CÔNG AN BẠC LIÊU
Toàn văn phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 4 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Cập nhật ngày: 8-10-2021
Sau hơn 3 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc và đầy tinh thần trách nhiệm, Hội nghị Trung ương 4 đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra và bế mạc vào sáng 7/10. Báo CAND trân trọng giới thiệu với bạn đọc toàn văn phát biểu bế mạc Hội nghị của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Toàn văn phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 4 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng -0
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu bế mạc Hội nghị. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Kính thưa Trung ương,

Thưa các đồng chí tham dự Hội nghị,

Sau hơn 3 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc và đầy tinh thần trách nhiệm, Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương của chúng ta đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra. Các đồng chí Uỷ viên Trung ương và các đồng chí tham dự Hội nghị đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, phát huy dân chủ, trí tuệ, thẳng thắn thảo luận sôi nổi, đóng góp nhiều ý kiến rất tâm huyết và quan trọng vào các Báo cáo và Đề án do Bộ Chính trị và Ban cán sự đảng Chính phủ trình Trung ương. Bộ Chính trị đã tiếp thu những ý kiến xác đáng và giải trình những vấn đề còn có ý kiến khác nhau; Ban Chấp hành Trung ương đã thống nhất cao thông qua các nghị quyết, kết luận của Trung ương. Để kết thúc Hội nghị, tôi xin thay mặt Bộ Chính trị phát biểu, làm rõ thêm một số vấn đề và khái quát lại những kết quả chủ yếu mà Hội nghị đã đạt được.

1. Về kinh tế-xã hội năm 2021 - 2022

Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, xem xét, phân tích, đánh giá một cách khách quan, toàn diện các vấn đề, Ban Chấp hành Trung ương đã thống nhất cao cho rằng, năm 2021 là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; thành công của Đại hội đã tạo ra xung lực mới và khí thế mới cho sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Sau Đại hội Đảng, Trung ương đã tổ chức tốt 3 hội nghị Trung ương; lãnh đạo tiến hành thành công Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; sớm kiện toàn các cơ quan và nhân sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước; tổ chức thành công nhiều hội nghị toàn quốc và sự kiện chính trị quan trọng khác; đồng thời đã chỉ đạo khẩn trương, nghiêm túc nghiên cứu, xây dựng và tích cực tổ chức thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2021 và 5 năm 2021-2025; cách làm rất bài bản, hợp lý, khoa học, như nhiều lần tôi đã nói: "Nhất hô bá ứng", "tiền hô hậu ủng", "trên dưới đồng lòng" và "dọc ngang thông suốt".

Với tinh thần đổi mới mạnh mẽ, năng động, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện, và sự nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, chúng ta đã kế thừa, phát huy tốt những thành tựu, kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế, yếu kém còn tồn tại và bình tĩnh, tỉnh táo xử lý kịp thời, đúng đắn những vấn đề khó, chưa có tiền lệ, mới phát sinh trong phòng, chống dịch bệnh; hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp từng bước vượt qua khó khăn, duy trì, phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh, chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ và đời sống nhân dân, chăm lo việc học hành của học sinh, sinh viên... Tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta, truyền thống đoàn kết, yêu nước, "thương người như thể thương thân", "lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều" của dân tộc ta lại tiếp tục được phát huy cao độ. Nhờ đó, đã kiểm soát được đợt dịch bùng phát lần thứ 3; kinh tế 6 tháng đầu năm vẫn tăng trưởng khá, ở mức 5,64%, cao hơn cùng kỳ năm trước. Trong 9 tháng qua, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chỉ tăng 1,82% so với cùng kỳ; các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm; tổng thu ngân sách đạt 80,2% dự toán; thị trường tiền tệ, thị trường chứng khoán cơ bản ổn định; xuất khẩu hàng hoá tăng 24,4% so với cùng kỳ. Đặc biệt là, đã kịp thời ứng phó và thực hiện các chính sách hỗ trợ để khắc phục, giải quyết khó khăn cho người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. An ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững; công tác quốc phòng, an ninh, đối ngoại đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần giữ vững ổn định chính trị-xã hội, bảo vệ độc lập, chủ quyền quốc gia; tiếp tục nâng cao uy tín và vị thế của nước ta trên trường quốc tế.

Ban Chấp hành Trung ương hoan nghênh, biểu dương, đánh giá cao và trân trọng cảm ơn những nỗ lực, đóng góp to lớn, những nghĩa cử cao đẹp của đồng bào, đồng chí, chiến sĩ và cộng đồng các doanh nghiệp cả nước; cảm ơn sự ủng hộ, giúp đỡ có hiệu quả của đồng bào ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế trong phòng, chống đại dịch COVID-19 thời gian qua. Đồng thời, chia sẻ sâu sắc những tổn thất, mất mát về người và của mà nhân dân ta đã phải gánh chịu; ghi công, tôn vinh những đồng bào, cán bộ, chiến sĩ các lực lượng nơi tuyến đầu chống dịch, nhất là ngành Y tế, các lực lượng vũ trang và cán bộ cơ sở đã dũng cảm hy sinh quên mình vì sinh mệnh, sức khoẻ và cuộc sống yên bình của nhân dân.

Mặt khác, Trung ương cũng đã tập trung phân tích những ảnh hưởng nặng nề, nhiều mặt của đợt bùng phát dịch lần thứ 4 với biến chủng Delta lây lan rất nhanh, hết sức nguy hiểm; và bàn về những chủ trương, chính sách đúng đắn, tổng thể, căn cơ, bài bản hơn để quyết liệt phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh, định hướng phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.

Hội nghị thống nhất nhận định: Do hậu quả nặng nề bởi đợt bùng phát dịch lần thứ 4 gây ra, kinh tế quý III tăng trưởng âm 6,17% so với cùng kỳ năm 2020, làm cho tăng trưởng kinh tế 9 tháng đầu năm chỉ đạt 1,42%, là mức thấp nhất từ năm 2000 đến nay; dự báo cả năm chỉ đạt khoảng 3%, thấp xa so với mục tiêu Quốc hội đề ra (6%). Kinh tế-xã hội cả nước đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức lớn, và có thể còn tiếp tục kéo dài trong những tháng cuối năm 2021 và năm 2022. Các hoạt động sản xuất kinh doanh, việc học tập, nhất là học trực tuyến của học sinh, sinh viên và đời sống của người lao động trên hầu hết các lĩnh vực gặp nhiều khó khăn; không ít doanh nghiệp phải dừng hoạt động, thậm chí bị giải thể, phá sản. Nợ xấu ngân hàng có khả năng tăng cao; tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với thị trường tài chính - tiền tệ, thị trường lao động, ổn định kinh tế vĩ mô, môi trường đầu tư kinh doanh. Đời sống của nhân dân, sức chống chịu của người lao động ở vùng dịch bị ảnh hưởng rất nặng nề; nẩy sinh nhiều vấn đề phức tạp về tâm lý, tâm trạng xã hội, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Dự báo, không hoàn thành được nhiều mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu đã đề ra cho năm 2021.

Ngoài nguyên nhân khách quan do tác động của dịch bệnh là chủ yếu, cũng có nguyên nhân chủ quan trong phòng, chống dịch bệnh; có lúc, có nơi còn lơ là, chủ quan, bị động, lúng túng hoặc cứng nhắc, thiếu thống nhất, đồng bộ trong lãnh đạo, chỉ đạo xử lý các tình huống cụ thể, đột xuất; còn hạn chế, bất cập trong dự báo, phân tích tình hình để xây dựng và triển khai thực hiện có bài bản các phương án ngắn hạn cũng như dài hạn, vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế-xã hội.

Trong những tháng cuối năm 2021, cần phải khẩn trương xây dựng và tổ chức thực hiện các phương án, kịch bản cụ thể, sát hợp hơn với thực tế tình hình hiện nay và có tính khả thi cao để tiếp tục tập trung ưu tiên phòng, chống dịch bệnh và khắc phục có hiệu quả ảnh hưởng của dịch bệnh; tuyệt đối bình tĩnh, tỉnh táo, không quá hốt hoảng, nhưng cũng không được lơ là, chủ quan, nóng vội, phấn đấu kiểm soát về cơ bản được dịch bệnh trên phạm vi toàn quốc trong thời gian sớm nhất có thể để khôi phục, phát triển kinh tế-xã hội. Tập trung ưu tiên triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách, giải pháp hỗ trợ thiết thực, có hiệu quả cho nhân dân, người lao động và doanh nghiệp; nâng cao sức chống chịu, vượt qua khó khăn, thách thức; ổn định đời sống và phục hồi sản xuất kinh doanh. Giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; ổn định kinh tế vĩ mô; kiểm soát giá cả, thị trường, bảo đảm cung ứng, lưu thông hàng hoá và các cân đối lớn của nền kinh tế. Tập trung tháo gỡ các khó khăn, điểm nghẽn, khơi thông mọi nguồn lực cho phòng, chống dịch và phát triển kinh tế-xã hội.

Dự báo, trong năm 2022, tình hình dịch bệnh trên thế giới và ở nước ta còn diễn biến phức tạp, khó lường; có thể còn bùng phát các đợt dịch mới với những biến chủng mới, lây lan nhanh hơn và nguy hiểm hơn. Thế giới khó có thể kiểm soát dịch bệnh một cách tuyệt đối; do đó cần phải có chính sách, biện pháp phù hợp để phòng, chống, "thích ứng an toàn, linh hoạt" hoặc "sống chung" với dịch bệnh.

Vì vậy, Hội nghị đặc biệt nhấn mạnh: Từ bài học kinh nghiệm trong nước và quốc tế đúc rút được thời gian qua, cần phải đổi mới tư duy, nhận thức đúng đắn hơn về phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh gắn với duy trì, phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh để xây dựng các phương án, kịch bản phù hợp đưa vào Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, tài chính - ngân sách nhà nước, đầu tư công năm 2022 sao cho sát hợp, khả thi nhất có thể. Trên cơ sở kế hoạch kinh tế-xã hội năm 2022 và chủ trương, định hướng phòng, chống dịch trong tình hình mới, kịp thời điều chỉnh chính sách tài chính - tiền tệ linh hoạt, hiệu quả, tạo nguồn lực để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế, phục hồi sản xuất kinh doanh, lưu thông hàng hoá, lao động, nhất là ở các địa phương đã thực hiện giãn cách xã hội trong thời gian dài, thúc đẩy xuất khẩu và tiêu dùng nội địa, đẩy mạnh đầu tư, bao gồm cả đầu tư công và đầu tư tư nhân. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế-xã hội; tập trung ưu tiên bổ sung, hoàn thiện thể chế, tháo gỡ khó khăn, xử lý có hiệu quả các vấn đề tồn đọng, các nút thắt và điểm nghẽn cho đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh; cơ cấu lại một số ngành, lĩnh vực quan trọng và doanh nghiệp đang bị tác động trực tiếp bởi dịch COVID-19, như: Thương mại, dịch vụ, hàng không, du lịch,... để thích ứng với trạng thái bình thường mới, tạo nền tảng cho giai đoạn phục hồi các ngành, lĩnh vực và doanh nghiệp này từ năm 2022 trở đi. Có giải pháp bảo vệ các doanh nghiệp trong các lĩnh vực chủ đạo của nền kinh tế, cũng như tránh sự đổ vỡ của các tập đoàn kinh tế lớn (cả nhà nước và tư nhân), có thể dẫn đến sự đổ vỡ dây chuyền trong nền kinh tế; không để nền kinh tế bị lỡ nhịp trong xu hướng hồi phục kinh tế thế giới cũng như quá trình tái cấu trúc chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Chỉ đạo quyết liệt đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các dự án lớn, trọng điểm quốc gia.

Sớm nghiên cứu, xây dựng kịch bản tăng trưởng mới cho thời kỳ "hậu COVID-19", các giải pháp tổng thể kích thích nền kinh tế, hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động, không để suy giảm các động lực tăng trưởng trong dài hạn. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội; khẩn trương rà soát, không để sót, để lọt đối tượng, địa bàn cần hỗ trợ. Kịp thời đề xuất khen thưởng đối với các tổ chức, cá nhân tham gia tuyến đầu hoàn thành tốt nhiệm vụ. Chăm lo sức khoẻ, đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh - phúc lợi xã hội, phát triển văn hoá, giáo dục; chỉ đạo, hướng dẫn và có giải pháp phù hợp cho việc đi học bình thường của học sinh, sinh viên. Thực hiện tốt công tác dự báo và phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Với tinh thần nói trên, Ban Chấp hành Trung ương đồng tình về cơ bản với mục tiêu tổng quát và những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cho năm 2022 do Ban cán sự đảng Chính phủ đề xuất, trong đó có việc lùi thời điểm thực hiện lộ trình cải cách chính sách tiền lương mà Nghị quyết Trung ương 7 khoá XII đã nêu. Đồng thời, yêu cầu tiếp tục rà soát, tính toán kỹ lưỡng, chuẩn xác hoá lại các mục tiêu, chỉ tiêu và nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để trình Quốc hội xem xét, quyết định, bảo đảm đáp ứng yêu cầu vừa tiếp tục phòng, chống, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh, vừa phục hồi phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2022 và các năm tiếp theo. Tập trung ưu tiên thực hiện có hiệu quả các giải pháp bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh; đồng thời xử lý những hạn chế, yếu kém tồn đọng từ lâu của nền kinh tế, nhất là trong việc giải ngân vốn đầu tư công; cải cách doanh nghiệp nhà nước và xử lý vấn đề các dự án thua lỗ lớn, chậm tiến độ kéo dài; các ngân hàng thương mại mua bắt buộc 0 đồng... Tăng cường các giải pháp bảo đảm chất lượng giáo dục và đào tạo; bảo đảm quốc phòng, an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại trong tình hình mới; tăng cường sự thống nhất, đồng thuận của nhân dân cùng chia sẻ, khắc phục những khó khăn chung của đất nước.

2. Về xây dựng, chỉnh đốn Đảng

Ban Chấp hành Trung ương khẳng định, hơn 90 năm qua, Đảng ta đã xác lập, củng cố và ngày càng nâng cao vai trò lãnh đạo, sức mạnh và uy tín của mình bằng chính bản lĩnh, nghị lực, trí tuệ, lý luận tiên phong; bằng đường lối đúng đắn mang lại lợi ích thiết thân cho nhân dân, cho đất nước; bằng sự nêu gương, hy sinh quên mình, phấn đấu không mệt mỏi của đội ngũ cán bộ, đảng viên; bằng một tổ chức đoàn kết, thống nhất chặt chẽ, vững chắc; bằng mối liên hệ máu thịt với nhân dân, được nhân dân hết lòng tin yêu, ủng hộ và bảo vệ. Thực tế từ ngày có Đảng, nhân dân ta đã có người lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt, và nhờ thế đã giành được hết thắng lợi này đến thắng lợi khác, lập nên những kỳ tích trong thế kỷ XX. Trong thời kỳ đổi mới, Đảng ta đã lãnh đạo đất nước vượt qua mọi khó khăn, thách thức và đạt được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Chúng ta hoàn toàn có quyền tự hào về bản chất tốt đẹp, truyền thống anh hùng và lịch sử vẻ vang của Đảng ta - Đảng do Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại sáng lập và rèn luyện, đại biểu của dân tộc Việt Nam anh hùng.

Ngày nay, trong điều kiện mới, đứng trước yêu cầu của sự nghiệp cách mạng trong giai đoạn mới, với quy mô, tầm vóc lớn lao, có nhiều khó khăn, thách thức mới, hơn bao giờ hết, chúng ta càng cần phát huy hơn nữa truyền thống và bản chất tốt đẹp của Đảng, chăm lo xây dựng Đảng ta thật sự vững vàng về chính trị, tư tưởng; thống nhất cao về ý chí, hành động; trong sạch về đạo đức, lối sống; chặt chẽ về tổ chức; gắn bó mật thiết với nhân dân, đủ sức lãnh đạo đưa đất nước ta vượt qua mọi khó khăn, ngày càng phát triển. Đại hội XIII của Đảng đã đề ra yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng với 10 giải pháp cơ bản, đồng bộ, trong đó nhấn mạnh phải tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII với trọng tâm là ngăn chặn, đẩy lùi, kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm minh sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những hành vi tham nhũng, tiêu cực và những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ.

Cái mới của lần này là Trung ương đã mở rộng phạm vi, không chỉ trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng mà còn bao gồm cả trong xây dựng hệ thống chính trị đúng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; cùng với ngăn chặn, đẩy lùi thì phải chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những hành vi tham nhũng, tiêu cực... Đồng thời, bổ sung, làm rõ hệ thống những biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá", "tiêu cực" sát hợp tình hình mới. Trong đó nhấn mạnh, nguy hiểm nhất là sự phai nhạt lý tưởng cách mạng, không kiên định con đường xã hội chủ nghĩa, mơ hồ, dao động, thiếu niềm tin; nói trái, làm trái quan điểm, đường lối của Đảng; sa sút về ý chí chiến đấu, thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh; thậm chí còn phụ hoạ theo những nhận thức, quan điểm sai trái, lệch lạc; không còn ý thức hết lòng vì nước, vì dân, không làm tròn bổn phận, chức trách được giao; không thực hiện đúng các nguyên tắc xây dựng Đảng và tổ chức sinh hoạt Đảng. Sự suy thoái về đạo đức, lối sống thể hiện ở chỗ: Sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi, hám danh, hám quyền lực, tham nhũng, tiêu cực; bè phái cục bộ, mất đoàn kết; quan liêu, xa dân, vô cảm trước những khó khăn, bức xúc của dân.

Từ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, cơ hội, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.

Trung ương khẳng định, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng, tiêu cực, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu, bắt nguồn từ chủ nghĩa cá nhân, từ việc bản thân cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện; lập trường tư tưởng không vững vàng; sa vào chủ nghĩa cá nhân, quên mất trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước dân. Nguyên tắc tập trung dân chủ bị buông lỏng, nguyên tắc tự phê bình và phê bình thực hiện không nghiêm. Việc nghiên cứu, sửa đổi, ban hành cơ chế, chính sách, luật pháp thích ứng với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chưa kịp thời; nhiều văn bản quy định thiếu chế tài cụ thể, thực hiện không nghiêm. Quản lý cán bộ, đảng viên còn lỏng lẻo. Đánh giá, sử dụng, bố trí cán bộ còn nể nang, cục bộ. Công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên chưa được coi trọng đúng mức, chậm đổi mới, kém hiệu quả. Công tác kiểm tra, giám sát, giữ gìn kỷ cương, kỷ luật ở nhiều nơi chưa thường xuyên, không nghiêm túc. Chưa phát huy đầy đủ, hiệu quả vai trò của nhân dân trong việc giám sát, phản biện, góp ý kiến xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền thông qua Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và các hình thức khác.

Về nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, Trung ương thống nhất cao phải tiến hành đồng bộ và quyết liệt hơn nữa nhiều công việc cụ thể, thiết thực, tập trung vào 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp mà Hội nghị Trung ương 4 khoá XII đã đề ra; đồng thời bổ sung nhấn mạnh thêm 2 nhóm nhiệm vụ, giải pháp là: Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xử lý nghiêm cán bộ sai phạm.

Theo đó, phải chú trọng nêu gương những người tốt, việc tốt; ngăn ngừa, cảnh báo, phê phán những việc làm sai trái. Đấu tranh mạnh mẽ chống chủ nghĩa cá nhân, thói ích kỷ vụ lợi, "lợi ích nhóm". Rà soát, hoàn thiện, thực hiện nghiêm cơ chế kiểm soát việc thực thi quyền lực của người có chức, có quyền. Xử lý nghiêm những hành vi vi phạm kỷ luật đảng, pháp luật của Nhà nước; kiên quyết chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng; công tác cán bộ, công tác kiểm tra; công tác giáo dục, rèn luyện, quản lý đảng viên. Phát huy vai trò giám sát của nhân dân, của báo chí, của công luận.

Trung ương đặc biệt nhấn mạnh, muốn Nghị quyết và Kết luận này đi vào cuộc sống, tạo ra chuyển biến rõ rệt thì cả hệ thống chính trị phải vào cuộc. Từng tổ chức đảng, mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ cấp cao, cán bộ chủ chốt, người đứng đầu các cấp, các ngành phải nhận thức sâu sắc, đầy đủ trách nhiệm của mình trước nhân dân, đất nước, trước Đảng để tự giác, gương mẫu thực hiện. Ở đây, sự gương mẫu của Trung ương là cực kỳ quan trọng, có ý nghĩa quyết định. Từng đồng chí Uỷ viên Trung ương, Uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, từng đồng chí đứng đầu cấp uỷ, chính quyền các cấp phải tự giác, gương mẫu thực hiện nghị quyết, nói đi đôi với làm, chỉ đạo quyết liệt với quyết tâm rất cao, sự nỗ lực rất lớn. Đặc biệt, phải thực hiện nghiêm, có hiệu quả cụ thể hơn nữa Quy định về những điều đảng viên không được làm mà Kỳ họp này Trung ương mới bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện thêm theo đúng tinh thần, nội dung của các nghị quyết, chỉ thị, Điều lệ của Đảng và pháp luật của Nhà nước; khắc phục bằng được những hạn chế, bất cập, thiếu sót trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện, đáp ứng được yêu cầu của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong tình hình mới.

Hội nghị đã thống nhất cao ban hành Quy định mới về những điều đảng viên không được làm; coi đây là căn cứ, cơ sở quan trọng để xem xét, xử lý các vi phạm của cán bộ, đảng viên. Trung ương cho rằng, tổ chức thực hiện tốt Quy định mới và Kết luận của Hội nghị Trung ương lần này, tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng sẽ có tác động tích cực, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác giáo dục, rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất, đạo đức, lối sống, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc; ngăn chặn, đẩy lùi, kiên quyết đấu tranh, xử lý thật nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu cực, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ; góp phần tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao phẩm chất đạo đức cách mạng, kiên quyết đấu tranh quét sạch chủ nghĩa cá nhân trong toàn Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh toàn diện.

Thưa các đồng chí,

Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII đã thành công tốt đẹp. Tổ chức thực hiện có kết quả các nghị quyết, kết luận của Trung ương tại Hội nghị lần này sẽ góp phần quan trọng đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống, thúc đẩy việc hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của nhân dân, giữ vững ổn định chính trị - xã hội và xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Để thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, kết luận của Hội nghị Trung ương lần này thì nhận thức của chúng ta phải chín, tư tưởng phải thông, quyết tâm phải lớn và phương pháp phải đúng, góp phần làm chuyển biến tình hình thật sự, có kết quả rõ ràng, cụ thể. Tôi đề nghị, mỗi đồng chí Uỷ viên Trung ương, trên cương vị công tác của mình, hãy phát huy tốt hơn nữa vai trò trách nhiệm cá nhân, cùng với cấp uỷ, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện thật tốt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các nghị quyết, kết luận của Trung ương.

Với tinh thần đó, tôi xin tuyên bố bế mạc Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII. Chúc các đồng chí mạnh khoẻ, hoàn thành tốt trọng trách của mình trước Đảng, trước Nhân dân và Đất nước, góp phần tiếp tục làm vẻ vang cho Dân tộc, cho Giống nòi.

Xin trân trọng cảm ơn các đồng chí!

Nguồn cand.com.vn

Các tin khác
  • Untitled Document
    ĐỐI TƯỢNG TRUY NÃ
    ĐỐI TƯỢNG TRUY NÃ
    ĐỐI TƯỢNG TRUY NÃ
    ĐỐI TƯỢNG TRUY NÃ
    ĐỐI TƯỢNG TRUY NÃ
    ĐỐI TƯỢNG TRUY NÃ
    ĐỐI TƯỢNG TRUY NÃ
    ĐỐI TƯỢNG TRUY NÃ
    ĐỐI TƯỢNG TRUY NÃ
    ĐỐI TƯỢNG TRUY NÃ
    ĐỐI TƯỢNG TRUY NÃ
    ĐỐI TƯỢNG TRUY NÃ
    ĐỐI TƯỢNG TRUY NÃ
    ĐỐI TƯỢNG TRUY NÃ
    ĐỐI TƯỢNG TRUY NÃ
    ĐỐI TƯỢNG TRUY NÃ
    ĐỐI TƯỢNG TRUY NÃ
    ĐỐI TƯỢNG TRUY NÃ
    ĐỐI TƯỢNG TRUY NÃ
    ĐỐI TƯỢNG TRUY NÃ
    ĐỐI TƯỢNG TRUY NÃ
    ĐỐI TƯỢNG TRUY NÃ
    ĐỐI TƯỢNG TRUY NÃ
    ĐỐI TƯỢNG TRUY NÃ
    ĐỐI TƯỢNG TRUY NÃ
    ĐỐI TƯỢNG TRUY NÃ
    ĐỐI TƯỢNG TRUY NÃ
    ĐỐI TƯỢNG TRUY NÃ
    ĐỐI TƯỢNG TRUY NÃ
    ĐỐI TƯỢNG TRUY NÃ
    ĐỐI TƯỢNG TRUY NÃ
    ĐỐI TƯỢNG TRUY NÃ
    ĐỐI TƯỢNG TRUY NÃ
    ĐỐI TƯỢNG TRUY NÃ
    ĐỐI TƯỢNG TRUY NÃ
    ĐỐI TƯỢNG TRUY NÃ
    ĐỐI TƯỢNG TRUY NÃ
    ĐỐI TƯỢNG TRUY NÃ
    ĐỐI TƯỢNG TRUY NÃ
    ĐỐI TƯỢNG TRUY NÃ
    ĐỐI TƯỢNG TRUY NÃ
    ĐỐI TƯỢNG TRUY NÃ
    ĐỐI TƯỢNG TRUY NÃ
    ĐỐI TƯỢNG TRUY NÃ
    ĐỐI TƯỢNG TRUY NÃ
    ĐỐI TƯỢNG TRUY NÃ
    ĐỐI TƯỢNG TRUY NÃ
    ĐỐI TƯỢNG TRUY NÃ
    ĐỐI TƯỢNG TRUY NÃ
    ĐỐI TƯỢNG TRUY NÃ
    ĐỐI TƯỢNG TRUY NÃ
    ĐỐI TƯỢNG TRUY NÃ
    ĐỐI TƯỢNG TRUY NÃ
    ĐỐI TƯỢNG TRUY NÃ
    ĐỐI TƯỢNG TRUY NÃ
    ĐỐI TƯỢNG TRUY NÃ
    ĐỐI TƯỢNG TRUY NÃ
    ĐỐI TƯỢNG TRUY NÃ
    ĐỐI TƯỢNG TRUY NÃ
    ĐỐI TƯỢNG TRUY NÃ
    ĐỐI TƯỢNG TRUY NÃ
    ĐỐI TƯỢNG TRUY NÃ
    ĐỐI TƯỢNG TRUY NÃ
    ĐỐI TƯỢNG TRUY NÃ
    ĐỐI TƯỢNG TRUY NÃ
    ĐỐI TƯỢNG TRUY NÃ
    ĐỐI TƯỢNG TRUY NÃ
    ĐỐI TƯỢNG TRUY NÃ
    ĐỐI TƯỢNG TRUY NÃ
    ĐỐI TƯỢNG TRUY NÃ
    ĐỐI TƯỢNG TRUY NÃ
    ĐỐI TƯỢNG TRUY NÃ
    ĐỐI TƯỢNG TRUY NÃ
    ĐỐI TƯỢNG TRUY NÃ
    ĐỐI TƯỢNG TRUY NÃ
    ĐỐI TƯỢNG TRUY NÃ
    ĐỐI TƯỢNG TRUY NÃ
    ĐỐI TƯỢNG TRUY NÃ
    ĐỐI TƯỢNG TRUY NÃ
    ĐỐI TƯỢNG TRUY NÃ
    ĐỐI TƯỢNG TRUY NÃ
    ĐỐI TƯỢNG TRUY NÃ
    ĐỐI TƯỢNG TRUY NÃ
    ĐỐI TƯỢNG TRUY NÃ
    ĐỐI TƯỢNG TRUY NÃ
    ĐỐI TƯỢNG TRUY NÃ
    ĐỐI TƯỢNG TRUY NÃ
    ĐỐI TƯỢNG TRUY NÃ
    ĐỐI TƯỢNG TRUY NÃ
    ĐỐI TƯỢNG TRUY NÃ
    ĐỐI TƯỢNG TRUY NÃ
    ĐỐI TƯỢNG TRUY NÃ
    ĐỐI TƯỢNG TRUY NÃ
    ĐỐI TƯỢNG TRUY NÃ
    ĐỐI TƯỢNG TRUY NÃ
    ĐỐI TƯỢNG TRUY NÃ
    ĐỐI TƯỢNG TRUY NÃ
    ĐỐI TƯỢNG TRUY NÃ
    ĐỐI TƯỢNG TRUY NÃ
    ĐỐI TƯỢNG TRUY NÃ
    ĐỐI TƯỢNG TRUY NÃ
    ĐỐI TƯỢNG TRUY NÃ
    ĐỐI TƯỢNG TRUY NÃ
    ĐỐI TƯỢNG TRUY NÃ
    ĐỐI TƯỢNG TRUY NÃ
    ĐỐI TƯỢNG TRUY NÃ
    ĐỐI TƯỢNG TRUY NÃ
    ĐỐI TƯỢNG TRUY NÃ
    ĐỐI TƯỢNG TRUY NÃ
    ĐỐI TƯỢNG TRUY NÃ
    ĐỐI TƯỢNG TRUY NÃ
    ĐỐI TƯỢNG TRUY NÃ
    ĐỐI TƯỢNG TRUY NÃ
  • Tin ảnh

  • 

  • 
    Đang online: 1
    Hôm nay: 8604
    Trong tuần: 373
    Trong tháng 137373
    Tất cả: 17230930