm quy định về phòng, chống dịch COVID- 19. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm tại một số địa phương có hiện tượng nhiều “xe dù, bến cóc”, xe quá tải.
Theo: cand.com.vn
-
Untitled Document -
-
-
Đang online: 1 Hôm nay: 4923 Trong tuần: 73440 Trong tháng 218708 Tất cả: 16368021