Chiều 8/11, tiếp tục thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, công tác phòng, chống dịch COVID-19 và ngân sách nhà nước, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Vũ Thị Lưu Mai (TP Hà Nội) cho rằng, hơn 2 năm kể từ ngày dịch bệnh bùng phát, kế sinh nhai và việc làm của nhóm nghèo nhất xã hội đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Do đó, cần khảo sát, đánh giá rõ thực trạng xã hội để nhìn thấy những khó khăn mà chúng ta phải đối mặt.
Về các gói an sinh xã hội với mức 2-3 triệu đồng/người/lần, theo bà mang ý nghĩa động viên rất lớn, tuy nhiên đó chỉ là những giải pháp mang tính chất tình thế. Chỉ khi chúng ta có giải pháp hữu hiệu để phát triển sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm cho người lao động thì mới có thể thu hẹp khoảng cách giàu nghèo.
Nữ đại biểu đề nghị rà soát, ban hành những quy định mang tính thống nhất về thẩm quyền ban hành các biện pháp chống dịch để kịp thời hạn chế tình trạng thiếu thống nhất trong xử lý giữa các địa phương thời gian qua. Tạo lập một khuôn khổ pháp lý ổn định, vững chắc để huy động sức mạnh của y tế tư nhân vào công cuộc phòng, chống dịch, khắc phục những thiếu hụt, hạn chế của hệ thống y tế công lập.
"Rất mong Chính phủ sớm ban hành Nghị quyết điều chỉnh chế độ, chính sách cho những người đang ở tuyến đầu phòng, chống dịch là lực lượng y, bác sỹ, Quân đội, Công an, những người đang phải đối mặt với nguy hiểm để giành giật sự sống, bảo vệ cuộc sống bình yên cho chúng ta", đại biểu Vũ Thị Lưu Mai bày tỏ.
Bên cạnh đó, ĐBQH Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk) đề xuất Nhà nước, Chính phủ cần có chính sách khuyến khích hơn nữa về vật chất, tinh thần, khen thưởng, ghi công đối với các y bác sĩ, nhân viên y tế, những "chiến sỹ áo trắng", cán bộ, chiến sỹ Quân đội, Công an phải xa gia đình trong thời gian dài, chấp nhận hy sinh, kiên cường bám trụ, bất chấp hiểm nguy, chiến đấu quên mình vì sức khỏe, tính mạng của người dân.
"Có người đã vĩnh viễn ra đi. Chúng ta đã xác định họ là chiến sỹ, đã ghi nhận công lao của họ, Đảng, Nhà nước cần có thêm những chính sách thỏa đáng và hình thức khen thưởng xứng đáng, kịp thời với sự cống hiến, hy sinh của họ, cũng là để động viên, khuyến khích các lực lượng tiếp theo trong cuộc chiến phòng, chống dịch còn hết sức khó khăn, lâu dài và khó lường", đại biểu nhấn mạnh thêm.
Cùng quan điểm, ĐBQH Trịnh Xuân An (Đồng Nai) cho biết, trong đợt dịch thứ tư vừa qua đã điều động một lực lượng Quân đội lớn nhất từ sau chiến tranh, cho thấy vai trò, phẩm chất của lực lượng Quân đội trong những lúc đất nước gặp khó khăn. Tham gia phòng, chống dịch cũng là kinh nghiệm quý để Quân đội diễn tập cho các tình huống đánh địch vô hình, cho các tình huống an ninh phi truyền thống, rèn luyện bản lĩnh để phòng khi có kẻ thù gây hấn với đất nước ta.
Từ đó, đại biểu đề nghị Đảng, Nhà nước, Quốc hội cần tiếp tục quan tâm đầu tư thêm cho Quân đội nói riêng và lực lượng vũ trang nói chung. Bởi nhiệm vụ chống dịch còn dài, Quân đội, Công an vẫn đóng vai trò quan trọng, cần phải quan tâm để các lực lượng bảo đảm sức mạnh, vừa huấn luyện sẵn sàng chiến đấu cao, vừa tham gia chống dịch hiệu quả.
Đánh giá cao sự đóng góp của các lực lượng trên tuyến đầu phòng, chống dịch, ĐBQH Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình) chia sẻ: "Gần hai năm trôi qua kể từ khi COVID-19 xuất hiện và trở thành đại dịch toàn cầu, Việt Nam chúng ta đã bước qua bốn làn sóng "virus corona" với nhiều cung bậc cảm xúc cùng những câu chuyện lay động lòng người khắp cả nước; từ tinh thần vì nhân dân, vì nhiệm vụ quên mình của lực lượng Y tế, Công an, Quân sự - tuyến đầu chống dịch đến tinh thần nhường cơm, sẻ áo đậm nghĩa đồng bào; từ những phút lắng lòng trước những mất mát hy sinh, những sự vỡ òa vui sướng khi làn sóng COVID-19 lần thứ tư dần được kiểm soát và ngăn chặn"...
Nguồn cand.com.vn
-
Untitled Document -
-
-
Đang online: 1 Hôm nay: 5616 Trong tuần: 58173 Trong tháng 120304 Tất cả: 17213861